3.2. Nhân tố địa chính trị tác động đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa
3.2.1. Toàn cầu hóa chính trị
Toàn cầu hóa là một thực tại, có tác động đến mọi mặt đời sống và quan hệ của hệ thống chính trị thế giới và của mỗi quốc gia. Lôgíc khách quan của tiến trình toàn cầu hóa đưa tới hàng loạt nghịch lý, quan trọng nhất trong số đó là lãng quên tư tưởng về phúc lợi chung (như tiền đề để hình thành hệ tư tưởng dân tộc - rường cột tinh thần của nhà nước dân tộc có chủ quyền), làm suy yếu các nền tảng của chế độ nhà nước dân chủ và loại nhà nước dân tộc ra khỏi “cuộc chơi”, tức hạ thấp dần dần và trong tương lai sẽ gạt bỏ vị trí, vai trò của nhà nước dân tộc trên diễn đàn chính trị thế giới. Với triển vọng như vậy, kết quả những suy ngẫm về số phận của một thế giới mới đưa chúng ta đến kết luận rằng, toàn cầu hóa có thể biến những thành tựu mới của loài người từ cái thiện của công nghệ tiềm tàng thành cái ác đạo đức toàn cầu. Do vậy, những mâu thuẫn của toàn cầu hóa đã làm xuất hiện những suy lý về sự cần thiết tìm kiếm các đối trọng xã hội mới như các nhân tố kìm hãm ảnh hưởng tiêu cực của nó đến tương lai của loài người. Vấn đề về nhà nước dân tộc, vị trí và vai trò của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa trở nên đặc biệt cấp bách cả trên phương diện lý luận, lẫn trên phương diện thực tiễn, vì nó có liên quan tới một trong nền tảng, “đơn vị” của hệ thống chính trị thế giới hiện đại đã hình thành cách đây gần 400 năm (từ Hiệp ước Westfalen) - chủ quyền dân tộc.
Với tất cả các dân tộc trên thế giới, chủ quyền dân tộc và việc bảo vệ nó là vấn đề được đặt lên hàng đầu của nhà nước. Điều này càng thấm nhuần đối với dân
tộc ta. Chủ quyền dân tộc (độc lập dân tộc) là hạt nhân của nhà nước dân tộc, trở thành một trong những giá trị quan trọng nhất trong tự ý thức dân tộc (không có gì quý hơn độc lập, tự do), cấu thành định hướng nội dung cơ bản của hệ tư tưởng dân tộc (“độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “dân giàu, nước mạnh”). Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chức năng quản lý xã hội và bảo vệ chủ quyền dân tộc của các nhà nước dân tộc ngày càng trở nên cấp bách. Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn quan trọng, trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng một chế độ nhà nước có sức sống lớn nhất nhằm vượt qua được những thách thức và những nguy cơ do toàn cầu hóa đem lại, nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công vằng, văn minh”. Thất bại và thành công của hiện đại hóa gắn liền với mức độ hòa nhập của quá trình hiện đại hóa vào các đặc thù văn hóa xã hội của mỗi quốc gia.
Chủ quyền là giá trị tối cao đối với mỗi dân tộc. Hệ thống chính trị thế giới hiện đại do Liên Hợp Quốc đại diện căn cứ trên nguyên tắc tối cao là chủ quyền dân tộc được nhà nước tương ứng đại diện như tế bào của nó. Từ sau Hiệp ước Westfalen (1648) tới nay, những sự kiện chính trị thế giới lớn nhất luôn có can hệ với vấn đề chủ quyền dân tộc được đánh dấu bởi biên giới quốc gia. Dân tộc ta đã phải trả giá quá đắt để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy, chủ quyền dân tộc (độc lập, tự do) đã trở thành giá trị tối cao, tâm linh đối với mỗi người dân Việt (“thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, v.v ). Vấn đề về chủ quyền dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa tất nhiên vẫn cấp bách, song nó tiếp nhận hình thức mới, sắc thái mới do một số cường quốc đã và đang âm mưu nhân danh “toàn cầu hóa” để thực hiện chính sách đế quốc của mình. Do vậy, chúng ta hơn bao giờ hết cần làm sáng tỏ vấn đề về chủ quyền dân tộc (số phận của nhà nước dân tộc như nhân tố gánh vác lấy trọng trách cố kết toàn dân tộc nhằm bảo vệ chủ quyền của mình) chính trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Cuối cùng, từ cuối thế kỷ XX, một bước nhảy vọt mới về chất trong phát triển của các quá trình thế giới đã diễn ra, chính chúng được gọi là toàn cầu hóa. Nội dung của toàn cầu hóa cho thấy hệ thống lợi ích của các chủ thể trên hành tinh
cấu thành một bản chất thống nhất mới, vượt lên trên các nhà nước dân tộc và có quy mô toàn cầu. Dân tộc ở các quốc gia khác nhau thực sự có nguy cơ đánh mất chủ quyền và trở thành chủ thể thứ yếu của chính trị. Thực chất của giai đoạn này là từ nay, để thấu hiểu đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của dân tộc, thì cần phải xuất phát từ cấp độ phân tích thế giới.
