Quan hệ giữa người với người về tài sản

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nhân học xã hội kito giáo và vai trò của nó trong đời sống đạo của người công giáo việt nam (Trang 95 - 103)

Chương 3 : NỘI DUNG CỦA NHÂN HỌC XÃ HỘI KITÔ GIÁO

3.2. Các phương diện nội dung cơ bản của nhân học xã hội Kitô giáo

3.2.2. Quan hệ giữa người với người về tài sản

Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ sinh hoạt của loài người. Lao động, tự nó không phải là hoạt động đạo đức, nhưng thái độ đối với lao động và sản phẩm lao động làm ra, xử sự mối quan hệ với người khác trong lao động là đối tượng của đạo đức học. Mặt khác, chính thông qua lao động, con người hình thành và phát triển các mối quan hệ xã hội. Nhà thần học Thomas Aquinas được coi là người đặt nền móng cho thần học Kitô giáo đã nêu lên bốn mục tiêu của lao đông trong tác phẩm Tổng luận thần học: lao động đem lại cho con người ta kế sinh nhai mỗi ngày; tránh nhàn rỗi - cội nguồn của nhiều tệ đoan; giáo dục, uốn nắn, rèn luyện thân xác trong các hành vi tội lỗi và cho người ta có của cải dư thừa để làm việc bố thí. Các nhà thần học còn bổ sung lao động là để đền tội với tinh thần sám hối và hy vọng nhận được ơn lành của Chúa.

Theo Kinh thánh, lao động nằm trong trật tự sáng tạo của Thiên Chúa, thậm chí còn coi lao động là hậu quả của tội lỗi do Ađam và Eva gây ra. Theo sách Sáng thế, trước khi con người sa ngã, “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” [44, tr.35-36]. Sáu ngày sáng tạo và một ngày để nghỉ ngơi (ngày thứ bảy) là trình tự thời gian Thiên Chúa thực hiện cũng là để dân Chúa làm theo mô hình: lao động vào các ngày trong tuần và nghỉ ngơi ngày sabát.

Nếu Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa thì điều ấy cũng ngụ ý rằng, con người phải có bổn phận bắt chước Đấng tạo hóa bằng cách dành sáu ngày trong tuần để lao động. Đó cũng là mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” [44, tr.143].

Khác với các dân tộc khác cùng thời, người Do Thái trong Cựu ước không coi lao động là điều hèn kém, làm hạ phẩm giá con người. Thậm chí, các Ký lục (Rabi) Do Thái còn tự hào nếu được làm một nghề để có thể nuôi sống mình. Lao động là luật buộc hết mọi ngươì, ai cũng phải lao động. Kinh thánh coi đó là điều hiển nhiên, vì chính Thiên Chúa đã dạy bảo con người lao động.

Kinh thánh cho rằng, bất kỳ ai được gọi là người công chính cũng phải làm một việc gì đó. Những người lao động chăm chỉ được khen ngợi và là tấm gương cho mọi người noi theo. Còn những người lười biếng hoặc làm việc trễ nải bị chê bai: “Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút, là cái nghèo sẽ đến với bạn như tên du thủ du thực, cảnh bần cùng sẽ đột nhập như người có vũ trang” [44, tr.1019]; kẻ lười biếng còn bị coi là kẻ ngu si. Khi con người không làm việc thì chết đói cũng là xứng đáng và khi “kẻ lười biếng thèm muốn mà chẳng được gì, người chuyên cần muốn chi cũng được thoả mãn” [44, tr.1004].

