hiện nay
3.3.1. Luật pháp chưa phát huy hết vai trò trong xây dựng đạo đức môi trường Thứ nhất, Nhà nước phải xây dựng được hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đồng bộ và toàn diện với thực tế các tổ chức cá nhân chưa tuân thủ nghiêm túc và tự giác pháp luật về bảo vệ môi trường, điều này phản ánh vi phạm chuẩn mực đạo đức môi trường của không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, trong bảo vệ môi trường. Chỉ trong vòng chưa đến 10 năm đã 3 lần thay đổi nghị đinh xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền pháp luật và chấp hành pháp luật gặp nhiều khó khăn, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục diễn ra, môi trường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Thực tế, hiểu biết về pháp luật bảo vệ môi trường trong cộng đồng còn hạn chế, còn có những tổ chức, cá nhân cố tìm “kẽ hở” của pháp luật để “lách”. Có thể khẳng định ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao, chưa biến những quy định của pháp luật thành những chiến lược hành động có tính tự giác và tự nguyện. Trong khi hệ thống pháp luật đang từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thì các đối tượng vẫn sẽ khai thác triệt để những kẽ hở này để vi phạm. Vì lợi nhuận các doanh nghiệp thiếu đạo đức vẫn sẽ móc nối với các nhân viên nhà nước biến chất, hám lợi, cấu kết với các tổ chức tội phạm nước ngoài để nhập khẩu rác, phế thải, thiết bị máy móc cũ vào Việt Nam… Các doanh nghiệp
nước ngoài do áp lực về môi trường ở nước họ, sẵn sàng đầu tư các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam nhằm trốn phí môi trường, thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Vấn đề đặt ra là, trong những năm tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến mới, phức tạp, cần tăng cường hơn nữa vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường, cần có sự phối kết hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm, chi cục quản lý thị trường... cùng với có những chế tài xử phạt đủ sức răn đe thì mới hạn chế được tình trạng phá hoại tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Đồng thời về lâu dài định hướng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh định hình và hoạt động theo chuẩn mực đạo đức môi trường, coi việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức môi trường là một nét văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, sự bất cập của công tác giám sát thanh tra và quản lý thực thi pháp luật với sự coi thường pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân.
Thực tế ở nhiều địa phương các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, còn tình trạng buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” còn phổ biến. Dẫn đến các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn có tư tưởng “lách luật”, không tuân thủ một cách nghiêm túc, tự giác và tự nguyện Luật Bảo vệ môi trường. Trước thực tế đó cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra và kiểm tra mới mang lại hiệu quả công tác xây dựng đạo đức môi trường trong xã hội.
Để tăng cường hiệu quả công tác công tác bảo vệ môi trường cần tăng cường quyền hạn pháp lí của lực lượng Cảnh sát môi trường, thông qua đó góp phần giúp lực lượng này nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đi vào thực chất và hiệu quả.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa các chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa đủ sức răn đe với xu hướng gia tăng các hình thức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lí hình sự; còn các biện pháp xử lí khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉnh hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp trây ỳ nên cũng không có hiệu quả. Mức phạt tiền được quy định trong phần lớn các điều luật của Chương Tội phạm môi trường là từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, riêng hình phạt đối với tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam thì phạt từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng (điều 185). Với mức phạt này là quá nhẹ so với thực trạng vi phạm và hậu quả để lại do các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ra đối với môi trường. Khoảng cách giữa mức phạt tiền trong trách nhiệm hành chính tối thiểu là 100 nghìn đồng và tối đa là 500 triệu đồng với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là quá xa, điều này tạo khe hở để cán bộ các cơ quan nhà nước có thể bắt tay với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để trốn tránh tiền xử phạt hoặc hạ thấp tiền xử phạt. Thậm chí có trường hợp vì mức phạt thấp từ 100 000 đồng dẫn đến người vi phạm vẫn nộp tiền nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Thực tế với mức phạt như hiện nay là quá nhẹ, trong khi các khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải tốn kém hơn rất nhiều (hàng chục tỷ đồng) cộng với phí vận hành duy trì hoạt động hệ thống xử lý chất thải. Với mức phạt cao nhất 500 triệu đồng thì có lẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ chọn xử phạt hơn là đầu tư dây truyền công nghệ xử lý chất thải hiện đại, do đó các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vẫn tiếp tục xả thải trực tiếp ra môi trường. Đây là những bất cập cần có sự điều chỉnh kịp thời mới có thể bảo vệ môi trường hiệu quả.
Việc xác định đối tượng tác động, trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều cá nhân tác động đến môi trường, việc xác định lỗi của các chủ thể có cùng hành vi vi phạm là rất khó. Chẳng hạn, đối với làng nghề, ô nhiễm môi trường do
nhiều hộ sản xuất gây nên, do vậy không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một hộ cá thể nào.
Thực tế, nhiều trường hợp khi xảy ra ô nhiễm môi trường các bộ ngành và địa phương chưa xác định được thẩm quyền, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, bên cạnh đó tính liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tài nguyên và giải quyết các vấn đề môi trường còn chưa hiệu quả và thông suốt.
Quan điểm về tội phạm môi trường chưa rõ ràng, chưa phân biệt được giữa hành vi tội phạm với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn việc áp dụng các điều luật về môi trường, ví dụ như dấu hiệu “hậu qủa nghiêm trọng”, “hậu qủa rất nghiêm trọng”, “hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng”, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Việc xác định trách nhiệm hình sự của các cá nhân đứng đầu pháp nhân vi phạm vẫn chưa được pháp luật xem xét. Tình trạng bỏ trống quy định chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân theo quy chế nào. Cụ thể, trong vụ Vêdan sau khi công ty này chi trả tiền bồi thường cho ủy ban nhân dân nơi ô nhiễm nhưng sau đó việc chi trả cho các hộ dân không công bằng dẫn đến khiếu kiện. Chưa có các quy định cụ thể để tính thiệt hại trước mắt và tính thiệt hại lâu dài. Trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như người đứng đầu cấp quản lý nhà nước, trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ra sao? Có thể thấy các cá nhân trên không phải chịu trách nhiệm gì về hình sự, chính địa phương vì lợi ích cá nhân, lợi ích địa phương đã bỏ qua nhiều khâu trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là những tồn tại cần có cách giải quyết hợp lý.