Quy trình đánh giá cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp đánh giá cán bộ, công chức bộ phận một cửa trong các cơ quan nhà nước tỉnh vĩnh phúc (Trang 29 - 31)

1.2. Bài toán đánh giá cán bộ, công chức

1.2.3. Quy trình đánh giá cán bộ, công chức

Đánh giá cán bộ, công chức hằng năm thường được thực hiện theo các bước sau: Bước 1. Hướng dẫn các phòng, bộ phận triển khai đánh giá: việc hướng dẫn thuộc trách nhiệm của Văn phòng. Định kỳ vào cuối năm, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cấp trên, Văn phòng xây dựng văn bản hướng dẫn và tổ chức phát phiếu cho các đơn vị, cán bộ, công chức tiến hành đánh giá, xếp loại.

Bước 2. Cá nhân tự đánh giá: cán bộ, công chức tự đánh giá và xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ của bản thân theo nội dung Khoản 1, Điều 6, Chương 2 của Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC[20]. Đối với lãnh đạo đơn vị còn phải đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị, khả năng tổ chức quản lý, tinh thần phối hợp với các đơn vị khác và uy tín với mọi người.

Bước 3. Đơn vị đánh giá, nhận xét: trách nhiệm thuộc các phòng, bộ phận. Các phòng, bộ phận tổ chức kiểm điểm, góp ý kiến, đánh giá và ghi ý kiến nhận xét vào Bản tự nhận xét, đánh giá của cán bộ, công chức theo nguyên tắc đa số. Trưởng phòng nhận xét,

đánh giá và cho điểm theo hướng dẫn tại phụ lục 1, Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP- CCVC. Trưởng phòng căn cứ theo 3 nội dung: bản tự đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức; ý kiến đóng góp của tập thể; sự quản lý, theo dõi của mình. Các phiếu đánh giá sau khi có ý kiến của Trưởng phòng được chuyển về Văn phòng để tổng hợp bước đầu.

Bước 4. Tổng hợp kết quả từ các phòng, bộ phận: trách nhiệm thuộc Văn phòng. Trên cơ sở biên bản họp và kết quả xếp loại cán bộ, công chức, viên chức của các phòng, Văn phòng tổng hợp, lập báo cáo kết quả xếp loại cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị; xây dựng phiếu bình bầu, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chuẩn bị cho Hội đồng TĐKT cơ quan họp, bình xét và báo cáo thủ trưởng cơ quan.

Bước 5. Họp Hội đồng TĐKT cơ quan: trách nhiệm thuộc Hội đồng TĐKT. Sau khi có tổng hợp kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thủ trưởng tổ chức họp Hội đồng TĐKT cơ quan để tiến hành đánh giá, bình bầu, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn cơ quan.

Bước 6. Tổng hợp kết quả bình bầu, xếp loại: trách nhiệm thuộc Văn phòng. Căn cứ kết quả bình bầu, đánh giá, xếp loại tại cuộc họp của Hội đồng TĐKT cơ quan, Văn phòng tổng hợp, lập hồ sơ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thông báo kết quả đánh giá, xếp loại để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức biết.

Bước 7. Giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền: trách nhiệm thuộc thủ trưởng cơ quan. Cán bộ, công chức, viên chức có quyền khiếu nại, trình bày ý kiến, bảo lưu và báo cáo lên cấp trên những vấn đề không tán thành về nhận xét, đánh giá đối với bản thân nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý cán bộ). Nếu có khiếu nại về đánh giá cán bộ, công chức thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo đến người khiếu nại.

Bước 8. Quyết định công nhận kết quả đánh giá, xếp loại: trách nhiệm thuộc thủ trưởng cơ quan. Căn cứ hồ sơ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, kết quả giải quyết khiếu nại, thủ trưởng chính thức đánh giá, xếp loại, ký tên vào“phiếu đánh giá công chức hàng năm” và thông báo kết quả đánh giá. Văn phòng dự thảo quyết định công nhận kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; các thủ tục khen thưởng, kỷ luật và đề nghị khen thưởng, kỷ luật (nếu có) trình thủ trưởng phê duyệt.

Bước 9. Lưu hồ sơ: Văn phòng có trách nhiệm lập và lưu giữ hồ sơ gồm: phiếu đánh giá cán bộ, công chức và các quyết định khen thưởng, kỷ luật (nếu có); đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức và đơn thư khiếu nại, kết luận khiếu nại của cơ quan kiểm tra, thanh tra (nếu có); các văn bản phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trên đây, là quy trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hằng năm của cấp có thẩm quyền trong các cơ quan HCNN, nội dung đánh giá được ghi thành văn bản, có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa là đánh giá của nhiều chủ thể khác nhau nhưng không lấy tư cách của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, do đó khi đánh giá không có văn bản mang tính pháp lý. Do đó, cần có

quy trình phù hợp để trưng cầu được ý kiến của nhiều chủ thể khác nhau như: người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, tác giả đề xuất quy trình sau:

Bước 1. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá: Trách nhiệm thuộc cơ quan muốn khảo sát, đánh giá cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa thuộc đơn vị mình.

Bước 2. Lựa chọn hình thức trưng cầu ý kiến đánh giá và phương thức truyền tải. Có thể phát phiếu in trên giấy, có thể gửi phiếu điện tử qua môi trường Internet, có thể là nút nhấn trên bảng điện tử, có thể là thu âm lời nói nhận xét, đánh giá…

Bước 3. Thống kê, báo cáo ý kiến đánh giá, xếp loại. Sử dụng kết quả đánh giá. Để đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ và công bằng, hoạt động đánh giá sẽ được tự động hóa nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp chủ quan của con người vào một trong những mắt, khâu nào đó của quy trình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu giải pháp đánh giá cán bộ, công chức bộ phận một cửa trong các cơ quan nhà nước tỉnh vĩnh phúc (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)