3.2.1 .Mô hình nghiên cứu
3.4. Dữ liệu nghiên cứu
Qua đánh giá thực trạng cho vay đối với DNNVV trên địa bàn tỉnh, tác giả nhận thấy có 05 chi nhánh ngân hàng là đơn vị cho vay chủ yếu với dư nợ chiếm trên 90% dư nợ cho vay DNNVV của các ngân hàng tại tỉnh gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Ngân hàng TMCP Công Thương Chi nhánh Bến Tre, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bến Tre, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Chi nhánh Bến Tre và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Chi nhánh Bến Tre. Do đó, dữ liệu nghiên cứu của đề tài được tác giả đi thu thập thông tin thực tế từ các hồ sơ đề nghị vay vốn của DNNVV tại 05 chi nhánh ngân hàng kể trên. Mẫu nghiên cứu được chọn ngẫu nhiên từ hồ sơ đề nghị vay vốn của DNNVV tại các chi nhánh NHTM trong thời gian từ năm 2013 đến 12/2018.
Về kích cỡ mẫu trong phân tích hồi quy, kích thước mẫu phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: Mức ý nghĩa, độ mạnh của phép kiểm định và số lượng biến độc lập. Có nhiều kỹ thuật để chọn kích thước mẫu đại diện cho tổng thể. Một trong số đó là kỹ thuật xác định cỡ mẫu dựa trên kinh nghiệm của Green (1991) trích bởi Lưu Tiến Dũng (2013). Tác giả khuyến nghị công thức xác định cỡ mẫu nghiên cứu như sau: n > 50 + 8m. Trong đó, n là kích thước mẫu tối thiểu cần thiết và m là số lượng biến độc lập trong mô hình. Giả sử vẫn áp dụng kinh nghiệm chọn mẫu của Green (1991), với số biến độc lập là 8, vậy kích thước mẫu nghiên cứu tối thiểu bằng 115 quan sát.
Ngoài ra, Tabachnick và Fidell (2007) trích bởi Lưu Tiến Dũng (2013), còn cho rằng kích thước mẫu nghiên cứu cần đủ lớn để kết quả hồi quy được thuyết phục hơn. Các tác giả cũng đề xuất một công thức khác để xác định cỡ mẫu dựa trên kinh nghiệm như sau: n > 104 + m. Trong đó, n là kích thước mẫu tối thiểu cần
thiết và m là số lượng biến độc lập trong mô hình. Áp dụng theo công thức của Tabachnick và Fidell (2007), với số biến độc lập là 8, vậy kích thước mẫu nghiên cứu tối thiểu trong nghiên cứu này phải bằng 113 quan sát để đảm bảo kích thước mẫu tương đối lớn và đại diện tốt cho tổng thể.
Phương pháp chọn mẫu xác suất ngẫu nhiên đơn giản được sử dụng để giảm bớt thời gian thu thập số liệu trong nghiên cứu. Theo Trần Tiến Khai (2014), đây là phương pháp chọn mẫu không hạn chế, phương pháp chọn mẫu xác suất ngẫu nhiên đơn giản là hình thức đơn giản nhất, thuần nhất của cách chọn mẫu xác suất.
Đối với nghiên cứu, chọn 120 mẫu dữ liệu (thứ cấp) DNNVV vay vốn thỏa mãn phạm vi nghiên cứu. Như vậy với những yêu cầu đặt ra đối với cỡ mẫu thì số quan sát là 120 đã đủ lớn và thỏa yêu cầu để tiến hành nghiên cứu; trong đó: 57 hồ sơ được cấp tín dụng và 63 hồ sơ từ chối cấp tín dụng.