Quá trình kiểm tra thí điểm cải cách ruộng đất và những sai lầm

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của đảng ở tỉnh phú thọ từ năm 1953 đến năm 1957 (Trang 88 - 99)

6. Kết cấu của luận án

3.1. Những yếu tố tác động tới công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất

3.1.2. Quá trình kiểm tra thí điểm cải cách ruộng đất và những sai lầm

trong cải cách ruộng đất tại Phú Thọ

3.1.2.1. Quá trình kiểm tra thí điểm cải cách ruộng đất ở tỉnh Phú Thọ

Đến tháng 10 năm 1955, Phú Thọ đã tiến hành cải cách ruộng đất trên toàn bộ 229 xã thuộc 10 huyện. Để tìm kiếm những thế lực còn lại của giai cấp địa chủ, củng cố và phát triển những thắng lợi của cải cách ruộng đất, vạch trần âm mưu ngóc đầu dậy của giai cấp địa chủ, Phú Thọ đã tiến hành thực hiện kiểm tra thí điểm sau cải cách ruộng đất tại sáu huyện: Lâm Thao, Thanh Ba, Hạc Trì, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông. Đoàn ủy kiểm tra cải cách ruộng đất được thành lập thay cho Đoàn ủy I.

Đợt I phúc tra cải cách ruộng đất được tiến hành trên 43 xã thuộc hai

huyện Thanh Ba và Lâm Thao từ tháng 10 năm 1955 đến tháng 5 năm 1956. Dân số hai huyện gồm có 20.830 nhân khẩu, trong đó có 25 xã công giáo, 1.332 hộ 5.522 khẩu [101, tr.1]. Đợt công tác kéo dài 8 tháng đã đạt được một số kết quả. Về tổ chức: Công tác kiểm tra, chỉnh đốn chi bộ đã được thực hiện đầy đủ, các đội đã kiểm tra lại tình hình chi bộ sau cải cách ruộng đất, thực hiện củng cố: Thứ nhất, vận dụng chi bộ, giáo dục, nâng cao chi bộ. Ở bước 1 và 2, công tác tìm hiểu tình hình giáo dục chính sách, ổn định tư tưởng cho Đảng viên và tiến hành phân loại đảng viên đã được thực hiện.

Sang đến bước ba, các đội đã vận dụng chi bộ tiến hành công tác lãnh đạo, đấu tranh đồng thời thông qua đấu tranh để giáo dục nâng cao chi bộ, sơ kết 29 chi bộ cho thấy, 105 đảng viên mất cảnh giác bị địa chủ lợi dụng lôi kéo chỉ còn 12, số đảng viên lạc hậu từ 249 người nay còn 42 và 286 đảng viên bất mãn chỉ còn 43 người, số đảng viên kiên quyết đấu tranh tăng từ 329 lên 673 người. Từ những thắng lợi đó, đội công tác đã tiến hành huấn luyện đảng viên những hiểu biết cơ bản về Đảng, xây dựng tinh thần phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Thứ hai, bồi dưỡng cán bộ, chủ yếu là chi ủy, nâng cao lập trường và năng lực công tác cho cán bộ xã. Thứ ba là kiện toàn chi ủy, tăng cường cơ quan lãnh đạo của chi bộ nông thôn. Thứ tư là xử trí đảng viên xấu, Đoàn công tác đã xử trí 103 trường hợp, trong đó có 4 bí thư, 5 chi ủy viên, 12 tổ trưởng Đảng và 81 đảng viên. Thứ năm là tăng cường công tác kết nạp Đảng viên mới, đợt này, Phú Thọ kết nạp được 35 đảng viên mới, trong đó có 33 bần cố nông, 2 trung nông, 4 phụ nữ và 3 công giáo. Đoàn kiểm tra cũng đã mở Đại hội Nông dân và bầu Ban chấp hành Nông hội, Ủy ban Hành chính xã. Bầu được 56 người vào Ban chấp hành Nông hội hồm 8 cố nông, 39 bần nông, 16 trung nông. Ủy ban hành chính xã đã bầu được 39 ủy viên gồm 8 cố nông, 19 bần nông, 10 trung nông trong đó có 24 đảng viên, 7 là phụ nữ, 8 công giáo. Về tình hình phân loại địa chủ, Đoàn công tác đã tiến hành phân loại địa chủ sau Cải cách ruộng đất: Địa chủ tuân theo pháp luật, địa chủ ½ tuân theo pháp luật, địa chủ chống lại pháp luật một cách nghiêm trọng. “Bốn xã thí điểm đợt 1 là Diên Hồng, Văn Lung (Lâm Thao), Thanh Hà, Phú Thọ (Thanh Ba), Đoàn kiểm tra đã tìm ra được 4 địa chủ cường hào gian ác, 2 địa chủ thường đem ra đấu, nhận định 19 hộ địa chủ tuân theo pháp luật, 53 hộ địa chủ ½ tuân theo pháp luật, 8 hộ địa chủ chống lại pháp luật” [94, tr.2].

