Thảo luận kết quả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh bến tre (Trang 77 - 80)

4.3.1 .Kết quả mô hình hồi quy

4.4. Thảo luận kết quả

Từ kết quả mô hình hồi quy và các kiểm định sau hồi quy thì các nhân tố tác động đến khả năng tiếp cận vốn (Y) gồm tuổi của doanh nghiệp (X1), kinh nghiệm của người điều hành doanh nghiệp (X2), lợi nhuận sau thuế (X4), giá trị tài sản đảm bảo (X7) và giá trị vay (X8). Trong đó, (X1), (X2), (X4) và (X7) tác động cùng chiều đến (Y) và (X8) tác động ngược chiều đến (Y).

Đầu tiên, kết quả mô hình cho thấy biến tuổi của doanh nghiệp (X1) có tác động cùng chiều với khả năng tiếp cận vốn. Kết quả này giống với kỳ vọng ban đầu. Theo lý thuyết, tuổi của doanh nghiệp thể hiện được kinh nghiệm hoạt động, khả năng quản lý, quy mô và uy tín của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp càng lâu năm sẽ càng tăng khả năng tiếp cận được vốn tín dụng. Kiểm tra thực tế từ kết quả hồi quy ta thấy thực tế phù hợp với lý thuyết.

Thứ hai, biến kinh nghiệm của người điều hành doanh nghiệp (X2) có tác động cùng chiều với khả năng tiếp cận vốn. Kết quả này giống với kỳ vọng ban đầu. Kinh nghiệm của người điều hành doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp, hạn chế những rủi ro và giúp tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, người điều hành doanh nghiệp càng có nhiều kinh nghiệm thì sẽ nắm được đầy đủ các quy định, nguyên tắc cho vay của NHTM để chủ động đáp ứng, và xây dựng được mối quan hệ gắn bó với các NHTM trên địa bàn. Qua đó, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Thứ ba, biến vốn điều lệ của doanh nghiệp (X3) không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này khác với kỳ vọng ban đầu. Vốn điều lệ doanh nghiệp thể hiện tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên tại Việt Nam, vốn điều lệ được các doanh nghiệp đăng kí không thể hiện đúng năng lực tài chính và giá trị của doanh nghiệp nên đây không phải là chỉ số để đưa ra quyết định cấp tín dụng.

Thứ tư, biến lợi nhuận sau thuế (X4) có tác động cùng chiều đối với khả năng tiếp cận vốn. Kết quả này giống với kỳ vọng ban đầu. Lợi nhuận sau thuế là chỉ số để tính toán hiệu quả hoạt động và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Vì thế, khi lợi nhuận càng cao thì hiệu quả hoạt động càng cao và khả năng trả nợ của doanh nghiệp càng được đảm bảo nên tăng khả năng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Thứ năm, biến nợ ngắn hạn (X5) không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này khác với kỳ vọng ban đầu. Nợ ngắn hạn thể hiện cán cân nợ của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Đây là một chỉ tiêu tài chính quan trọng để đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn tùy thuộc vào đặc điểm của từng ngành kinh doanh và cán cân nợ cao còn thể hiện các doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn của nhà cung cấp để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thứ sáu, biến tốc độ tăng trưởng doanh thu (X6) không có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Kết quả này khác với kỳ vọng ban đầu. Tốc độ tăng trưởng doanh thu thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp năm nay so với năm trước có tăng trưởng hay không. Chỉ số này cho thấy doanh nghiệp đang tăng trưởng hay giảm sút. Đây là chỉ số tài chính quan trọng để đánh giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam khi mà các DNNVV hầu như không được kiểm toán độc lập và tâm lý giảm thiểu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng nên doanh thu của các doanh nghiệp không thể hiện thực tế doanh số bán của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường hạn chế xuất hóa đơn giá trị gia tăng khi không cần thiết và giảm thiểu doanh thu. Thay vì xem xét doanh thu các ngân hàng thường quan tâm đến chỉ tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn. Vì vậy, biến X6 không có ý nghĩa thống kê là phù hợp với thực trạng hiện tại.

Thứ bảy, biến giá trị tài sản đảm bảo (X7) có tác động cùng chiều đối với khả năng tiếp cận vốn. Kết quả này giống với kỳ vọng ban đầu. Tài sản đảm bảo là yếu tố không thể thiếu để ra quyết định cấp tín dụng vì tài sản đảm bảo là công cụ ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện đúng nghĩa vụ trả

nợ cho ngân hàng. Cũng như là cơ sở để ngân hàng thu hồi vốn vay trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Như vậy, giá trị tài sản đảm bảo cảng lớn thì khoản vay của doanh nghiệp càng đươc đảm bảo nên nó tác động cùng chiều với quyết định cấp tín dụng.

Thứ tám, biến giá trị vay (X8) có tác động ngược chiều đối với khả năng tiếp cận vốn. Kết quả này giống với kỳ vọng ban đầu. Giá trị vay là số vốn mà doanh nghiệp cần vay. Giá trị vay càng lớn thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện về khả năng trả nợ, tài sản thế chấp đủ để đảm bảo khoản vay thì mới tiếp cận được vốn vay. Vì thế, giá trị vay có tác động ngược chiều với quyết định cho vay.

Các kết quả trên thể hiện đúng thực tế hiện nay về tình hình tín dụng đối với DNNV tại Bến Tre. Khi mà tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay cùng với việc thông tin tài chính kém chính xác thì các nhân tố tài chính cần được sàng lọc, các nhân tố phi tài chính là căn cứ để đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Kết luận chương 4

Chương này tác giả thực hiện các nội dung sau:

- Khái quát thực trạng tiếp cận vốn TDNH của DNNVV tại Bến Tre.

- Tiến hành chạy mô hình định lượng Logit bằng phần mềm Eviews. Từ đó, đưa ra kết luận mô hình nghiên cứu và thực hiện các kiểm định tính phù hợp, thảo luận kết quả của mô hình nghiên cứu.

- Kết luận chung từ mô hình nghiên cứu làm cơ sở để đưa ra các giải pháp, khuyến nghị phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn TDNH của DNNVV trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh bến tre (Trang 77 - 80)