2.1. Ảnh hƣởng của các yếu tố tự nhiên đến sức khỏe con ngƣời
2.1.4. Vai trò của quá trình tự điều chỉnh của cơ thể đối với sức khỏe
Cơ thể con người là một hệ thống tự điều chỉnh cực kỳ tinh vi, phức tạp trên cơ sở sự hoạt động của các hệ nội tiết, hệ thần kinh, hệ miễn dịch… giúp cơ thể thích nghi với môi trường. Nó là biểu hiện cụ thể và rõ nét nhất của mối quan hệ giữa cái đơn nhất, các đặc thù, cái riêng với cái chung, cái bộ phận với cái toàn thể. Nhờ có sự liên hệ giữa chúng, các cơ quan trong cơ thể phối hợp nhịp nhàng giúp cơ thể hoà nhập, thích nghi được với môi trường xung quanh, thông qua hai mối quan hệ cơ bản là: mối quan hệ giữa các cơ quan bên trong với nhau và giữa các cơ quan của cơ thể với môi trường bên ngoài, tạo nên trạng thái tinh thần, thể chất và sức khỏe cho con người. Trong quá trình đó, mỗi một hệ cơ quan đều đóng vai trò quan trọng, nếu một trong các hệ bị khiếm khuyết hoặc rối loạn về chức năng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình tồn tại, phát triển của con người, nổi bật trong số đó là vai trò của hệ nội tiết, các cơ quan cảm giác và hệ thần kinh.
Vai trò của hệ nội tiết
Hệ nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết nằm rải rác trong cơ thể. Chúng sản xuất ra các hócmôn rồi trực tiếp đổ vào máu để điều hoà, điều chỉnh các hoạt động sinh lý của cơ thể. Cơ thể khỏe mạnh khi các tuyến nội tiết hoạt động bình thường, nếu lượng hócmôn của một tuyến nội tiết nào đó trong hệ nội tiết bị rối loạn sẽ gây ra những ảnh hưởng rất to lớn đến sức khỏe. "Nó có thể làm cho một con người từ thông thái đến ngờ nghệch, cao lớn hoặc thấp lùn, yêu đời hoặc sầu thảm buồn chán. Một cháu bé có thể ngừng lớn nếu bị tổn thương tuyến giáp. Người trưởng thành nếu bị cắt bỏ tuyến sinh dục sẽ thay đổi về giọng nói, cử chỉ, dáng điệu, tính nết" [124, tr. 201]…
Các tuyến nội tiết của con người bao gồm: tuyến yên, tuyến tùng, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến ức, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, tuyến tụy. Mỗi tuyến tiết ra một loại hócmôn khác nhau, đảm nhiệm các chức năng và vai trò khác nhau giúp cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuyến yên giữ việc điều khiển kiểm soát mọi hoạt động và tăng trưởng của các tuyến nội tiết khác của con người. Nếu ví các tuyến nội tiết là những thành viên vô cùng quan trọng trong một “hội đồng kỹ thuật” thì tuyến yên có vai trò như chủ tịch của “hội đồng”. "Một người có dáng cân đối, vẻ tự tin, sống cởi mở, yêu đời… phải là người đang trong tình trạng có tuyến yên hoạt động sung mãn" [124, tr.203].
Các hócmôn của tuyến yên còn có vai trò điều hoà thân nhiệt, kiểm soát sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, cho nên khi tuyến yên bị tổn thương hay hoạt động không bình thường sẽ làm thay đổi hình thể, trạng thái tinh thần của con người. Nó có thể làm cho cơ thể trở nên béo phì, to lớn hoặc tí hon; đang suy sụp tinh thần, bi quan, chán nản trở nên hoạt bát, chăm chỉ, yêu đời…
Tuyến tùng có vai trò như một nhà tổ chức, chăm lo và duy trì sự phát triển hài hoà của các tuyến nội tiết khác. Khi hoạt động của tuyến tùng bị rối loạn thì các tuyến nội tiết khác cũng bị rối loạn theo, làm cho các bộ phận trong cơ thể hoạt động không ăn khớp nhau.
kích thích và trực tiếp điều khiển hoạt động của tuyến giáp, cho nên, những người bị chấn thương sọ não, hoặc chấn thương tinh thần sẽ dễ bị mắc bệnh bướu cổ.