Đợt II phúc tra Cải cách ruộng đất được thực hiện trên địa bàn 67 xã

năm 1956 đến hết tháng 10 năm 1956) gồm 28.454 hộ, 122.252 nhân khẩu, trong đó có 10.987 nhân khẩu công giáo. Đoàn công tác đã tiến hành phát động tư tưởng quần chúng, kiểm tra việc thực hiện chính sách, phân loại địa chủ, kiện toàn tổ chức ở xóm, xã. Về tình hình đấu tranh với địa chủ, đoàn kiểm tra đã phát động tư tưởng quần chúng lên một bước và tiến hành đấu tranh với 14 địa chủ lọt lưới, 9 cường hào gian ác và 146 địa chủ phá hoại nghiêm trọng, trong đó có 47 địa chủ cầm đầu tổ chức phá hoại hiện hành. Đoàn công tác đã phát hiện ra “104 vụ đốt nhà, 32 vụ giết người, truy ra được 41 khẩu súng, 157 quả mìn, 35 quả lựu đạn và 9 thuốc bộc phá” [195, tr.2]. Về tổ chức, “qua phát động quần chúng đấu tranh đã xử trí một số phần tử xấu, trong đó có 67 cán bộ xã và 176 cán bộ xóm, 62 đảng viên, kể cả 13 chi ủy viên. Đi đôi với việc xử trí đoàn công tác đã giáo dục nâng cao nhận thức cán bộ, đã bổ sung vào cơ quan 131 cán bộ xã, 400 cán bộ xóm, kết nạp 42 đảng viên mới và phát triển 2.057 hội viên nông hội” [195, tr.3].

3.1.2.2. Một số sai lầm trong cải cách ruộng đất ở tỉnh Phú Thọ

Nghị quyết Trung ương 10 mở rộng đã đề cập “Sai lầm trong cải cách ruộng đất là nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc, điều lệ đảng theo chủ nghĩa Mác Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân”[52, tr.539 - 540]. Cải cách ruộng đất diễn ra ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam kéo dài từ năm 1954 tới 1956 đã bộc lộ những sai lầm: như “quá cứng rắn trong việc truy và đấu tố, có yếu tố bạo lực xuất phát từ mối thù hằn giai cấp, ghen tị với tài sản của địa chủ, mất kiểm soát trong cao điểm của chiến dịch dẫn tới tình trạng oan sai”[52, tr.359]. Tại tỉnh Phú Thọ, những hạn chế đã xuất hiện ngay từ những đợt giảm tô và trong cải cách ruộng đất lại càng rõ rệt như: buông lỏng quản lý địa chủ, bắt rễ còn lòng lẻo, trình độ của cán bộ, đảng viên tại xã còn non kém, từ đó dẫn tới những sai lầm không thể tránh khỏi, gây nên những hậu quả nghiêm trọng:

Sai lầm trong việc phân định thành phần giai cấp

Phân định thành phần giai cấp là khâu quan trọng nhất trong cải cách ruộng đất, nhưng cũng là nội dung mắc phải những sai lầm lớn và nghiêm trọng ở Phú Thọ. Mặc dù, ngay từ đầu đường lối chung được đưa ra là tập trung đánh vào địa chủ có phân biệt, phân hóa, thực hiện liên hiệp phú nông, nhưng thực tế không chỉ giai cấp địa chủ, phú nông bị đấu tranh quyết liệt mà bản thân gia đình và những người có liên quan tới họ cũng không có sự phân biệt. Trong đợt 3 cải cách ruộng đất ở Phú Thọ, không chỉ 136 địa chủ bị kỷ luật khai trừ đảng tịch, mà con cháu của họ, con dâu, con rể, anh em cũng bị liên lụy: 24 đảng viên là con địa chủ, 16 đảng viên là anh em của địa chủ cũng bị quy kết là “thành phần bóc lột” và bị khai trừ đảng tịch, đem ra đấu tố (phụ lục 3). Chính vì vậy, mà nhiều con cháu địa chủ vì sợ liên lụy nên đã quay sang tham gia các “tòa án nhân dân” để trực tiếp đấu tố người thân của mình. Đây là một sai lầm lớn của các đội cải cách dẫn tới quan hệ trong các làng quê bị xáo trộn. Quần chúng nông dân đã được các đội cải cách ruộng đất phát động đấu tranh mạnh mẽ với giai cấp địa chủ trên diện rộng. Nhiều nơi trong quá trình đấu tranh đã coi phú nông như địa chủ, mặc dù không tiến hành đấu tố giống như địa chủ, nhưng phú nông cũng buộc phải giảm tô và cũng bị tập trung, kiểm tra, khám xét. Thậm chí có xã trung nông có ruộng phát canh cũng yêu cầu giảm tô. Ngay cả cán bộ cải cách ruộng đất trong thực tiễn chỉ đạo và thực hiện phong trào thì luôn có thái độ đề phòng không chỉ với những người bị coi là địa chủ mà ngay cả với những bần cố nông có mối quan hệ với phú nông, địa chủ. Những cán bộ được coi là có dính dáng đến phong kiến trước kia cũng bị phân biệt một cách rõ rệt. Trong cải cách, các đoàn công tác ở Phú Thọ đã quy sai 837 hộ cường hào gian ác, 2.032 hộ địa chủ thường, 1.809 hộ phú nông, 275 hộ bóc lột khác, riêng trung nông bị quy sai lên thành phần bóc lột là 4.490 hộ [200; tr.12]. Trong quá trình phân loại thành phần địa chủ, cũng như nhiều địa phương khác ở miền Bắc thời gian này, cán bộ cải

