Khái quát diễn biến của phong trào Chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ đầu thế

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng nhập thế của thiền phật giáo qua phong trào chấn hưng phật giáo việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 88 - 92)

3.1.1 .Những tiền đề cơ bản cho sự xuất hiện phong trào Chấn hưng Phật giáo

3.1.2. Khái quát diễn biến của phong trào Chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ đầu thế

đầu thế kỷ XX

Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam trình bày về diễn biến cũng như thành tựu của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đương thời. Luận án chỉ khái quát diễn biến của phong trào Chấn hưng Phật giáo ba miền, trong đó tập trung chủ yếu ở Bắc Kỳ.

Khởi đầu phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam vào năm 1920 gắn với tên tuổi của các nhà sư tiên phong như Khánh Hòa (1878 - 1947), Thiện Chiếu (1898 - 1974),... Từ miền Nam, Phong trào Chấn hưng Phật giáo lan ra miền Trung và miền Bắc với các nhà sư như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Giác Tiên, Thượng tọa Thái Hòa, Thượng tọa Trí Hải… các cư sỹ như Thiều Chửu, Lê Toại, Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Giáp, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật,... Phong trào Chấn hưng Phật giáo kéo dài đến giữa những năm 1950 đã có tác động mạnh đến xã hội.

Trước hết, Phật giáo đi vào hoạt động có tổ chức khác với sự rời rạc lỏng lẻo trước đó. Một loạt tổ chức Phật giáo ra đời trong thời kỳ này ở ba miền, trong đó có một số tổ chức quan trọng của tăng ni và cư sỹ. Cụ thể như sau:

Ở miền Nam có hai tổ chức đó là: Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa lập năm 1930 (năm 1951, Cư sỹ Mai Thọ Truyền lập lại (Hội

Phật học Nam Việt) và Hội Tăng già Nam Việt thành lập tháng 6 năm 1951.

Ở miền Trung có hai tổ chức, đó là: An Nam Phật Học hội do Cư sỹ Lê Đình Thám lập năm 1932 và Hội Tăng già Trung Việt thành lập năm 1949.

Ở miền Bắc vào năm 1932 Thượng tọa Thích Trí Hải trụ trì chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên Phật giáo lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ. Ông đã lên Hà Nội để vận động thành lập Hội Phật giáo

mới nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo xứ Bắc. Ông và các sư Thái Hòa, Vũ Đình Ứng, cùng các cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha thành lập Phật học

tùng thư. Để tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc góp phần tuyên dương Phật

pháp, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha lập nhà bán sách lấy hiệu là Hòa Ký ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội)... Đó là những hoạt động khởi đầu, đồng thời là tiền đề cho phong trào Chấn hưng Phật pháp ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Khi phong trào ấy đã chín muồi, các vị Nguyễn Năng Quốc, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp... là những tri thức tiên tiến, được chư vị tăng giới như các ngài Trí Hải, Thái Hòa, Hải Châu... mời đứng ra thành lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo vào tháng 11 năm 1934 (Giáp Tuất), suy tôn Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Thiền gia pháp chủ (1936). Hội đã thành lập các ban sau đây để điều hành công việc của Hội:

1. Ban Chứng minh Đạo sư I: Ban này thay mặt Thiền gia pháp chủ để

chứng minh các buổi lễ.

2. Ban Chứng minh Đạo sư II: Ban này lo việc diễn giảng, giảng kinh, kiểm duyệt kinh điển sách báo Phật giáo.

3. Ban Cố vấn thực thụ.

4. Ban Giáo sư dạy Tăng Ni tại trường Phật học của hội.

5. Ban Giám Viện và Tri Tạng

6. Ban Duy Na

7. Ban Thư ký phiên dịch các bài giảng của chư tăng từ chữ Nôm ra chữ

Quốc ngữ

8. Ban Đương gia, lo về việc chi tiêu

9. Ban Ứng Cúng Trợ Niệm

10. Ban Hộ Giảng sách Kinh cho Thiện Tín” [83, tr.165].

Sau đó, năm Ất Hợi (1935) hoạt động nổi bật nhất của Hội Phật giáo Bắc Kỳ là cho ra đời tạp chí Đuốc Tuệ mà Thiều Chửu là cây bút chủ chốt, bền bỉ nhất, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đuốc Tuệ với tư cách là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đi vào chủ đề chính là cổ súy cho phong trào Chấn hưng Phật giáo.

Sau khi các tổ chức Phật giáo được thành lập, các kinh sách được sưu tầm, biên dịch ấn tống rộng rãi; các tạp chí Phật học ra đời làm phương tiện chấn chỉnh về phương diện giáo lý, giáo luật và sự tu hành,... Năm 1931, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học xuất bản tờ Từ Bi Âm; năm 1932, An Nam Phật học Hội xuất bản

tờ Viên âm, năm 1935 Hội Phật học Bắc Kỳ xuất bản tờ Đuốc Tuệ; năm 1931 Hội Thiền giáo tông xuất bản tờ Bát Nhã âm; Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản tờ Duy

Tâm Phật học,... Nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về Phật học, về lịch sử Phật giáo,

về tình hình Phật giáo đương đại, cùng những vấn đề đặt ra được đăng tải trên các tạp chí đã thu hút sự quan tâm của giới Phật tử và dư luận xã hội, tạo ra không khí sôi nổi của phong trào Chấn hưng Phật giáo. Sư Thiện Chiếu là người cổ vũ mạnh mẽ việc đổi mới Phật giáo. Ông viết nhiều bài luận đăng trên các tạp chí, viết nhiều sách để phổ biến quan điểm đổi mới Phật giáo của mình. Ngoài việc làm chủ biên nội san Phật hóa Tân thanh niên, sư Thiện Chiếu còn biên soạn lại Phật học Tùng

thư và cho xuất bản các sách: Phật học vấn đáp, Cái thang Phật học, Phật giáo vô thần luận, Phật học tổng yếu, Chân lý Tiểu thừa và chân lý Đại thừa, Kinh Pháp cú, Kinh Lăng nghiêm,…