Tuyến giáp chứa lượng iốt khoảng 8mg nhiều gấp 60.000 lần, so với nồng độ ở các cơ quan khác trong cơ thể, khi bị bệnh bướu cổ hàm lượng iốt ở tuyến này giảm. Sự rối loạn chức năng hoạt động của tuyến giáp gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe, có thể làm cho con người quá lùn hoặc quá cao, có thể gây ra bệnh suy thận, gây tăng huyết áp và suy tim, làm con người thay đổi về mặt tâm sinh lý, tính cách và trí thông minh.
Tuyến cận giáp: điều hoà lượng canxi, phốtpho trong máu; duy trì tỉ lệ thích hợp; phân phối chúng đến những nơi cần thiết để cơ thể khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Tuyến giáp và cận giáp có sự ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động của hệ thần kinh và hệ cơ, chỉ cần một trong hai tuyến này bị tổn thương rối loạn sự hoạt động thì các dây thần kinh và các cơ bắp của con người sẽ ngưng hoạt động, cơ thể sẽ rơi và tình trạng mất cảm giác. Nếu hai tuyến này hoạt động không bình thường sẽ làm cho cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, đãng trí, hay quên, buồn ngủ.
Hócmôn tuyến ức có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà, kiểm soát hệ miễn dịch của cơ thể, giai đoạn đầu đời do hệ thống miễn dịch còn chưa hoàn thiện, tuyến ức đóng vai trò rất cần thiết để điều khiển, kiểm soát và hỗ trợ cho việc tự bảo vệ chống lại các mầm bệnh.
Tuyến thượng thận đóng vai trò rất quan trọng đối với sức mạnh vật chất và tinh thần của con người. "Nó chi phối đến sự nhiệt tình, lòng can đảm, sự bình tĩnh, gan dạ, tinh thần lạc quan, óc sáng tạo, sức chịu đựng… cũng như tình yêu và tâm hồn của con người" [124, tr. 216]. Khi có những tín hiệu thông tin xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ tác động đến cơ thể lập tức tuyến thượng thận tiết ra hócmôn làm cho tim đập nhanh hơn, mạch máu, huyết quản ở các cơ bắp giãn nở. Đồng thời, chúng kích thích sự hoạt động của tuyến mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, làm cho sự hoạt động của cơ quan tiêu hoá chậm lại, glucôgen dự trữ được chuyển hoá thành glucô dự trữ làm cho lượng đường máu tăng cao nhằm cung cấp thêm năng lượng cho các cơ bắp sẵn sàng hoạt động.
Tuyến thượng thận tiết ra hai loại hócmôn chính đổ thẳng vào máu có tác dụng trái ngược nhau tạo thành một mâu thuẫn biện chứng nhằm duy trì cân bằng trạng thái tinh thần và vật chất của con người. Adrênalin có tác dụng thiên về việc tạo sự hồi hộp, sợ hãi, nếu hócmôn này chiếm ưu thế sẽ làm cho con người có xu hướng rụt rè, ẩn náu, dấu mình; ngược lại, nodrênalin lại có tác dụng tạo cảm xúc giận dữ, sôi sục, thiên về những hành động bạo lực, nếu nó được tiết quá nhiều sẽ làm cho chủ nhân có xu hướng kích động, đập phá, điên loạn.
Hócmôn của tuyến sinh dục là androgen và estrogen. Androgen là kích thích tố sinh dục nam có vai trò kích thích phát triển cơ bắp, tạo dáng vẻ cường tráng và có xu hướng dẫn đến những hành vi mạnh mẽ, hùng dũng. Estrogen có vai trò kích thích gia tăng phần mỡ dưới da, tạo nên dáng vẻ dịu dàng, mịn màng và có xu hướng dẫn tới những hành vi nhẹ nhàng, thụ động. Cơ thể mỗi con người đều sản xuất ra cả hai loại hócmôn này nhưng với tỷ lệ khác nhau. Tuỳ theo tỷ lệ thích hợp của hai loại hócmôn đó trong cơ thể mà hình thành nên tính cách, giới tính nam hay nữ và khí chất, nhân cách của chủ nhân. Chúng làm cho các cơ quan nội tạng hoạt động tích cực hơn, con người trở nên hoạt bát, trẻ trung, cường tráng hoặc duyên dáng… dáng điệu cơ thể có sức lôi cuốn, chú ý thu hút của những người khác giới. Do vậy, khi tuyến sinh dục giảm hoạt động, hoặc vì một lý do nào đó không sản xuất đủ lượng hócmôn thì con người trở nên già nua, chậm chạp, mắt mờ, da nhăn nheo, dáng điệu khô cứng… sức khỏe giảm sút.
