Công bằng xã hội là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội (Trang 78 - 83)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

3.1.1. Công bằng xã hội là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng

Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” [96, tr.9]. Quan điểm đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc: tất cả vì con người, cho con người của Hồ Chí Minh. Người đặt ra mục tiêu giải phóng con người một cách triệt để, coi con người là cái đích cuối cùng của công cuộc giải phóng. Chúng ta đấu tranh để “thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no, hạnh phúc” [104, tr.221]. Qua đó, có thể thấy rằng, xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột, thực hiện CBXH chính là một mục tiêu phấn đấu hàng đầu khi xây dựng xã hội mới.

Hồ Chí Minh sớm nhận thức được một nghịch lý: trong xã hội có giai cấp bóc lột thống trị chỉ có lợi ích cá nhân của giai cấp thống trị được thỏa mãn, còn quần chúng Nhân dân lao động thì không được hưởng quyền lợi gì. Trong khi, công nhân và nông dân chính là lực lượng sản xuất chủ yếu sản xuất ra mọi của cải vật chất, thúc đẩy xã hội phát triển. Người vạch rõ, trong chế độ thực dân, phóng kiến nông dân chỉ có nghĩa vụ như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi. Người dân không có địa vị làm chủ, không được đối xử công bằng, bình đẳng. Hồ Chí Minh đi đến kết luận: CBXH thực sự chỉ có được trong chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Năm 1958, Hồ Chí Minh khẳng định trong Đạo đức cách mạng: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ XHCN và CSCN” [103, tr.610]. Ở đó không có sự đè đầu cưỡi cổ của tầng lớp thống trị như địa chủ, tư bản, đế quốc, phong kiến,và “cũng không có người bị áp bức bóc lột, cũng không

có người ngu dại, lạc hậu” [98, tr.287]. Như vậy, Hồ Chí Minh đã vạch rõ đi lên CNXH là điều kiện tiên quyết để Nhân dân có thể được đối xử công bằng, đồng thời, xóa bỏ áp bức bất công, mang lại CBXH cho tất thảy mọi người là mục tiêu hàng đầu cần thực hiện trong sự nghiệp xây dựng CNXH.

Có thể thấy rằng, quan niệm về CBXH của Người thể hiện rõ nhất khi nhìn nhận ở góc độ đặc trưng bản chất của CNXH: “CNXH là công bằng hợp lý: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ, chăm nom” [103, tr.404]. Nó phản ánh tính nhân văn, ưu việt của chế độ XHCN khi xác định mục tiêu nhất quán là xây dựng một chế độ xã hội công bằng, xóa bỏ áp bức bất công, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Xã hội ấy sẽ đảm bảo cho mỗi người được cống hiến và hưởng thụ thành quả của sự cống hiến ấy.

Quan điểm coi thực hiện CBXH là mục tiêu của CNXH, tất cả vì lợi ích của đông đảo quần chúng Nhân dân luôn được thể hiện xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng mà Người có cách đề cập khác nhau về vấn đề này. Năm 1955, trong Bài nói chuyện tại Hội nghị sản

xuất cứu đói Người nhấn mạnh: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức

chǎm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” [101, tr.518]. Năm 1958, trong bài Nói chuyện

với anh chị em học viên, cán bộ, công nhân viên trường đại học Nhân dân Việt Nam,

Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn tiến lên CNXH thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động” [103, tr.241]. Năm 1960, trong Bài

nói chuyện với Nhân dân tỉnh Hải Ninh, Hồ Chí Minh khẳng định: “CNXH là làm

cho mọi người dân sung sướng, ấm no” [104, tr.480]. Năm 1962, trong Lời khai mạc

liên hoan anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc, Người phát biểu: “CNXH là nhằm

nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân” [105, tr.8]. Ta nhận thấy rằng, dù cách diễn đạt khác nhau nhưng đều toát lên mục đích nhân văn của CNXH là

mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người, không có sự đối xử bất công, bóc lột, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, con người được tạo điều kiện để phát triển các khả năng của mình. Thực hiện CBXH là mục tiêu mang tính bản chất, nhất quán và lâu dài, mang tính đặc thù của chế độ xã hội mới XHCN.

