Quan hệ giữa người với người về chính trị

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nhân học xã hội kito giáo và vai trò của nó trong đời sống đạo của người công giáo việt nam (Trang 103 - 109)

Chương 3 : NỘI DUNG CỦA NHÂN HỌC XÃ HỘI KITÔ GIÁO

3.2. Các phương diện nội dung cơ bản của nhân học xã hội Kitô giáo

3.2.3. Quan hệ giữa người với người về chính trị

Kinh thánh không phủ nhận sự phân cấp (địa vị) xã hội mà nó chỉ kêu gọi mỗi người hãy an bài với thân phận của mình do Chúa đã sắp đặt. Đồng thời kêu gọi giai cấp hãy đối xử tử tế với nhau vì tất cả đều là con Thiên Chúa ở trên trời. Theo Kinh thánh, nghĩa vụ của người lao động được phân theo đẳng cấp xã hội. Người nô lệ phải biết thân phận của mình mà trở thành tôi trung để được nhận phần thưởng từ Thiên Chúa; còn các chủ nô hãy công bằng và nhân hậu với nô lệ, vì tất cả đều có chủ là Thiên Chúa ở trên trời. Trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-xô, Tông Đồ Phaolô viết: “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa. Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do” [44, tr.2049]. Còn “người chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng dọa nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” [44, tr.2049]. “Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời”

Kinh thánh cho rằng, sự phân chia giai cấp, giàu nghèo của con người trong xã hội là do Chúa đã sắp đặt. Theo đó, sự giàu có là một ân huệ mà Thiên Chúa ban cho con người, đồng thời là một dấu chỉ của lòng quảng đại của Ngài. Nó là một hồng ân cho đời sống viên mãn mà Thiên Chúa không ngừng hứa ban cho những kẻ được Chúa tuyển chọn. Chính vì thế, giàu có được coi là kết quả và sự vinh quang của cuộc sống [44, tr.878], còn sự khốn cùng được coi như sự thất bại và nhục nhã [44, tr.1297]. Nếu Chúa đã săn sóc ai, chính là để làm cho họ no thỏa, trong tay Ngài không thiếu thốn gì [44, tr.864]. Theo quan niệm của Kinh thánh, sự giàu có không chỉ bó hẹp trong phạm vi vật chất mà còn cả ngôn ngữ và tri thức nữa [48, tr.988]. Cao hơn cả sự giàu có, no thỏa mang tính chất tôn giáo. Chính Chúa Giê-su đã từng nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”, “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” [44, tr.1824, 1817].

Để được giàu có, Kinh thánh khuyên con người phải có nhân đức siêng năng, vì “kẻ biếng nhác phải chịu cảnh nghèo hèn, người siêng năng được giàu sang phú quý”; không nên quá ham chơi, rượu chè, vì “kẻ ham vui sẽ bần cùng đói khổ, người mê rượu chè sẽ chẳng giàu sang” [44, tr.1000, 1014]. Tuy nhiên, Kinh thánh cho rằng, giàu có là điều tốt nhưng chỉ là tương đối và phụ thuộc. Đặc biệt giàu có không thể thay thế được cái chết và không thể dùng tiền bạc để mua được tình yêu. Kinh thánh còn lên án những kẻ giàu bất chính, phi nghĩa. Cựu ước cho rằng, bất cứ sự giàu có nào mà loại trừ số đông, không cho họ hưởng của cải trần gian mà chỉ dành riêng, ưu đãi có một số ít thì đều là bất chính.

Kinh thánh đặc biệt chú ý đến người nghèo khổ, vì đó là những người bị đè nén, mồ côi, quả phụ. Cựu ước cho rằng, người nghèo là nạn nhân của cái ác như bóc lột, trộm cướp, lừa đảo [44, tr.823]. Nói cách khác họ là nạn nhân của những kẻ giàu phi nghĩa. Kinh thánh Tân ước cho rằng, hạnh phúc tối cao và vĩnh cửu của con người là được lên Thiên đường, nên khuyên con người sống ở đời phải tích góp ơn đức để hội đủ điều kiện vào Nước Chúa. Thậm chí, Chúa Giêsu còn cho rằng người giàu hầu như không thể vào được Nước Trời. Việc ấy khó khăn đến mức “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” [44,

tr.1632]. Kinh thánh còn khẳng định không ai có thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự của cải được. Chúa Giêsu cho rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” [44, tr.1597-1598].

