2.2. Ảnh hƣởng của yếu tố xã hội đến sức khỏe con ngƣời
2.2.4. Ảnh hưởng của hệ thốn gy tế đến sức khỏe
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của BCHTW khoá VII đã khẳng định: CSSK là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. Đây là một quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, nhằm phát huy mọi nguồn lực xã hội đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cơ sở lý luận của nó là
mối liên hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa vai trò của xã hội và hệ thống y tế đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã xác định được vai trò to lớn, quyết định của hệ thống y tế đối với công tác CSSK.
Hệ thống y tế bao gồm những gì con người tin và hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật và những gì người ta làm để duy trì sức khỏe và chữa trị bệnh tật [109, tr. 11].
Như vậy, hệ thống y tế bao gồm tất cả những tri thức của con người về sức khỏe, bệnh tật và những hoạt động có ý thức của con người để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chữa trị bệnh tật. Những cách thức sắp xếp về thể chế mà theo đó các hành vi sức khỏe diễn ra có phạm vi rộng và không chỉ là việc cung cấp các dịch vụ CSSK thông qua hệ thống y tế của nhà nước, bao gồm tất cả các cá nhân, các nhóm và các cơ quan trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động y tế. Những bộ phận này không hoàn toàn giống nhau ở tất cả các quốc gia, song nhìn chung thường bao gồm: cá nhân, gia đình và cộng đồng; các dịch vụ CSSK; các ban ngành liên quan đến sức khỏe khu vực quốc tế. Mỗi bộ phận này có một vai trò nhất định trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con người. Vai trò của hệ thống y tế đối với sức khỏe là rất to lớn, mà trước hết là các yếu tố: cơ cấu tổ chức hệ thống y tế; các chính sách y tế và chất lượng đội ngũ cán bộ nhân viên y tế.
Ảnh hưởng của cơ cấu tổ chức hệ thống y tế đến sức khỏe
Các bộ phận của hệ thống y tế là những thành tố không thể thiếu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con người, vì vậy, việc sắp xếp các bộ phận của hệ thống y tế để cho chúng phát huy hết được vai trò trong việc CSSK cho con người là hết sức cần thiết. Nếu hệ thống y tế được bố trí, sắp xếp hợp lí sẽ phát huy hết năng lực của các cơ quan chuyên môn, cơ sở vật chất của ngành, đem lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống y tế bao gồm các dịch vụ sức khỏe được cung cấp bởi khu vực công cộng (nhà nước) và khu vực tư nhân như: bệnh viện, phòng khám bệnh, các cơ sở CSSK. Hệ thống y tế chịu ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của từng quốc gia và được quyết định bởi các quan điểm chính sách y tế, thu nhập người dân, phân phối tài chính và cả ý tưởng của nhân dân về sức khỏe.
Hiện nay người ta thường phân các hệ thống y tế thành một số kiểu như sau:
Hệ thống y tế thương mại (Entreprenewrial), hoạt động dựa trên cơ sở thương mại của nền kinh tế tự do, điển hình của hệ thống này là hệ thống y tế nước Mỹ trước 2009. Do không có sự can thiệp của nhà nước nên chi phí cá nhân cho y tế rất cao, sự trợ giúp của nhà nước cho y tế thấp. Hầu hết nguồn lực y tế do tư nhân cung cấp, các hoạt động của hệ thống y tế này bị chi phối bởi lợi nhuận, hoạt động y tế mất cân đối, tập trung nhiều hơn ở các thành phố, các đô thị. Nhiều người dân không thể tiếp cận được các dịch vụ y tế và CSSK do chi phí cho y tế đắt đỏ, chỉ có những người giàu mới có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe dẫn đến tình trạng mất công bằng trong CSSK.
Hệ thống y tế bao quát (Coneprehenive) có nguồn lực tài chính chủ yếu cho sự hoạt động của mô hình này là sử dụng nguồn thu từ thuế, các dịch vụ y tế được coi như một phần của phúc lợi xã hội. Sự hoạt động của nó có sự kiểm soát của chính phủ, trong việc phân chia công bằng nguồn lợi y tế, do đó, nó có thể chăm sóc được hầu hết các đối tượng trong xã hội.
Hệ thống y tế theo hướng phúc lợi (Wellfare-Oriented), là hệ thống có sự kết hợp, đan xen giữa hệ thống thương mại và bao quát. Nét đặc trưng của nó là các cấp quyền lực công cộng can thiệp ở mức độ nhất định vào thị trường y tế. Hệ thống này phát huy được nguồn lực tài chính từ các bộ phận xã hội, giảm nhẹ gánh nặng chi phí y tế cho chính phủ, do đó, nó có thể quan tâm tới sức khỏe của nhiều đối tượng dân cư, đồng thời có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế theo yêu cầu của một bộ phận xã hội có thu nhập cao.