cách ruộng đất ở Phú Thọ cũng lấy tiêu chuẩn vạch thành phần địa chủ cho các xã là 5% và địa chủ cương hào gian ác là 25%. Trong quá trình thực hiện, các đội cải cách luôn có tư tưởng sợ bị phê bình là mất lập trường, sợ bị nghi ngờ liên quan đến địa chủ, phần tử phản động nên cho rằng “thà tả còn hơn hữu” và đẩy tỷ lệ địa chủ lên cao. Vì thế ở Phú Thọ, xuất hiện phổ biến tình trạng các đội cải cách ruộng đất quy một số người thuộc thành phần phú nông, trung nông có sở hữu chút ít ruộng đất vào thành phần “bóc lột khác” để nhằm đảm bảo tỷ lệ địa chủ. Do đó, hầu hết những người có ít ruộng phát canh, tiểu thương hay trung nông đều được ấn định vào thành phần này.

Phú Thọ tiến hành cải cách ruộng đất ở các vùng miền khác nhau: đồng bằng, trung du, miền núi, nhưng do căn cứ một cách máy móc, các đoàn, đội cải cách ruộng đất đã không thực hiện chính sách phân biệt từng vùng miền. Những chỗ sai nhiều thường là những chỗ ít ruộng đất, dân đông, nhân dân lao động bị kích thành phần nhiều. Khi bị coi là địa chủ và phản động, hầu hết họ bị tịch thu toàn bộ ruộng đất, tài sản, đồng thời bản thân họ và gia đình còn bị cô lập.

Sai lầm về chỉnh đốn tổ chức

Ngay từ những đợt triệt để giảm tô, giảm tức đầu tiên, khi các đội cải cách về các xã, tư tưởng “tả” khuynh đã diễn ra khá nặng nề. Trước hết thể hiện ở chỗ, các Đội đã đánh giá sai về tổ chức cơ sở đảng ở địa phương, cho đó là tổ chức chính trị “không thuần”, đã bị địa chủ và phản động lũng đoạn, sự lãnh đạo của những tổ chức Đảng, chính quyền, nông hội đều nằm trong tay địa chủ, phú nông và bọn phản động…cho nên các đội đã thực thi chỉnh đốn ngay, truy tìm các “phần tử không trong sạch” trong các chi bộ, tổ chức. Thực tế, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số phần tử phản động đã tìm cách len lỏi vào các tổ chức cơ sở Đảng để hòng phá hoại tổ chức, làm giảm đi vai trò của Đảng bộ cấp cơ sở. Nhưng từ năm 1949 tới trước cải cách ruộng đất, thông qua các cuộc chỉnh đốn, thực hiện chính sách thuế