Từ quan niệm nêu trên, Giáo hội Công giáo không phủ nhận sự hiện diện của các giai cấp trong xã hội, song họ luận chứng cho thực tế đó là trung thành với Kinh thánh. Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho rằng, cương lĩnh xã hội của Giáo hội Công giáo cần phải xuất phát từ một thực tế là xã hội hiện đại vẫn còn bị phân chia ra thành hai giai cấp cơ bản: “Một giai cấp rất ít ỏi chiếm dụng phần lớn của cải xã hội mà công nghệ hiện đại đem lại; giai cấp khác chiếm phần lớn xã hội lại sống trong hoàn cảnh trái ngược” [43, tr.280]. Giáo hội, một mặt, thừa nhận cái hố không vượt qua được giữa các giai cấp trong xã hội hiện đại, mặt khác, họ cũng khẳng định không thể xóa bỏ được nó. “Trong xã hội công dân, người nghèo không thể đứng ngang hàng với người giàu” [43, tr.282].

Thậm chí, Giáo hoàng Lê-ô XIII khẳng định, Giáo hội thừa nhận sự tồn tại bất bình đẳng bẩm sinh về mặt thể chất và trí tuệ giữa người với người là hữu ích và hợp lý, sự bất bình đẳng này sẽ thể hiện ở việc chiếm hữu của cải. Giáo hoàng Piô XII tuyên bố: “Giáo hội hoàn toàn không hứa hẹn sự bình đẳng hiện thực của mọi người, nhưng đồng thời nó cũng khẳng định sự bình đẳng hoàn toàn về phẩm giá con người và tình yêu của Chúa” [43, tr.206]. Nhìn chung, học thuyết xã hội Công giáo hoàn toàn tuân thủ luận điểm của Kitô giáo truyền thống về sự bình đẳng của con người trước Chúa và về tính không thể bình đẳng trong xã hội. Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Người nào dám phủ định sự cần thiết của những khác biệt về địa vị của các giai cấp xã hội, thì kẻ đó đã đứng dậy chống lại trật tự của bản thân tự nhiên” [43, tr.207].

Như vậy, vấn đề quan hệ giữa các giai cấp xã hội của học thuyết xã hội Công giáo thể hiện rõ qua hai nội dung. Thứ nhất, tất cả các giai cấp đều bình đẳng trong việc lựa chọn và tuân thủ một hệ giá trị nào đó (ở đây là hệ giá trị Kitô giáo) và qua

đó nhận được sự phát triển về mặt tinh thần (tình yêu của Chúa). Thứ hai, về mặt danh vọng và của cải, các giai cấp bất bình đẳng với nhau do những khác biệt bẩm sinh về thể chất và trí tuệ. Từ đó, học thuyết xã hội Công giáo cho rằng đấu tranh giai cấp trong xã hội hiện đại là phản tự nhiên và cần phải bị loại trừ. Giáo hoàng Lêô XIII viết:

Sai lầm chủ yếu của chúng ta trong vấn đề này là ở chỗ giả định rằng một giai cấp này, xét về bản chất của mình, là thù địch với giai cấp khác, dường như tự nhiên đã làm cho người nghèo và người giàu chống lại nhau trong một cuộc chiến không khoan nhượng [43, tr.298].

Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi giai cấp công nhân và giai cấp tư sản hướng đến tình đoàn kết có tính người và tình bác ái Kitô giáo. Ông khẳng định: “Cạnh tranh vô hạn và đấu tranh giai cấp là phản tự nhiên và mâu thuẫn với quan niệm Kitô giáo về cuộc sống” [43, tr.206]. Lý giải cho điều đó, ông cho rằng:

Giống như trong cơ thể con người, các bộ phận khác nhau kết hợp với nhau một cách hài hòa, cấu thành một thể thống nhất hài hòa, cân xứng, thì trong xã hội, tự nhiên cũng sắp xếp như sao đó để các giai cấp kết hợp với nhau một cách hài hòa [43, tr.206].