Hồ Chí Minh nhận định, tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho CNXH phát triển, là mục đích của CNXH. Tuy nhiên, trái ngược với những quan điểm cho rằng cần ưu tiên mục tiêu kinh tế trước hoặc ưu tiên CBXH trước, Người luôn nhất quán đặt mục tiêu phát triển kinh tế bên cạnh mục tiêu thực hiện CBXH trong quá trình xây dựng CNXH. CNXH có mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân, nhưng cũng phải làm sao để mọi người đều có công ăn việc làm, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều này thể hiện rõ lập trường của Hồ Chí Minh: không vì sự phát triển kinh tế mà chấp nhận những bất công trong xã hội.

Khi chính quyền nhà nước cộng hòa non trẻ mới được thành lập phải đối mặt với biết bao thách thức, Hồ Chí Minh luôn xác định: “Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó” [96, tr.175]. Diệt giặc đói, giặc dốt - thứ giặc nội xâm nguy hiểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Bắt tay xây dựng CNXH khó khăn trăm bề Người vẫn đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo đời sống của Nhân dân. Đầu tư phát triển kinh tế là cần thiết nhưng không vì thế mà để người lao động sống khổ hạnh bần cùng. Như vậy, mọi suy nghĩ và hành động của Người đều dựa trên cơ sở xác định con người là vốn quí nhất, là trung tâm của mọi chính sách kinh tế, xã hội.

Không đồng tình với quan điểm cho rằng CBXH chỉ đạt được khi đã có sự phát triển kinh tế. HCM nhấn mạnh mục tiêu công bằng càng cần phải đặt lên hàng đầu trong hoàn cảnh còn khó khăn thiếu thốn. Người căn dặn sự thiếu thốn và nghèo nàn không đáng sợ bằng sự bất công hay sự bất ổn của lòng dân. Khi những điều kiện vật chất chưa thể đạt được trong một sớm một chiều thì việc đảm bảo CBXH sẽ là một động lực mạnh mẽ để Nhân dân ra sức thực hiện các mục tiêu kinh tế, thoát khỏi sự nghèo khó. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta chấp

nhận cuộc sống đói khổ, nghèo nàn mà Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh thực hiện CBXH là mục tiêu thường xuyên, liên tục trong quá trình xây dựng CNXH. Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng thực hiện CBXH, không vì mục tiêu kinh tế mà hy sinh mục tiêu CBXH.

Nhấn mạnh thực hiện CBXH là một yêu cầu bức thiết nhưng Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở không được đồng nhất công bằng với cào bằng. Người cho rằng: Đồng cam cộng khổ là một tinh thần cần phải có, nhưng nếu bình quân chủ nghĩa thì lại không đúng. Trong điều kiện đất nước vừa trải qua chiến tranh tàn phá, đang bắt đầu khôi phục trên nền tảng kinh tế kiệt quệ thì rất cần sự sẻ chia đồng cam cộng khổ. Không ai muốn thiếu thốn nghèo nàn nhưng khó khăn là khó khăn chung. Đồng cam cộng khổ là một điều rất hay, rất tốt. Nhất là trong lúc cái gì cũng còn túng thiếu, và mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải làm kiểu mẫu trong sự cần lao, tiết kiệm. Nhưng cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh, chia đều cái nghèo cho tất cả mọi người, đánh đồng ai cũng như ai thì lại là không đúng. Bình quân chủ nghĩa chính là sai lầm mà chúng ta mắc phải trong thời kỳ bao cấp dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, làm triệt tiêu động lực phát triển xã hội. Chúng ta đã yêu cầu sự ngang bằng nhau giữa mọi người ở mọi phương diện, đầu tiên là trong lĩnh vực phân phối mà thực chất là phân phối bình quân, bỏ qua nguyên tắc phân phối công bằng là thiết lập sự ngang bằng nhau giữa người với người trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, cống hiến và hưởng thụ của Hồ Chí Minh.

Bài học rút ra là với xuất phát điểm thấp chúng ta không thể đòi hỏi có ngay sự chuyển biến vượt bậc trong kinh tế, mọi người được hưởng cuộc sống no đủ ngay lập tức. Ta phải dần dần từng bước đi tới mục tiêu đã xác định. Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta: “Bây giờ mà đòi cái gì cũng phải đủ là vô lý. Tuy vậy Đảng và Chính phủ cũng luôn luôn chú ý cải thiện đời sống cho công nhân…nhưng phải dần dần, mỗi mùa một ít, mỗi năm một ít” [102, tr. 480].

