2.2. Quan niệm về dân tộc, quan hệ dân tộc và toàn cầu hóa trong tài liệu
2.2.3. Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa, trước hết, thường được quan niệm là sự hợp nhất các nền kinh tế dân tộc thành một hệ thống thống nhất, toàn thế giới, căn cứ trên sự lưu thông nhanh chóng tư bản, tính cởi mở mới về thông tin của thế giới, cách mạng công nghệ, thái độ trung thành của các nước công nghiệp phát triển đối với sự tự do hóa lưu thông hàng hóa và tư bản, sự giao tiếp chặt chẽ, cách mạng khoa học toàn hành tinh; đặc trưng cho toàn cầu hóa là các hoạt động xã hội liên dân tộc, các loại hình giao thông mới, các công nghệ viễn thông, hệ thống giáo dục quốc tế. Sự xích lại gần nhau dần dần giữa các nước và các hành tinh xuyên suốt toàn bộ lịch sử loài người. Nhưng sự xích lại gần nhau đó chỉ diễn ra hai lần với tốc độ rất nhanh.
Giai đoạn toàn cầu hóa thứ nhất: Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thế
giới đã bước vào giai đoạn tích cực xích lại gần nhau trên cơ sở thương mại và đầu tư được phổ biến trên quy mô toàn cầu nhờ hàng hải, điện thoại và thiết bị chuyển tải. Các nhà lý luận của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, như R.Kobden và J.Brait, đã luận chứng một cách xác đáng luận điểm rằng, thương mại tự do tất yếu sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn thế giới và các dân tộc sẽ lãng quên những cuộc phân tranh trên cơ sở sự thịnh vượng chưa từng thấy. Nước Anh cùng với sự hùng mạnh về hàng hải và công nghiệp của mình đã trở thành người bảo đảm cho làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất này.
Tư tưởng về sự tác động tốt đẹp của toàn cầu hóa đến bối cảnh thế giới có xu hướng dẫn tới những xung đột đã được trình bày một cách thuyết phục nhất trong tác phẩm “Ảo tưởng vĩ đại” (1909) của Norman Eindgiel. Tác giả của nó đã luận chứng sự không thể có những xung đột toàn cầu do sự lệ thuộc kinh tế lẫn nhau đã hình thành của thế giới: trước năm 1914, Anh và Đức (những địch thủ cơ bản về chính sách đối ngoại) là những bạn hàng đứng thứ hai xét về giá trị, khi đó ngoại
thương của Anh và Đức tương ứng chiếm 52% và 38% tổng sản phẩm quốc dân. Vào tháng 8 năm 1914, tiên đoán về sự xích lại gần nhau toàn cầu không đảo lộn được giữa các dân tộc đã cho thấy toàn bộ sự vô căn cứ của mình. Thế chiến thứ nhất đã chặn đứng sự xích lại gần nhau về các mặt kinh tế, thông tin và giao tiếp giữa các dân tộc một cách khủng khiếp nhất [130, tr.107].
Để phục hồi quá trình toàn cầu hóa thì đòi hỏi cần phải có nhiều thời gian. Chỉ vào những thập niên cuối thế kỷ XX, sau hai cuộc thế chiến, Đại suy thoái và vô số cuộc thử nghiệm xã hội, trật tự kinh tế tự do chủ nghĩa được xác lập ở thế kỷ XX mới bắt đầu quay trở lại với thực tiễn thế giới. Trong cuộc cạnh tranh với nền kinh tế kế hoạch hóa, nền kinh tế thị trường phương Tây đã chiến thắng sau khi biến thế giới thành một nền kinh tế thị trường thống nhất.
Sự xuất hiện lần thứ hai của toàn cầu hóa đã bắt đầu vào cuối những năm 70,
dựa trên cơ sở cuộc cách mạng chưa từng thấy trong tin học, viễn thông. Sau 30 năm gần đây, công suất của tổng máy vi tính đã tăng lên gấp đôi sau 18 tháng. Nhờ có những phát minh trong lĩnh vực này mà giá của việc chuyển tải thông tin đã giảm một cách nhanh chóng chưa từng thấy, những khối lượng thông tin khổng lồ có thể được chuyển tải nhanh chóng và với cái giá rất rẻ.
