Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
3.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung thực hiện công bằng xã hội trên một
3.2.1. Công bằng xã hội trên lĩnh vực kinh tế
Theo Hồ Chí Minh, con người chỉ thật sự hạnh phúc khi được đảm bảo về vật chất và tinh thần. Người luôn suy nghĩ làm sao cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành v.v.. Để thực hiện điều này cần phải đặc biệt quan tâm tới việc phát triển kinh tế. Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Phát triển kinh tế có nhiều chiến lược khác nhau, nhưng dù dưới hình thức nào cũng phải quán triệt nguyên tắc công bằng, hợp lý. Hồ Chí Minh khẳng định: không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.
Chứng kiến kiếp sống khổ cực, lầm than của Nhân dân thuộc địa, Hồ Chí Minh sớm vạch trần những thủ đoạn bóc lột, vơ vét tàn bạo của chế độ thực dân:
Về kinh tế, chúng bóc lột Nhân dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho Nhân dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở lên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn [96, tr.2].
Chế độ thực dân được nuôi dưỡng bằng mồ hôi, nước mắt của người bản xứ. Trái ngược với sự xa hoa, giàu có, phè phỡn của chúng là cuộc sống lầm than, khổ cực, đói rách của người nông dân thuộc địa: “Dưới chế độ cũ, ngoài thuế thân và thuế ruộng nặng nề, nông dân ta còn phải chịu nhiều sự bóc lột khác. Lúc đó nông dân ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để đóng thuế, để làm giàu cho bọn thực dân và phong kiến, mà tự mình và gia đình mình thì suốt đời đói rách lầm than” [102, tr.516]. Vì vậy, sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm phải quan tâm sâu sắc tới điều kiện sinh hoạt của Nhân dân. Nếu dân đói, dân rét, dân dốt là lỗi thuộc về Đảng và Chính phủ.
Vấn đề cốt lõi để đảm bảo CBXH trong lĩnh vực kinh tế nằm ở việc quán triệt nguyên tắc phân phối công bằng. Kế thừa quan điểm của C. Mác, Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện phân phối theo kết quả lao động. Căn cứ vào những cống hiến đạt được trong công việc mà người lao động sẽ nhận được thành quả tương xứng. Người nhiều lần đề cập tới nguyên tắc này trong những hoàn cảnh khác nhau. Người nhấn mạnh phải thực hiện làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng,tránh tình trạng người làm nhiều, làm ít lại được đánh đồng như nhau; hay người lười biếng, không làm lại cũng được hưởng như người làm việc. Đây là nguyên tắc phân phối công bằng, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn nước ta ở thời điểm vừa mới giành được chính quyền, quá độ đi lên CNXH.
Theo Hồ Chí Minh, phân phối căn cứ vào số lượng, chất lượng và kết quả, có tính tới cả đặc điểm, môi trường làm việc v.v.. Đối với nông dân, Người yêu cầu phải định diện tích và sản lượng cho thật đúng để đồng bào nông dân đóng góp cho công bằng, hợp lý. Nếu việc này làm không đúng thì phần đóng góp của nông dân sẽ kém sút, làm ảnh hưởng không tốt đến lợi ích riêng của nông dân và lợi ích chung của Nhân dân. Đối với công nhân trong nhà máy, lao động trí óc và lao động chân tay thì được hưởng lương. Lương bổng sẽ theo sức lao động của mình, tùy theo mức sản xuất, chất lượng sản xuất. Theo Hồ Chí Minh: “làm tốt, làm nhiều: Hưởng nhiều, làm xấu, làm ít: Hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ăn không” [102, tr.534].
Phân phối công bằng trở thành công cụ để phát triển sản xuất. Nó có tác dụng khuyến khích người lao động ra sức cống hiến, học tập, hình thành nếp sống lành mạnh, giúp thực hiện CBXH. Khi nói tới chế độ lương bổng hợp lý, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ này: “Chế độ tiền lương rất quan hệ đến sản xuất và mức sống của người lao động. Khi định tiền lương phải xuất phát từ nguyên tắc định thế nào cho người lao động thiết thực quan tâm đến kết quả việc làm của họ, làm cho họ cố gắng học tập để tiến bộ mãi về nghề nghiệp và sản xuất” [103, tr.146].