nông nghiệp, giảm tô, giảm tức, đấu tranh chính trị một số phần tử chống lại chính sách và một số đảng viên phạm sai lầm nghiêm trọng đã bị đưa ra khỏi Đảng. Trung nông và bần cố nông là các thành phần chiếm đa số trong hệ thống chính trị cấp cơ sở. Thống kê trong tổng số 3.350 đảng viên trước khi chỉnh đốn của Đảng bộ Phú Thọ, trong đó bần cố nông chiếm 29,7%; trung nông chiếm 54,9%, địa chủ chiếm 4,7%, phú nông chiếm 6,2%. Sau khi chỉnh đốn, không chỉ số lượng đảng viên là địa chủ giảm (từ 160 đảng viên xuống còn 3 đảng viên), mà số lượng đảng viên là trung nông cũng giảm (từ 1.842 đảng viên xuống còn 1.378 đảng viên) [phụ lục 2]. Như vậy, trong thời gian này việc tiến hành kỷ luật cán bộ, đảng viên cũng được tiến hành không chỉ với riêng thành phần địa chủ mà cả các tầng lớp khác nhất là trung nông. Việc chỉnh đốn cho bộ đảng ở cấp cơ sở trong cải cách ruộng đất vì quá coi trọng quyền lợi của bần cố nông và thiếu tin tưởng các tổ chức cũ nên chỉnh đốn đảng đã nặng về chủ nghĩa thành phần, thanh lọc những giai cấp, tầng lớp ngoài bần cố nông. Hầu hết các đảng viên thuộc thành phần tư sản, địa chủ, trong đó có cả trung nông, công nhân, tiểu tư sản bị quy vào thành phần giai cấp bóc lột đều bị khai trừ ra khỏi tổ chức đảng. Các cán bộ cải cách thiên về nhấn mạnh mặt phức tạp của tổ chức cũ mà không thấy và nói đến mặt tốt của chi bộ cũ, đảng viên, cán bộ cũ. Các đội lấy tình hình xấu của một số chi bộ được coi là điển hình sau đó nhân rộng ra. Chính vì thế ngày càng phát triển trong họ tư tưởng thành kiến sâu sắc với các chi bộ và đảng viên cũ. Họ cho rằng, các tổ chức phản động đã lũng đoạn chi bộ nông thôn rất nghiêm trọng, các đảng viên trong chi ủy thậm chí còn trở thành đối tượng để tiến hành đấu tranh tìm “phản động”. Tại Phú Thọ đã diễn ra những cuộc trấn áp với các tổ chức Đảng ở nông thôn. Những sai lầm trên đã làm cho chỉ ủy, chi bộ đứng ngoài công tác chỉnh đốn, tình trạng cán bộ hoang mang, sợ sệt diễn ra rộng khắp. Các đội cải cách còn huy động quần chúng để vạch tội đảng viên cũ, dùng truy bức nhục hình với đảng

viên, giao cho cán bộ của đội không phải là đảng viên nhiệm vụ xử trí đảng viên, kết nạp đảng viên, như vậy là trái với điều lệ Đảng. Như vậy, các đoàn, đội, cán bộ cải cách ruộng đất đã được đánh giá quá cao, còn các tổ chức đảng, các đảng viên thì bị nghi ngờ, không được tin tưởng. Từ năm 1953 đến 1956 đoàn ủy cải cách ruộng đất ở Phú Thọ đã xử trí oan 2.314 đảng viên và 415 đảng viên còn đang xét, xử trí oan 146 cán bộ thoát ly, giải tán nhầm 8 chi bộ và đăng ký sai 01 chi bộ [176, tr.2].

Không chỉ trong các chi bộ cơ sở, mà ngay tại các chính quyền nông thôn cũng diễn ra tình trạng chỉnh đốn tương tự. Trên thực tế chính quyền do nông dân nắm giữ chủ yếu, nhưng nhận định lúc đó lại cho rằng, mặc dù thành phần thì đa số là trung nông, nhưng về tư tưởng lập trường lại phần lớn là địa chủ, cường hào, tay chân của giai cấp địa chủ, cho nên trong khi thi hành chính sách bộ máy chính quyền này lại phản lại quyền lợi nông dân, áp bức đàn áp nông dân. Chính từ nhận định đó mà đã có thành kiến cho rằng các cấp chính quyền đều xấu, do đó khi tiến hành cải cách ruộng đất lại chỉ dựa vào một số cốt cán không được đào tạo đầy đủ, thậm chí cả những phần tử xấu, lưu manh để tiến hành chỉnh đốn, xử trí tràn lan. Ngay từ đợt 1 cải cách ruộng đất, đoàn ủy cải cách ruộng đất Phú Thọ đã thống kê tình hình cán bộ của “địch” đưa vào các xóm, tổng cộng có 44 cán bộ bị địch đưa vào làm công xã, làm trưởng xóm và đã chính thức kỷ luật 19 cán bộ xã bị coi là “địch” [phụ lục 3]. Thành tích của các tổ chức như Ủy ban, công an, thanh niên vì thế mà bị liên lụy, nhiều cán bộ tích cực lại trở thành người có tội. Các cán bộ bị kỷ luật có thời hạn, bị cảnh cáo, bị bắt đi làm lao động nặng nhọc. Bản thân họ và gia đình thường xuyên bị bao vây, cô lập. Tình trạng này đã làm cho chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở lâm vào tình trạng trì trệ, gián đoạn, nhiều nơi chính quyền không hoạt động và bị tê liệt trong giai đoạn cải cách ruộng đất như xã Đồng Lĩnh, Hoàng Thanh, Hùng Tiến, Cao Thắng [88, tr.4].

Sai lầm về phương pháp thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) quá trình thực hiện chính sách ruộng đất của đảng ở tỉnh phú thọ từ năm 1953 đến năm 1957 (Trang 88 - 99)