Một tính chất mới của các quá trình toàn cầu hóa đã trở nên hiển nhiên. Các công ty xuyên quốc gia và các tổ chức phi chính phủ đã bắt đầu dễ dàng vượt qua ranh giới dân tộc và thực hiện sự cai trị đối với dân cư các nước kém phát triển hơn, vì các chính phủ dân tộc, chính quyền khu vực không thể tự mình giải quyết những vấn đề do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày một tăng lên làm nảy sinh. Theo số liệu của Liên hiệp quốc năm 2000, tổng số tiền hợp nhất công ty của các nước khác nhau và tiền sát nhập công ty địa phương là 720 tỷ đôla.
Giai đoạn toàn cầu hóa hiện đại: Đến đầu thế kỷ XXI, người ta đã soạn thảo
Hiệp ước về công nghệ thông tin, đã ký vô số hiệp ước về viễn thông và dịch vụ tài chính, đã đạt được những hiệp ước quan trọng, như kết nạp Trung Quốc vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Nếu Đế quốc Anh toàn cầu là chỗ dựa cho toàn cầu hóa ở giai đoạn thứ nhất của nó, thì Mỹ hiện nay đang đứng sau quá trình toàn cầu hóa ngày một tăng nhanh.
Mỹ đã tung ra uy thế không gì so sánh được của mình, sự bá quyền thực sự của mình nhằm mở cửa nền kinh tế thế giới: thành lập vô số thể chế đa phương, tích cực tham gia vào những cuộc thương lượng thương mại, mở cửa thị trường của bản thân mình cho nhập khẩu, những biện pháp nhằm thực hiện chủ nghĩa tự do thương mại.
Theo Th.Fridman (nhà chính trị người Mỹ), toàn cầu hóa là một hệ thống mới, thay thế cho hệ thống chiến tranh lạnh. Không phải bất kỳ nước nào cũng tự có thể coi mình là một bộ phận của hệ thống này, nhưng tất cả mọi quốc gia đều thực sự chịu áp lực - chúng cần phải thích nghi với lời thách thức của toàn cầu hóa. Nhưng sự lựa chọn chính trị và kinh tế của đa số chính phủ lại bị hạn chế đáng kể vì trên thế giới có một siêu cường quốc và chủ nghĩa tư bản đang cai trị thế giới.
Căn cứ trên quan hệ qua lại giữa “cơ sở công nghiệp phát triển của thế giới”, các nền kinh tế đang công nghiệp hóa ở ngoại diên và các nước kém phát triển ở ngoại diên, hệ thống phân công lao động quốc tế trước đây đang biến đổi theo chiều hướng tạo ra một nền kinh tế toàn cầu thống nhất, trong đó “bộ ba toàn cầu” (Bắc Mỹ, Cộng đồng châu Âu, Đông /Tây Á) đang thống trị. Đặt tại đây là các lực lượng sản xuất chủ yếu của thế giới, là các “siêu thị trường” của nền kinh tế toàn cầu, trong đó các công ty xuyên quốc gia đóng vai trò trung tâm.
Toàn cầu hóa có nghĩa là quá trình nhất thể hóa cuộc sống: giá cả, thực phẩm,
lãi suất ngân hàng, chất lượng và mức độ bảo vệ sức khỏe, mức thu nhập. Toàn cầu hóa không những làm thay đổi các quá trình kinh tế thế giới mà cả cơ cấu của nó. Có tác động mạnh chưa từng thấy đến loài người là quá trình phổ biến các hệ thống liên lục địa và liên khu vực, quá trình tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau có quy mô toàn cầu. Nền kinh tế thế giới không đơn giản trở nên phụ thuộc lẫn nhau mà nó còn tích hợp, liên kết thành một chỉnh thể thực sự thống nhất. Sự khác nhau giữa nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau và nền kinh tế đã được toàn cầu hóa là sự khác nhau về chất. Đây không những là khối lượng hàng hóa buôn bán tăng lên đáng kể mà còn là một thị trường thế giới thể hiện giống như thị trường của một quốc gia thống nhất.
Khi làm giảm bớt hàng rào giữa các quốc gia có chủ quyền, toàn cầu hóa làm biến đổi quan hệ xã hội trong nước, lập kỷ luật nghiêm ngặt đối với mọi cái “đặc thù” là những cái đòi hỏi thái độ “tự hạ thấp mình” và sự bảo trợ xã hội, nó phá huỷ
những tabu (cấm đoán) văn hóa, loại bỏ không thương tiếc chủ nghĩa đặc thù (particularisme), trừng phạt thẳng tay tính không có hiệu quả và kích thích các kỷ lục quốc tế về tính có hiệu quả.
