Bối cảnh lịch sử và tình hình kinh tế ở huyện Nam Đàn trước năm 1802

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 1884. ( The Economy of Nam Dan District, Nghe An Province under Nguyen Dynasty in the period 1802 1884 ) (Trang 49 - 51)

6. Bố cục của luận án

2.3. Bối cảnh lịch sử và tình hình kinh tế ở huyện Nam Đàn trước năm 1802

Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra ở thế kỷ XVI đã đẩy đại bộ phận cư dân làng xã ởNghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng vào vòng xoáy của cuộc nội chiến. Nghệ An, Nam Đànnhiều lần trở thành bãi chiến trường trong các cuộc giao tranh khốc liệt kéo dài. Trong sách Thanh Chương huyện chí, Bùi Dương Lịch có ghi rằng: Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (còn có tên gọi khác là Nguyễn Cảnh Mô), Lai quận công Phan Công Tích, cùng nhiều tướng lĩnh khác chiêu tập dân binh ở Nghệ An, trong cuộc chiến với Mạc tướng Thạch quận công Nguyễn Quyện

(1575) đã lấy vùng đất ở Thanh Thủy, Nam Đường làm nơi đồn trú, vùng tả ngạn sông Lam đi qua huyện Nam Đường cùng với các địa điểm rào Gang, rú Nguộc là nơi giao tranh của các tập đoàn phong kiến [118, tr.109]. Cuộc chiến giữa lực lượng thân nhà Mạc với lực lượng trung thành với vua Lê - chúa Trịnh trên đất Nghệ An kết thúc, nhưng hậu quả do cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ấy để lại cho cư dân làng xã ở Nghệ An hết sức nặng nề. Khắp nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng, làng mạc điêu tàn, ruộng đất bị bỏ hoang, dân cư làng xã buộc phải bỏ nhà cửa phiêu tán khắp nơi để tránh nạn binh đao khói lửa, nền kinh tế rơi vào tình trạng đình đốn. Theo Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký toàn thư: “Các huyện, đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch tễ lại phát sinh, người chết đói đến gần nửa. Dân phiêu tán hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu, vắng tanh”

[109, tr.262].

Từ thế kỷ XVII, cuộc nội chiến giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của toàn bộ cư dân Đàng trong và Đàng ngoài. Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành bãi chiến trường trong bảy lần giao tranh khốc liệt giữa quân đội của các chúa Nguyễn và quân đội của chính quyền Lê - Trịnh. Cư dân làng xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh phiêu tán hoặc bị bắt đưa vào Đàng trong (trường

hợp gia tộc của anh em Tây Sơn ở Hưng Đạo (Hưng Nguyên) đã minh chứng cho điều đó).Trong bối cảnh đó, kinh tế ở Nghệ An, Nam Đàn sa sút. Việc quản lý đất đai vượt ra ngoài khả năng của chính quyền Lê - Trịnh. Tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang hoặc ngập lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra. Bộ máy quan lại địa phương cấu kết với nhau chiếm đoạt mua bán ruộng đất công của làng xã. Nông dân ở Nghệ An, Nam Đàn bị đẩy vào tình cảnh điêu đứng, liên tục vùng dậy khởi nghĩa hoặc ủng hộ Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật... chống lại chính quyền Lê - Trịnh. Theo Đại Việt sử ký tục biên cho

biết: Tháng 6 năm 1705, bấy giờ Thanh, Nghệ luôn năm mất mùa đói kém, lính phần nhiều trốn và thiếu không bổ sung được. Chúa Trịnh Căn sai phụ thần họp bàn về việc nên đối xử khoan hòa hay cứng rắn. Bọn Tham tụng Nguyễn Quán Nho cho rằng dân tình ai cũng tránh nặng cầu nhẹ, nơi phiêu tán thì ương bướng, nơi giàu có thì che giấu. Nếu thảy đều giảm ngạch thì chỉ làm lợi rộng rãi cho hương thôn, nếu thảy đều cho hoãn kỳ hạn thì họ sẽ đua nhau kêu là nghèo khổ. Nay xin ra lệnh cho những nơi có lính trốn, đặt trách nhiệm cho các viên thổ mục cùng lĩnh ở Kinh phải dẫn người đến thế (những lính trốn), nếu không thay thế được thì ủy cho trấn quan đòi bắt. Xin đình chỉ ngay cái lệ cho binh phiên bắt bớ để giảm phiền phí [29, tr.57].

