2.3. Quan niệm chung về những nhân tố tác động đến quan hệ dân tộc trong
2.3.2. Quan niệm về nhân tố địa chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa
Nhân tố địa chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa là không gian quan hệ giữa
các chủ thể chính trị hình thành do tác động của toàn cầu hóa. Thoạt nhìn thì các quá trình diễn ra trong không gian địa chính trị là đối lập với toàn cầu hóa. Trong suốt nửa sau thế kỷ XX, hàng loạt nhà nước có chủ quyền mới đã nối tiếp nhau ra đời do có sự sụp đổ của các đế chế thuộc địa và của các nhà nước liên bang. Bản đồ
chính trị của thế giới giống như một chiếc áo vá nhiều màu sắc, nơi mà các nước lớn đứng bên cạnh các quốc gia nhỏ bé, còn Liên Hợp Quốc trở thành cộng đồng ngày một đông đảo hơn và khó hình dung hơn của các dân tộc. Tuy vậy, mặc dù có vô số quá trình chính trị ly khai, song xu hướng toàn cầu hóa vẫn thể hiện rất rõ. Nó thể hiện đầu tiên ở việc tạo ra và đối kháng giữa hai trung tâm quyền lực, hai khối địa chính trị do Mỹ và Liên Xô cầm đầu. Sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, trung tâm của sự ảnh hưởng địa chính trị càng thu hẹp hơn nữa, Mỹ tuyên bố về thế giới đơn cực, coi dường như toàn bộ thế giới là khu vực cho các lợi ích chiến lược của mình. Z.Brzezinski (Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ) trình bày quan điểm này rõ ràng hơn cả. Nó được phản ánh trong quan điểm chiến lược của NATO được chuẩn xác hóa vào năm 1999.
Vấn đề nêu lên ở đây trước hết thể hiện là hệ quả sinh ra từ toàn cầu hóa chính trị. Đến cuối thế kỷ XX đã hình thành nền kinh tế thế giới trong đó, kinh doanh, các quyết định chính trị và các quá trình kinh tế ở các nước khác nhau phụ thuộc lẫn nhau trực tiếp và đáng kể. Đa số nguồn lực kinh tế và các nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất tác động trực tiếp trên nền kinh tế thế giới này. Môi trường thông tin - văn hóa toàn cầu được tạo ra. Để giải quyết những vấn đề sinh thái, kinh tế và an ninh toàn cầu, hệ thống thông qua quyết định chính trị toàn cầu, tức là những quyết định động chạm đến tất cả các nước, đã được hình thành. Hệ thống thông qua quyết định chính trị như vậy đôi khi còn được gọi là “nhà nước thế giới”. Loài người đã suy ngẫm hàng thế kỷ về tư tưởng nhà nước thế giới. Nhà nước như vậy thể hiện dưới hình thức nhà nước quan phương được hình thành theo nguyên tắc đại diện (như Đại quốc liên hay Hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc). Song, hệ thống thông qua quyết định như vậy trên thực tế được hình thành theo nguyên tắc quản lý kiểu ma trận: đây là một mạng lưới các trung tâm thông qua quyết định không phân cấp. Mạng lưới này bao gồm những đầu mối như Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc, Hội đồng Chính trị NATO, Ban lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, Nhà nước các nước thuộc nhóm G7, v.v.. Các đầu mối của nhà nước kiểu mạng lưới này phụ thuộc lẫn nhau nhưng không phục tùng nhau. Các tín hiệu quản lý ở đây được truyền đạt không phải dưới dạng chỉ thị mà dưới dạng dự án. Mỗi lực
lượng chính trị có sáng kiến đều tham gia mạng lưới này cùng với dự án của mình, thu hút mọi chủ thể khác của chính trị toàn cầu vào dự án của mình. Như vậy, cuộc đấu tranh chính trị trong hệ thống chính trị kiểu mạng lưới toàn cầu thể hiện không phải giống như cuộc đấu tranh giữa các đảng phái, mà thể hiện dưới hai dạng đấu tranh giữa các dự án và đấu tranh giữa các đầu mối vì các nguồn lực và tinh thần chủ động. Mỗi dự án đều là một ma trận của hệ thống quan hệ qua lại giữa các đầu mối với nhau trong hệ thống.
