Các công ty bảo hiểm của Việt Nam tính toán và bồi thường tổn thất trên cơ sở các nguyên tắc sau đây :
+ Bồi thường bằng tiền chứ không bồi thường bằng biện vật. Đồng tiền bồi thường là đồng tiền thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận thì nộp phí bảo hiểm bằng tiền nào, sẽ bồi thường bằng đồng tiền đó.
+ Về nguyên tắc, trách nhiệm của người bảo hiểm chỉ giới hạn trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, khi cộng tiền tổn thất với các chi phí khác như chi phí cứu hộ, phí giám định, chi phí đánh giá và bán lại hàng hóa bị tổn thất, chi phí đòi người thứ ba bồi thường, tiền đóng góp tổn thất chung thì có vượt quá số tiền bảo hiểm, người bảo hiểm vẫn phải bồi thường.
+ Khi thanh toán tiền bồi thường, người bảo hiểm có thể khấu trừ những khoản thu nhập của người được bảo hiểm trong việc bán hàng và đòi được từ người thứ ba.
- Cách tính toán tiền bồi thường.
* Đối với tổn thất chung.
Khi có tổn thất chung xảy ra, chủ tàu được quyền chỉ định một công ty hay một chuyên viên tính tổn thất chung, còn gọi là lý toán sư, để tính toán, phân bổ tổn thất chung cho các quyền lợi có trên hành trình, bao gồm : tàu, hàng, cước phí. Cước phí phải đóng góp vào tổn thất chung là cước phí mà chủ tàu chưa thu và việc thu được hay không còn phụ thuộc vào sự an toàn của tàu, tức là cước phí chịu rủi ro (freight at risk). Nhiệm vụ của chuyên viên tính tổn thất chung là phải dựa trên cơ sở chứng từ, giấy tờ có liên quan để xác định những hy sinh và chi phí nào được công nhận là tổn thất chung, tính toán phân bổ cho chủ tàu, các chủ hàng, chủ cước phí đóng góp trên cơ sở bản phân bổ tổn thất chung (general average statement).
* Đối với tôn thất riêng.
Tổn thất riêng có thể là tổn thất toàn bộ hoặc bộ phận. - Tổn thất toàn bộ:
+ Tổn thất toàn bộ thực tế: người bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ theo số tiền bảo hiểm.
+ Tổn thất toàn bộ ước tính: Nếu người được bảo hiểm có thông báo từ bỏ hàng và được người bảo hiểm chấp nhận thì người bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ theo số tiền bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm không từ bỏ hàng hoặc từ bỏ nhưng không được chấp nhận thì chỉ được bồi thường theo mức độ thiệt hại thực tế như tổn thất bộ phận.
- Tổn thất bộ phận: nếu hàng được bảo hiểm bị hư hỏng bộ phận, thì số tiền bồi thường được tính theo tỷ lệ trị giá bảo hiểm của hàng hỏng. Tỷ lệ đó là số phần trăm biểu hiện hàng hỏng, bị giảm giá và do giám định viên hoặc do người bảo hiểm và người được bảo hiểm thỏa thuận xác định.
Ví dụ 1:
Tổng số kiện hàng được bảo hiểm: 200 kiện Giá trị bảo hiểm (GTBH) = 200.000 USD.
Số kiện bị hư hỏng: 50 kiện Tỷ lệ giám giá: 20%
Khi đó giá trị tổn thất là 200.000 x (50 : 200) x 20% = 10.000 USD.
Bảo hiểm sẽ bồi thường 10.000 USD nếu số tiền bảo hiểm (STBH) bằng GTBH, nhưng nếu mua bảo hiểm thấp hơn giá trị thì phải nhân với tỷ lệ bảo hiểm dưới giá.
Trường hợp hàng hư hỏng như nhiễm bẩn, ngấm nước mưa hay nước biển, dính dầu... thì người bảo hiểm và người được bảo hiểm không dễ thỏa thuận được với nhau về mức độ tổn thất. Vì vậy, người ta xác định tỷ lệ tổn thất bằng cách so sánh giá thị trường khi hàng còn tốt với giá thị trường của hàng hỏng. Giá thị trường hàng tốt là giá bán buôn sẽ thu về được khi hàng đến đích an toàn. Còn giá thị trường của hàng hỏng thường dựa trên cơ sở bán đấu giá hàng hóa đó.
Ví dụ 2:
Một lô hàng vận chuyển đường biển bị ngấm nước.
Giá thị trường của toàn bộ lô hàng nếu còn tốt: 85.000 USD Giá trị lô hàng ngấm nước bán đấu giá được: 30.000 USD Biết : GTBH = 100.000 USD
Khi đó: Tỷ lệ hàng hỏng = (85.000 – 30.000) : 85.000 = 0,647 Giá trị tổn thất của hàng = 0,647 x 100.000 = 64.700 USD Bảo hiểm bồi thường: 64.700 USD (nếu bảo hiểm đúng giá trị) Trường hợp trên đây người được bảo hiểm thu được:
64.700 + 30.000 = 94.700 USD.
- Qui trình bồi thường.
* Tiếp nhận hồ sơ khiếu nại.
+ Tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng,
+ Kiểm tra sơ bộ các chứng từ trong bộ hồ sơ, + Phân loại hồ sơ,
+ Vào sổ theo dõi,
+ Sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết. * Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
+ Hướng dẫn người được bảo hiểm bổ sung giấy tờ chứng từ còn thiếu. * Tính toán tiền bồi thường.
* Trình duyệt.
* Thông báo bồi thường.
Chương 3
BẢO HIỂM THÂN TÀU (Hull Insurance)