6. Kết cấu của luận án
1.2. Những kết quả có thể kế thừa và những vấn đề luận án cần tập trung
giải quyết
1.2.1. Những kết quả có thể kế thừa
Nghiên cứu về ruộng đất, nông dân Việt Nam về cả lý luận và thực tiễn đã có nhiều công trình nghiên cứu. Các công trình của các học giả từ các công trình nghiên cứu cấp Bộ đến các bài viết, tài liệu, sách xuất bản của các nhà lý luận chính trị, các nhà lãnh đạo, của các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử đã giúp chúng tôi có được những hiểu biết chung về các xu hướng nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, qua đó có cách nhìn nhận, hướng tiếp cận theo xu hướng khách quan khoa học phù hợp với thực tiễn. Xét trên ba tiêu chí: nội dung, tư liệu, phương pháp nghiên cứu, các công trình nghiên cứu này đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan tới luận án:
Về nội dung
Các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và nước ngoài khi đề cập tới vấn đề cải cách ruộng đất ở Việt Nam phần nào đã cung cấp cho tác giả luận án những nội dung tổng quan về tình hình ruộng đất ở Việt Nam thời kỳ từ 1953 tới 1957, chính sách của Đảng về cải cách ruộng đất, vai trò của cải cách ruộng đất trong lịch sử, đồng thời có những đánh giá, nhận xét về cải cách ruộng đất - đây là một nội dung hết sức quan trọng để tác giả có thể có được thế giới quan đúng đắn khi nhìn cuộc cải cách ruộng đất từ nhiều góc độ, nhiều quan điểm.
Nhóm các công trình nghiên cứu về quan điểm chủ trương của Đảng thời kỳ cải cách ruộng đất là những nội dung quan trọng giúp tác giả rất nhiều trong việc triển khai đề tài luận án. Từ việc tìm hiểu về chủ trương của Đảng về cải cách ruộng đất để tác giả nghiên cứu về quá trình thực hiện những chủ trương đó ở Phú Thọ như thế nào. Nhóm các công trình nghiên cứu trực tiếp của học giả trong nước và nước ngoài về thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã cung cấp những nội dung chi tiết, toàn diện về cuộc cải
cách ruộng đất, những thắng lợi đạt được, những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế. Đây sẽ là những nội dung quan trọng nhất mà tác giả vận dụng trong luận án của mình.
Nhìn tổng thể có thể thấy rằng, các công trình khảo cứu trong và ngoài nước về vấn đề ruộng đất và cải cách ruộng đất cũng đã có đề cập tới ruộng đất ở Phú Thọ ở nhiều góc độ khác nhau: như tìm hiểu về ruộng đất miền Bắc thời kỳ trước cải cách ruộng đất, tình hình nông dân miền Bắc trước năm 1945, cải cách ruộng đất ở các tỉnh miền Bắc trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp...song những nghiên cứu về quá trình thực hiện cải cách ruộng đất ở một địa phương cụ thể của miền Bắc thời kỳ 1953 - 1957 lại chưa được phổ biến và số lượng nghiên cứu còn rất hạn chế. Khi nghiên cứu về cải cách ruộng đất thì các tác giả chủ yếu đề cập tới vấn đề chung, các chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về cải cách ruộng đất mà chưa đề cập tới việc thực hiện nó ở từng tỉnh thành trong cả nước như thế nào, chính sách ở từng Đảng bộ tỉnh ra sao. Lịch sử Đảng bộ Phú Thọ dày gần 200 trang cũng chỉ đề cập tới cải cách ruộng đất ở Phú Thọ trong vỏn vẹn 3 trang.
Các nghiên cứu trước đây khi nói về cải cách ruộng đất có rất nhiều những ý kiến trái chiều, có những nghiên cứu chỉ đề cập tới những thắng lợi của cải cách ruộng đất, trong khi những hạn chế thì viết khá sơ sài, qua loa; có những nghiên cứu lại phủ định sạch trơn thành quả của cải cách ruộng đất; có những nghiên cứu khi nói tới những sai lầm, hạn chế trong cải cách ruộng đất lại gán hết tội cho bần cố nông, cho nông dân trong quá trình thực hiện; có những nghiên cứu về cải cách ruộng đất tại địa phương lại đề cao quá vai trò của Đảng bộ tỉnh trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất? Đây chính là những bài học cho tác giả - là thế hệ nghiên cứu sau rút ra bài học kinh nghiệm quý giá trong việc đánh giá, nhận định về cải cách ruộng đất tại tỉnh Phú Thọ thời kỳ 1953 - 1957.
