Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. Cơ sở hình thành và khái niệm “công bằng xã hội” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
2.2.2. Khái niệm “công bằng xã hội” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh không có một tác phẩm chuyên khảo nào bàn sâu về CBXH. Người cũng không thường xuyên nhắc tới thuật ngữ công bằng hay công bằng xã hội. Khảo sát trong 15 tập Hồ Chí Minh toàn tập, tác giả tổng kết được Người dùng từ công bằng 58 lần, CBXH 1 lần, bất công 7 lần trong nhiều hoàn cảnh và ý nghĩa khác nhau. Thực chất khi sử dụng thuật ngữ CBXH, Hồ Chí Minh thường gọi ngắn gọn là công bằng. Tuy đề cập tới không nhiều nhưng tư tưởng CBXH của Người có một phạm vi rất rộng. Nội dung CBXH xuyên suốt, nhất quán trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh, cũng như trong từng lời nói, hành động của Người. Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về CBXH là hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện và độc đáo về những nội dung cơ bản của CBXH, về việc thực hiện CBXH trong điều
kiện cụ thể Việt Nam; là kết quả sự tiếp thu có chọn lọc tư tưởng về CBXH trong lịch sử tư tưởng nhân loại mà chủ yếu và trực tiếp nhất là quan điểm Mác xít về CBXH; là kết quả khái quát từ thực tiễn lịch sử dân tộc và thực tiễn thực hiện CBXH trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh không đưa ra định nghĩa CBXH, chúng ta có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản trong quan điểm CBXH của Người như sau:
Công bằng xã hội là nhu cầu tự nhiên, là quyền chính đáng của con người
Trong suốt cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn đấu tranh để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của con người. Trong nội dung CBXH đó là quyền được hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần một cách công bằng. Trên lập trường của lẽ công bằng, của lẽ phải, Hồ Chí Minh khẳng định ai cũng có quyền sống, quyền tự do, có cơm ăn, áo mặc, được học hành…Đó là lẽ tự nhiên, tất yếu. Dù ở thời điểm nào của lịch sử nhân loại, khát vọng công bằng tồn tại tất yếu trong mỗi người. Nó thôi thúc con người đấu tranh để đòi công bằng, bình đẳng. Suy cho cùng, mọi cuộc cách mạng cũng chính là để con người đòi quyền lợi chính đáng của mình. Đánh giá cuộc cách mạng tư sản của nước Mỹ, Hồ Chí Minh trích dẫn chính bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 khẳng định quyền tự nhiên, tất yếu của con người là từ khi sinh ra đã bình đẳng, có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Việc đảm bảo CBXH cho con người trong mọi mặt của đời sống xã hội chính là một nguyện vọng chính đáng, hợp lẽ phải.
Người khẳng định, Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động. Nhân dân ta đã là người làm chủ nước nhà, chứ không còn là những người làm thuê cho giai cấp bóc lột nữa. Người chỉ ra: “Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình. Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa” [105, tr.66].
Công bằng xã hội được thực hiện từng bước, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nói rõ quan điểm của mình: “CNXH là công bằng hợp lý” [103, tr.404]. Công bằng đi liền với hợp lý. Ngôn từ mà Hồ Chí Minh sử dụng
rất đơn giản nhưng nó mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. CBXH phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, mang tính tương đối. Nếu tách thực hiện CBXH ra khỏi hoàn cảnh cụ thể thì công bằng ấy có thể trở thành không hợp lý, bất công. Sự hợp lý ở đây được hiểu là sự phù hợp giữa thực hiện CBXH với điều kiện khách quan, thực tiễn kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, nhấn mạnh tới việc coi CBXH là mục tiêu quan trọng hàng đầu nhưng không thể nóng vội đòi đạt tới CBXH tuyệt đối ngay lập tức.