Hệ thống y tế xã hội chủ nghĩa, là hệ thống y tế có sự can thiệp hoàn toàn vào thị trường của tất cả các dịch vụ y tế. Ưu điểm lớn nhất của nó là chăm sóc được sức khỏe của hầu hết các đối tượng trong xã hội, nhưng lại có hạn chế là không phát huy được hết nguồn lực của xã hội, bộ máy cồng kềnh, dễ dẫn đến quan liêu trong các hoạt động y tế.
Việc phân loại các hệ thống y tế như trên chỉ có ý nghĩa tương đối, tuỳ theo từng nước và các giai đoạn lịch sử khác nhau mà mỗi nước đều luôn tìm
cách xây dựng hệ thống y tế phù hợp, đảm bảo cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân hiệu quả, ít tốn kém nhất dựa trên những nguyên tắc CSSK ban đầu.
Để thực hiện các quan điểm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngay từ khi đất nước giành được độc lập, ngành y tế Việt Nam đã được củng cố và phát triển. Hệ thống y tế nước ta được bố trí từ trung ương tới địa phương (xã, phường), với các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe được cung cấp miễn phí. Từ năm 1986, cùng với việc đổi mới kinh tế thì việc xã hội hoá và đa dạng hoá công tác y tế được đẩy mạnh, mạng lưới y tế tư nhân được khuyến khích phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trong đó, hệ thống y tế công giữ vai trò chủ đạo trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên phạm vi cả nước.
Tuyến trung ương (Bộ y tế) gồm 14 vụ, cục, văn phòng với các chức năng chủ yếu thiết lập các qui chế, các chính sách, quản lý các chương trình y tế, thống nhất quản lý nhà nước về công tác NCKH và đào tạo cán bộ trong
lĩnh vực y tế; hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Y tế tuyến tỉnh: bao gồm sở y tế và các đơn vị thuộc sở như bệnh viện đa
khoa tỉnh, các trung tâm y tế chuyên ngành.
Y tế tuyến huyện bao gồm: trung tâm y tế huyện, các đội chuyên khoa và bệnh viện huyện chịu trách nhiệm quản lý công tác CSSKND trên địa bàn.
Trạm y tế xã là đơn vị kỹ thuật đầu tiên tiếp xúc với nhân dân nằm trong hệ thống y tế Nhà nước. Tuyến này có nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật CSSK ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã và quản lý, chỉ đạo hoạt động của y tế thôn bản.
Y tế thôn bản là cầu nối giữa hệ thống y tế công cộng với người dân, thực hiện các công tác truyền thông; giáo dục sức khỏe, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch và phát hiện sớm dịch bệnh; hướng dẫn dinh dưỡng hợp lý; chăm sóc SKBMTE/KHHGĐ; sơ cứu và chăm sóc bệnh thông thường, tham gia các chương trình y tế thôn bản.
CSSK cho cán bộ nhân viên trong ngành.
Hệ thống y tế tư nhân là các cơ sở y tế do các cá nhân thành lập góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác y tế.
Cấu trúc của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay có tác động trực tiếp và gián tiếp đến công tác CSSKND, nó đã phát huy được vai trò trong những thời điểm, những địa phương nhất định, nhưng trước yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay hệ thống này đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải có sự đổi mới. Hệ thống y tế hiện nay tập trung chủ yếu ở y tế công, y tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đã có ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu CSSK ngày càng phong phú của người dân, chưa khai thác hết nguồn lực của xã hội cho công tác CSSK.
