2.3. Quan niệm chung về những nhân tố tác động đến quan hệ dân tộc trong
2.3.1. Quan niệm về nhân tố địa kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa
Nhân tố địa kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa được hiểu là không gian
quan hệ giữa các chủ thể kinh tế được hình thành do tác động của các quá trình toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa hiện nay đang hình thành nên một hệ thống kinh tế toàn cầu toàn vẹn, trong đó các chủ thể cơ bản chính là các nhà nước dân tộc.
Tất nhiên là quan hệ kinh tế quốc tế dưới dạng trao đổi hiện vật và buôn bán hàng hóa đã xuất hiện từ thời xa xưa. Trải qua hàng nghìn năm, quan hệ kinh tế rời rạc giữa các bộ lạc, giữa các quốc gia mới chuyển biến thành sự phân công lao động quốc tế bền vững. Nhờ thực tế đó mà những người tham gia quan hệ kinh tế quốc tế nhận được khả năng tập trung nguồn lực con người và tư bản của mình vào sản xuất những hàng hóa và dịch vụ có thể tạo ra với hiệu quả kinh tế lớn nhất trong điều kiện của nước mình, còn những thứ khác thì nhận được thông qua trao đổi quốc tế. Nền kinh tế dân tộc của các quốc gia tham gia sự phân công lao động như vậy đã bổ sung cho nhau ở một chừng mực nhất định. Được môi giới nhờ lưu thông tiền tệ và những quan hệ tài chính - tín dụng đa dạng, sự tương tác như vậy dần dần đã hợp nhất các nền kinh tế dân tộc thành một hệ thống kinh tế ít nhiều toàn vẹn - hệ thống kinh tế toàn cầu.
Giống như mọi hệ thống phức tạp, kinh tế toàn cầu có những đặc điểm không vốn có ở các nền kinh tế dân tộc cấu thành nó. Những đặc trưng đặc thù của kinh tế toàn cầu bao gồm: sự xuất hiện các thị trường hàng hóa và dịch vụ toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt đối với sự hoạt động của mọi nhà nước dân tộc (thị trường dầu khí, thị trường ngũ cốc, thị trường vận chuyển hàng hải, v.v.); hình thành giá cả toàn cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ quyết định đáng kể chính sách của những nhà sản xuất dân tộc; phát triển thị trường tư bản cho vay toàn cầu là nơi không những xác định giá quốc tế của nó mà còn xác định cả định hướng lưu thông ưu tiên của nó; chuyển dịch tăng trưởng hay suy thoái kinh tế từ nước này sang nước khác, v.v..
Sự tiến hóa của kinh tế toàn cầu cho thấy, sự xuất hiện của kinh tế toàn cầu có quan hệ với thời đại cách mạng công nghiệp và ra đời của chủ nghĩa tư bản (thế kỷ XVIII - XIX). Nhưng, lúc đầu nó bao trùm lên một số ít quốc gia bị lôi kéo vào sự tương tác thương mại và kinh tế với Anh và các nước công nghiệp non trẻ khác - Tây Âu và Đông Âu, Bắc Mỹ, một số ít quốc gia châu Á và Mỹ Latinh. Phần lớn cộng đồng thế giới khi đó vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp hay bán tự cung tự cấp và dường như không tham gia vào sự phân công lao động quốc tế, nằm ngoài kinh tế toàn cầu theo nghĩa đã nêu trên.
Tuy nhiên, cùng với việc phát triển quan hệ hàng hóa tư bản chủ nghĩa ở các khu vực ngoại diên, một mặt, cùng với việc các nước công nghiệp lôi kéo các khu vực ấy vào thương mại và quan hệ tài chính quốc tế, mặt khác, thì phạm vi của kinh tế toàn cầu cũng mở rộng. Điều này diễn ra một cách tự nguyện, cũng như một cách cưỡng chế dưới hình thức thuộc địa hóa các nước nông nghiệp từ phía các nước công nghiệp. Các nước mới ngày càng tham gia vào sự phân công lao động quốc tế tích cực theo một cách nào đó, còn kinh tế toàn cầu tiếp tục phát triển cho tới khi đạt tới giới hạn về không gian của mình vào giữa thế kỷ XX. Với nghĩa đó thì nó lần đầu tiên thật sự trở thành kinh tế toàn cầu.