Kinh thánh nhìn nhận sự vất vả, cực nhọc của lao động bởi tội lỗi do con người gây ra: “Ngươi sẽ đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất” [56, tr.40]. Nông dân oằn lưng vì sưu cao thuế nặng, toàn dân bị chính quyền cưỡng ép lao động khổ sai, nô lệ bị buộc phải lao động và bị đòn roi. Để bênh vực người lao động khỏi bị hà hiếp, Kinh thánh đã đưa ra những quy chế xã hội: làm thuê ngày nào được trả công ngày ấy [44, tr.200]. Không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng, dù người ấy là một người anh em hay là ngoại kiều. Ngày nào nó làm phải trả công cho nó ngày ấy, vì nó nghèo khổ và nóng lòng được trả công [44, tr.307]. Không được ngược đãi nô lệ theo ý thích của chủ, nó cũng được nghỉ ngày sa-bát [44, tr.143]. Ngày sa-bát là cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Như vậy, ngày nghỉ là một đặc ân mà Chúa dành cho không chỉ người tự do mà cả cho các nô lệ. Đây có thể xem là nét tiến bộ của Kinh thánh so với xã

hội đương thời - chế độ chiếm hữu nô lệ mà người nô lệ chỉ được xem là “công cụ biết nói”. Nhà thần học người Đức K. Héc-man Se-ling nhận xét:

Không ở đâu ngoài Kinh thánh có một trật tự xã hội như thế. Ở những nơi khác, đặc quyền của người tự do là được nhàn rỗi, còn những người khác phải làm việc ngày này qua ngày khác. Vì thế, ngày nghỉ chung mỗi tuần quả là một định chế xã hội có tầm quan trọng không thể đo lường hết được [85, tr.181].

Đến thời Tân ước, quan niệm về lao động có phần cởi mở hơn về mặt xã hội. Bản thân Chúa Giê-su cũng là một người lao động. Ba phần tư cuộc đời Ngài là làm thợ mộc [44, tr.1594]. Thánh Giuse - thân phụ và là thầy dạy của Chúa Giêsu ở xưởng mộc đã được các Kitô hữu tôn kính và chọn làm thánh quan thầy bổn mạng của người lao động (với tước hiệu Thánh Giuse Thợ). Các môn đồ của Chúa Giêsu hầu hết cũng là người lao động. Chúa Giêsu coi lao động là một hoạt động tất yếu và là bổn phận chung giữ vị trí quan trọng trong đời sống con người. Nhờ lao động, con người vừa có kế sinh nhai, vừa đảm bảo độc lập, tự do trong cuộc sống. Trong khi những người ngoại giáo coi nhẹ lao động chân tay, Kinh thánh yêu cầu các Kitô hữu phải tự nuôi sống mình một cách lương thiện bằng lao động. Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, Tông đồ Phalô khuyên: ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình, để người ngoài cảm phục và không cần nhờ đến ai [44, tr.2074]. Khi thấy một số tín đồ ở Thêxalônica bỏ công việc làm ăn vì nghĩ rằng ngày Chúa phán xét cuối cùng (ngày tận thế) đã gần kề, Phaolô cực lực lên án những tín đồ lười lao động:

Khi còn ở với anh em chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê- su Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân [44, tr.2081].

Các Tông đồ của Chúa Giêsu khuyên các tín hữu lao động còn tạo điều kiện cho họ thực hiện đức bác ái và giúp đỡ người khác. Trong thư gửi tín hữu ở Êphêxô, Phaolô viết: “Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia xẻ với người túng thiếu” [48,

tr.2046]. Chúa Giêsu thường đưa ra các dụ ngôn đòi hỏi người lao động phải có đức tính siêng năng và trung thành trong công việc làm ăn. Ai đem bạc đi cất giấu đều bị phạt vì lười biếng, còn người nào chăm chỉ, biết tính toán làm ăn đều được ca ngợi và tuyên thưởng vì đã là đầy tớ tốt lành và trung tín.