Về tư liệu
Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về ruộng đất và cải cách ruộng đất là những nguồn tư liệu quý giá cho tác giả trong việc triển khai đề tài. Nhóm các công trình nghiên cứu chung về quá trình tổ chức thực hiện cải cách ruộng đất trên phạm vi cả nước, tại các địa phương và trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là nguồn tư liệu chính giúp nghiên cứu sinh trong việc phân tích các chủ trương, chính sách của Đảng trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất cũng như nội dung phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất trong từng giai đoạn. Mặc dù diễn ra trong thời gian không phải là dài, nhưng giai đoạn cải cách ruộng đất ở Việt Nam tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu. Đầu tiên phải kể tới nghiên cứu của nhóm tác giả Trần Phương, Lê Đức Bình; của Lâm Quang Huyên, Trương Thị Tiến, Lê Thị Quỳnh Nga, và những luận án, luận văn khoa học lịch sử. Các nhà nghiên cứu từ những chính sách trong giảm tô và cải cách ruộng đất của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Sắc lệnh, Nghị định, Thông tư, điều lệ do Chính phủ ban hành) đã phác họa nên được bức tranh về cải cách ruộng đất ở Việt Nam trong những năm 50 của thế kỷ XX. Là nhà khoa học, họ không chỉ thấy đơn thuần những thắng lợi, hay sai lầm của cải cách ruộng đất chỉ dựa trên những con số, những báo cáo khô khan mà họ còn có những đánh giá riêng về những thắng lợi của nhiệm vụ phản phong và những sai lầm trong cải cách ruộng đất, họ còn thấy được nguồn gốc tư tưởng dẫn tới những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Đồng thời, các nhà khoa học cũng không chỉ phân tích được tác dụng to lớn của cải cách ruộng đất đối với đời sống nông dân mà còn thấy được ý nghĩa của nó đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp.... Họ không nhìn cải cách ruộng đất theo cách nhìn một chiều mà đa chiều để thấy hết được những yếu tố xung quanh nó, tác động tới nó làm biến đổi nó. Các nhà khoa học không chỉ nêu ra những nguyên nhân dẫn tới những thắng lợi hay sai lầm của cải cách ruộng đất mà còn chỉ ra được nguồn gốc tư
tưởng của những sai lầm đó. Họ đưa ra những ý kiến riêng của mình về con đường nông dân nên đi sau cải cách ruộng đất như thế nào? Về chủ nghĩa tư bản ở nông thôn miền Bắc ngay sau cải cách ruộng đất có thực sự tồn tại không? Có được những nghiên cứu sâu sắc như vậy, các nhà khoa học trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế... đã giúp cho Đảng đã đúc kết ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là một tư liệu tham khảo hết sức có ý nghĩa giúp tác giả có cái nhìn toàn diện về cải cách ruộng đất ở Việt Nam cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề ruộng đất, từ đó có được những đánh giá khách quan về quá trình thực hiện chủ trương ruộng đất của Đảng ở Phú Thọ giai đoạn 1953- 1957.
Về phương pháp nghiên cứu
Các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước khi đề cập về vấn đề ruộng đất đều từ hướng tiếp cận nhu cầu về tư liệu sản xuất của người nông dân, và vai trò của ruộng đất đối với nông nghiệp qua các thời kỳ. Bằng những phương pháp thống kê, so sánh đối chiếu, phương pháp logic, phương pháp lịch sử... các tác giả đã phân tích được những nội dung cơ bản về tình hình ruộng đất, sở hữu ruộng đất của nông dân qua các thời kỳ đồng thời làm rõ các chính sách của Đảng và nhà nước trong việc đem lại ruộng đất cho nông dân.