Xét ở một khía cạnh khác, khi toàn cầu hóa hoàn toàn không mang tính chất lịch sử, không phải là quá trình tự nhiên, khách quan, mà toàn cầu hóa được xem là chức năng của chính trị, các quốc gia đã xây dựng và áp dụng chính sách toàn cầu hóa. Điều này xảy ra ở cuối thế kỷ XX, khi mà toàn cầu hóa là kết quả của hàng loạt quyết định và hoạt động chính trị.
Ở cách tiếp cận này, chính bản chất của toàn cầu hóa đã làm cho vấn đề về số phận của nhà nước dân tộc trở nên đặc biệt gay gắt. Nhà nước dân tộc đang trở thành chủ thể tích cực của quá trình xây dựng xã hội dân chủ và pháp quyền, hiện đại hóa xã hội. Hơn nữa, có một “mã phát triển” ổn định, quy định tiến trình và các đặc điểm của quá trình toàn cầu hóa. Theo Shmuel Eisenstadt (nhà xã hội học người Israel), toàn cầu hóa không thể thủ tiêu hoàn toàn truyền thống như nhân tố định trước tiến trình và các đặc điểm của hiện đại hóa, thái độ trung thành của xã hội với các truyền thống thể hiện là nhân tố ổn định hóa, đem lại tính chất bền vững và nhất quán cho hiện đại hóa. A.Touraine (nhà xã hội học người Pháp) cho rằng, thành công của hiện đại hóa phụ thuộc vào mức độ hòa nhập của nó với các đặc điểm văn hóa của dân tộc, số phận của văn minh nhân loại phụ thuộc vào sự thỏa hiệp giữa phát triển như mục đích phổ biến với văn hóa như lựa chọn giá trị.
Cùng với việc triển khai quá trình toàn cầu hóa thì một trong các mâu thuẫn chủ yếu của thời đại - mâu thuẫn giữa quá trình toàn cầu hóa và nhà nước dân tộc càng trở nên gay gắt hơn. Xung đột giữa chúng mang tính chất hai chiều. Toàn cầu hóa phá hủy nền tảng của nhà nước dân tộc theo một số hướng. Nhưng đồng thời nhà nước dân tộc cũng là trở ngại cơ bản đối với diễn biến “trôi chảy” của toàn cầu hóa.
Có thể nói, mâu thuẫn căn bản của thời đại toàn cầu hóa là mâu thuẫn giữa các “dòng toàn cầu hóa”, vận động theo nghĩa chung nhất với “nguồn gốc”. Triển vọng lịch sử cho thấy quá trình phá hủy dần dần “nguồn gốc”. Việc tước đoạt đất
của nông dân làm cho họ đánh mất “nguồn gốc” truyền thống, tách biệt họ khỏi đất đai theo mọi nghĩa của từ này. Công nghiệp hóa thủ tiêu các đẳng cấp xã hội, tức “nguồn gốc” xã hội của con người, biến họ thành công dân bình quyền trước các quy luật hoạt động kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Đô thị hóa tách biệt cá nhân ra khỏi thái độ thiêng liêng đối với đất đai và quẳng họ vào văn hóa đô thị thế tục. Cuối cùng, các phong trào xã hội ở thế kỷ XX thể hiện dưới các hình thức gay gắt nhất - chiến tranh, cách mạng, đấu tranh giai cấp. Các hình thức này có mục đích phá vỡ trạng thái cổ hủ, trì trệ của xã hội và thay đổi phương hướng vận động của xã hội - “tăng tốc”, “hiện đại hóa”, thay đổi mô hình phát triển xã hội. Song chúng cũng còn thủ tiêu cả “nguồn gốc” của con người là các truyền thống lịch sử của dân tộc, vô số người đã đánh mất nó, trở thành những kẻ “mất gốc”, “giá lề”, “ngụ cư”.