Một sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời là kết quả của phong trào Chấn hưng Phật giáo, đó là vào năm 1951, tại Huế các tổ chức Phật giáo nói trên đã họp lại để lập ra Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là cuộc vận động thống nhất đầu tiên của Phật giáo ở Việt Nam về mặt tổ chức. Người đứng đầu Tổng hội Phật giáo Việt Nam là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết với chức Hội trưởng, Thượng tọa Thích Trí Hải là Phó Hội trưởng. Văn phòng Tổng hội đặt tại chùa Từ Đàm, Huế. Thành lập từ năm 1951 nhưng đến năm 1953, chính quyền đương thời mới chính thức công nhận và cho phép Tổng hội Phật giáo Việt Nam hoạt động. Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời về mặt tổ chức nhưng chưa có thực quyền đối với các tổ chức thành viên, cho nên trên thực tế các hoạt động vẫn duy trì theo các sơn môn. Do đó, tháng 9 năm 1952, đại biểu tăng già ở ba miền tổ chức Đại hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và thành lập Giáo hội Tăng già Toàn quốc nhằm hỗ trợ cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam thiết lập cơ chế lãnh đạo

giáo thế giới, trước hết là tổ chức Thân hữu Phật tử Thế giới (World Friendship of Buddhist - WFB) mà Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập. Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hòa thượng Thích Huệ Tạng được suy tôn làm Thượng chủ, Thượng tọa Thích Trí Hải làm Trị sự trưởng, Thượng tọa Thích Tố Liên làm Tổng Thư ký. Ngoài ra, cơ quan của Giáo hội còn có Ban Nghi lễ, Ban Giám luật, Ban Giáo thụ, Ban Hoằng pháp, Ban Hộ tịch.

Cùng với sự củng cố, trưởng thành về tổ chức, phong trào Chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được một số cơ sở đào tạo gọi là Phật học đường để đào tạo bồi dưỡng tăng ni một cách quy củ ở cả ba miền. Ở miền Nam có Trường Tăng sỹ tại Chợ Lớn, các lớp Phật học ở các chùa Tuyên Linh (Bến Tre), chùa Phi Lai (Châu Đốc), chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), chùa Long Hòa (Trà Vinh), chùa Thiên Phước (Vĩnh Long), Phật học đường Lưỡng Xuyên Trà Vinh). Ở miền Trung có Sơ đẳng Tăng Trường, Trường Trung đẳng Phật học (Bình Định), Phật học Đường Trúc Lâm Yên Tử và Tây Thiên, Phật học đường Báo Quốc và Kim Sơn (Huế). Ở miền Bắc có hai lớp tiểu học cho tăng và ni ở Phúc Yên và Hải Dương, Trường Trung học Phật học tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Trường Đại học Phật học (theo cách gọi thời bấy giờ) tại chùa Sở (Hà Đông), v.v. Các cơ sở đào tạo của Phật giáo không chỉ đào tạo ra đội ngũ tăng ni trí thức của Phật giáo hỗ trợ cho phong trào Chấn hưng; mà còn tạo ta một nề nếp mới trong việc đào tạo tăng tài của Phật giáo ở những giai đoạn về sau.

Đối với các tăng ni, Phật tử, học tập là để có kiến thức về Phật pháp, lấy đó làm phương tiện nhập thế. Nhập thế là để xóa bỏ những hạn chế bất cập, cứu vãn Phật giáo, đưa Phật giáo đi lên hưng thịnh. Bởi vì bản thân Phật giáo muốn phát triển, khẳng định được vai trò, vị thế của mình với tư cách một tôn giáo đã từng đóng vai trò tôn giáo chủ đạo trong hệ thống tam giáo đương thời trong lịch sử Việt Nam và trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ và thêm nữa, nếu không muốn bị ngoại đạo khống chế và đồng hóa, thì chấn hưng là tất yếu lịch sử. Người Phật tử chân chính đến với đạo Phật bằng trí tuệ và tu thiền theo đạo Phật cũng để hoàn thiện bản thân cũng bằng trí tuệ để thấy được cái thật nơi con người và sống bằng cái chân thật đó. Trước hoàn cảnh xã hội đương thời, thiền Phật giáo phải tùy

duyên ứng biến, cho nên các Tăng ni, Phật tử đã thấy được tầm quan trọng của chấn hưng Phật giáo và cần phải chấn hưng những gì.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giới Phật tử và ngoài xã hội. Nó đã đưa Phật giáo trở lại đúng với vai trò, vị trí của Phật giáo trong xã hội Việt Nam truyền thống. Đó là bước chuẩn bị để Phật giáo Việt Nam với vai trò “Hộ quốc an dân”, tiếp bước cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Chấn hưng Phật giáo tạo ra nguồn mạch để sau này, khi đất nước thống nhất, non sông quy về một mối có thể đi đến quyết định thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 như là ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Với ý nghĩa đó, phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam được ví như một cuộc cách mạng về Phật giáo.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng nhập thế của thiền phật giáo qua phong trào chấn hưng phật giáo việt nam đầu thế kỷ XX (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)