Nhóm các công trình nghiên cứu về cải cách ruộng đất ở các địa phương gồm chủ yếu là các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã cung cấp cho tác giả các phương pháp tiếp cận phù hợp, từ những quan điểm toàn diện từ đó đi tới những nội dung cụ thể khi phân tích quá trình thực hiện cải cách ruộng đất tại một tỉnh thành miền Bắc trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Trong các nghiên cứu của các tác giả về vấn đề ruộng đất nói chung và cải cách ruộng đất đều có đề cập tới tiến trình phát triển ruộng đất và tình hình sở hữu ruộng đất của nông dân qua các thời kỳ, các chủ trương của Đảng và Nhà
nước về vấn đề ruộng đất, quá trình thực hiện những chủ trương đó tại một số tỉnh thành, trong các bảng thống kê cũng có đề cập tới ruộng đất ở Phú Thọ. Tuy nhiên khá sơ sài, không thể toát lên được bức tranh cải cách ruộng đất ở Phú Thọ.
1.2.2. Những vấn đề luận án cần tiếp tục đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu làm rõ
Trên cơ sở những phân tích về kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn chưa được giải quyết của các công trình nghiên cứu về cải cách ruộng đất ở các địa phương từ trước tới nay tác giả luận án nhận thấy rằng việc tiếp tục tìm hiểu những vấn đề còn chưa đủ, chưa đúng, chưa sâu cải cách ruộng đất tại các địa phương, cụ thể là tại tỉnh Phú Thọ (1953 - 1957) là việc làm cần thiết. Trong phạm vi luận án của mình, tác giả tập trung vào giải quyết các vấn đề sau:
Về nội dung:
Luận án đi sâu vào tìm hiểu về đặc điểm, bối cảnh lịch sử tác động đến quá trình hình thành đường lối, chính sách ruộng đất của Đảng từ năm 1953 đến năm 1957; Chủ trương ruộng đất của Trung ương và các cấp bộ Đảng Phú Thọ trong thời gian này; Diễn biến quá trình quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng ở Phú Thọ thời kỳ từ năm 1953 đến năm 1957: Quá trình thực hiện phát động quần chúng tiến hành các đợt giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất tại Phú Thọ; Quá trình thực hiện công tác kiểm tra lại cải cách ruộng đất và công tác sửa sai sau cải cách ruộng đất. Những biến đổi về chính trị, xã hội, kinh tế sau cải cách ruộng đất; Đưa ra những nhận xét, đánh giá về ưu điểm, hạn chế và rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu góp phần thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Về tư liệu
Tác giả luận án sẽ tập trung khai thác sâu tư liệu gốc liên quan đến các chủ trương của Đảng về cải cách ruộng đất nói chung và quá trình thực hiện cải cách ruộng đất tại Phú Thọ nói riêng hiện được lưu trữ chủ yếu tại Trung
tâm lưu trữ Quốc gia III, Trung tâm lưu trữ văn phòng tỉnh ủy Phú Thọ, Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ, Tổng cục thống kê và thư viện Đại học quốc gia…cùng các nguồn tư liệu khác liên quan như báo chí, các luận văn, luận án. Luận án bổ sung thêm nghiên cứu các tư liệu nước ngoài để có cái nhìn đa diện, khách quan về vấn đề nghiên cứu.
Tiểu kết chương 1
Ở mọi quốc gia, đất đai luôn được coi là nguồn tài nguyên của cải đặc biệt quan trọng. Đối với một nước đại đa số dân cư làm nông nghiệp như Việt Nam thì ruộng đất là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Vì thế, đây cũng là vấn đề được các nhà khoa học chú trọng nghiên cứu. Nếu như các nghiên cứu về ruộng đất nói chung khá đa dạng, phong phú thì các nghiên cứu về “cải cách ruộng đất” thời kỳ từ năm 1953 đến năm 1957 lại có phần hạn chế hơn. Vậy chính sách cải cách ruộng đất do Đảng ta phát động từ năm 1953 đến năm 1957 có thực sự đem lại ruộng đất cho nông dân không? thực sự là một bước đi đúng đắn của Đảng ta hay không?