Đầu tư của các công ty xuyên quốc gia đến năm 2020 sẽ tăng lên gấp 4 lần và đạt tới mức 800 tỷ đôla. Tăng lên với tốc độ không kém là giá trị sản phẩm của các chi nhánh ở nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia (5 nghìn tỷ đôla vào cuối thế kỷ XX). Xuất hiện một hệ thống đích thực quốc tế, trước hết đánh giá cao những đổi mới công nghệ, những chuyển biến tích cực. Trọng tâm của những nỗ lực ở thế kỷ XXI sẽ là giáo dục, phát triển hạ tầng cơ sở, giữ lập trường có khả năng cạnh tranh trên thị trường tin học, điện tử, công nghệ sinh học, viễn thông, kỹ thuật vũ trụ, vi tính thế giới, tức tiến hành những đổi mới, hiện đại hóa như một đặc điểm bất biến của đời sống dân tộc [124, tr.208].
Toàn cầu hóa bắt buộc các chính phủ phải làm cho chính sách kinh tế dân tộc hài hòa với những nhu cầu và những nguyện vọng của các chính phủ láng giềng và của những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Trong bối cảnh cạnh tranh tăng cường, khi mà lưu thông tư bản tăng tốc, thì chỉ có ít quốc gia có thể tự cho phép mình tiến hành một chính sách tiền tệ độc lập ở một mức độ nhất định và duy trì được sự độc lập nhất định về kinh tế. Việc thành lập liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu vào năm 1998 phản ánh những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm tạo dựng một sự hiểu biết lẫn nhau và phụ thuộc lợi ích lẫn nhau lớn hơn.
Đến lượt mình, sự liên kết của châu Âu lại kích thích việc tạo ra Khu vực buôn bán tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC). Khi đó cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998 đã không đưa tới việc mục đích được đặt ra ở Osaca năm 1995 là loại bỏ hàng rào giữa các nước tham gia đến năm 2020.
Toàn cầu hóa là quá trình hình thành một thế giới phụ thuộc lẫn nhau thống nhất, trong đó các dân tộc không còn tách biệt nhau bởi ranh giới và hàng rào thuế quan quen thuộc là cái đồng thời vừa cản trở sự giao tiếp giữa chúng, vừa bảo vệ chúng khỏi những tác động bên ngoài vô tổ chức. Cái có ý nghĩa mang tính nguyên tắc là các dân tộc và các quốc gia không được chuẩn bị như nhau cho việc tiếp cận
với hệ thống thế giới mở cửa, đang toàn cầu hóa, khác nhau đáng kể về tiềm năng kinh tế, chiến lược quân sự và thông tin.
Người ta còn ít nghiên cứu các lĩnh vực giao nhau, được sử dụng trong lĩnh vực tác động chính trị đến lối ứng xử của các giới cầm quyền và giới trí thức địa phương, của các nhóm sắc tộc, của các thủ lĩnh là những người thông qua quyết định. Mặc dù vậy thì các lĩnh vực này cũng không tránh khỏi tác động của hiện tượng toàn cầu hóa mà có thể phân tích không những như quá trình phụ thuộc lẫn nhau đang tự phát hình thành của thế giới mà còn như công nghệ tương tác toàn cầu bất cân đối, tạo dựng thế giới hiện đại theo một cách mới.
Bên cạnh các kênh thông tin toàn cầu cho phép tác động đến ý thức con người trên ranh giới quốc gia, trong thế giới còn hình thành các lĩnh vực toàn cầu khác. Các lĩnh vực này mở ra khả năng cho những tác động tương tự đến những nhân tố sinh hoạt vật chất của con người. Điều này có nghĩa rằng chúng là nhân chứng của một quá trình mới - quá trình hình thành quyền lực toàn cầu khác với các hình thức quyền lực truyền thống - dựa trên những công nghệ tác động từ xa, mới cả về nguyên tắc và những hình thức biểu hiện.
Nhìn chung, nhân loại vẫn chưa ý thức được đầy đủ ý nghĩa của hiện tượng mới này và những hậu quả lâu dài của nó. Từ thời cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ, nhân loại đã giải quyết hai vấn đề là:
- Đạt tới chủ quyền và độc lập dân tộc, giải phóng khỏi áp bức bên ngoài; - Xác lập sự giám sát dân chủ đối với chính quyền của bản thân mình, bắt nó phục tùng ý chí của cử tri và các chuẩn tắc hiến pháp - pháp luật.
