Toàn cầu hóa văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những nhân tố tác động đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 100 - 103)

3.3. Nhân tố địa văn hóa tác động đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

3.3.1. Toàn cầu hóa văn hóa

Có thể khẳng định rằng, các xu hướng cơ bản ở đầu thiên niên kỷ mới do tác động của toàn cầu hóa có xuất phát điểm và kết quả cuối cùng của mình là những chuyển biến sâu sắc trong lĩnh vực văn hóa xã hội của các nhà nước dân tộc. Xuất phát điểm là vì quan điểm mới về thế giới do khoa học và văn hóa mở ra, được phổ biến nhờ giáo dục, toàn bộ hệ thống định hướng giá trị, sẽ kích thích các dân tộc, các nền văn minh, các thủ lĩnh của chúng và quần chúng đi theo họ tiến hành những chuyển biến triệt để trong quỹ đạo của động thái dân số, sinh thái, công nghệ, kinh tế và chính trị, sẽ tạo ra năng lượng cho những diễn biến như vậy và thái độ sẵn sàng chấp nhận những hy sinh không tránh khỏi nhằm thực hiện chúng. Kết quả cuối cùng là vì hệ quả của mọi chuyển biến kéo dài không phải một thế hệ và có đầy rẫy những đụng độ và xung đột bi đát, là việc khẳng định một loại hình văn hóa xã hội mới, chiếm ưu thế với toàn bộ tính phức tạp và đa dạng của các nền văn minh, các dân tộc, các sắc tộc khác nhau, của biến đổi về xu hướng phân hóa và cơ động xã hội.

Có thể phân chia tất cả các dân tộc trên thế giới về mặt văn hóa ra thành các nước có văn hóa cảm tính và các nước có văn hóa lý tưởng hóa. Quan hệ giữa các dân tộc phụ thuộc đáng kể vào sự hiện diện của một trong hai loại hình văn hóa này và xu hướng hình thành hoặc chống lại loại hình văn hóa tích hợp của 2 loại hình văn hóa trên.

Văn hóa cảm tính (chiếm ưu thế ở phương Tây) căn cứ trên nguyên tắc chủ đạo rằng, thực tại và giá trị lĩnh hội được bằng cảm tính, không có thực tại và không có giá trị khác ở bên ngoài khuôn khổ của các thực tại và các giá trị mà chúng ta có thể cảm nhận thấy. Nguyên tắc này được vật chất hóa trong khoa học và triết học, pháp luật và đạo đức, kinh tế và chính trị, mỹ thuật và các thiết chế xã hội. Xã hội cảm tính tích cực phát triển nhận thức khoa học, các phát hiện công nghệ để làm tăng tiện nghi vật chất cho đời sống cảm tính, quan tâm tới các giá trị cảm tính, như của cải, sức khỏe, tiện nghi vật chất, hoan lạc thể xác, khát vọng quyền lực và danh

vọng, nhưng lại ít quan tâm tới lĩnh vực tinh thần, phát triển tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực siêu cảm tính như tôn giáo và thần học.

Văn hóa lý tưởng hóa (chiếm ưu thế ở phương Đông) căn cứ trên nguyên tắc cơ bản rằng, thực tại hay giá trị chân thực là thượng đế siêu cảm tính và siêu lý tính. Trong khi thực tại hay giá trị cảm tính hoặc là ảo tưởng, hoặc là một cái tiêu cực và tội lỗi. Văn hóa lý tưởng hóa ít quan tâm tới cách tiếp cập khoa học đối với việc nghiên cứu những hiện tượng cảm tính, tới việc sáng chế ra những phương tiện kỹ thuật, là không có sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng lại là sáng tạo trong lĩnh vực tôn giáo. Các chân lý, các chuẩn tắc đạo đức và pháp luật của nó được coi là mang tính phổ quát và tuyệt đối, còn nền kinh tế do những lời răn tôn giáo và luân lý quyết định. Sau khi có sự tác động của toàn cầu hóa thì khu vực này bắt đầu trở nên năng động theo xu hướng phát triển của các nước phương Tây theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Văn hóa tích hợp dựa trên nguyên tắc rằng, giá trị chân thực là tính đa dạng bất định, kết hợp các hình thức siêu cảm tính, lý tính và cảm tính không tách rời nhau. Nó lưu ý tới các phương diện kinh nghiệm và siêu kinh nghiệm của thực tại chân thực. Giống như triết học và thần học, khoa học bắt đầu phát triển thịnh vượng trong nền văn hóa này và chúng hợp tác hài hòa với nhau. Văn hóa tích hợp phản ánh thể thống nhất giữa cái sinh học và cái xã hội, cái vật chất và cái tinh thần, cái nhận thức được và cái chưa nhận thức được, cái cảm tính và cái siêu cảm.