Đi sâu hơn nữa, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải sử dụng các biện pháp kích thích lợi ích vật chất trong kinh tế như: khoán, thưởng, phạt. Để đạt được hiệu quả,
điều kiện tiên quyết là phải thực hiện một cách công bằng. Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề xuất cơ chế khoán, coi chế độ làm khoán là một điều kiện của CNXH, là động lực khuyến khích người lao động luôn cố gắng để nhận được lợi ích riêng và mang lại lợi ích chung. Người đánh giá làm khoán tốt, thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay. Hồ Chí Minh có cách nhìn toàn diện khi yêu cầu làm khoán phải nâng cao số lượng nhưng phải giữ chất lượng. Nếu làm nhiều nhưng chất lượng không tốt thì lại là thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu kỷ luật lao động. Người khẳng định: chất lượng lao động là cơ sở đánh giá cống hiến của mỗi người, từ đó, phân phối kết quả lao động, thực hiện công bằng trong phân phối. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu việc thưởng, phạt phải minh bạch, công bằng mới có tác dụng khuyến khích người lao động. Nếu kết quả lao động tốt, vượt mức qui định thì được thưởng, nếu vi phạm kỷ luật lao động thì bị phạt. Qui định thưởng, phạt phải rõ ràng, chặt chẽ. Người chỉ ra: “Phải thưởng phạt nghiêm minh. Hiện nay, thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm. Kỷ luật phải chặt chẽ. Phải kiên quyết chống những việc làm thiếu trách nhiệm, trái kỷ luật” [107, tr.225].
Như vậy, để đảm bảo CBXH trong kinh tế thì trước hết phân phối phải theo mức lao động: lao động nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít, lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít. Từ kết quả lao động mà có cơ chế lương, thưởng, phạt công bằng. Đây chính là nguyên tắc phân phối đúng đắn, hoàn toàn trái người với sự bất công dưới chủ nghĩa thực dân phong kiến, cũng đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa bình quân. Chủ nghĩa bình quân là ai cũng như ai, người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như nhau. Điều này sẽ triệt tiêu động lực của người lao động. Do đó, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc lưu thông phân phối nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người, đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định cho xã hội. Người sáng suốt nhận định có khi vật tư hàng hóa không thiếu, mà phân phối không đúng thì gây ra căng thẳng không cần thiết.
Khẳng định nguyên tắc phân phối theo lao động là thích hợp và đảm bảo công bằng dưới chế độ ta hiện nay, Hồ Chí Minh không quên những đối tượng: trẻ
em, người già, người mất sức lao động, những người xuất phát điểm nghèo khổ v.v.. Những đối tượng không có đóng góp lao động này sẽ được Nhà nước giúp đỡ, chăm nom. Người viết: “Đối với những người già yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, hợp tác xã phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để họ cũng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ” [105, tr.216]. Thông qua phân phối lại, các quĩ phúc lợi xã hội được thành lập để giúp đỡ các đối tượng này. Hồ Chí Minh nhận thức rõ để phân phối được công bằng cần có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, công bằng, chí công vô tư: “Cán bộ phải chí công vô tư, thậm chí có khi cán bộ vì lợi ích chung mà phải chịu thiệt một phần nào. Chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu để cho người khác” [104, tr.316]. Người yêu cầu cán bộ quản lý phải bàn bạc với người lao động, đề cao nguyên tắc dân chủ, công bằng, tài chính công khai. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người, và ai cũng có công việc, cũng phấn khởi lao động.
Như vậy, phân phối theo lao động khắc phục tình trạng thiếu công bằng trong xã hội cũ. Hoàn toàn phù hợp với thời kỳ chúng ta vừa thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến. Nguyên tắc này giúp đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động, đồng thời, là động lực mạnh mẽ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Hồ Chí Minh, CBXH trong lĩnh vực kinh tế còn thể hiện rất rõ trong việc thừa nhận sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Từ thực tiễn quá độ lên CNXH, Hồ Chí Minh đã chỉ ra ba loại hình sở hữu cơ bản: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Qua việc nhân thức đúng đắn sự tồn tại của ba loại hình sở hữu này dẫn tới khẳng định sự đa dạng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế.
