Những kết quả nghiên cứu đã đạt đƣợc và vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 36)

tiếp tục giải quyết

Với các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước, hầu hết các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc đề cập đến đạo đức môi trường, đạo đức sinh thái, văn hóa sinh thái, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa tự nhiên - con người - xã hội, chưa có công trình, luận án nào đề cập một cách hệ thống đến xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Những vấn đề về đạo đức môi trường, xây dựng đạo đức môi trường đã được các nhà nghiên cứu tiếp cận và giải quyết dưới nhiều góc độ khác nhau:

Về khái niệm đạo đức môi trường, nhiều tác giả trong và ngoài nước đã đưa ra những quan niệm khác nhau về đạo đức môi trường (sinh thái) song đều thống nhất ở các nội dung đạo đức môi trường bao gồm hai thành tố: ý thức đạo đức môi trường và hành vi đạo đức môi trường. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm ý thức đạo đức môi trường chưa thống nhất và cụ thể. Có một số tác giả đưa ra chuẩn mực đạo đức môi trường; tri thức đạo đức môi trường; còn tình cảm đạo đức môi trường gần như ít được đề cập; Có tác giả đề cập đến quan hệ đạo đức môi trường tuy nhiên, phần đa tác giả không trình bày cụ thể nội dung này mà được lồng ghép vào trong ý thức và hành vi đạo đức môi trường.

Về xây dựng đạo đức môi trường, nhìn chung chưa có công trình nghiên cứu nào chuyên sâu và có hệ thống về xây dựng đạo đức môi trường mà mới dừng ở sự đặt vấn đề cần thiết phải xây dựng đạo đức môi trường và một số nội dung cụ thể. Về mặt khái quát, các tác giả đề cập đến xây dựng đạo đức môi trường ở hai khía cạnh đó là xây dựng ý thức đạo đức môi trường và xây dựng hành vi đạo đức môi trường, có tác giả đưa ra xây dựng chuẩn mực hành vi đạo đức môi trường, tuy

nhiên chưa phân tích cụ thể. Các tác giả đã đưa ra được chủ thể và đối tượng xây dựng đạo đức môi trường, tầm quan trọng của xây dựng đạo đức môi trường; về nội dung xây dựng đạo đức môi trường và phương thức xây dựng đạo đức môi trường còn chưa được xác định đầy đủ.

Về thực trạng xây dựng đạo đức môi trường. Nhìn chung chưa có công trình nào nghiên cứu trực tiếp về vấn đề này, chủ yếu các tác giả thông qua các tài liệu có liên quan như đạo đức môi trường (sinh thái), văn hóa sinh thái, bảo vệ môi trường, lối sống, pháp luật, giáo dục, văn hóa,... làm tài liệu cho phần thực trạng xây dựng đạo đức môi trường. Trong đó nổi lên ba vấn đề lớn: Thứ nhất, những hạn chế của pháp luật về bảo vệ môi trường, như: các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung, đổi mới, tính ổn định không cao, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức chưa có tính tự giác, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hiệu quả...; Thứ hai, những hạn chế về giáo dục đạo đức môi trường biểu hiện ở việc công tác giáo dục đạo đức môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nội dung và phương pháp giáo dục còn nhiều bất cập, hiệu quả công tác giáo dục chưa cao do đó chưa tác động lớn đến nhận thức và hành vi ứng xử có đạo đức với môi trường của người học; Thứ ba,

những bất cập trong lối sống văn hóa hiện nay như: xã hội hiện đại đề cao lối sống tiêu thụ và các giá trị vật chất đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, bên cạnh đó lối sản xuất và lối sống tiểu nông cùng những tập tục truyền thống tác động lớn đến tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên và gây nên tình trạng gia tăng phát thải gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong đó có nguyên nhân từ những bất cập của việc ban hành và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, bất cập trong giáo dục đạo đức môi trường và những hạn chế trong lối sống. Do đó, để xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay tất yếu phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản.

Về giải pháp xây dựng đạo đức môi trường. Trên cơ sở thực trạng xây dựng đạo đức môi trường ở nước ta, nhìn chung các tác giả đã nêu giải pháp chủ yếu để

xây dựng đạo đức môi trường đó chính là giáo dục đạo đức môi trường, bên cạnh đó các tác giả cũng đề cập đến những biện pháp xây dựng đạo đức môi trường như: các biện pháp kinh tế, lợi ích, quản lý tài nguyên và môi trường, tuyên truyền, pháp luật và phong tục tập quán... Để xây dựng đạo đức môi trường nhìn chung các giải pháp mà các tác giả đưa ra đều có những hạt nhân hợp lý, tuy nhiên biện pháp giáo dục đạo đức môi trường là biện pháp hàng đầu cùng với đó cần tăng cường vai trò của pháp luật; xây dựng lối sống văn hóa gắn với xây dựng môi trường văn hóa để xây dựng đạo đức môi trường thành công. Trong giáo dục đạo đức môi trường, các tác giả xác định giáo dục đạo đức môi trường với các đối tượng cụ thể có những nội dung và hình thức khác nhau: đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ chủ chốt cấp huyện ở các tỉnh miền núi phía Bắc; đối với học sinh trung học cơ sở; đối với sinh viên ở các trường Đại học, cao đẳng ở một số địa phương...

Căn cứ vào mục đích đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các công trình nói trên ít nhiều liên quan đến đề tài luận án. Tuy nhiên, xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay là vấn đề còn mới mẻ, việc phân tích và làm sáng tỏ vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, nghiên cứu sinh sẽ kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, qua đó lý giải làm rõ thêm một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, làm rõ hơn nữa một số vấn đề lý luận chung và chủ yếu nhất về xây dựng đạo đức môi trường, bao gồm tầm quan trọng, nội dung, chủ thể và phương thức xây dựng đạo đức môi trường.

Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra đối với vấn đề xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.

Chƣơng 2. ĐẠO ĐỨC MÔI TRƢỜNG, XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC MÔI TRƢỜNG: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)