Tuy nhiên, giữa Cựu ước và Tân ước lại có cái nhìn khác nhau về lao động. Nếu Cựu ước nhìn nhận sự vất vả thân xác của người lao động và có sự cảm thông vì đó là thể hiện sự ảnh hưởng đặc biệt của tội lỗi, thì Tân ước lại xuất phát từ thực tế mà cảnh báo những ai để công việc làm ăn cuốn hút một cách thái quá. Chúa Giêsu cảnh báo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu” [44, tr.1767]. Không được để những lo lắng về các nhu cầu của cuộc sống lấn át những bận tâm về đường thiêng liêng, và quan trọng hơn đó là sự cởi mở đón nghe Lời Chúa cũng như Nước Trời và sự công chính của nước ấy. Không người lao động nào có thể bào chữa cho thái độ vùi đầu vào công việc tới mức quên cả yến tiệc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Theo Kinh thánh, động cơ sâu xa của lao động là phục vụ Thiên Chúa, đi theo và vâng phục Chúa để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu ở trên Thiên đường. Ý nghĩa của lao động không nằm trong thực tại trần thế mà trong mục tiêu cuối cùng ở trên thiên giới. Nhưng Kinh thánh cũng tạo ra cho các tín đồ niềm hy vọng rằng thành quả lao động sẽ không vô ích mà tồn tại mãi trong thế giới mới, nhưng trong một tư thế đã được biến đổi và thuộc về thiên giới. “Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” [44, tr.2001].

Một trong những mục tiêu của lao động là tạo ra của cải (vật chất và tinh thần) để phục vụ cho cuộc sống con người. Khi nói đến của cải là nói đến quyền sở hữu tài sản, cái gì đó không có chủ sở hữu thì cũng không được gọi là của cải. Kinh thánh cho rằng, trái đất và tất cả cái gì chứa đựng trong đó đều do Thiên Chúa ban tặng cho mọi người để vun trồng, quản lý và sử dụng, Song sở hữu của cải vật chất không phải là giá trị tự thân, mà chúng dùng để phục vụ cho các nhu cầu của con người. Nếu mục tiêu cuối cùng của con người là tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa

thì con người cũng phải hướng các sở hữu vật chất đó về mục tiêu ấy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” [44, tr.1598].

Giáo hội Công giáo dựa vào Kinh thánh để xây dựng học thuyết xã hội nhằm bảo vệ chế độ tư hữu xem đó như một quyền bất khả xâm phạm mà Chúa đã ban tặng cho con người. Nhân học xã hội Kitô giáo luôn xác tín rằng: “Con người được quyền có của riêng. Quyền này đã được Kinh thánh giả thiết và xác nhận. Đó là quyền tự nhiên, con người phải được hưởng và là một nhân tố cần thiết để làm nên trật tự xã hội” [85, tr.228]. Nhân học xã hội Kitô giáo cũng đưa ra năm lý do để xác định quyền tư hữu của con người: tư hữu là phương thế cần thiết để thực hành tự do của cá nhân; giúp con người có được một sự độc lập nào đó; có điều kiện để nuôi sống và dạy dỗ những người mình phải có nghĩa vụ; tránh được những xung đột, bất đồng do tranh giành của cải; và cuối cùng, tư hữu giúp con người biết sử dụng của cải một cách tối ưu để phục vụ cho lợi ích của mọi người [85, tr.230].

Tuy nhiên, tư hữu không phải là quyền tuyệt đối và vô hạn mà bị chi phối bởi nhu cầu của cá nhân và cộng đồng. Của cải tạo hóa ban cho con người là để phục vụ cho mọi người chứ không chỉ riêng cho một thiểu số lựa chọn. Công đồng Vaticăng II khẳng định: “Không ai có quyền giành riêng cho mình của cải dư thừa, khi có người nào khác đang thiếu những gì cần thiết để sống… không bao giờ được sử dụng quyền tư hữu khi thiệt hại đến lợi ích chung” [125, tr.143]. Điều này đã được Kinh thánh thừa nhận: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” [44, tr.2154].

Theo quan điểm nhân học xã hội Kitô giáo, tư hữu là một trong những quyền không tước đoạt được của con người. Con người có quyền sử dụng tài sản riêng của mình nhằm mục đích đạt tới hạnh phúc thế tục. Hơn nữa, tư tưởng nhân học xã hội Kitô giáo không những khẳng định nguồn gốc tự nhiên của tư hữu mà còn nhận thấy vai trò quan trọng của chế độ tư hữu trong đời sống xã hội của con người. Theo Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “chế độ tư hữu là một trong những thành tố của chế độ

lao động nhằm đạt tới những mục đích nhất thời và tiên nghiệm, là biểu tượng về tự do và phẩm giá của con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và ngay từ đầu, bao giờ cũng được phép thống trị đối với vật chất” [43, tr.154].