Giáo hoàng Pi-ô XII còn đưa ra biến thể “kinh tế” trong việc minh biện cho sự hài hòa về mặt kinh tế. Hướng tới các doanh nhân Kitô giáo, ông nhắc nhở rằng “trong lĩnh vực kinh tế có những nhiệm vụ và lợi ích có liên quan như nhau đến người lãnh đạo, cũng như công nhân của xí nghiệp... Chủ xí nghiệp và công nhân không phải là những kẻ thù không đội trời chung. Họ là những bên hợp tác với nhau trong một công việc chung. Có thể nói, họ ăn uống cùng nhau bên một cái bàn vì, xét đến cùng, họ sống nhờ vào tổng doanh thu kinh tế của đất nước mình” [57, tr.200-201]. Quan điểm này thực chất chứng minh cho cái gọi là sự hài hòa xã hội. Nó phần nào phản ánh tính chất xã hội ngày một trở nên sâu sắc hơn của kinh tế xã hội hiện đại. Giáo hoàng Lêô XIII nêu lên: “Mỗi người đều hoàn toàn cần cho người khác: cả tư bản không thể tồn tại thiếu lao động, lẫn lao động cũng không thể tồn tại thiếu tư bản” [57, tr.208]. Có thể coi đó là luận điểm cơ bản của nhân học xã

Gioan Phaolô II cố gắng biện minh cho chế độ tư hữu nhờ lý giải địa vị của cá nhân. Theo ông, lao động trực tiếp thể hiện cá nhân, trong khi đó thì tư bản chỉ là “cái phúc thực chất mang tính công cụ”, chỉ là công cụ, phương tiện để đạt tới những mục đích tối cao. Cần phải làm cho công nhân thỏa mãn với địa vị của mình, vì cái đích, lẽ sống, mục đích sống cao cả, đích thực của con người là đáp ứng những nhu cầu tinh thần, đạt tới những giá trị tinh thần với tư cách những cái phản ánh bản tính người đích thực, chứ không phải những nhu cầu và những giá trị vật chất gắn liền với tính xác thịt là cái đồng nhất con người với con vật. Giáo hội cho rằng, quyền tư hữu về tư liệu sản xuất là quyền tự nhiên, căn cứ trên vai trò hàng đầu về mặt bản thể và về mặt mục đích của những cá nhân riêng biệt trong quan hệ với xã hội, quyền tư hữu là phương tiện để bảo vệ tự do cá nhân khỏi những hạn chế và lạm dụng từ phía xã hội.

Để đạt tới sự hài hòa xã hội, học thuyết xã hội Công giáo đã nêu lên hàng loạt biện pháp đạo đức và kinh tế xã hội. Đó là xác định nghĩa vụ đối với nhau của các giai cấp. Những người lao động có nghĩa vụ hoàn thành một cách tận tâm và tự giác công việc của mình mà họ đã có được thỏa thuận tự nguyện và công bằng, không được làm phương hại sở hữu và cá nhân doanh nhân, bảo vệ lợi ích của mình và không bao giờ tiến hành bạo động, liên kết với những người có hy vọng hão huyền và đưa ra những lời hứa hươu vượn, vì điều này rốt cuộc chỉ dẫn đến cảnh bần cùng phổ biến. Còn đối với những người giàu có, chủ doanh nghiệp thì không nên đối xử với công nhân như với nô lệ; cần phải tôn trọng những yêu sách chính đáng và phẩm giá cá nhân của họ; hoàn trả cho người lao động những gì thực sự thuộc về họ. Việc mỗi giai cấp thực hiện nghĩa vụ của mình vẫn chưa đủ để xác lập sự hài hòa xã hội. Theo học thuyết xã hội Kitô giáo, để làm được điều đó thì còn cần phải hợp nhất hai giai cấp này một cách gần gũi và hữu nghị nhất. Sau đó, họ tập trung vào việc xây dựng những biện pháp kinh tế cụ thể để đạt tới các mục đích ấy. Lên tiếng chống lại những kỳ vọng bất công của tư bản chỉ để lại cho công nhân phần sản phẩm đủ để phục hồi sức lực của nó, cũng như những kỳ vọng của lao động về lượng sản phẩm quá lớn, Piô XI đã hình thành luận điểm về sự hợp tác xã hội giữa giai cấp lao động và giai cấp tư sản: “Cấm một giai cấp này loại trừ giai cấp khác ra khỏi việc phân chia lợi nhuận” [57, tr.290].

