Khái niệm và đặc trưng của công bằng xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội (Trang 42 - 46)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.1. Một số quan điểm về công bằng xã hội trong lịch sử tư tưởng

2.1.3. Khái niệm và đặc trưng của công bằng xã hội

Theo định nghĩa trong từ điển Bách khoa Việt Nam; CBXH được xem xét dưới góc độ ý thức đạo đức, ý thức pháp quyền, chỉ điều chính đáng tương ứng với bản chất con người và quyền con người. Khác với khái niệm thiện và ác dùng để đánh giá những hiện tượng riêng rẽ, khái niệm công bằng nêu ra sự tương quan giữa một số hiện tượng theo quan điểm phân phối phúc và họa, lợi và hại giữa người với người. Công bằng đòi hỏi sự tương xứng giữa vai trò của cá nhân (những giai cấp) với địa vị của họ, giữa hành vi với sự đền bù (lao động và thù lao, công và tội, thưởng và phạt); giữa quyền lợi và nghĩa vụ [62, tr.580].

Theo đó, bản chất của CBXH là sự tương xứng giữa một loạt các khía cạnh tốt hoặc xấu. Chẳng hạn là sự tương xứng giữa những điều tốt đẹp khi cá nhân lao động, cống hiến và được hưởng tiền công, phần thưởng, địa vị xã hội. Hoặc có thể là sự tương xứng giữa những điều xấu, khi cá nhân phạm tội, phá hoại sẽ bị nhận sự trừng phạt tùy theo mức độ.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, vấn đề CBXH được nhiều người quan tâm nghiên cứu dưới các góc độ tiếp cận khác nhau (triết học, kinh tế học, chính trị học, luật học v.v..), một số nhà nghiên cứu đã đưa ra các quan niệm khác nhau về CBXH:

Xem xét CBXH với tính cách là một phạm trù xã hội phản ánh sự phát triển của con người và tiến bộ xã hội, tác giả Dương Xuân Ngọc quan niệm: “CBXH là một phạm trù xã hội dùng để chỉ trình độ phát triển về phương diện xã hội của con người (cá nhân và cộng đồng), được thực hiện và thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị và xã hội đến văn hóa, tinh thần, mà trước hết là lĩnh vực xã hội. Nó phản ánh mối quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi giữa xã hội và cá nhân, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa của con người, của xã hội phù hợp với xu thế tiến bộ xã hội” [114, tr.37].

Tiếp cận từ góc độ chính trị học, tác giả Võ Thị Hoa đưa ra quan niệm rõ và sát hơn: CBXH là một phạm trù chính trị - xã hội phản ánh quan hệ giữa người với người, trong đó đảm bảo sự tương xứng giữa phẩm chất và năng lực với cơ hội và điều kiện phát triển, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ v.v.. [49, tr.29].

Tác giả Nguyễn Hồng Sơn, dưới góc độ triết học, quan niệm CBXH là một phạm trù lịch sử, phản ánh mối quan hệ giữa người với người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó bảo đảm sự tương xứng giữa phẩm chất và năng lực với cơ hội và điều kiện phát triển, giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ, phù hợp với khả năng hiện thực của xã hội. CBXH thể hiện khát vọng của con người và là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội [132, tr.39-40].

Tác giả Bùi Thị Phương Thùy, dưới góc độ tiếp cận vai trò CBXH đối với việc phát triển con người, quan niệm CBXH là một giá trị nhằm định hướng cho sự phát triển con người được hình thành trên cơ sở của bình đẳng giữa những con người về nghĩa vụ và quyền lợi, về cống hiến và hưởng thụ, giữa phẩm chất và năng lực với cơ hội và điều kiện phát triển v.v.. trên mọi phương diện của đời sống xã hội, phù hợp với điều kiện hiện thực của xã hội [146, tr.40-41].

Có thể nhận thấy rằng, quan niệm về CBXH rất phong phú, đa dạng. Các tác giả đều chỉ ra vai trò quan trọng của CBXH, là một giá trị, là khát vọng của nhân loại. CBXH được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đa phần các tác giả đều thống nhất thực hiện CBXH thể hiện ở việc phân phối công bằng và tạo ra sự công bằng trong cơ hội phát triển. Để thực hiện CBXH cần phát huy vai trò to lớn của Nhà nước.