Vấn đề chính trị quan trọng nhất khi hình thành hệ thống thông qua quyết định toàn cầu là thay đổi chủ quyền. Chủ thể cơ bản trên diễn đàn thế giới theo truyền thống là các nhà nước dân tộc độc chiếm chủ quyền sau Hiệp ước Westfalen. Hiện nay, chủ quyền này của các nhà nước dân tộc đang suy giảm, một phần biến mất theo các phương hướng, như giao phó cho các cơ quan đứng trên dân tộc, cho các công ty xuyên quốc gia, cho xã hội dân sự quốc tế thể hiện như dư luận xã hội được thể chế hóa.
Toàn cầu hóa là tất yếu theo nghĩa nó không thể bị chặn đứng do nó đáp ứng nhu cầu và lợi ích của tư bản, do nó xuất hiện để phổ biến nhanh chóng thị trường thế giới và thông tin như các nhân tố dẫn tới thắng lợi của tư bản đối với lợi ích dân tộc. Toàn cầu hóa là sự khởi đầu phá hủy hệ thống nhà nước dân tộc có chủ quyền, phổ biến các hình thức hoạt động xuyên quốc gia. Internet cho phép chuyển mọi công nghệ và mọi tư tưởng cho toàn thể loài người. Những chuyển biến to lớn cũng diễn ra trên bình diện kinh tế - biểu giá thương mại. Thắng lợi của tư bản đối với lợi ích dân tộc được thực hiện chính với nghĩa đó và các không gian xuyên quốc gia được tạo ra. Một câu lạc bộ những nhà vô địch về phát triển đã hình thành, có khả năng sản xuất theo cách hoàn toàn mới.
Đồng thời toàn cầu hóa cũng sinh ra khoảng cách chưa từng thấy về mức sống và cơ hội giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển, giữa các nước công nghệ phát triển cao và các nước công nghệ kém phát triển. Liên Hợp Quốc công bố một tài liệu đặc biệt là “Toàn cầu hóa với bộ mặt con người”, trong đó chỉ ra sự tương phản giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển tăng lên cùng với quá trình toàn cầu hóa. Tài liệu dẫn ra số liệu khủng khiếp như ba người giàu
nhất sở hữu một lượng tư bản bằng tổng thu nhập quốc dân của 5 nước nghèo nhất [134, tr.307]. Xét về phương diện này, toàn cầu hóa đối lập với hiện đại hóa, vì hiện
đại hóa kiên định để cho các nước không phải phương Tây có thể đuổi kịp phương
Tây ở một chừng mực nhất định và quan trọng nhất là nó bảo đảm chủ quyền quốc
gia dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Như vậy, toàn cầu hóa là một thực tại, có tác động đến mọi mặt đời sống và quan hệ của hệ thống chính trị thế giới và mỗi quốc gia. Logic khách quan của tiến trình toàn cầu hóa đưa tới hàng loạt nghịch lý, quan trọng nhất trong số đó là lãng quên tư tưởng về phúc lợi chung (như tiền đề để hình thành hệ tư tưởng dân tộc - rường cột tinh thần của nhà nước dân tộc có chủ quyền), làm suy yếu các nền tảng của chế độ nhà nước dân chủ và loại nhà nước dân tộc ra khỏi “cuộc chơi”, tức hạ thấp dần dần và trong tương lai sẽ gạt bỏ vị trí, vai trò của nhà nước dân tộc trên diễn đàn chính trị thế giới. Vấn đề về nhà nước dân tộc, vị trí và vai trò của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa trở nên đặc biệt cấp bách cả trên phương diện lý luận, lẫn trên phương diện thực tiễn, vì nó có liên quan tới một trong nền tảng, “đơn vị” của hệ thống chính trị thế giới hiện đại đã hình thành cách đây gần 400 năm (Hiệp ước Westfalen) - chủ quyền quốc gia dân tộc.