Người ta thường nói đến hai hay ba làn sóng toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Đồng nhất quá trình này với sự phát triển quan hệ thương mại quốc tế, với sự gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau về tài chính và kinh tế giữa các nền kinh tế dân tộc, những người ủng hộ quan niệm như vậy dựa vào một thực tế là từ những năm 70
thế kỷ XIX đến năm 1913, mức độ phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các nước công nghiệp xét về nhiều chỉ số là thấp hơn so với ở cuối thế kỷ XX, mặc dù điều này đã giảm đáng kể do hai cuộc thế chiến và khủng hoảng kinh tế sâu sắc ở giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến. Các nhà nghiên cứu riêng biệt còn đi xa hơn và tuyên bố toàn cầu hóa kinh tế đã bắt đầu từ thế kỷ XVI, khi mà do có những khám phá địa lý vĩ đại, người ta đã phát triển mạnh mẽ quan hệ thương mại của châu Âu tiền công nghiệp với châu Mỹ Latinh và Nam Á.
Trên thực tế, không nên nói đến sự tồn tại của kinh tế toàn cầu ở thế kỷ XVI, vì quan hệ giữa các nước châu Âu và các nước khác được xây dựng không hẳn dựa trên sự phân công lao động quốc tế mà chủ yếu dựa trên việc người châu Âu bòn rút vàng, bạc và những báu vật khác từ các nước do các nhà hàng hải khám phá ra. Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, kinh tế toàn cầu đã tồn tại, nhưng hoàn toàn không phải dưới hình thức hiện nay. Do vậy, không có cơ sở để nói về toàn cầu hóa kinh tế theo đúng nghĩa của từ này thậm chí cả về phương diện số lượng.
Chất lượng mới của kinh tế thế giới trong thời đại toàn cầu hóa là một vấn đề quan trọng, vì trong giai đoạn toàn cầu hóa, kinh tế thế giới có hàng loạt đặc điểm mới về chất, phân biệt nó với giai đoạn quốc tế hóa đời sống kinh tế trước đó. Chúng được quy định bởi một thực tế là mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, pháp lý và thông tin giữa các quốc gia đã đạt tới giai đoạn có thể có ba hiện tượng mới.
Thứ nhất, kinh tế thế giới từ một hệ thống kinh tế ít nhiều toàn vẹn đã biến
thành một cơ thể kinh tế toàn cầu thống nhất, được cố kết không đơn giản nhờ sự phân công lao động quốc tế mà còn nhờ các cơ cấu sản xuất - tiêu thụ có quy mô khổng lồ, toàn cầu, nhờ hệ thống tài chính và mạng lưới thông tin toàn cầu. Không gian kinh tế thế giới trở thành một địa bàn thống nhất cho kinh doanh lớn, khi mà địa lý phân bổ lực lượng sản xuất, cơ cấu đầu tư, sản xuất và tiêu thụ theo ngành được các chủ thể đời sống kinh tế quyết định có tính đến bối cảnh toàn cầu, còn sự tăng trưởng hay suy thoái kinh tế có quy mô toàn cầu. Vào cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một quá trình tự phát triển bao trùm lên tất cả các nền kinh tế dân tộc, thành một kiểu phản ứng dây chuyền đi qua mọi khu vực.
Từ giữa thế kỷ XX, các cơ chế kinh tế tương tự bắt đầu hình thành với quy mô nhỏ hơn tại các khu vực phát triển nhất trên thế giới. Đó là các khối quốc gia liên kết ở mức độ cao trong khuôn khổ liên minh kinh tế hay mậu dịch. Tiến xa nhất trong số đó là EU (Liên minh châu Âu) mà các nước thành viên tiến hành gần 2/3 lượng ngoại thương của mình ở bên trong khu vực, còn đến đầu thế kỷ XXI thì đã sử dụng một đồng tiền chung, thực hiện phần lớn các khoản đầu tư vào kinh tế của nhau, tích cực tương tác trong lĩnh vực hợp tác sản xuất và hợp tác khoa học - kỹ thuật. Xét về các mặt kinh tế, chính trị và pháp lý, chúng đã biến thành một cơ thể kinh tế đủ toàn vẹn, từ lâu đã thể hiện như một chủ thể thống nhất của quan hệ thương mại - chính trị quốc tế.