Sách Lịch triều tạp kỷ có ghi rằng: Tháng 3 năm Ất Mùi, năm (Vĩnh Thịnh) thứ

11 (1715), Phủ liêu bàn rằng: xứ Nghệ An có dịch bệnh lưu hành, nhân dân phần nhiều bị đau khổ. Chính là lúc nên thăm viếng, lo lắng, cầu đảo cho dân. (Chúa Trịnh) bèn

truyền các quan hai ty Thừa chính và Hiến sát chọn lấy chỗ đất sạch, lập đàn thờ, trích tiền công, mua sắm lễ vật...tế chung các thần linhthượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng ở xứ Nghệ An để cầu thần phù hộ cho dân [94, tr.199 - 200].

Chính sự sa sút về kinh tế, khủng hoảng về chính trị - xã hội đã tạo điều kiện cho quan lại, cường hào ra sức cướp đoạt ruộng đất, bóc lột dân nghèo. Ruộng đất tư trên đà phát triển mạnh. Nhiều chủ sở hữu có đến hàng chục héc ta ruộng đất. Trong khi đó, đa phần nông dân mất ruộng, rơi vào cảnh đói kém liên miên, phải bán vợ, bán con hoặc đem thân đi ở đợ để sống qua ngày. Bên cạnh đó, sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, còn cho biết thêm: Thôn có 9 mẫu đất thì 7 mẫu bỏ hóa, có 118 mẫu ruộng thì 112 mẫu ruộng bỏ hóa và ruộng mạ. Tình trạng ruộng đất hoang hóa, xóm làng tiêu điều, nông dân đói khổ, phải bỏ làng đi phiêu tán khắp nơi ngày càng phổ

biến. “Chỉ có các huyện Nam Đường, Thanh Chương và Hưng Nguyên ở vùng bãi ven

sông thường trồng ngô để bổ cứu sự thiếu hụt đó. Những huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Chân Lộc, nhiều đất xốp, thường dành một nửa đất để trồng khoai ăn độn…” [106, tr.220].

Cuối thế kỷ XVIII, khủng hoảng kinh tế, chính trị - xã hội ở cả Đàng Trong và

Đàng Ngoài đến đỉnh điểm. Năm 1771, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, nhanh chóng lật đổ nền thống trị của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1786, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc, lật đổ nền thống trị của họ Trịnh, kết tình thông gia với nhà Lê. Năm 1788 - 1789, cả dân tộc phải đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Mãn Thanh. Từ năm 1789 đến năm 1792, Hoàng đế Quang Trung thực thi nhiều chính sách nhằm phục dựng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội từ Phú Xuân trở ra Bắc. Tuy nhiên, sau khi Hoàng đế Quang Trung mất (1792) vương triều Tây Sơn lún sâu vào khủng hoảng và sụp đổ (1801). Trong bối cảnh đó, kinh tế ở Nghệ An nói chung, Nam Đàn

nói riêng không có những chuyển biến đáng kể. Tình trạng bao chiếm, mua bán ruộng đất công của làng xã hay tình trạng cư dân làng xã đói kém phiêu tán trở nên phổ biến. Quan lại, địa chủ và những người giàu có ở làng xã câu kết với nhau chiếm hữu đất đai, đẩy nông dân Nghệ An, Nam Đàn vào tình cảnh khốn cùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn.

Như vậy, đến trước năm 1802, kinh tế nông nghiệp lỗi thời và lạc hậu vẫn bao trùm lên toàn bộ làng xã ở Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng. Quan lại địa phương và những người có thế lực ở làng xã nắm quyền sở hữu đất đai. Tiểu thủ công nghiệp vẫn chỉ có quy mô nhỏ trong làng xã, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân trong vùng. Hoạt động buôn bán trao đổi hàng hoá chủ yếu diễn ra ở hệ thống các chợ từ làng xã đến phủ, huyện.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 1884. ( The Economy of Nam Dan District, Nghe An Province under Nguyen Dynasty in the period 1802 1884 ) (Trang 49 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)