Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2. Một vài kinh nghiệm chủ yếu
4.2.2. Dựa vào quần chúng, phát huy quyền làm chủ của quần chúng,
nhưng phải coi trọng việc giác ngộ và tổ chức quần chúng
Xuất phát từ thực tế tỉnh Phú Thọ cho thấy, nông dân chiếm 95% dân số toàn tỉnh. Trong thời kỳ Pháp thuộc, nông dân Phú Thọ cũng cùng cảnh ngộ với nông dân các địa phương khác trên cả nước bị nhiều tầng áp bức, bóc lột và rất hăng hái cách mạng, họ tha thiết với khẩu hiệu “Độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày”. Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là động lực lớn của cách mạng, trong đó giai cấp nông dân là lực lượng to lớn nhất.
Do xác định đúng đắn vị trí của giai cấp nông dân, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã từng bước thực hiện các chủ trương của Đảng, thực hiện các cải cách dân chủ, nhằm đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân, tiến dần lên thực hiện chính sách ruộng đất triệt để và rộng rãi. Chính sách ruộng đất trong kháng chiến đã đóng góp về nhân tài, vật lực cho sự nghiệp kháng chiến. Thành công của Đảng là nắm vững quan điểm quần chúng và lập trường giai cấp trong lãnh đạo cách mạng nói chung và trong cuộc vận động thực hiện chính sách ruộng đất triệt để nói riêng. Điều đó thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng trong việc vận dụng tư tương lấy dân làm gốc để xây dựng và tổ chức, huy động lực lượng tham gia cách mạng. Quan điểm quần chúng và lập trường giai cấp nông dân, đảm bảo lợi ích quần chúng nông dân trong hoạch định đường lối, chính sách, ở việc trân trọng năng lực sáng tạo vĩ đại của quần chúng, tổng kết kinh nghiệm quần chúng để phục vụ quần chúng, từ quan điểm quần chúng đúng đắn mà Đảng đã tổ chức, phối
hợp lực lượng to lớn của quần chúng thực hiện thắng lợi trên mọi nhiệm vụ cách mạng. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, điều cần thiết là phải phát huy quyền dân chủ của nhân dân.
Vấn đề ruộng đất luôn là vấn đề quan trọng trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Khi động chạm đến vấn đề ruộng đất sẽ ảnh hưởng và tác động đến lợi ích kinh tế, chính trị của nhiều giai tầng trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn. Chính vì vậy, khi thực hiện chính sách ruộng đất phải đảm bảo các quyền dân chủ của người dân, nhân dân phải được tuyên truyền, giải thích để thông hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; họ phải được bàn bạc và đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, các biện pháp thực hiện khi giải quyết vấn đề ruộng đất cũng như các vấn đề khác. Trong cải cách ruộng đất ở Phú Thọ, quyền dân chủ đã không được tôn trọng: đường lối nông thôn, đường lối liên hiệp giai cấp của Đảng là biểu hiện dân chủ đã không được cán bộ cải cách ruộng đất thực thi một cách nghiêm túc, tác phong mệnh lệnh, quân phiệt, chủ quan, duy ý chí, tư tưởng tả khuynh của cán bộ cải cách ruộng đất đã xâm phạm đến quyền dân chủ ở nông thôn. Đặc biệt, khi phát động quần chúng đấu tranh, nhiều nơi còn gò ép quần chúng, không cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất.
Trong thực hiện cải cách ruộng đất, công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng được coi trọng đúng mức. Cán bộ cải cách ruộng đất đã thực hiện “ba cùng”, chỉ thiên về mục đích trước mắt là vận động nông dân tìm ra địa chủ, đưa địa chủ ra đấu tố, ít chú ý đến công tác tuyên truyền để quần chúng hiểu được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Công tác tuyên truyền chỉ được chú ý lúc đầu theo hướng nhấn mạnh vào việc đánh vào địa chủ và Việt gian, khi cao trào quần chúng lên cao thì nhiều cán bộ cải cách ruộng đất không theo kịp, công tác tuyên truyền cũng
không chú ý đến trình độ nhận thức, tâm lý quần chúng, vì vậy mà nhận thức của quần chúng chậm được nâng cao, dẫn đến những hành động sai quá tả của quần chúng. Muốn cải cách ruộng đất đạt hiệu quả thì quần chúng phải hiểu được chính sách và nguyên tắc pháp luật liên quan đến ruộng đất. Nếu quần chúng hiểu về chính sách ruộng đất thì họ sẽ tích cực tham gia, đồng thời, họ sẽ phân biệt được việc làm đúng, sai và phong trào quần chúng mới đi đúng hướng, hiệu quả. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong mọi phong trào của cách mạng phải gắn liền với việc tổ chức, tập hợp quần chúng với tuyên truyền, giáo dục, làm cho quần chúng giác ngộ, chỉ khi đó phong trào cách mạng mới thực sự trở thành phong trào quần chúng. Do đó, trong quá trình cách mạng, đoàn thể các cấp phải chú trọng công tác giáo dục chính sách cho cán bộ và nhân dân. Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng lớn lao, vì vậy cán bộ tham gia vào cải cách ruộng đất đòi hỏi phải có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, phải có lập trường giai cấp vững vàng, hiểu biết về tình hình địa phương. Cán bộ cải cách ruộng đất rất tích cực, nhưng do giao quyền quá lớn thành ra quan liêu, giáo điều, tả khuynh, nặng về thành tích, thiếu báo cáo trung thực đã dẫn đến việc sai lầm trầm trọng và kéo dài.