Quy luật liên kết ở cấp độ khu vực cũng có tác động trên quy mô toàn cầu. Ra đời tại hạt nhân phát triển cao của cộng đồng thế giới, quá trình hình thành cơ thể kinh tế thống nhất tự điều thiết ngay càng mở rộng ra khắp toàn cầu cùng với sự phát triển kinh tế - kỹ thuật và lịch sử - xã hội của các quốc gia ngoại diên khác nhau.
Thứ hai, trong điều kiện toàn cầu hóa, quan hệ kinh tế dân tộc và quan hệ
kinh tế toàn cầu bắt đầu thay đổi vai trò cho nhau. Quan hệ kinh tế dân tộc đóng vai trò quyết định trong quá khứ. Các nền kinh tế dân tộc phát triển nhất đã quyết định tính chất, hình thức và cơ chế quan hệ quốc tế, dường như gán ghép các phương thức quan hệ kinh tế cho các quốc gia khác và cho cộng đồng thế giới. Quan hệ kinh tế trong nước là mang tính phát sinh, còn quan hệ kinh tế quốc tế mang tính phái sinh. Tuy nhiên, cùng với việc hình thành thị trường tài chính và các thị trường khác, các cơ cấu sản xuất - tiêu thụ xuyên quốc gia thì quan hệ kinh tế toàn cầu ngày càng đóng vai trò chủ đạo. Nói cách khác, kinh tế thế giới ở thời đại toàn cầu hóa đang dần dần trở nên mạnh hơn và quan trọng hơn kinh tế dân tộc.
Thứ ba, toàn cầu hóa có xu hướng làm giảm bớt và vô hiệu hóa các chức
năng điều tiết của nhà nước dân tộc, nhà nước này có thể sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc bảo vệ hữu hiệu nền kinh tế dân tộc khỏi những tác động kinh tế bên ngoài xâm phạm tính tự chủ của mình. Nó lại càng không có khả năng điều tiết các quá trình kinh tế, xã hội và văn hóa ở bên ngoài biên giới dân tộc mà đã có được tính độc lập, trở thành các quá trình tự phát triển và không thể quản lý. Các quá
trình kinh tế quốc tế biến từ các quá trình quan hệ giữa các nhà nước dân tộc, ít nhiều có thể điều tiết theo trình tự đơn phương, song phương hay đa phương, thành các quá trình toàn cầu, dường như không chịu sự điều tiết của nhà nước dân tộc. Toàn cầu hóa hiện nay đã bắt đầu làm thay đổi căn bản hình thức quan hệ kinh tế đối ngoại của nhà nước dân tộc thành một hình thức mới, khác căn bản so với ở đầu thế kỷ XX, quá trình quốc tế hóa kinh tế đã đạt tới đỉnh điểm của mình.
Có hai loại hình kinh tế toàn cầu. Những đặc điểm mới của kinh tế thế giới ở thời đại toàn cầu hóa đem lại cho nhân loại cả lợi ích và những tai hại trầm trọng. Toàn cầu hóa kinh tế mở ra triển vọng rộng rãi nhất cho sự phát triển sản xuất, khoa học và văn hóa đích thực toàn cầu, để nâng cao phúc lợi của con người trên khắp thế giới. Việc kinh tế thế giới bước vào giai đoạn toàn cầu hóa ở hai - ba thập niên gần đây không những đã kéo theo sự tăng tốc mức độ gia tăng thu nhập thế giới mà còn kéo theo bước ngoặt quan trọng theo hướng phân chia nó một cách đồng đều hơn giữa các nhóm quốc gia khác nhau. Trong điều kiện mới, các quốc gia ít phát triển hơn nhận được khả năng khắc phục sự lạc hậu về kinh tế - kỹ thuật và văn hóa xã hội của mình trong một thời hạn ngắn hơn so với quá khứ.
Song, toàn cầu hóa kinh tế cũng có mặt tiêu cực của mình. Sự tăng trưởng kinh tế đi liền với việc gia tăng mức độ tiêu thụ nhiệt lượng và tương ứng là mức độ làm ô nhiễm môi trường, dẫn tới những biến đổi khí hậu nguy hiểm, sa mạc hóa, hạn hán, lụt lội và các thiên tai khác. Toàn cầu hóa thị trường tài chính tạo ra điều kiện cho đầu cơ tiền tệ lớn, có khả năng gây ra những chấn động kinh tế có quy mô khu vực hay toàn cầu. Thông tin hóa cộng đồng thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm có tổ chức, đem lại cho nó quy mô quốc tế và trang bị cho nó những phương thức mới.