Với tất cả các dân tộc trên thế giới, chủ quyền quốc gia dân tộc và việc bảo vệ nó là vấn đề được đặt lên hàng đầu của nhà nước. Điều này càng thấm nhuần đối với dân tộc ta. Chủ quyền quốc gia dân tộc (độc lập dân tộc) là hạt nhân của nhà nước dân tộc, trở thành một trong những giá trị quan trọng nhất trong tự ý thức dân tộc (“không có gì quý hơn độc lập, tự do”), cấu thành định hướng nội dung cơ bản của hệ tư tưởng dân tộc (“độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “dân giàu, nước mạnh”). Hơn nữa, hiện đại hóa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề nhà nước dân tộc trên các phương diện hoàn thành các chức năng quản lý xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc càng trở nên cấp bách.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, hiện nay, nhà nước đang quay trở lại diễn đàn chính trị với tư cách là tác nhân xã hội tích cực trong công cuộc xây dựng xã hội dân chủ và pháp quyền. Hơn nữa, mỗi quốc gia đều có một “bộ mã phát triển” ổn định, quy định tiến trình và các đặc điểm của bản thân quá trình hiện đại hóa. Hiện
đại hóa hoàn toàn không thể “nghiền nát” những giá trị văn hóa truyền thống như nhân tố định trước diễn biến và các đặc trưng của bản thân hiện đại hóa, còn lập trường trung thành của xã hội với các truyền thống của mình trở thành nhân tố hoàn thành chức năng ổn định hóa, đem lại tính bền vững và nhất quán cho hiện đại hóa.
Vào nửa sau những năm 80 và đầu những năm 90 thế kỷ XX, giới nghiên cứu khoa học bắt đầu nhất quán gắn liền thất bại hay thành công của hiện đại hóa với mức độ ăn nhập, hòa nhập của quá trình hiện đại hóa vào các đặc thù văn hóa xã hội của mỗi quốc gia. Một trong các nhà phân tích nổi tiếng nhất về lý luận hiện đại hóa là A.Touraine đã kiên quyết tuyên bố vào cuối những năm 80 thế kỷ trước rằng, số phận của nền văn minh thế giới hiện nay phụ thuộc vào khả năng tìm ra thỏa hiệp giữa phát triển như mục đích chung với văn hóa, như lựa chọn về giá trị.
Như vậy, nhà nước vẫn tiếp tục là tác nhân quan trọng nhất của những cải biến trong nước ở thời kỳ quá độ lên xã hội hiện đại. Do đó, logic loại bỏ nhà nước dân tộc của những người theo chủ nghĩa toàn cầu (globalism) được tiếp nhận một cách rất gay gắt. Song cũng chính vì thế, chúng ta cần phải hiểu thực chất của những biến đổi đang diễn ra trên quy mô toàn cầu để đánh giá đúng những hệ quả của chúng đối với nước ta và để hoạch định chiến lược hành động thích hợp ở trong nước, cũng như trên diễn đàn đối ngoại quốc tế.
Quá trình toàn cầu hóa càng diễn ra sâu rộng hơn, thì một trong các mâu thuẫn cơ bản của thời hiện đại - mâu thuẫn giữa quá trình toàn cầu hóa với các nhà nước dân tộc - càng trở nên hiển nhiên hơn. Xung đột giữa chúng làm gay gắt lẫn nhau. Cái nhìn tổng thể về lịch sử cho thấy quá trình phá hủy dần dần “gốc gác”, “truyền thống”, “tính bản địa”, “văn hóa gốc”, “cội nguồn”. Việc tước đoạt ruộng đất của nông dân làm cho họ đánh mất các cội nguyền truyền thống, làm cho họ đánh “mất gốc” theo tất cả mọi nghĩa của từ này. Công nghiệp hóa loại bỏ cơ cấu đẳng cấp của xã hội, tức là thành phần xã hội của con người, rốt cuộc biến họ thành những công dân bình đẳng trước các luật hoạt động kinh tế của xã hội công nghiệp. Đô thị hóa tước bỏ thái độ thiêng liêng đối với ruộng đất của cá nhân và quẳng họ vào văn hóa đô thị thế tục nằm ngoài giáo hội, nằm ngoài nghiệp đoàn (theo nghĩa trung cổ), phi cá tính. Các hình thức cực đoan của vận động xã hội ở thời hiện đại
ẩn chứa mục đích phá tan trạng thái trì trệ, đình trệ của xã hội nhằm thay đổi hoàn toàn hướng vận động - đuổi kịp, hiện đại hóa, thay thế mô hình phát triển xã hội. Các biến thể phát triển cực đoan đồng thời cũng loại bỏ “gốc gác” của dân tộc, làm cho con người đánh mất truyền thống dân tộc.