Từ quan niệm chung nêu trên về các loại hình văn hóa cơ bản, chúng ta có thể rút ra kết luận về thực trạng văn hóa xã hội ở các nhà nước dân tộc như sau:

Nếu chiếm ưu thế ở giữa thế kỷ XIX và ở giữa thế kỷ XX là loại hình văn hóa cảm tính thể hiện khá rõ dưới biến thể này hay biến thể khác khác tại các quốc gia phương Tây (Tây Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latin và châu Đại Dương, tức là Australia và New Zeland); loại hình văn hóa lý tưởng hóa tại các quốc gia phương Đông (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Hồi giáo, châu Phi và châu Đại Dương, tức là Macronesia, Miconesia và Polinesia); các nước thuộc văn minh Á - Âu chuyển từ văn hóa lý tưởng hóa thụ động ở giữa thế kỷ XIX sang sự bùng nổ ngắn ngủi của loại hình văn hóa cảm tính tích cực ở những năm 20 - 40 thế kỷ XX, sau

loại hình văn hóa cảm tính thụ động, thì đến cuối thế kỷ XX, bức tranh đã biến đổi căn bản. Đa số các quốc gia phương Tây (ngoài Bắc Mỹ là nơi loại hình văn hóa cảm tính cực đoan chiếm ưu thế), cũng như các quốc gia thuộc văn minh Á - Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Đại Dương (Australia và New Zeland) nằm trong trạng thái của loại hình văn hóa xã hội hỗn hợp, đang chuyển sang loại hình tích hợp phương Tây hay phương Đông. Các quốc gia Bắc Mỹ bị lâm vào trạng thái của loại hình văn hóa cảm tính cực đoan. Ấn Độ duy trì loại hình văn hóa lý tưởng hóa khắc kỷ. Các quốc gia Hồi giáo đang trải qua sự hưng thịnh của loại hình văn hóa lý tưởng hóa tích cực. Còn các quốc gia châu Phi và châu Đại dương đang trong trạng thái của loại hình lý tưởng hóa giả danh. Đương nhiên, đây chưa phải là cái đặc trưng bao quát tuyệt đối, song chúng cho thấy thực trạng và phương hướng của những chuyển biến đang tăng lên trong lĩnh vực văn hóa xã hội ở các nhà nước dân tộc trên thế giới.

Từ những nhận định nêu trên, chúng ta có thể đánh giá biến đổi của loại hình văn hóa xã hội tại các quốc gia như sau: Đa số các quốc gia đang nỗ lực thiết lập loại hình văn hóa tích hợp (duy tâm) dưới biến thể phương Tây của nó (Tây Âu, Mỹ Latin, châu Đại dương - Australia và New Zeland) hay dưới biến thể phương Đông (Nhật Bản, Trung Quốc). Loại hình văn hóa xã hội này nhiều khả năng cũng có thể sẽ được thiết lập tại các quốc gia thuộc văn minh Á - Âu, thực ra là dưới biến thể sẽ mang các đặc điểm của cả loại hình phương Tây lẫn loại hình phương Đông. Tuy nhiên, tại Mỹ, nơi mà loại hình văn hóa cảm tính cực đoan hiện đang chiếm ưu thế, bước chuyển sang loại hình văn hóa tích hợp sẽ gặp nhiều trắc trở. Loại hình văn hóa quá độ hỗn hợp cũng sẽ chiếm ưu thế tại các quốc gia Ấn Độ, Hồi giáo, châu Phi (nếu khắc phục được loại hình văn hóa giả danh lý tưởng hóa hiện nay) và châu Đại Dương (tại các quốc gia đảo). Tuy nhiên, loại hình văn hóa xã hội lý tưởng hóa giả danh đặc trưng cho các nền văn minh đang trải qua thời kỳ suy thoái và tan rã, sẽ chiếm ưu thế ở Nga và các quốc gia khác thuộc nền văn minh Á - Âu.

Những đánh giá nêu trên về loại hình văn hóa xã hội của các quốc gia mang tính chất thực tế, chủ yếu xuất phát từ thực trạng, những biến đổi trong điều kiện toàn cầu hóa của chúng. Tuy nhiên, nhận thức này vẫn có thể trở thành cơ sở để xác

định lập trường, vai trò tích cực của chúng trong sự tương tác giữa các quốc gia trên phương diện văn hóa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thực tế những thập niên gần đây cho thấy tính hiếu chiến lớn nhất của các quốc gia Hồi giáo sở hữu loại hình văn hóa lý tưởng hóa tích cực và các quốc gia Bắc Mỹ duy trì loại hình văn hóa cảm tính cực đoan. Ngược lại, nền văn hóa Ấn Độ lý tưởng hóa khắc kỷ và các nền văn hóa châu Phi và châu Đại Dương lý tưởng hóa giả danh (không kể Australia và New Zeland) thụ động, đắm mình vào những nỗi quan tâm trong nước, có tính khoan dung. Loại hình văn hóa xã hội hỗn hợp có đặc trưng là tính bất ổn, lối ứng xử rất bất định trên diễn đàn thế giới. Tất cả những điều đó cần được tính đến khi bàn về quan hệ giữa các nhà nước dân tộc dưới tác động của nhân tố văn hóa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những nhân tố tác động đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)