Y tế tư nhân hiện nay đã góp đáng kể vào việc CSSKND, góp phần làm giảm áp lực cho các cơ sở y tế công nhưng lực lượng, qui mô còn hạn chế, còn mang tính tự phát, nặng về chạy theo lợi nhuận mà ít quan tâm đến vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện về cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý đối với bộ phận này, dẫn đến thất thu về thuế, nhiều cơ sở vi phạm qui chế khám, chữa bệnh, không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn, làm nhiều các xét nghiệm không đúng với yêu cầu của bệnh…
Các cơ sở y tế công được bố trí thành một hệ thống từ trung ương đến các thôn, bản nhằm phủ kín cả nước, đáp ứng việc CSSK cho mọi đối tượng trong xã hội, Nhà nước dễ quản lý về chuyên môn và pháp lý. Mạng lưới này đóng vai trò chính trong việc CSSKND thời gian vừa qua, tuy nhiên, nó đòi hỏi Nhà nước phải chi một khoản ngân sách lớn, trong khi đất nước còn nghèo, gây ra nhiều những tác động tiêu cực trong công tác CSSK như: không đủ kinh phí hoạt động hiệu quả, đầu tư dàn trải ngân sách dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; các trang thiết bị hiện đại và nhân lực chất lượng cao chỉ tập trung chủ yếu ở tuyến trung ương, ở tuyến cơ sở các trang thiết bị và nhân lực chỉ được đầu tư rất hạn chế, do đó dẫn tới tình trạng: tuyến cơ sở không đáp ứng được các yêu cầu khám chữa bệnh của người dân, còn tuyến trung
ương luôn trong tình trạng quá tải; trang thiết bị y tế bị xuống cấp một cách nhanh chóng, một phần là do không được gìn giữ bảo quản cẩn thận, một mặt là do thiếu kinh phí để đầu tư đồng bộ và kịp thời; kinh phí hạn chế, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ y tế còn chưa thỏa đáng, cơ chế quản lý cán bộ chưa chặt chẽ… là những nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về y đức trong ngành y tế hiện nay.
Từ những đặc điểm trên cho thấy, hệ thống y tế ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác CSSKND, người dân không có điều kiện để tiếp xúc với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất, thuận tiện nhất, các bệnh viện tuyến trung ương luôn quá tải, tình trạng 2-3 bệnh nhân thậm chí 4-5 bệnh nhân một giường còn tồn tại phổ biến. Việc khám, chữa bệnh của người dân còn gặp nhiều khó khăn phức tạp, nhiêu khê và phiền hà, dẫn đến tình trạng người dân có tâm lý ngại đến các cơ sở y tế khám bệnh, khi đi khám thường phát hiện bệnh muộn, tình trạng bệnh đã nặng rất khó điều trị và tốn kém.
Ảnh hưởng của các chính sách y tế đến sức khỏe
Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân [77, tr. 8]. Theo khái niệm này chính sách có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của người dân. Chính sách y tế ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng xã hội. Nó dựa trên những vấn đề kinh tế, sức khỏe của người dân để định hướng việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả nhất. Chính sách y tế tiến bộ sẽ phát huy được tối đa các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là vai trò của hệ thống y tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tính chất tiến bộ hay lạc hậu của chính sách y tế được thể hiện ở đường lối chiến lược y tế, quan điểm chỉ đạo, các chương trình y tế nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính sách y tế luôn có sự thay đổi cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, làm cho nó ngày càng hoàn thiện hơn, khả thi hơn về mục tiêu, giải pháp đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng hiệu quả ở cả 3 yếu tố: sử dụng tối đa nguồn lực, hiệu quả giảm chi phí và đúng đối tượng.
Cùng với sự phát triển của mọi mặt đời sống xã hội, hệ thống chính sách y tế Việt Nam cũng ngày càng được xây dựng, hoàn thiện và phát triển nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Hệ thống chính sách y tế Việt Nam dựa trên mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển con người Việt Nam là: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; cải thiện không ngừng chất lượng cuộc sống; tạo hạnh phúc cho mỗi công dân trong cuộc sống; cải tạo giống nòi. Mục tiêu đó đã được thể hiện ở hệ thống văn bản pháp lý, quan điểm đường lối chính sách của Việt Nam trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân qua các thời kỳ. Trong Điều 39 về y tế, Hiến pháp của nước cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992 đã qui định rõ: Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng, kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh, phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế Nhà nước với y tế tư nhân; thực hiện bảo hiểm y tế; tạo điều kiện để mọi người dân được CSSK; Nhà nước ưu tiên thực hiện chương trình CSSK cho đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số. Nghiêm cấm tổ chức và tư nhân chữa bệnh, sản xuất thuốc, bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại sức khỏe nhân dân…. Tháng 1/1993, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết TW4 về một số vấn đề cấp bách trong CSSKND, trong phần các chính sách và giải pháp lớn đã đề cập đến 3 nội dung quan trọng: khẳng định việc cần thiết phải tăng ngân sách Nhà nước cho y tế; khẳng định y tế cơ sở là một bộ phận của hệ thống y tế quốc gia cần được củng cố và phát triển, đặc biệt quan tâm đến vùng nghèo, khó khăn; khẳng định vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội trong công tác CSSKND. Tháng 9/1993, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân. Ngày 20/06/1996, Chính phủ ban hành nghị quyết 37/CP về định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 1996 - 2000 và đến năm 2020, Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam với năm quan điểm chỉ đạo sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