Nhận xét về công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của đảng ở tỉnh phú thọ từ năm 1953 đến năm 1957 (Trang 128 - 132)

Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.1. Nhận xét chung

4.1.2. Nhận xét về công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở tỉnh Phú Thọ

4.1.2.1. Ưu điểm

Đảng bộ Phú Thọ đã thành công trong công tác tuyên truyền, giác ngộ nhân dân tham gia sửa sai

Cùng với sự chỉ đạo của Liên khu Việt Bắc, để tiến hành công tác sửa sai toàn diện và thống nhất, Đảng bộ Phú Thọ đã chú trọng xây dựng kế hoạch sửa sai của Trung ương bao gồm các bước. Bước thứ nhất tập trung vào

việc tuyên truyền. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Phú Thọ, công tác tuyên truyền, học tập chính sách được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, phát động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Phú Thọ là vùng có địa hình vừa trung du, miền núi, vừa có đồng bằng nên công tác tuyên truyền các chính sách cũng phải thay đổi cho phù hợp. Với những vùng dân tộc thiểu số như Mường, Mán...ở Thanh Sơn, Yên Lập, trước cải cách ruộng đất họ đã có hiềm khích với người Kinh, trong cải cách ruộng đất, khi các Đoàn, Đội cải cách ruộng đất về các bản, làng để giảm tô, giảm tức, tìm kiếm địa chủ, qua các cuộc đấu tố thì họ lại càng thực sự hoang mang, lo sợ. Do vậy, đây chính là một khó khăn rất lớn khi Đảng bộ Phú Thọ tiến hành sửa sai sau cải cách ruộng đất. Thực hiện chủ trương sửa sai do Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra trong Hội nghị lần thứ 10 "kiên quyết sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi thu được...nhằm đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất" [52, tr. 558], Đảng bộ Phú Thọ đã rất chủ động trong công tác sửa sai. Tại các địa phương không tổ chức thành các đoàn, đội, và không dùng cách đấu tố như trong cải cách ruộng đất. Đảng bộ đã trực tiếp giao cho các chi bộ ở các địa phương thực hiện công tác "dân vận" để thuyết phục, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách của Đảng, không vì những sai lầm của Đảng mà quay lưng lại với Đảng. Việc tiến hành sửa chữa do trực tiếp Đảng bộ Phú Thọ lãnh đạo, các cấp ủy cùng với các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã trực tiếp phụ trách với sự tham gia của các tổ chức quần chúng, của tổ chức mặt trận. Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng ủy đã sử dụng ngay các chi bộ ở cấp bản, làng, đồng thời cử các cán bộ ở Tỉnh ủy là người dân tộc thiểu số về "dân vận" để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và tin tưởng vào người Kinh, tin vào công tác sửa sai, ổn định tư tưởng nhân dân và cán bộ, củng cố cơ quan lãnh đạo chủ yếu ở các địa phương này. Rút kinh nghiệm từ các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất, trước khi đưa cán bộ uy tín

về các huyện, xã để tuyên truyền, Tỉnh ủy Phú Thọ đã tập trung tập huấn, giáo dục thật thông suốt chủ trương sửa sai của Đảng để từ đó các cấp ủy ở các địa phương mới có thể tuyên truyền cho nông dân hiểu và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, không chỉ vận động bằng lý thuyết vì vốn dĩ nông dân, đặc biệt là nông dân đồng bào dân tộc thiểu số vốn hiểu biết có hạn nên không dễ gì họ tin và nghe theo, vì tâm lý của quần chúng nông dân thường chỉ nhìn thấy những vẫn đề gì có lợi trước mắt, chưa nhìn thấy quyền lợi lâu dài về sau cho nên họ có thể thờ ơ với sư việc, bàng quan với chính sách, cho nên Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cán bộ đi vận động phải kiên nhẫn, gần dân, và tin dân. Để tuyên truyền có hiệu quả thì buộc họ phải điều tra thấu hiểu về tình hình địa phương, phong tục tập quán của địa phương để từ đó có cách thức tuyên truyền giáo dục phù hợp.

Hai là, Đảng bộ Phú Thọ đã hoàn thành về cơ bản việc trả tự do, minh oan, đền bù tài sản cho những người bị xử trí sai.