Theo Hồ Chí Minh, CBXH phải được thực hiện từng bước, gia tăng cấp độ dần dần. Đây là một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng phải có những bài học thực tiễn để chúng ta nhận thức đúng đắn được chân lý này. Sự nóng vội, chủ quan duy ý chí mong muốn xóa bỏ mọi áp bức bất công, xóa bỏ sở hữu tư nhân, công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, bỏ qua nguyên tắc phân phối theo lao động để thực hiện phân phối bình quân v.v.. mọi người đều được hưởng sự công bằng, tự do trong khi trình độ của lực lượng sản xuất còn hạn chế, kinh tế xã hội còn thấp kém đã đẩy nước ta và một số nước vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện. Đòi hỏi phải đổi mới toàn bộ trong đó có việc nhìn nhận lại cách hiểu về CBXH mà HCM đã vạch ra. CBXH mang tính hợp lý, việc thực hiện nó phải phù hợp với thực tiễn, tách rời hiện thực khách quan, thực hiện CBXH không còn đem lại công bằng cho mọi người nữa. Điều này thể hiện rõ nét tính sâu sắc, khoa học trong quan điểm về CBXH của Hồ Chí Minh.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về thực hiện CBXH hợp lý thể hiện khá đầy đủ trong Chương trình Việt Minh: “1. Công nhân. Ngày làm 8 giờ. Định tiền lương tối thiểu. Công việc làm như nhau nhận tiền lương ngang nhau. Cứu tế thất nghiệp. Xã hội bảo hiểm. Cấm đánh đập, chửi mắng…Công nhân già có lương hưu trí. 2. Nông dân. Nông dân ai cũng có ruộng cày. Giảm địa tô. Cứu tế nông dân trong những nǎm mất mùa. 3. Binh lính. Hậu đãi binh lính có công giữ gìn Tổ quốc và phụ cấp gia đình binh lính được đầy đủ. 4. Học sinh. Bỏ học phí, bỏ khai sinh hạn tuổi. Mở thêm trường học. Giúp đỡ học trò nghèo. 5. Phụ nữ. Về các phương diện kinh tế, chính trị , vǎn hoá, đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông. 6. Thương nhân và các nhà kinh doanh. Chính phủ hết sức giúp các nhà có vốn tự do kinh doanh. Bộ thuế
môn bài và các thứ tạp thuế do đế quốc đặt ra. 7. Viên chức. Hậu đãi viên chức xứng đáng với công học hành của họ. 8. Người già và kẻ tàn tật. Được chính phủ chǎm nom và cấp dưỡng. 9. Nhi đồng. Được chính phủ sǎn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục” [95, tr.630]. Bên cạnh đó, còn phải: “Lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho Nhân dân. Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”[95, tr.631].
Trong Chương trình Việt Minh, Người đề cập đến từng đối tượng và cách thức thực hiện CBXH phù hợp với những đối tượng đó. Từ các tầng lớp Nhân dân lao động: công nhân, nông dân, thương nhân v.v.. tới các đối tượng chính sách: người già, người tàn tật, trẻ em, thương binh v.v.. đều cần được quan tâm chăm nom. Theo đó, thực hiện CBXH phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tiến hành cho hợp lý. Để đảm bảo CBXH đang được làm đúng phải tính tới nhiều yếu tố như: sự phát triển không đều giữa các nhóm người, các vùng, dân tộc khác nhau, các đối tượng chính sách v.v.. Từ đó xây dựng những chính sách ưu tiên với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, trợ giúp tầng lớp dân cư ở vùng khó khăn, người nghèo, người khuyết tật v.v.. Như vậy, CBXH chỉ thực sự có được khi nó hợp lý với hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Tư tưởng CBXH của Hồ Chí Minh mang tính nhân văn sâu sắc. Người quan tâm tới những chính sách xã hội cho những người yếu thế thiệt thòi ngay từ điểm xuất phát ban đầu. Sự quan tâm này không dừng lại ở cứu trợ nhất thời hay giúp đỡ thụ động theo lối bao cấp. Đây không phải là một giải pháp thực hiện CBXH bền vững. Nhà nước phải có những chính sách phát triển kinh tế, chăm lo ý tế, giáo dục, ổn định đời sống cho đồng bào. Nhà nước phải cử cán bộ giúp đồng bào định canh định cư, bảo vệ rừng, làm phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật canh tác để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Người chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục, cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc và tin tưởng vào sự tiến bộ của đồng bào. Như vậy, không đồng nhất giữa các chính sách ưu đãi với việc bao cấp trong chính sách xã hội, giúp đồng bào tự lực vươn lên, “không nên chỉ ỷ lại vào Chính phủ” [103, tr.438] chính là điểm hợp lý trong thực hiện CBXH của Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh việc “phải tính toán một cách lâu dài, công bằng, hợp lý” [103, tr.438].