Kế thừa tất cả các quan niệm nêu trên, tác giả luận án khái quát một số nét đặc trưng của CBXH như sau:

CBXH có tính khách quan vì CBXH hình thành từ chính nhu cầu khách quan của sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Con người từ thời kỳ cổ đại cho đến nay đều khao khát được đối xử công bằng. Thời kỳ nào chú trọng đến CBXH thì xã hội phồn vinh, ổn định. CBXH phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự phân công lao động xã hội, mối tương quan giữa lao động phức tạp và lao động đơn giản; tính chất của quan hệ sản xuất; đồng thời, phụ thuộc vào nền văn minh, trình độ văn hóa của xã hội.

CBXH mang tính lịch sử. Mỗi xã hội khác nhau lại có thước đo khác nhau về CBXH, phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của xã hội đó. Tiến trình phát triển của lịch sử loài người cho thấy với mỗi hình thái kinh tế xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định sẽ qui định những chuẩn mực cụ thể của CBXH. Chẳng hạn, trong chế độ công xã nguyên thủy, CBXH là mọi người phải tuân theo qui định mà cả cộng đồng thừa nhận, vi phạm sẽ bị trừng phạt. Trong CNTB, nguyên tắc trao đổi hàng hóa là thước đo của CBXH. Trong CNXH, phân phối theo lao động mới là cơ sở để đảm bảo CBXH. Do đó, không thể dùng một thước đo công bằng chung cho mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi xã hội.

CBXH mang tính toàn diện. Nó được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về phương diện kinh tế, CBXH được đánh giá dựa trên sự tương xứng giữa cống hiến vào quá trình sản xuất và hưởng thụ kết quả sản xuất của cá nhân, nhóm xã hội. Về phương diện chính trị, xem xét CBXH trong các vấn đề dân chủ, quyền con người, luật pháp v.v.. Về phương diện văn hóa, xã hội, đánh giá CBXH trong các vấn đề an sinh xã hội, phân tầng xã hội v.v..

CBXH là giá trị định hướng cho việc giải quyết mối quan hệ giữa người với người theo nguyên tắc: tương xứng giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa phẩm chất và năng lực với cơ hội và điều kiện phát triển. Lịch sử phát triển của xã hội loài người chính là lịch sử đấu tranh cho dân chủ, tự do, công bằng và tiến bộ nhằm mục đích cuối cùng là giải phóng con người. CBXH vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội.

Khái niệm CBXH có mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm BĐXH. BĐXH với tính cách là phạm trù chính trị xã hội có nghĩa là sự bằng nhau giữa các cá nhân, nhóm xã hội về một hay một số phương diện xã hội nhất định, chẳng hạn, sự ngang bằng đề địa vị xã hội, về quyền và nghĩa vụ công dân; về cơ hội xã hội v.v.. giữa cá nhân hay các nhóm xã hội. CBXH là sự ngang nhau giữa người với người không phải về mọi phương diện hay một phương diện bất kỳ mà về một phương diện cụ thể: phương diện giữa cống hiến và hưởng thụ theo nguyên tắc cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau [136, tr.39].

Thực hiện BĐXH là phải thiết lập cho các cá nhân trong xã hội những điều kiện và khả năng như nhau để họ được phát triển năng lực, có địa vị xã hội như nhau. Thực hiện CBXH là trao cho mọi người cơ hội ngang nhau để phát triển. Bản thân sự phát triển trong CBXH đã hàm chứa sự vượt trội, chênh lệch, phân hóa.

BĐXH và CBXH là hai khái niệm giao nhau. Bình đẳng có khía cạnh công bằng (bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân; bình đẳng trong hưởng thụ lợi ích giữa những người có đóng góp ngang nhau), đồng thời, cũng có khía cạnh không công bằng như sự phân phối bình quân. Cũng cần phân biệt khái niệm CBXH với khái niệm bình quân. Đây là hai khái niệm khác nhau, song nhiều người lại đồng nhất chúng. Thực chất, bình quân là bình đẳng ở trình độ sơ khai theo kiểu cào bằng, nhưng không công bằng, vì những người có đóng góp cống hiến khác nhau lại được phân phối như nhau [134, tr.43]. Như vậy, một vấn đề được đánh giá là công bằng thì không nhất thiết phải là bình đẳng; sự bất bình đẳng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với bất công. Chẳng hạn như sự phân hóa giàu nghèo là biểu hiện của bất bình đẳng về thu nhập nhưng lại là sự công bằng khi sự đóng góp, cống

hiến, lao động của mỗi người là khác nhau, thì không thể cào bằng thu nhập như nhau. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giàu nghèo quá lớn thì sẽ dẫn tới bất công.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)