Năm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh luận giải sâu sắc về sự tồn tại tự do, bình đẳng của các thành phần kinh tế, vị trí, vai trò quan trọng của chúng, yêu cầu Nhà nước có sự đối xử công bằng với từng thành phần kinh tế. Ở thời điểm này, Hồ Chí Minh chỉ ra sáu thành phần kinh tế ở vùng tự do: “Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô v.v.. Kinh tế quốc doanh, có tính chất CNXH v.v.. Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa CNXH
v.v.. Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ v.v.. Kinh tế tư bản của tư nhân v.v.. Kinh tế tư bản quốc gia” [100, tr.266]. Sang thời kỳ dân chủ mới, có năm thành phần kinh tế tồn tại là: “A- Kinh tế quốc doanhB - Các hợp tác xã C - Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ D - Tư bản của tư nhân.E - Tư bản của Nhà nước” [100, tr.293-294]. Việc xác định rõ các loại hình sở hữu và các thành phần kinh tế để chúng ta có cơ sở hoạch định chính sách phát triển kinh tế phù hợp với từng thành phần kinh tế. CBXH trong kinh tế hướng tới đảm bảo lợi ích của từng thành viên tham gia lao động trong xã hội. Với bốn chính sách chủ lực: Công tư đều lợi, Chủ thợ đều lợi, Công nông giúp nhau, Lưu thông trong ngoài, Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm nhất quán đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế. Khi giải thích chính sách Công tư đều lợi, Người thằng thắn:
Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sự lãnh đạo cả nền kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và Nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của Nhân dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải phối hợp với lợi ích của đại đa số Nhân dân [100, tr.267].
Như vậy, mỗi người lao động dù hoạt động ở thành phần kinh tế nào cũng đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt đối xử. Quan điểm của Hồ Chí Minh tạo cơ hội cho mọi cá nhân phát huy khả năng của mình, đem lại hiệu quả cao nhất trong lao động, hướng tới sự thịnh vượng chung cho nền kinh tế nước nhà. Điều này giúp điều hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội, giải phóng mọi lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thái độ đối xử với mọi ngành nghề của Hồ Chí Minh rất công bằng, việc này việc kia đều cần thiết cho xã hội đều là vinh quang: “Bất kỳ công việc nào có ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều là vẻ vang. Không có công việc nào sang, công việc nào hèn” [102, tr.572].
Như vậy, việc thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của các thành phần kinh tế và chủ trương tạo mọi điều kiện để người lao động ở các thành phần kinh tế đều phát huy được khả năng của mình, không phân biệt đối xử giữa công và tư thể hiện rõ nét CBXH trong lĩnh vực kinh tế. Điều này giúp khai thác mọi tiềm năng, phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động mọi lực lượng của toàn dân trong phát triển kinh tế.
Chiến lược phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng CNXH của Nhà nước phải chú trọng tới việc phân bổ các nguồn lực, điều tiết chính sách đầu tư để hỗ trợ những vùng kém lợi thế, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa những vùng kinh tế phát triển với miền núi, vùng sâu, vùng xa v.v.. tạo ra sự bền vững trong phát triển kinh tế, đảm bảo cho CBXH được thực hiện.
Tóm lại, thực hiện phân phối theo lao động, căn cứ vào chất lượng, số lượng, thời gian v.v.. mà người lao động bỏ ra sẽ được hưởng thụ thành quả lao động tương xứng, xây dựng chế độ lương hợp lý, dùng chế độ khoán, thưởng, phạt; đối xử công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đầu tư hợp lý phát triển công, nông, thương nghiệp v.v.. là những nội dung cơ bản nhằm thực hiện CBXH trong lĩnh vực kinh tế của Hồ Chí Minh