Quan tâm giải quyết vấn đề ruộng đất của nông dân phải đi đôi với việc

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của đảng ở tỉnh phú thọ từ năm 1953 đến năm 1957 (Trang 132 - 135)

Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.2. Một vài kinh nghiệm chủ yếu

4.2.1. Quan tâm giải quyết vấn đề ruộng đất của nông dân phải đi đôi với việc

việc củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc

Trong bối cảnh xã hội thuộc địa Việt Nam, nơi quyền lợi dân tộc luôn đặt lên trên quyền lợi giai cấp, cuộc xung đột giai cấp không diễn ra gay gắt thì việc thực hiện nhiệm vụ dân chủ về ruộng đất phải đặt trong mối quan hệ với nhiệm vụ dân tộc và vì nhiệm vụ dân tộc mà giải quyết. Mọi chủ trương phải xuất phát từ thực tiễn đất nước, mục tiêu chính của cách mạng để giải quyết khéo léo mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và ruộng đất cho nông dân.

Trong xã hội thuộc địa, nếu như nông dân bị bóc lột đến cùng cực thì ngay cả địa chủ cũng chẳng xa hoa gì. Dưới tác động của chế độ thuộc địa giai cấp địa chủ cũng bị phân hóa ra thành nhiều bộ phận và sở hữu ruộng đất không lớn. Trong bản báo cáo về Bắc Kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết "ruộng đồng thuộc sở hữu của những địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở châu Âu và châu Mỹ" [146, tr. 464]. Chính vì đặc điểm đó, không chỉ giai cấp nông dân căm phẫn chế độ thuộc địa mà toàn thể dân tộc Việt Nam trong đó có giai cấp địa chủ cũng có thái độ chống thực dân. Trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, những người khởi xướng và lãnh đạo phong trào trước hết là quan lại phong kiến, thế nhưng đã có lúc những "công lao" đó bị phủ nhận. Họ cho rằng giai cấp địa chủ là kẻ thù bóc lột nông dân thì làm thế nào lãnh đạo giai cấp nông dân được. Những người này đã xa lìa thực tế, không đặt giai cấp phong kiến địa chủ vào khung cảnh thuộc địa, lại cũng không thấy mâu thuẫn dân tộc ở một xứ thuộc địa bao trùm cả mâu thuẫn giai cấp...Chính vì lẽ đó là trong báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam Kỳ tác giả đã viết: "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước". Do vậy, căn cứ vào thực tế cách mạng Việt Nam để phát động cuộc cách mạng dân tộc giải phóng mới có thể phát triển được chủ nghĩa dân tộc, khơi dậy động lực dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân thuộc địa đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân.

Chủ trương cải cách ruộng đất trong những năm 1953 - 1956 như đã làm ngay từ đầu là không cần thiết đặc biệt là sau khi hòa bình lập lại. Sai lầm đó không chỉ là do nhận thức chưa sâu sắc về hai nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà còn vì Đảng đã đánh giá tình hình nông thôn miền Bắc không được toàn diện, nhất là đã đánh giá “địch” quá cao và nhấn mạnh một cách thái quá về tình hình nghiêm trọng do “địch” gây ra mà cụ thể ở đây là giai cấp địa chủ đang ở thế suy tàn.

Quá trình thực hiện cải chính sách ruộng đất của Đảng ở Phú Thọ từ năm 1953 tới năm 1957 đã cho thấy, nếu hiểu đúng được đặc điểm xã hội thuộc địa, xác định đúng mục tiêu cách mạng và biết giương cao ngọn cờ dân tộc thì cách mạng cũng mới xác định được con đường giải quyết vấn đề ruộng đất một cách đúng đắn. Thực tiễn cho thấy cải cách ruộng đất từng bước, dần dần thực hiện nhiều cải cách nhỏ gộp lại như một cuộc cách mạng lớn về ruộng đất có thể mang tới 70% diện tích cày cấy cho nông dân mà không cần đấu tố địa chủ (giai đoạn trước 1953). Từ năm 1953 trở đi, chủ trương cải cách dần từng bước thay thế bằng việc phóng tay triệt để giảm tô, tiến lên cải cách ruộng đất, mong muốn sớm xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ. Đảng Lao động Việt Nam coi đó mà một bước đẩy mạnh kháng chiến, cho nên đã đẩy mạnh nhiệm vụ phản phong thực hiện cùng lúc với nhiệm vụ phản đế. Nếu như Trung ương Đảng lúc đó xác định đúng mục tiêu cách mạng Việt Nam thì đã có thể thay thế được tư day nóng vội, máy móc, giáo điều, thiếu chọn lọc kinh nghiệm đấu tranh giai cấp của Trung Quốc trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và ruộng đất, không phù hợp với thực tiễn một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu tiến hành cải cách ruộng đất, một loạt các tài liệu của Trung Quốc đã được đưa tới Việt Nam để làm tài liệu tập huấn về cải cách ruộng đất, và các Đoàn, Đội cải cách ruộng đất ở Việt Nam đã dập khuôn, áp dụng một cách máy móc. Điều đó dẫn tới những năm 1953 - 1954, cải cách ruộng đất mới chỉ làm thí điểm nhưng đã diễn ra quá gay gắt và không cần thiết. Trong chỉ đạo, các tổ chức Đảng đã phạm sai lầm lớn về phân định thành phần, về quy kết tội ác dẫn đến bắt giam, xử tù không đúng. Theo đó càng về sau càng sai lầm nghiêm trọng và nặng nề, đặc biệt trong việc kết hợp cải cách ruộng đất với chỉnh đốn tổ chức. Điều đó làm tổn hại nghiêm trọng tới khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam mà còn tạo ra tình trạng bất ổn trong nông thôn, tổn thất lớn cho Đảng và chính quyền cơ sở. Những thành công, và sai

lầm trong quá trình thực hiện chiến lược cách mạng ruộng đất ở Phú Thọ đã minh chứng khi nào Trung ương và các cấp bộ Đảng nắm bắt được thực tiễn mục tiêu cách mạng, giải quyết các vấn đề chiến lược theo yêu cầu của thực tiễn lịch sử, tư duy độc lập tự chủ và sáng tạo thì khi đó Việt Nam có thể xây dựng và hoàn thiện một mô hình toàn diện và đúng đắn cho quá trình giải quyết ruộng đất phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của đảng ở tỉnh phú thọ từ năm 1953 đến năm 1957 (Trang 132 - 135)