Đi đôi với việc phổ biến giáo dục cho cán bộ nhân dân thông suốt chủ trương của chính phủ về sửa chữa sai lầm, Tỉnh ủy Phú Thọ đã xét tha cho những người bị xử oan trong đợt phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Các cán bộ oan sai được trả lại đảng tịch, hơn 1000 trường hợp đã được trả tự do và được minh oan 25 cán bộ bị đuổi về xã trong chỉnh đốn được gọi trở lại tỉnh làm việc [177, tr.4]. Những người được trả tự do trong bước một là những người bị oan và già yếu, khi tiến hành trả tự do, Tỉnh ủy cũng đã phân loại và thực hiện ba bước trả tự do. Trước khi về địa phương, hầu hết những người được trả tự do đều được học tập chủ trương của Đảng, được giáo dục, động viên an ủi. Khi trở về địa phương, có nhiều người được tham gia các cấp chính quyền, đoàn thể, tích cực đóng góp vào công việc sửa sai. Cán bộ đã phân công nhau đi vào dân, gặp gỡ các gia đình bị oan và những người trước đây có tham gia đấu tố, động viên nhân dân giúp đỡ các gia đình bị oan trong sản xuất cũng như cuộc sống.

Khi bước vào đền bù tài sản, xu hướng chung của tỉnh Phú Thọ là đòi người được chia phải trả sòng phẳng cho người bị quy sai, và để tránh mâu thuẫn tài sản giữa người đã được chia và người bị quy sai, tỉnh Phú Thọ đã kiên trì vận động quần chúng, cán bộ đảng viên tìm hiểu đường lối chính sách, chú trọng phát động tinh thần thông cảm trong các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu được những khó khăn chung của Đảng và Chính phủ. Đồng thời tổ chức các hội nghị giữa người được nhận tài sản và những người bị quy sai, tập hợp số liệu, lên phương án một cách linh hoạt, nhanh gọn sát với tình hình địa phương, sau đó tiến hành thí điểm ở một số địa phương, học tập rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành phổ rộng. Ở một số xã của Tam Nông, Thanh Thủy nông dân đã tự nguyện trả nhà cho những người bị quy sai, nhà cửa được quét dọn sạch sẽ khiến người bị quy sai cũng dễ thông cảm và vui vẻ nhận đền bù một phần.

4.1.2.2. Hạn chế

Một là: Trong quá trình sửa sai, đã xuất hiện tình trạng mất đoàn kết

giữa cán bộ cũ và cán bộ mới

Trong cải cách ruộng đất, nhiều cán bộ cấp huyện bị chuyển xuống xã hoặc thậm chí bị khai trừ đảng tịch, khi được minh oan, sửa sai, quay trở lại vị trí cũ lại không được sự hài lòng của các cán bộ mới. Khi bước vào đền bù tài sản, một số người bị quy sai sau khi được minh oan đã tìm cách lấy lại tài sản của mình, một số tự động đi tranh chấp tài sản gây nên tình trạng mất đoàn kết ở nông thôn.

Hai là, một số bộ phận nông dân hoang mang, dao động, không tin vào

chính sách của Đảng trong quá trình sửa sai

Do một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dân cư thưa thớt nên việc tuyên truyền, giải thích chính sách của các cán bộ còn yếu, vì vậy nên không định hướng được dư luận, không kịp thời uốn nắn những dư luận xấu. Các cán bộ, đảng viên do thiên về người bị oan mà ít chú ý giáo dục tư tưởng ổn định tinh thần, tâm lý cho bần cố nông. Một số nơi còn bắt cốt cán ra xin lỗi càng

làm cho bần cố nông hoang mang, kém tin tưởng, nghi ngờ sự lãnh đạo của Đảng. Bần cố nông có sai lầm trong cải cách ruộng đất như đấu tố sai bị quần chúng đả kích nhiều sinh ra hoang mang, ảnh hưởng đến số đông bần cố nông khác nhất là những người được chia quả thực. Các tầng lớp bần cố nông trong cải cách ruộng đất được chia tài sản tới sửa sai lại rất hoang mang, có người tự động mang trả tài sản cho người bị quy sai, có người thì tìm cách bán hoặc phá tài sản. Tình hình đó đã gây nên tình trạng lộn xộn, tranh chấp, bán tháo, phá hoại, nhiều tài sản bị hỏng hóc.

Nguyên nhân chính của những hạn chế trên trước tiên là do: Phú Thọ là

vùng đất rộng, người thưa do vậy công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền tới từng địa phương còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều vùng tập trung chủ yếu dân tộc thiểu số như các huyện miền núi: Thanh Sơn, Yên Lập trình độ học vấn thấp, lại ít nhiều nơi vẫn còn hiềm khích với các cán bộ người Kinh nên khi cán bộ tới tuyền truyền chính sách thì họ không hiểu, thậm chí chống đối lại; nhiều người trong thời gian cải cách ruộng đất bị đem ra đấu tố, tịch thu hết tài sản, nay được minh oan, trả lại tài sản nhưng không được như cũ nên nảy sinh hiềm khích với cán bộ, đi tuyên truyền xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng dẫn tới tư tưởng của người dân địa phương bị dao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của đảng ở tỉnh phú thọ từ năm 1953 đến năm 1957 (Trang 128 - 132)