Hạng ruộng Diện tích (m.s.th.t.p) Tỷ lệ (%)
Hạng 1 157.3.13.5.0 0,62
Hạng 2 162.7.14.7.0 0,65
Hạng 3 24867.3.6.1.0 98,73
Tổng 25187.5.4.3.0 100
[Tác giả tổng hợp từ 40 địa bạ huyện Nam Đàn]
Từ bảng thống kê trên cho thấy: trong tổng số 25187.5.4.3.0 diện tích tư điền của huyện Nam Đàn, ruộng hạng 1 chiếm 0,62% và ruộng hạng 2 chiếm 0,65%. Trong khi đó, ruộng hạng 3 lại chiếm tỷ lệ rất lớn, lên tới 98,73%. Tỷ lệ ruộng hạng 3 lớn chứng tỏ, chất lượng đất đai của huyện Nam Đàn không tốt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng trên diện tích ruộng tư điền. Tóm lại, trong quy mô và chất lượng tư điền, việc phân loại theo tỷ lệ các loại ruộng có thể thay đổi ít nhiều theo thời gian nhưng chất đất của các hạng ruộng về cơ bản vẫn giữ nguyên như các thời kỳ trước.
Khi nghiên cứu địa bạ của huyện Nam Đàn từ năm 1802 đến năm 1884, trong mục tư điền, ngoài việc phân chia cụ thể ruộng đất theo vụ, các hạng ruộng theo các lớp sở hữu
còn có một phần rất quan trọng là Tam bảo điền (ruộng chùa). Tam bảo điền được xếp vào hạng tư điền và chủ yếu là ruộng hạng 3. Ở Nam Đàn có đến 38/40 địa bạ các xã thôn (chiếm 95 % tổng số địa bạ các xã thôn) có tam bảo điền, chỉ có 2 xã thôn không có loại ruộng này (chiếm 5%). Mặc dù diện diện tích không lớn chỉ có 117.9.9.7.0 (chiếm 0,47% diện tích tư điền) nhưng ruộng Tam bảolại tồn tại phổ biến ở hầu khắp các xã thôn, không do một cá nhân nào sở hữu, đây là loại ruộng gắn liền với hệ thống đền thờ, chùa, miếu thuộc năm tổng trên địa bàn huyện. Toàn bộ diện tích ruộng Tam bảo được duy trì cho đến khi xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp và bậc cao ở nửa sau thế kỷ XX thì biến thành ruộng đất thuộc sở hữu của Hợp tác xã nông nghiệp.
Nguồn gốc của Tam bảo điền phần lớn là do những gia đình giàu có, những người thi cử đỗ đạt hay những gia đình không có con trai thờ cúng, cung tiến. Đây là loại ruộng thuộc sở hữu tập thể, cư dân làng xã luân phiên chia nhau cày cấy và được thừa nhận là tư điền, tuy nhiên ranh giới giữa công và tư của loại ruộng này rất khó phân định. Sự hiện hữu và tồn tại bền vững của ruộng Tam bảo trên địa bàn huyện Nam Đàn cho thấy sự đan xen giữa tín ngưỡng thờ thần (bao gồm cả Nhân thần và Nhiên thần), Phật giáo và Đạo giáo trong thời kỳ 1802 - 1884.
Chúng tôi hơi băn khoăn, vì trên thực tế Thiên chúa giáo được truyền bá vào Nghệ An và Nam Đàn từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đến năm 1874, khi cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất bùng nổ, với khẩu hiệu: “Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”, trên địa bàn huyện Nam Đàn có nhiều làng xã như Vạn Lộc (nay thuộc Thượng
Tân Lộc), Yên Lạc, Đa Lạc (nay thuộc xã Nam Lĩnh và xã Hùng Tiến), vùng Tràng Đen, Tràng Ri (nay thuộc xã Nam Hưng) đã hình thành nhiều giáo họ. Nhưng không rõ vì lý do gì toàn bộ diện tích ruộng đất thuộc sở hữu của các giáo họ không được ghi chép vào diện tích Tam bảo điền hay một loại sở hữu ruộng đất khác. Cho dù, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874), triều đình Tự Đức đã buộc phải công nhận sự hiện diện của giáo dân cũng như các giáo họ, nhà thờ trên địa bàn Nghệ An, Nam Đàn (ví dụ: Nhà thờ Quy Chính thuộc thị trấn Nam Đàn; Nhà thờ Vạn Lộc thuộc xã Thượng Tân Lộc; Nhà thờ Tràng Đen thuộc xã Nam Hưng ngày nay).
3.1.2.1. Phân bố sở hữu ruộng tư
Qua khảo cứu 40 địa bạ thuộc 5 tổng ở huyện Nam Đàn chúng tôi nhận thấy,
các loại hình sở hữu được ghi chép lại theo từng khu vực và cụ thể từng chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc tổng hợp cũng gặp khá nhiều khó khăn, số liệu đất đai được tính theo
cách cộng diện tích sở hữu của từng chủ được ghi chép trong địa bạ. Trong quá trình tổng hợp theo từng chủ đã có sự chênh lệch so với số liệu tổng quát kê khai ở đầu địa bạ. Sự sai lệch này có lẽ một phần là do tính phức tạp, đa dạng của loại hình sở hữu,
một phần là do nhầm lẫn ngay từ khi làm địa bạ hoặc do lỗi khi sao chép. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng tư liệu gốc, chúng tôi vẫn giữ nguyên những khác biệt đó, song khi phân tích thì căn cứ vào số liệu liệt kê theo từng chủ sở hữu.
Với diện tích ruộng tư lớn chiếm 86,99% tổng diện tích ruộng đất toàn huyện, các chủ sở hữu ruộng tư được chia thành các lớp sở hữu, số liệu kèm theo các lớp sở hữu được trình bày trong bảng thống kê dưới đây: