Quan hệ dân tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những nhân tố tác động đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 43 - 47)

2.2. Quan niệm về dân tộc, quan hệ dân tộc và toàn cầu hóa trong tài liệu

2.2.2. Quan hệ dân tộc

Xuất phát từ khái niệm về dân tộc là một cộng đồng những tộc người thống nhất với nhau dựa trên những lợi ích căn bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, được đại diện bởi một nhà nước tương ứng, nên quan hệ dân tộc được tiếp cận ở khía cạnh là quan hệ về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa giữa các dân tộc được nhà nước của mình đại diện và thực hiện hay có thể hiểu đó là quan hệ giữa các quốc gia dân tộc.

Xét trên quan điểm lịch sử cụ thể, quan hệ giữa các quốc gia dân tộc luôn tồn tại một cách khách quan và trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, trên cơ sở thể chế chính trị khác nhau, quan hệ giữa các quốc gia dân tộc có mức độ phát triển khác nhau.

Xét về mặt bản chất, quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới kể từ sau năm 1917 được hình thành và vận động trên cơ sở tác động tổng hòa của đấu tranh dân tộc và đấu tranh để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, nhất là khi tốc độ và ảnh hưởng của toàn cầu hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ, quan hệ dân tộc có xu hướng vượt qua mọi sự khác biệt, thậm chí là đối lập về ý thức hệ và chế độ xã hội để hướng đến thiết lập quan hệ hợp tác, phối hợp dựa trên những chuẩn mực mang tính nguyên tắc ở tầm quốc tế (dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc xây dựng từ năm 1945), đó là: độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc, chủ quyền quốc gia, dân chủ, công bằng, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việc hợp tác đó trở thành một tất yếu khách quan, tồn tại trong mối quan hệ vì những lợi ích chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia với nhau. Tính chất và quy mô của những lợi ích chung sẽ quyết định nội dung, tính chất và trình độ của sự hợp tác, đó có thể là quan hệ liên minh chiến lược, quan hệ đồng minh, quan hệ đối tác, liên kết, hoặc quan hệ hợp tác bình đẳng cùng có lợi...

Quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử chủ nghĩa Mác - Lênin đã phân tích rằng sự phủ định biện chứng đối với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa do quy mô rộng lớn và mức độ sâu sắc của quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đưa đến sự quá độ lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Suy cho cùng, sự chuyển hóa đó được bảo đảm bởi lôgic vận động của kết cấu vật chất - kỹ thuật và kinh tế - xã hội hiện đại sinh ra từ cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Đồng thời, chính quá trình đó đã làm ngày càng hẹp lại mọi khoảng cách về không gian và tạo ra môi trường để quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trong thời đại ngày nay được vận động trong quỹ đạo của quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Đây vừa là xu thế vận động quốc tế, vừa là một hình thức tập hợp lực lượng của các quốc gia dân tộc và thiết lập ngày càng nhiều hơn các khối liên kết

Quan hệ dân tộc, xét về mặt nội dung, đó là hệ thống các quan hệ chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, ; xét về mặt cơ chế xác lập, các quan hệ có thể dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ, hoặc lợi ích quốc gia, hoặc các trục địa chính trị, địa kinh tế, cũng như các nền văn hóa, văn minh; xét về mục tiêu, quan hệ dân tộc có thể là mục tiêu chính trị hoặc mục tiêu phát triển theo nhu cầu lịch sử của nhân loại hiện nay; xét về hình thức, có thể là liên minh quân sự, khối cộng đồng chung, khối hợp tác kinh tế...

Mặt khác, trong thế giới toàn cầu hóa, khi mà chủ quyền dân tộc có nguy cơ bị xâm phạm dưới chiêu bài “toàn cầu hóa”, “nhà nước toàn cầu”, v.v., quan hệ dân tộc thực chất là quan hệ giữa các nhà nước dân tộc nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của mình, do vậy nó có liên hệ mật thiết với khái niệm “chủ nghĩa dân tộc” như quan điểm bảo vệ lợi ích của dân tộc từ phía nhà nước đại diện cho nó. Vì vậy, ở đây cần làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm “chủ nghĩa dân tộc”.