Các chức năng cơ bản của nhà nước, trước hết là chức năng đảm bảo an ninh, đang bị loại bỏ. Vốn được thừa nhận từ thời Th.Hobbes (nhà triết học người Anh), J.Locke (nhà triết học và hoạt động chính trị người Anh) và J.-J.Rousseau (nhà triết học người Pháp) là cơ sở cho tính hợp pháp của quyền lực và chủ quyền của nhà nước, khế ước xã hội xác định an sinh của công dân, bảo vệ các quyền sở hữu, tự do là những giá trị tối cao. Toàn cầu hóa thực chất là trao đổi thông tin và tư tưởng, là thâm nhập lẫn nhau giữa các lối sống, v.v., tức là “chuyển biến”, đang phá hủy “tĩnh thái” của nhà nước, tức là kỷ cương, trật tự xã hội được duy trì bởi nhà nước trên lãnh thổ của một dân tộc.
Xung đột giữa các đặc trưng cơ bản của thế giới toàn cầu hóa hiện đại - tăng cường chuyển biến trao đổi và tĩnh thái của nhà nước - đang triệt tiêu một chức năng quan trọng khác của nhà nước - đoàn kết. Từ thời J.Locke, triết học chính trị đã khẳng định luận điểm về triển vọng phòng vệ tích cực của nhà nước như thể chế có sứ mệnh củng cố trạng thái hòa bình trong xã hội, chống lại quan điểm của Th.Hobbes về chức năng phòng vệ tiêu cực của nhà nước như thể chế hạn chế “chiến tranh chống lại nhau của mọi người”. Từ thời điểm này, các thể chế xã hội ở bên trong nhà nước đã bắt đầu phát triển theo hướng đảm bảo sự bình quyền tối đa có thể của công dân, dung hòa các mâu thuẫn giữa kẻ giàu và người nghèo, tức là duy trì đoàn kết của xã hội và trong xã hội. Quan điểm “nhà nước xã hội” đã được hình thành trong suốt một thời gian dài và hoàn tất ở giữa thế kỷ 20. Tất cả mọi thể chế của xã hội như vậy - hệ thống thuế, hệ thống bảo hiểm xã hội, hệ thống giáo dục, hệ thống tái phân phối kinh tế và tài chính - đều được xây dựng cách phù hợp với mục đích tối hậu là duy trì hòa bình trong xã hội, tức là đoàn kết xã hội.
Toàn cầu hóa và đặc điểm cơ bản của nó - nhân gấp bội và phân tán các dòng trao đổi và các vận động xã hội - đang làm suy yếu và thủ tiêu tất cả các hình thức
đoàn kết xã hội đã hình thành trong lịch sử; khủng hoảng tính nhất thể dân tộc (hệ giá trị văn hóa dân tộc) trở thành một hiện tượng toàn cầu. Qua đó nền tảng của kiểu nhà nước hiện đại đang bị thủ tiêu. Một vấn đề nảy sinh ở đây là xác lập một kiểu đoàn kết mới (khu vực, quốc tế), tóm lại, một kiểu đoàn kết khác so với đoàn kết dân tộc.
Một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của toàn cầu hóa là thủ tiêu cơ sở quan trọng hàng đầu của các xã hội hiện đại - tư tưởng về khế ước xã hội. Bắt đầu từ Th.Hobbes, quan điểm này liên tục được “gọt rũa”, hoàn thiện và rốt cuộc dẫn tới việc xây dựng lý thuyết hiện đại về chủ quyền. Lý luận về khế ước xã hội đã xuất hiện từ nhu cầu cấp bách về sự thoát chết, về sự sống sót của con người trong xã hội ở “trạng thái tự nhiên”, khi mà “người với người là chó sói” luôn rình rập ăn thịt lẫn nhau, do vậy họ phải giao phó một phần ý chí tự do của bản thân mình cho nhà nước nhằm đổi lấy bảo đảm về an ninh, các quyền tự do kinh tế và công dân. Vốn là bộ phận cơ bản cuối cùng của lý luận về khế ước xã hội, quan điểm về chủ quyền đã góp phần định hình quan niệm về nhà nước như bản chất hợp lý, có ý chí, sở hữu các quyền và các nghĩa vụ trong quan hệ với công dân của mình. Toàn cầu hóa thủ tiêu quan điểm đã hình thành. Nếu chủ quyền được giữ lại trong một khoảng thời gian nào đó, thì mục đích của nó dừng lại ở việc giám sát lãnh thổ khi giải quyết một số nhiệm vụ do luật quốc tế quy định.
Những suy ngẫm về các hiệu quả tiêu cực đối với nhà nước dân tộc sinh ra từ tiến trình toàn cầu hóa đang ngày một gia tăng tạo ra nhu cầu cấp bách là hiện đại hóa cách tiếp cận sử dụng thể chế nhà nước trong điều kiện mới. Lẽ nào thị trường