trƣờng ở nƣớc ta hiện nay
Có nhiều giải pháp xây dựng đạo đức môi trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, trong đó tác giả tập trung vào ba nhóm giải pháp chính: tăng cường vai trò của pháp luật trong xây dựng đạo đức môi trường, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức môi trường, xây dựng môi trường văn hóa, lối sống văn hóa. Trong đó giáo dục đạo đức môi trường có vai trò vô cùng quan trọng xây dựng lối sống văn hóa, góp phần xây dựng đạo đức môi trường thành công.
1.3.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay
Để xây dựng đạo đức môi trường cần thiết phải tăng cường vai trò của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tác giả Nguyễn Thị Nga (2018) với công trình Vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay [69], tác giả Phạm Thị Tính (2014) với bài Tiếp cận bảo vệ môi trường ở Việt Nam từ góc độ quyền được sống trong môi trường trong lành [94]; tác giả Kiều Đăng (2015) trong bài Nhanh chóng đưa Luật bảo vệ môi trường năm 2014 vào cuộc sống [26]; Tác giả Nguyễn Văn Tài (2016) trong bài Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường ở Việt Nam [83]; Các tác giả Hà Huy Thành, Lê Cao Đoàn (đồng chủ biên) (2011) trong bài Vấn đề môi trường trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam [88] đã khẳng định:
Một trong các mục tiêu chính của hoạt động bảo vệ môi trường là để hiện thực hóa quyền được sống trong môi trường trong lành. Chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện cho mọi người dân được hưởng môi trường trong lành, an toàn và khỏe mạnh một cách bình đẳng. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền được thông qua các chính sách, biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường” [94; tr. 38].
Để thực hiện được mục tiêu “quyền được sống trong môi trường trong lành” cần có sự cụ thể hóa của hệ thống pháp luật: bảo vệ quyền bằng biện pháp hành chính, bảo vệ quyền bằng biện pháp tư pháp, bảo vệ quyền bằng các chế tài hình sự...Đây là những nội dung có thể bổ sung vào nội dung xây dựng đạo đức môi trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay [94; tr 38 - 51].
Thực tế luật bảo vệ môi trường đã góp phần rất lớn trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 được xem là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước [26; tr. 11].
Bên cạnh hệ thống pháp luật đầy đủ và đồng bộ cần thiết phải “tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, việc hoàn thiện bộ máy quản lý, trong đó xác lập cơ quan kiểm tra, giám sát và xử phạt, cưỡng chế đối với những hoạt động gây thương tổn đến môi trường, đồng thời thiết lập hệ thống quản lý tài nguyên và môi trường rộng khắp và đồng bộ”, “để những công cụ pháp luật và cưỡng chế phát huy hiệu lực của mình, thì trong cơ cấu của bộ máy quản lý về môi trường cần có bộ phận kiểm tra, kiểm soát và tòa án môi trường” [88; tr. 440 - 442], “cần có luật pháp và chế tài xử phạt nghiêm các giao dịch quốc tế gây tác động xấu đến môi trường” [88; tr. 456].
Những biện pháp về pháp luật và quản lý trên đây hỗ trợ đắc lực cho xây dựng đạo đức môi trường. Để xây dựng đạo đức môi trường cần xử lý công khai, công bằng và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
1.3.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến giáo dục đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay
Để xây dựng đạo đức môi trường tất yếu phải thông qua giáo dục đạo đức môi trường, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và tất yếu cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị thông qua việc đề ra nội dung phương pháp cách thức giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng. Các công trình: Văn hóa sinh thái – nhân văn
(Giáo dục môi trường) [6] của tác giả Trần Lê Bảo (chủ biên, 2005); Giáo dục đạo đức sinh thái đối với cán bộ chủ chốt [9] của tác giả Lê Bỉnh (2005); tác giả Phạm Văn Boong (2001) với bài Xây dựng ý thức sinh thái – yếu tố bảo đảm cho sự phát triển lâu bền [10],các tác giả Lương Việt Hải và I. K. Lixiev (Đồng chủ biên, 2008) với công trình Hiện đại hóa xã hội và sinh thái [33]; Vũ Dũng (2011) với công trình
Đạo đức môi trường ở nước ta - lý luận và thực tiễn [19]; Phan Thị Hồng Duyên (2011) với công trình Vấn đề giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên Việt Nam hiện nay [21]; Nguyễn Văn Phúc (2013) với công trình Đạo đức môi trường [78];
Vũ Trọng Dung (2004) với bài Đạo đức sinh thái và việc giáo dục đạo đức sinh thái cho cán bộ chủ chốt cấp huyện các tỉnh phía Bắc nước ta hiện nay [ 39]; công trình
Môi trường sinh thái: vấn đề và giải pháp [95] của tác giả Phạm Thị Ngọc Trầm (1997) nhìn chung các tác giả đều đưa ra những giải pháp giáo dục đạo đức môi trường như sau:
Thứ nhất, mục đích của giáo dục đạo đức môi trường “nhằm hình thành nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và đạo đức môi trường” [19; tr. 467]. Cần giáo dục đạo đức môi trường trong các trường học từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học, qua đó xây dựng ý thức và hành vi đạo đức môi trường. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng internet. Bên cạnh đó các sinh hoạt cộng đồng, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ góp phần giáo dục đạo đức môi trường đi vào thực chất và hiệu quả.