Trong quá khứ, chủ nghĩa dân tộc thường được hiểu là học thuyết và thực tiễn chính trị căn cứ trên việc đối lập giữa các dân tộc, trên việc thừa nhận địa vị đặc biệt và ưu thế của dân tộc mình đối với các dân tộc khác và trên khát vọng đảm bảo cho dân tộc mình những đặc quyền nhờ dựa vào các nhóm dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc là một hình thức biểu thị thói ích kỷ của một hay vài dân tộc, không thừa nhận quyền bình đẳng của các dân tộc và đại diện của chúng. Điểm này phân biệt chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa yêu nước là chủ nghĩa kết hợp tình yêu dân tộc mình với việc thừa nhận quyền bình đẳng của mọi dân tộc khác. Vốn được hiểu như vậy và được thực hiện vào cuộc sống, chủ nghĩa dân tộc hình thành trên cơ sở các cộng đồng dân tộc hiện thực, tuy nhiên nó thổi phồng vai trò của những sự khác biệt dân tộc và những ưu thế của dân tộc mình. Sử dụng tự ý thức dân tộc, tình cảm yêu tổ quốc, sự giống nhau về ngôn ngữ, sắc tộc, v.v..., nó chuyển hóa chúng thành một lập trường thù địch, hiếu chiến đối với các dân tộc khác. Xét về bản chất của mình, chủ nghĩa dân tộc mang tính xung đột vì nó phân chia mọi người ra thành “quân ta” và “quân nó”, ”chúng ta” và “chúng nó”, “người của mình” và “người của nó”, “bạn” và “kẻ thù”, đem đối lập mọi người với nhau theo dấu hiệu dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc theo quan niệm hiện đại đã ra đời với tư cách một hình thức chống lại sự áp bức dân tộc và tình trạng không có quyền của dân tộc. Tiền đề cho sự xuất hiện của nó là sự phát triển giao tiếp giữa đại diện các dân tộc và sự hình thành ở chúng tính nhất thể dân tộc chung. Vốn được định hướng chống lại sự áp bức dân tộc, sự lệ thuộc thuộc địa và các hình thức kỳ thị chủng tộc khác, chủ nghĩa dân tộc đã đóng một vai trò tiến bộ: đã góp phần cố kết và giải phóng các dân tộc, thành lập các nhà nước dân tộc, phát triển văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc giả danh có thể “đội lốt” các hình thức khác nhau, như “chủ nghĩa dân tộc dân chủ” nhằm xâm phạm các quyền công dân của các sắc tộc khác dưới chiêu bài sự trong sáng sắc tộc, phục hồi sự chính nghĩa lịch sử, giải thoát nền văn hóa dân tộc, v.v..., chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã trắng trợn, huỷ diệt một cách dã man đại diện của các dân tộc khác dường như không có giá trị đầy đủ. Biểu hiện xuyên tạc của chủ nghĩa dân tộc cũng có thể là chủ nghĩa phân lập và chủ nghĩa biệt lập, những thứ chủ nghĩa này cắt đứt các mối liên hệ tự nhiên giữa các dân tộc và làm phương hại đến công dân mọi dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc thường bị hiểu sai do các tư tưởng và các giá trị chân chính của nó bị giới cầm quyền chính trị lạm dụng để thực hiện các mục đích vị kỷ của chúng là minh biện cho kỳ vọng nắm quyền của mình, kiện toàn tính hợp tức cho sự thống trị của mình, làm cho nhân dân xao nhãng những thất bại trong chính sách của mình nhờ tìm kiếm kẻ thù là dân tộc khác, xâm chiếm của cải của người khác, thực hiện các kế hoạch háo danh của bản thân nhằm tạo dựng một “Đại cường quốc”, v.v.. Chủ nghĩa dân tộc có khả năng huy động lớn. Lạm dụng tình cảm yêu tổ quốc, yêu dân tộc, yêu các truyền thống và văn hóa một cách tự nhiên, lạm dụng sự thống nhất về ngôn ngữ, tôn giáo, lợi ích dân tộc, v.v., cũng như lạm dụng sự không hiểu biết của các dân tộc khác, lạm dụng thái độ không tin tưởng đối với họ và đối với mọi cái “không phải của mình”, các nhà cầm quyền chính trị nhân danh chủ nghĩa dân tộc để reo rắc sự thù địch sâu sắc giữa các dân tộc, làm mê muội rất nhiều người trong suốt một thời gian dài.

Trên thực tế, bản chất chân thực của quan hệ dân tộc là biểu thị lợi ích kinh tế, chính trị và văn hóa của một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc khác do nhà

Tóm lại, quan hệ dân tộc được hiểu là quan hệ trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc trên thế giới với nhau và được đại diện bởi một nhà nước xác định nhằm khẳng định và bảo vệ cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc đó và phát triển dân tộc mình trở thành một xã hội giàu mạnh, văn minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những nhân tố tác động đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)