Việc thực hiện CBXH bản thân nó cũng sẽ có những khó khăn nhất định, không thể đòi hỏi ngay sự công bằng tuyệt đối, có những thiếu sót cần phải khắc phục dần dần. Từ rất sớm Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này: “Cố

nhiên là Đảng, Chính phủ trong lúc cân nhắc phải công bằng hợp lý, nhưng đảng viên ta, cán bộ trong đảng và ngoài Đảng rất đông, có hàng mấy vạn người không phải luôn luôn xếp đặt hợp lý được” [102, tr.606-607]. Có những bất công có thể và cần phải xóa bỏ sớm nhưng cũng có những bất công đòi hỏi phải có thời gian lâu dài. Thậm chí, xóa bỏ bất công này lai làm nảy sinh bất công khác. Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhìn nhận khả năng hiện thực của việc thực hiện CBXH. Chẳng hạn, ngay trong việc thừa nhận sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế đã thể hiện rất rõ nhận thức thấu đáo của Người về vấn đề này. Như vậy, sẽ có những bất công còn tồn tại ngay cả khi chúng ta đã xác định được mục tiêu quan trọng hàng đầu là CBXH. Điều này hoàn toàn phù hợp với các qui luật phát triển khách quan của xã hội trong giai đoạn quá độ hiện nay. Chúng ta buộc phải chấp nhận sự tồn tại của những bất công trong mức độ nhất định và khắc phục dần dần. Điều này không hề đối lập với mục tiêu thực hiện CBXH trong CNXH của Đảng và Nhà nước ta mà nó chính là những vấn đề thực tiễn đặt ra yêu cầu chúng ta phải từng bước giải quyết trên con đường đi tới mục tiêu CBXH. Phấn đấu để thực hiện CBXH luôn là mục tiêu nhất quán trong mọi chặng đường cách mạng của ta.

Không chỉ xác định một trong những mục tiêu cơ bản của chế độ xã hội mới là thực hiện CBXH, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới việc mỗi cá nhân trong xã hội phải coi đó là mục tiêu phấn đấu của mình để góp phần vào mục tiêu chung. Cách mạng thành công, Nhân dân giành được địa vị làm chủ và có quyền hạn của người làm chủ, đồng thời, phải ý thức được việc làm tròn nghĩa vụ của người làm chủ: “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động. Vậy công nhân, nông dân, trí thức cách mạng cần nhận rõ rằng: hiện nay, Nhân dân lao động ta là những người làm chủ nước ta, chứ không phải là những người làm thuê cho gia cấp bóc lột như thời cũ nữa” [101, tr.66]. Để vượt qua những khó khăn thách thức cần có sự chung sức chung lòng, quyết tâm đến cùng xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Nếu chỉ nghĩ đến sự no ấm của riêng bản thân mình còn người khác thì mặc kệ, hoặc chỉ muốn được hưởng thụ các quyền lợi mà trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình thì Nhà nước cũng không thể gánh vác được trọng trách làm cho cuộc

sống của Nhân dân mỗi ngày một tốt lên: người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khác giàu thì giàu thêm. Do đó, Người kêu gọi Nhân dân cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH, phải tích cực lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mình: “Trong xã hội ta, không có nghề nào thấp kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ. Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm trọn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau. Ai sợ khó, sợ khổ, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, người đó mới là kém vì không phải là người XHCN” [105, tr.69]. Thực hiện CBXH sẽ là một động lực thúc đẩy con người phát huy nội lực, đồng thời, cũng là mục tiêu phấn đấu của mỗi con người.

Như vậy, CBXH luôn là một mục tiêu phấn đấu, một khát vọng chân chính của nhân loại trong suốt nhiều thế kỷ nay. Đến Hồ Chí Minh, người khẳng định mục tiêu này chỉ có thể thực hiện trong chế độ XHCN và cũng chỉ có chế độ XHCN mới nhận thức đúng đắn tầm quan trọng hàng đầu của việc thực hiện mục tiêu CBXH. Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc nhất quán thực hiện CBXH ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Trong quá trình thực hiện mục tiêu CBXH cần phải chấp nhận sự tồn tại của một số bất công nhất định. Con đường đạt tới CBXH ngày càng ở mức độ cao hơn đòi hỏi mỗi cá nhân đều phải coi đó là mục tiêu phấn đấu của bản thân mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)