Quan điểm công bằng hợp lý được Hồ Chí Minh khẳng định nhất quán. Nhất là trong điều kiện kinh tế còn chưa phát triển cao càng cần phải thực hiện CBXH, không được viện lý do kinh tế khó khăn để gạt bỏ vấn đề này. Người yêu cầu tránh việc cào bằng chia đều cái khổ cho mọi người hay tập trung hết cho phát triển kinh tế để Nhân dân sống quá kham khổ hoặc chờ tới khi kinh tế dư giả mới tính tới thực hiện CBXH.
Trong giai đoạn đầu quá độ lên CNXH, nền kinh tế nước ta còn nghèo nàn, kiệt quệ do hậu quả của chế độ thực dân phong kiến. Nhưng dù khó khăn đến đâu, Hồ Chí Minh cũng nhất quán quan điểm: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”[107, tr.224]. Ở đây, không phải Hồ Chí Minh coi nhẹ vai trò nhân tố kinh tế mà Người so sánh nhằm nhấn mạnh việc phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện CBXH. CBXH vừa là chính sách xã hội vừa là chính sách kinh tế. Giữa các yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau, tương trợ nhau cùng phát triển. Kinh tế là tiền đề vật chất để thực hiện CBXH, đồng thời, sự ổn định của xã hội là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hồ Chí Minh rất sáng suốt, đánh giá đúng những khó khăn khi thực hiện CBXH. Trong chừng mực nhu cầu của con người và khả năng hiện thực của kinh tế xã hội còn mâu thuẫn chưa thể giải quyết thì không thể có được CBXH tuyệt đối. Ta chỉ có thể đòi hỏi CBXH ở mức độ hợp lý. Tức là những cống hiến trí tuệ và sức lực của chúng ta cho xã hội được đền đáp tương xứng. Người lười lao động, cống hiến thì không được hưởng thụ và không chấp nhận những kẻ trục lợi, buôn gian, bán lận, tham nhũng, hưởng lợi không chính đáng “Ngồi mát ăn bát vàng, tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải quét đi” [103, tr.525]. Trong xã hội sẽ còn tồn tại những bất công mà chúng ta phải tạm thời chấp nhận và khắc phục dần dần “cố nhiên phải tìm cách làm cho công bằng hợp lý, nhưng cũng khó hoàn toàn” [102, tr.607].
Công bằng xã hội được thực hiện trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, tập trung trong phân phối lợi ích, phúc lợi và trong cơ hội phát triển
Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện CBXH trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong lĩnh vực chính trị đó là quyền làm chủ của Nhân
dân, các vấn đề dân chủ, tự do cá nhân v.v.. Ở lĩnh vực kinh tế, CBXH được Người chỉ rõ trong quá trình phân phối tư liệu sản xuất, phân phối sản phẩm lao động, chế độ lương, thưởng, khoán, thừa nhận sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu v.v.. Trong lĩnh vực văn hóa, CBXH liên quan tới những quan điểm của Người về giáo dục, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa v.v.. Trong lĩnh vực xã hội, CBXH thể hiện trong các chính sách xã hội, an sinh xã hội, y tế, việc làm Việc thực hiện CBXH trong các lĩnh vực không tách rời mà có mối liên hệ mật thiết, biện chứng với nhau, hỗ trợ cho nhau. Tựu chung lại, bản chất của việc thực hiện CBXH trong các lĩnh vực nằm ở việc đảm bảo CBXH trong phân phối lợi ích, phúc lợi và công bằng trong cơ hội phát triển
Nguyên tắc phân phối lợi ích được Hồ Chí Minh chỉ ra như sau: “Lao động nhiều hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít, không lao động thì không hưởng” [103, tr.525]. Có thể thấy đây là nguyên tắc phân phối công bằng trong điều kiện nước ta hiện nay. Điều này thể hiện địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản xuất của người lao động. Mọi người được hưởng quyền lợi ngang nhau ở những công hiến ngang nhau. Ngược với điều này là vô lý, không công bằng: “Lao động ít mà muốn thu nhập nhiều thì rất vô lý” [105, tr.443]. Hưởng thụ không tương xứng với cống hiến, không cống hiến gì mà đòi hưởng thụ là đi ngược với nguyên tắc phân phối lợi ích công bằng của Hồ Chí Minh. Áp dụng nguyên tắc đúng đắn này trong nền kinh tế sẽ giúp việc thực hiện CBXH trong lĩnh vực kinh tế đạt hiệu quả cao nhất.