Hócmôn nội tiết của tuyến tụy là insulin có vai trò điều tiết đường máu và các chất albumin trong cơ thể. Khi tuyến tụy hoạt động không bình thường thì hàm lượng insulin sẽ bị thay đổi, việc phân giải đường trong máu sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến đường trong máu tăng hoặc giảm quá mức bình thường, gây ra bệnh đái đường hay hạ đường huyết, ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe.
Vai trò của cơ quan cảm giác và hệ thần kinh trong quá trình tự điều chỉnh của cơ thể
Các cơ quan giữ vai trò trực tiếp thực hiện các chức năng sống của cơ thể, các tuyến nội tiết giữ chức năng bao quát, điều chỉnh trực tiếp sự hoạt
động của các cơ quan của cơ thể. Thông qua các hócmôn tiết ra, các tuyến nội tiết dưới sự chỉ huy của tuyến yên điều hòa sức khỏe, thể chất, tâm hồn, tình cảm, trí tuệ của con người. Một trong những khâu quan trọng của cơ chế điều hoà và điều chỉnh là cơ thể phải nhận biết được các tín hiệu, những sự thay đổi của các cơ quan bên trong và môi trường bên ngoài cơ thể. Để nhận biết được những tín hiệu đó đòi hỏi sự hoạt động linh hoạt, nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan cảm giác và hệ thần kinh. Thông qua các cơ quan cảm giác, cơ thể tiếp nhận những thông tin ở bên trong và bên ngoài cơ thể, qua hoạt động của hệ thần kinh xử lý các thông tin đó và đưa ra các phương thức điều chỉnh một cách hiệu quả nhất. Các tín hiệu thông tin ở bên trong cơ thể hay bên ngoài môi trường được các thụ quan cảm giác (trong và ngoài) thu nhận. Sau khi các tín hiệu thông tin được thu nhận, chúng được biến đổi thành tín hiệu điện thế màng và được truyền bằng các xung động thần kinh về trung ương thần kinh để xử lý và trả lời.
"Sự hoạt động nhịp nhàng của hệ nội tiết, các cơ quan cảm giác và hệ thần kinh cho chúng ta thấy cơ chế sinh học của mối liên hệ giữa yếu tố thể chất và tinh thần của con người" [124, tr. 224]. Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều trường hợp các bệnh nhân cùng có điều kiện như nhau, bị mắc bệnh giống nhau và được điều trị với phác đồ giống nhau nhưng sự hồi phục của họ khác nhau, tùy theo yếu tố tinh thần của họ.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp các phản ứng xúc cảm mạnh như: khi thuyết trình trước đám đông, khi đi thi, khi quá bực tức, đau đớn hoặc khi trời quá nóng, quá lạnh, khi bị thương, bị bệnh hiểm nghèo… có thể dẫn đến các phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự đe dọa và cũng là nguyên nhân sinh ra nhiều bệnh tật trong xã hội hiện đại gọi là stress. Stress là một quá trình phức tạp, có sự tham gia của hệ nội tiết và hệ thần kinh. Nó gây ra các triệu chứng thích nghi bao gồm: phản ứng báo động; phản ứng đề kháng (phản ứng stress dài hạn); phản ứng kiệt sức.
Stress có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, để đề phòng và chữa trị stress phải có một sự nhận thức của người bệnh và một kế hoạch điều trị tốt. Một số trường hợp lạm dụng việc dùng các thuốc an thần và các dược phẩm
khác chống stress đã gây ra rất nhiều các tác dụng phụ, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Cá biệt một số người còn dùng rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích kể cả ma tuý để giải sầu chống stress, điều đó không giải được sầu não, stress mà còn có tác dụng ngược lại làm cho tình trạng stress ngày càng nặng hơn, gây nhiều hậu quả xấu cho bản thân và xã hội. Chỉ có cuộc sống lành mạnh, giác ngộ về ý thức, chan hoà với gia đình và xã hội, luyện tập thể lực, tập dưỡng sinh, chế độ ăn uống hợp lý tránh sử dụng nhiều các chất kích thích… mới đem lại cho chúng ta sự bình yên về thể chất và tâm hồn. Đó chính là cách phòng chống stress hiệu quả cho chúng ta.