Cần phải thừa nhận rằng, nhiều thực tại của thế giới toàn cầu hiện đại làm cho người ta hoài nghi những thành tựu ấy của thời hiện đại dân chủ: cả sự bảo đảm cho các dân tộc tránh khỏi tác động không được phê chuẩn từ bên ngoài, lẫn sự giám sát dân chủ đối với các thế lực tổ chức, sự tác động ấy cho tới nay vẫn chưa được đảm bảo. Chúng ta đang sống vào giờ chót của lịch sử, khi mà loài người đứng trước lưỡng đề: hoặc là nó mở ra cánh cửa dẫn tới tương lai khác về chất, hoặc là nó hoàn toàn không có tương lai.
Có ít nhất ba cơ sở để kết luận rằng, quá trình toàn cầu hóa đang chuẩn bị bước chuyển của nhân loại sang một chất lượng mới về nguyên tắc, gồm: (1) Cơ sở thứ nhất trong số đó gắn liền với “giới hạn tăng trưởng” về mặt sinh thái - sự quá tải sinh thái hiển nhiên của hành tinh. Điều này đòi hỏi phải thay đổi bản thân hệ chuẩn phát triển của nền văn minh công nghệ hiện đại và các hình thức quan hệ của nó với tự nhiên. (2) Cơ sở thứ hai gắn liền với các xu hướng suy đồi đạo đức ít nguy hiểm hơn, thể hiện không những ở hành vi đạo đức tồi tệ của đại chúng mà còn ở sự xấu đi đáng kể của những quyết định do giới cầm quyền hiện đại thông qua - những quyết định chính trị, kinh tế, quản lý hành chính. Đã xuất hiện sự cần thiết phải thay thế hệ chuẩn văn hóa xã hội đang hình thành nên hệ thống quy tắc đạo đức của loài người hiện đại. (3) Cơ sở thứ ba gắn liền với sự phân hóa xã hội ngày một sâu sắc hơn giữa bộ phận loài người thích nghi được (sung túc) và bộ phận loài người không thích nghi được (không sung túc). Mới gần đây người ta còn có cảm tưởng rằng quá trình hiện đại hóa toàn cầu được thực hiện theo chiều hướng một triển vọng thống nhất của cả loài người - làm cho các tầng lớp, các nước và các khu vực kém phát triển hơn tiếp cận được với một chuẩn tắc thống nhất thể hiện mục đích lịch sử ngàn đời của loài người [128, tr. 98-99].
Xét về lâu dài, nhân loại không thể trụ vững trên cơ sở như vậy. Điều đó dẫn tới đòi hỏi phải thay đổi bản thân hệ chuẩn quan hệ giữa phương Tây và phương Đông, giữa phương Bắc và phương Nam, giữa Đại dương và Lục địa, giữa các cực tăng trưởng và ngoại diên nghèo nàn. Như vậy, vấn đề về một tương lai khác về chất - đó không phải là một sự không tưởng tiếp theo, mà là một sự cần thiết sống còn vì như nó đã hình thành, hiện nay chúng ta hoàn toàn không còn có thể dậm chân tại chỗ, thậm chí cả khi nó làm cho một số người không hài lòng.
Toàn cầu hóa là quá trình nhanh chóng hình thành không gian tài chính - thông tin toàn cầu thống nhất chủ yếu dựa trên các công nghệ mới, vi tính. Đây là sự khác biệt của nó so với sự liên kết mà nó chính là giai đoạn cao nhất.
Những đặc tính của toàn cầu hóa là vô tuyến toàn cầu do các chủ nhân tư bản đầu cơ cấp kinh phí, loại bỏ và làm biến đổi các nền kinh tế dân tộc, là cuộc khủng hoảng lần thứ nhất của nền kinh tế toàn cầu trong các năm 1997 - 1999 và cuối cùng
là Internet, thực tại ảo. Tuy nhiên, những đặc tính và những công cụ bên ngoài của toàn cầu hóa không được làm lu mờ điểm chủ chốt - ảnh hưởng của các công nghệ thông tin mới đến xã hội và rộng hơn là đến toàn bộ loài người. Thế giới thống nhất đã xuất hiện trên cơ sở các công nghệ vi tính mới về chất, các công nghệ này đã tạo ra