Không dừng lại ở nguyên tắc phân phối lợi ích, Hồ Chí Minh còn yêu cầu việc phân phối phúc lợi xã hội cũng cần phải đảm bảo công bằng. Làm thế nào để mọi người dân đều được Nhà nước chăm lo, cải thiện đời sống: “Phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí của Nhân dân” [107, tr.596]. Những yêu cầu thiết yếu của Nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần đều cần có sự quan tâm của Nhà nước thông qua các quĩ phúc lợi xã hội. Điều này làm nổi bật tính nhân văn, triệt để trong tư tưởng HCM về CBXH. Nhóm những người thiệt thòi, yếu thế, không có khả năng lao động càng cần tới sự giúp đỡ đùm bọc của toàn xã hội: “Người tàn tật, già yếu, cháu bé không
phải không lao động được mà không được ăn. Nhà nước, xã hội giúp đỡ họ” [103, tr.525]. Như vậy phân phối lợi ích và phân phối phúc lợi xã hội phải đi liền với nhau. Thiếu một phần là đã hiểu không đúng bản chất nguyên tắc trong thực hiện CBXH của Hồ Chí Minh.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải tạo cho mọi người cơ hội để lao động, có điều kiện phát huy năng lực của mình, đồng thời, hưởng thụ một cách tương xứng với kết quả của sự cống hiến đó. Người nhấn mạnh: “ai cũng phải lao động và có quyền lao động” [103, tr.241]. Quan điểm mỗi người đều có quyền lao động có ý nghĩa rất sâu sắc. Nó mở rộng phạm vi đối tượng lao động. Ở đây, không chỉ giới hạn trong phạm vi những người trong độ đuổi lao động, chủ lực sản xuất ra của cải vật chất mà còn những lực lượng khác cũng có thể tham gia lao động tùy theo sức của mình: “Thanh niên xung phong trong mọi việc, người già, trẻ con đều có việc làm, mọi người đều tùy sức mình mà vui vẻ góp phần vào lợi ích chung” [105, tr.38]. Trách nhiệm đảm bảo cho quyền lao động của Nhân dân trước hết thuộc về Chính phủ. Tỷ lệ người lao động có việc làm cao hay thấp cũng là một biểu hiện của việc CBXH có được thực hiện tốt trên thực tế hay không. Không những vậy, CBXH còn nằm ở chỗ làm sao xắp xếp những công việc phù hợp để phát huy được tối đa hiệu quả lao động. Người có thế mạnh về kỹ thuật, về quản lý, về lý luận đều phải được đặt đúng vị trí để họ có cơ hội phát huy sở trường của mình. Thậm chí, người già yếu cũng cần có những công việc phù hợp: “Nay có người già yếu hay vì thế nào đó mà không đủ sức sản xuất thì phải thế nào? Thực ra không có ai hoàn toàn không có sức sản xuất cả. Ngay các cụ già nhất, đi phải chống gậy cũng không phải không có sức sản xuất. Có thể tổ chức cho các cụ chăn nuôi gà, trồng đám rau v.v.. Đối với những người già yếu, neo đơn, thương bình, gia