Những chính sách trong cải cách ruộng đất là những chính sách mới mẻ, nhất là trong khi thực hiện những chính sách đó còn gặp nhiều khó khăn, gay go, phức tạp, mà trình độ nhận thức của cán bộ không đều, có người kém, có người khá, có những cán bộ ở xã lấy lên chưa hiểu chính sách hoặc những cán bộ thoát ly lâu năm cũng chưa hiểu hết các chính sách, do vậy việc giáo dục tư tưởng, lập trường chính sách cho cán bộ thật thông suốt trước khi thực hiện, và trong khi thực hiệnc hính sách về lãnh đạo phải luôn luôn kiểm tra việc thực hiện, phát hiện những sai lệch của cán bộ trong khi thực hiện để giáo dục, uốn nắn kịp thời. Những sai lầm trong cải cách ruộng đất cũng do một phần cán bộ không được học tập thông suốt đường lối chính sách, có những cán bộ chỉ dự những cuộc tổng kết tháng, hoặc năm, thậm chí có
những cán bộ không được học tập chính sách cũng giao nhiệm vụ, nhất là các cán bộ ở xã được cử đi cải cách ruộng đất, các đoàn, đội cải cách đã mắc phải những sai lầm về thành phần chủ nghĩa, cho là các cán bộ lập trường đối với địa chủ đã vững, do đó mà coi nhẹ việc giáo dục chính sách đối với các anh em cán bộ xã.
Mặc dù yêu cầu cán bộ phải dựa trên tình hình thưc tế của địa phương để đề ra chủ trương và biện pháp tiến hành phù hợp, cụ thể. Cán bộ phải nghiên cứu chủ trương cho phù hợp với địa phương mình. Muốn vậy, cán bộ phải có tác phong và phương pháp làm việc thật dân chủ, nghe ngóng và tranh thủ ý kiến của quần chúng. Những biện pháp và yêu cầu đặt ra đó không được những cán bộ cải cách ruộng đất ở Phú Thọ thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc đã dẫn tới những sai lầm trong khi thực hiện. Điều đó khẳng định phải đào tạo được cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn, am hiểu tình hình địa phương và tâm lý dân cư để thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Đảng ở địa phương.
Đối với quần chúng lại càng phải giáo dục thật thông suốt chủ trương chính sách thì việc thực hiện mới được tốt, tùy vào chính sách của Đảng và Chính phủ có phù hợp với lợi ích của quần chúng nhân dân lao động hay không? Nhưng không phải nói tới quyền lợi mà họ thấy ngay được, vì tâm lý của quần chúng nông dân thường chỉ nhìn thấy những vấn đề gì có lợi trước mắt và chưa nhìn thấy quyền lợi lâu dài về sau, nên họ có thể bàng quan với sự việc, với chính sách, nên chỉ khi nào giáo dục chính sách cho quần chúng được đầy đủ và thông suốt thì họ tự thấy được quyền lợi của mình và yên tâm đi theo Đảng, chính quyền. Việc giáo dục chính sách cho cán bộ và nhân dân không phải chỉ giáo dục nhất thời trong khi thực hiện xong nhiệm vụ trước mắt là xong mà phải luôn luôn bồi dưỡng, nâng cao lập trường tư tưởng cho cán bộ và nhân dân để thực hiện cả các chính sách lâu dài về sau này. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định: trong việc triển khai thực hiện mọi chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tập hợp và xử lý các ý kiến đó để có giải pháp phù hợp. Đó là kinh nghiệm quý trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hiện nay.