Nhà nước dân tộc bị ràng buộc với các “giá trị gốc” (truyền thống dân tộc) không những về phương diện lãnh thổ mà cả về phương diện sắc tộc. Nhưng toàn cầu hóa đe dọa thủ tiêu chủ quyền và bản thân nhà nước dân tộc với tính cách là tế bào bất biến để xây dựng một thế giới toàn cầu hóa mới. Hệ thống thế giới toàn cầu muốn nhận thấy cá nhân là căn cứ, “tế bào” của mình. Chính quá trình tăng cường cá nhân hóa không gian toàn cầu và sự khải hoàn của tư tưởng tự do chủ nghĩa đã tồn tại trước việc mở rộng và tăng cường toàn cầu hóa. Với tính cách là triết học xã hội, chủ nghĩa tự do biến cá nhân, tự do cá nhân thành xuất phát điểm. Trong lý luận của chủ nghĩa tự do, nhà nước dân tộc chuyển biến từ nơi cư trú của lý tính tập thể, biểu thị và đại diện cho phúc lợi xã hội thành nhà nước pháp quyền đặt trọng tâm vào các quyền của cá nhân.
Các chức năng cơ bản của nhà nước dân tộc, trước hết là chức năng an sinh xã hội và an ninh cá nhân đang bị thủ tiêu. Vốn được thừa nhận là cơ sở cho tính hợp thức của quyền lực và chủ quyền quốc gia từ thời T.Hobbes, J.Locke và J,- J.Rousseau, khế ước xã hội quy định an ninh cá nhân, bảo vệ các quyền sở hữu và tự do của cá nhân với tính cách là các giá trị xã hội tối cao. Vốn là “dòng chảy”, trao đổi thông tin, tư tưởng, lối sống, v.v., toàn cầu hóa thủ tiêu tĩnh thái của nhà nước dân tộc mà thực chất là trật tự, kỷ cương xã hội như điều kiện tối thiểu cần thiết cho tồn tại và hoạt động lành mạnh của cộng đồng người.
Vấn đề hiện nay là quy mô và các lĩnh vực hoạt động của nhà nước dân tộc
trong thời đại toàn cầu hóa. Có một sự thật hiển nhiên là nhà nước dân tộc sở hữu
một lĩnh vực chính sách độc quyền: không gian văn hóa, ngôn ngữ và xã hội, cũng như các phương diện hợp pháp của sự tái phân phối của cải dân tộc nhằm chỉnh lý và đền bù những hậu quả tiêu cực của kinh tế thị trường (bất bình đẳng về thu nhập, ô nhiễm môi trường, v.v.).
Tuy nhiên, nhà nước dân tộc đang vấp phải những thách thức mới vượt ra khỏi khuôn khổ lãnh thổ dân tộc. Song, điều này hoàn toàn không có nghĩa là khước từ, phủ định nhà nước dân tộc. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải tìm kiếm các hình thức tác động chính trị mới. Phương hướng hoạt động chủ yếu của nhà nước dân tộc và là nơi thị trường hoàn toàn bất lực - đó là lĩnh vực phúc lợi chung, toàn dân tộc. Nhà nước dân tộc vẫn tiếp tục hoàn thành chức năng áp dụng những thể chế, những chuẩn tắc, hoàn thiện chế độ thuế và giám sát.
Mặt khác, lý luận về nhà nước dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện bành trướng văn hóa của một số cường quốc nhằm thống trị loài người, giám sát và loại bỏ vai trò của nhà nước dân tộc, cần phải tính đến thuyết phổ độ toàn thể về văn hóa. Thuyết phổ độ toàn thể về văn hóa là định hướng thế giới quan vào tích hợp văn hóa, vào tính toàn cầu của lịch sử, vào sự “hội tụ” các nền văn hóa. Bất chấp tính đa dạng của các nền văn hóa và các hành trình văn hóa, những người ủng hộ định hướng lý luận này vẫn quan tâm tới một số phận chung của loài người. Họ vẫn tin tưởng là một con đường thống nhất, một dấu hiệu thống nhất về văn hóa chung nhân loại sẽ bộc lộ ra cùng với tính đa dạng về văn hóa dân tộc. Lý luận này có liên hệ mật thiết với việc lý giải loài người như sự thống nhất của các dân tộc sống trên trái đất.