Theo Piô XI, việc giải quyết vấn đề này chỉ có thể là quá trình “phi vô sản hóa” giai cấp vô sản, nhưng không phải theo con đường khước từ lao động (con người sinh ra để lao động, giống như con chim sinh ra để bay nhảy), mà theo con đường mang lại sở hữu cho giai cấp vô sản. Chính thực tế này sẽ biến thỏa thuận về làm thuê thành thỏa thuận về sự cùng tham gia. Luận điểm này, một mặt đã bỏ qua một thực tế là trong xã hội hiện đại, sở hữu vẫn tiếp tục còn bị sử dụng như là phương tiện để chủ sở hữu bóc lột, chiếm đoạt một phần lợi nhuận do công nhân tạo ra, mặt khác, nó phản ánh thực tế cổ phần hóa đang diễn ra, khi mà người lao động và chủ sở hữu cùng tham gia vào quá trình chiếm hữu lợi nhuận. Các nhà nghiên cứu Xô-viết trước đây đã vạch trần bản chất xã hội của các học thuyết xã hội Công giáo. Một nhà nghiên cứu phân tích: Quan điểm của Tòa thánh về quyền tư hữu thực ra đã có từ lâu đời. Chẳng hạn, để bảo vệ chế độ phong kiến, Thomas Aquinas ở thế kỷ XIII đã lập luận rằng, quyền tư hữu là thích hợp với “sự không hoàn thiện của bản chất con người”. Trong thư gửi hàng Giáo phẩm Mỹ tháng 11-1939, Pi-ô II viết rằng, đã và sẽ còn có kẻ giàu người nghèo vì nó là bản chất bất di bất dịch của loài người. Trong Rerum novarum (Thông điệp Tân sự), Lêô XIII cũng xác định sự phân chia giai cấp là lẽ tự nhiên, lao động cần đến tư bản còn tư bản cần đến lao động. Ý kiến ấy cũng biến tướng của luận đề thần học của J.Giatuát thế kỷ IV: Chúa không chia đều cho mọi người. Vì nếu Chúa cho ai cũng giầu có thì sẽ chẳng có ai để biểu lộ cái từ tâm của mình được. Sự nghèo khổ của người lao động cũng được giải thích như hệ quả của tội tổ tông mà Giáo hội vẫn cố bám lấy.

Chính Giáo hoàng Lêô XIII thừa nhận trong “Thông điệp Tân sự” rằng: Đã phạm tội rồi, ai cũng nhận thấy cần lao là án phạt, mà lại còn kèm theo bao sự đau khổ nữa. Kinh Thánh nói: “Vì con mà đất bị nguyền rủa. Từ nay trở đi, con sẽ phải làm ăn vất vả khó nhọc hằng ngày cho đến mãn đời thì mới kiếm được từ ở trong đất đủ cơm bánh nuôi thân”. Cũng vì vậy, đời sống con người bị bao tai ương tràn ngập giày xéo không ngừng mà lại không ai thoát được. Vì hậu quả bởi tội lỗi gây ra, nên chua cay đắng xót đè nặng trên con người đến hơi thở cuối cùng. Vậy đau khổ là “bạc phận” của nhân loại [18, tr. 49-50].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nhân học xã hội kito giáo và vai trò của nó trong đời sống đạo của người công giáo việt nam (Trang 103 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)