Đây là một luận điểm có ý nghĩa rất quan trọng xét trên phương diện nội dung nhân học xã hội. Vì nó khẳng định vai trò của cá nhân con người trong việc sử dụng sở hữu riêng của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu vật chất của bản thân, qua đó góp phần giải phóng khỏi sự lệ thuộc vật chất vào tự nhiên và vào người khác. Nói cách khác, sự lệ thuộc vật chất chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng người áp bức người, do vậy vấn đề sở hữu có liên hệ mật thiết với một trong những nội dung của sự nghiệp giải phóng con người về mặt xã hội. Quan điểm nhân học xã hội này của Kitô giáo còn phản ánh một trong những giải pháp tối ưu cho vấn đề quan hệ giữa phần xác và phần hồn của con người trong quan hệ với tha nhân.

Chính vì vậy, việc bảo vệ chế độ tư hữu thực sự cấu thành rường cột của học thuyết xã hội Công giáo. Giáo hoàng Gioan Phaolô II không ngừng nhắc lại rằng, “quyền tư hữu đối với tư liệu sản xuất có một ý nghĩa bất biến” [43, tr.155]. Hơn nữa, theo quan điểm chính thống của Giáo hội Công giáo, “nhà nước không bao giờ có thể được thủ tiêu, hạn chế quyền tư hữu” [43, tr.159]. Quan điểm nhân học xã hội Kitô giáo cũng khẳng định và ca ngợi lao động, tuyên bố tính chất vượt trội của nó so với vốn. Nhưng điều đó hoàn toàn không cho phép thủ tiêu sở hữu tư nhân của bất kỳ ai, kể cả của chủ sở hữu lớn. “Chúng tôi muốn nhắc lại rằng quyền tư hữu đối với vật chất được coi là hợp pháp trong Phúc Âm” [43, tr.163]. Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn cho rằng chính sáng kiến tư nhân sẽ đóng một vai trò mang tính quyết định trong việc khắc phục tình trạng lạc hậu của nông nghiệp ở các nước phát triển và phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển.

Theo quan điểm nhân học xã hội Kitô giáo, việc bảo vệ chế độ tư hữu còn có ý nghĩa quan trọng vì nó không những xuất phát từ sự thống trị của con người đối với tự nhiên, mà còn gắn liền quyền tư hữu với những chuẩn tắc đạo đức chung nhân loại, như “không ham muốn của người”, “không lấy của người”, không ăn

trộm”, “không tham của trái lẽ”, như Mười điều răn Chúa đã dạy. Sự phù hợp của chế độ tư hữu với tự nhiên thể hiện ở chỗ đất đai đem lại thành quả nhằm trả công cho lao động của con người. Hơn nữa, vì con người tiêu phí năng lượng trí tuệ và sức lực của mình để nhận được của cải tự nhiên, nên nó chiếm hữu cho mình bộ phận của giới tự nhiên được nó khai thác. Nó để lại ở đó dấu ấn của mình, nhân cách của mình, do vậy một điều xác đáng là nó cần phải sở hữu bộ phận ấy như sở hữu của mình, và không một ai được phép vi phạm quyền đó. Chính điều này khẳng định tính chất tự nhiên, hợp pháp của quyền tư hữu. Giáo hoàng Piô XII khẳng định:

Với tư cách thực thể sống, có lý tính, mỗi người đều thực sự nhận được từ tự nhiên quyền cơ bản – sử dụng của cải vật chất của trái đất... Tất nhiên, trật tự tự nhiên bắt nguồn từ Chúa, đòi hỏi phải có chế độ tư hữu và tự do thương mại, cũng giống như hoạt động của nhà nước [43, tr.215].

Như vậy, quyền tư hữu mang tính tự nhiên và thiêng liêng. Con người là chủ sở hữu kế thừa Chúa với tư cách chủ sở hữu toàn bộ tự nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nhân học xã hội kito giáo và vai trò của nó trong đời sống đạo của người công giáo việt nam (Trang 95 - 103)