Cho tới thời điểm hiện nay, các nghiên cứu về quá trình thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng ở các địa phương xuất hiện không đầy đủ trong các cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương. Trong 10 năm trở lại đây các luận văn, luận án của các học viên cao học, các nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Đảng, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại cũng đã tập trung nghiên cứu về “cải cách ruộng đất” ở một số địa phương như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…Những công trình đó đã góp phần làm hoàn chỉnh hơn mảng đề tài nghiên cứu lịch sử địa phương, và góp phần giúp cho các nhà khoa học sau này có được phương pháp luận nghiên cứu phù hợp và sẽ phát triển mảng đề tài nghiên cứu này được rộng và sâu hơn.
Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cải cách ruộng đất. Tuy nhiên trong tất cả các cuốn Lịch sử
Đảng Bộ Vĩnh Phú (gồm tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Lịch sử Đảng bộ Phú Thọ thì mới chỉ có 03 trang đề cập tới quá trình thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng ở tỉnh Phú Thọ từ năm 1953 đến năm 1957, dữ liệu khá khiêm tốn. Các nghiên cứu về ruộng đất trên cả nước nói chung qua các thời kỳ và các nghiên cứu về vấn đề “cải cách ruộng đất” đã giúp cung cấp cho nghiên cứu nguồn tư liệu tham khảo phong phú, đồng thời giúp cho nghiên cứu sinh có được quan điểm lịch sử, toàn diện và phương pháp nghiên cứu biện chứng trong việc tìm hiểu quá trình thực hiện chủ trương ruộng đất của Đảng ở tỉnh Phú Thọ từ năm 1953 đến năm 1957.
Chương 2. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH RUỘNG ĐẤT CỦA ĐẢNG Ở TỈNH PHÚ THỌ TỪ NĂM 1953 ĐẾN NĂM 1955 2.1. Tình hình ruộng đất ở tỉnh Phú Thọ trước năm 1953
Phú Thọ là tỉnh thuộc miền trung du Bắc Bộ, nhiều đồi thấp, gồm 12 huyện, diện tích hơn 3.465km2, dân số khoảng 1.261.900 người. Mật độ dân số trung bình 373 người/km2, gồm 21 dân tộc anh em sinh sống trong đó người Kinh chiếm đa số (gần 1.1 triệu người), người Mường hơn 10 vạn, người Dao hơn 6.000 người, Cao Lan hơn 2.000 người… Mặc dù là tỉnh miền núi, nhưng địa hình Phú Thọ vừa có tính chất miền núi, trung du vừa có tính chất đồng bằng
Từ khi thực dân Pháp chiếm được Việt Nam, Phú Thọ là tỉnh tập trung nhiều đồn điền, quá trình sở hữu ruộng đất, đồn điền của từng giai cấp trong dân cư Phú Thọ cũng khác nhau. Ruộng đất tập trung chủ yếu trong tay giai cấp địa chủ và thực dân Pháp, chỉ còn một phần nhỏ ruộng đất là do nông dân sở hữu. Thực dân Pháp tạo điều kiện cho tư bản Pháp và một số địa chủ người Việt chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, lập đồn điền. Có địa chủ đồn điền rộng tới 1360 ha như Trịnh Xuân Nghĩa ở Phù Ninh, nhiều địa chủ khác đồn điền rộng 400-500 ha. Theo số liệu của ty Địa chính Phú Thọ lập ngày 12 tháng 8 năm 1946 thì đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, trừ hai huyện Thanh Ba và Hạc Trì chưa thống kê được, còn lại 9 huyện trong tỉnh có các đồn điền lớn, số địa chủ và diện tích chiếm đoạt như sau: 27 địa chủ người Việt chiếm 7018,1 ha lập 41 đồn điền; 16 địa chủ người Pháp chiếm 6210,52 ha lập 22 đồn điền; 2 địa chủ người Hoa chiếm 361,2 ha lập 2 đồn điền. Chỉ 45 địa chủ (Pháp, Việt, Hoa) chiếm 13.589,82 ha lập 65 đồn điền trên tổng số diện tích toàn tỉnh là 73.740 ha. Nếu kể cả các đồn điền nhỏ và số địa chủ nhỏ không đủ điều kiện lập đồn điền, chỉ cho phát canh thu tô thì tổng số ruộng