Thứ hai, chủ thể giáo dục đạo đức môi trường
Để phát huy chất lượng hiệu quả công tác giáo dục đạo đức môi trường cần đào tạo và thường xuyên tập huấn cho đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt,
trong đó đạo đức môi trường. Trong xây dựng đạo đức môi trường Đoàn Thanh niên có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng đạo đức môi trường, định hướng việc nhận thức và hành động cho thế hệ trẻ theo những chuẩn mực đạo đức môi trường [xem 78]. Đồng thời, đối với cán bộ chủ chốt mỗi cá nhân cần “tích cực hoạt động tự học, tự rèn luyện” [9; tr. 34].
Thứ ba, để giáo dục đạo đức môi trường có hiệu quả cần thông qua giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó tạo hành lang pháp lý định hướng hành vi công dân trong bảo vệ môi trường.
Thứ tư, tăng cường tính liên kết giữa các trường trong giáo dục đạo đức môi trường; Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đạo đức môi trường, tăng cường kết hơp giáo dục đạo đức môi trường giữa gia đình - nhà trường - xã hội [ xem 78].
Thứ năm, về nội dung và kết cấu của giáo dục đạo đức môi trường.
Một số tác giả tập trung đề xuất các giải pháp: giáo dục ý thức đạo đức môi trường, giáo dục chuẩn mực đạo đức môi trường, giáo dục quan hệ đạo đức môi trường và giáo dục hành vi đạo đức môi trường, trong đó giáo dục hành vi là quan trọng nhất và có ý nghĩa thực tiễn [ xem 21], đồng thời phải kết hợp cả ba quá trình: giáo dục, tự giáo dục, và giáo dục lại. Tăng cường sử dụng cơ chế lợi ích để điều chỉnh hành vi đạo đức môi trường [19; tr. 470]. Giáo dục đạo đức môi trường thông qua các môn học, trong đó hệ thống tri thức từ khoa học địa lý có quan hệ mật thiết với các tri thức về khoa học môi trường cũng như có tầm quan trọng trong giáo dục đạo đức môi trường [34; tr. 200].
Thứ sáu, phương pháp và hình thức giáo dục
Đối với học sinh, giáo dục đạo đức môi trường trong và ngoài nhà trường thông qua các hình thức; tham quan, khảo sát thực địa, thực nghiệm, kiểm chứng, sáng tác theo chủ để (thơ, chuyện, tranh, bài hát); hoạt động dạy học theo dự án; hoạt động lao động bảo vệ môi trường (thu gom rác thải, trồng cây, xây dựng vườn sinh thái, vệ sinh sân trường, ngoài trường...); giáo dục ý thức sinh thái thông qua các câu lạc bộ, hội thi (thi vẽ, thi hát, múa, báo tường); hoạt động tham gia giải quyết các vấn đề môi trường tại cộng đồng sinh sống (trồng cây gây rừng, làm sạch
biển, làm sạch khu phố nơi sinh sống...) [52; tr. 249 - 265]. Kết hợp phương pháp làm gương, cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức môi trường. Quá trình giáo dục chỉ mang lại hiệu quả khi kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính quy với các hình thức giáo dục không chính quy và phát huy có hiệu quả vai trò các phương tiện thông tin đại chúng [9; tr. 33]. Kết hợp giáo dục đạo đức môi trường với giáo dục lối sống xanh cho học sinh và sinh viên.