Toàn cầu hóa trong các lĩnh vực công nghệ và kinh tế không thể không có ảnh hưởng đến địa chính trị, đến sự tương tác và sự đối đầu giữa các nhà nước cho tới các hình thức cực đoan nhất - chiến tranh giữa các quốc gia. Bản đồ chính trị thế giới ở thế kỷ XX đã được chỉnh lý hai lần trong đời một thế hệ. Song điều đó cũng đã xảy ra - mặc dù không phải với tốc độ lớn như vậy - cả trong các thời đại trước kia. Điểm mới là ở chỗ khác: nội dung và cơ cấu của quan hệ chính trị quốc tế và
của các quy tắc điều tiết chúng đã thay đổi chất, sự tương tác và đối đầu giữa các nền văn minh khu vực được đặt lên hàng đầu, các nhà nước dân tộc dành một phần thẩm quyền của mình cho các cơ quan siêu dân tộc, có lịch sử nhiều thiên niên kỷ, với tư cách đạt tới phương tiện chính trị, chiến tranh đang mất đi ý nghĩa của mình và có cơ hội trở thành phương tiện tự hủy diệt tập thể.
Những chuyển biến triệt để như vậy đòi hỏi các cách tiếp cận mới cả trong khoa học, cả trong chính trị, lẫn trong hoạt động thực tiễn. Cần phải xem xét tỉ mỉ cái gì đang biến đổi trong địa vị của nhà nước và pháp luật, trong hệ thống quan hệ quyền lực ở điều kiện toàn cầu hóa, các nền văn minh tương tác như thế nào trong lĩnh vực địa chính trị, thực chất của chiến tranh giữa các nền văn minh dân tộc là gì và triển vọng xung đột giữa các nền văn minh ở thế kỷ XXI là gì.
Quá trình toàn cầu hóa đem lại những chuyển biến triệt để cho các nhà nước dân tộc. Chúng ngày càng chuyển một bộ phận chức năng lớn hơn của mình lên trên (cho các liên minh giữa các quốc gia và giữa các dân tộc) và xuống dưới (các cơ quan thuộc lãnh thổ và thị chính). Nảy sinh một vấn đề hợp quy luật là: sau khi bị hòa tan trong các cơ quan quyền lực toàn cầu, các thiết chế chính trị đó có quay về với quá khứ lịch sử ở thế kỷ XXI hay không? Để trả lời cho vấn đề đặt ra và đánh giá về dự báo chính trị - nhà nước được tiến cử, cần phải quay lại quá khứ, quay lại các giai đoạn cơ bản của sự tương tác và động thái giữa các nhà nước, các nền văn minh khu vực và cộng đồng thế giới.
Với tư cách một thiết chế xã hội, nhà nước đã xuất hiện khoảng một nghìn năm, sớm hơn các nền văn minh khu vực, khi mà liên minh giữa bộ lạc thời đại đồ đá mới đã trở nên bền vững và đã tách biệt những đặc tính của quyền lực nhà nước - quyền lực tối cao, những người thực hiện các chức năng của nó (quan lại tương lai), lính chuyên nghiệp (mà đồng thời cũng hoàn thành cả chức năng tài chính nhờ thu nhận cống phẩm và cướp đoạt của cải của láng giềng), cơ quan trừng phạt, các chuẩn tắc ứng xử và các cấm đoán được chính quyền kiện toàn, việc vi phạm chúng sẽ bị trừng phạt. Nhà nước gánh vác lấy một bộ phận các chức năng kinh tế và xã hội mà trước đó công xã và các nhà lãnh đạo được thừa nhận hay bầu ra đã hoàn thành trên cơ sở hội đồng, chấn chính quan hệ trong xã hội có thành phần ngày một
phức tạp và quy mô ngày một lớn, tổ chức công việc xã hội về thủy lợi, xây dựng công sở, tập hợp lực lượng để khắc phục thiên tai, chống lại các cuộc xâm lược của kẻ thù.
Bước tiến tiếp theo - thành lập các nhà nước hùng mạnh hay các liên minh trong khuôn khổ các nền văn minh thế hệ thứ nhất đang hình thành (Sumerơ, Ai