Như vậy, với tư cách là một thực thể tự nhiên - xã hội, trong quá trình phát triển lâu dài của mình con người không tách rời khỏi thế giới tự nhiên. Con người là một bộ phận tiến hoá cao nhất của thế giới tự nhiên, ngoài phần hoạt động xã hội con người còn mang các đặc trưng của sinh vật.
Ngoài sự tác động ảnh hưởng của tự nhiên, của quá trình trao đổi chất, khả năng tự vệ, khả năng tự điều chỉnh thì các đặc trưng khác của sinh học như quá trình sinh sản, quá trình tiến hoá của con người cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như quá trình sinh trưởng của con người.
Trong quá trình sinh sản ở người thì yếu tố tâm lý và xã hội giữ vai trò quan trọng và được diễn ra theo nhiều khâu rất phức tạp, bởi vậy cũng xuất hiện rất nhiều những yếu tố, những điều kiện tác động đến quá trình đó. Trong số đó, yếu tố di truyền luôn được các nhà y sinh học đặc biệt quan tâm lưu ý. Thực tiễn khoa học đã chứng minh, trong con người mọi quá trình sinh học đều chịu sự chi phối của gen nhận được từ cha mẹ. Từ cơ sở lý luận đó, các nhà y - sinh học đã đi sâu nghiên cứu tìm hiểu ngày càng sâu sắc về vật chất di truyền của các sinh vật và đặc biệt là của con người, mà mục tiêu là nhằm giải mã bộ gen của con người phục vụ cho việc phát triển cũng như CSSK cho con người. Hiện nay, khoa học di truyền y học đã phát hiện khoảng 5000 bệnh lý di truyền [108, tr. 13], cùng với sự phát triển của môn di truyền học và di truyền y học thì số lượng các bệnh lý di truyền được phát hiện ngày càng tăng lên. Các bệnh di truyền là do sự biến đổi của vật chất di truyền và được phân thành các nhóm: các bệnh nhiễm sắc thể; các bệnh di
truyền do đột biến gen đơn; các bệnh do đa gen, bệnh do đa yếu tố và bệnh di truyền ty thể.
Những bệnh lý di truyền làm sai lệch quá trình hình thành, phát triển của thai nhi cũng như có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường sau này của con người. "Các bất thường trong quá trình thụ thai làm rối loạn sự phát triển và gây rất nhiều các bệnh bẩm sinh cho con người, theo số liệu thống kê cứ 100 trẻ sơ sinh thì có 1 trường hợp có sự xuất hiện một trong những sai lệch nào đó về mặt sinh học" [41, tr. 232]. Một số nguyên nhân của quái thai là do sự tác động của qui luật di truyền, biến dị của sinh vật. Một số khác là do sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Các thực nghiệm trên côn trùng và động vật có vú đã chứng minh rằng, tia Rơnghen, tia cực tím, sự thay đổi nhiệt độ, các tia phóng xạ khác và nhiều các hoá chất vô cơ và hữu cơ đều có khả năng gây ra sự biến đổi của phôi thai. Tuỳ thuộc vào các giai đoạn phát triển của phôi thai, thì sự ảnh hưởng của các yếu tố đó đến thai nhi là khác nhau và cũng có thể các tác nhân khác nhau nhưng lại gây ra sự biến đổi của thai nhi tương đối giống nhau. Chẳng hạn, sự tác động của tia Rơnghen, một số loại hócmôn, costisol và thiếu ôxy với thai nhi đều có thể gây nên các dị dạng giống nhau như triệu chứng: môi thỏ, mõm chó…
Sự phát triển mạnh mẽ của của di truyền y học giúp cho chúng ta có một sự chuyển biến mạnh mẽ, một sự tiến bộ căn bản trong việc chẩn đoán, điều trị góp phần to lớn trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người trong tương lai. Y học sẽ sử dụng các kết quả của di truyền vào trong việc phát hiện các bệnh di truyền trong quần thể; thực hiện các tư vấn di truyền trước khi mang thai; tiến hành các liệu pháp gen để điều trị thay thế, loại trừ, điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, xử trí ngoại khoa các dị tật cấu trúc cơ thể…
Ở Việt Nam hiện nay, do sự tác động của cơ chế kinh tế, của quá trình