Nghiên cứu của chúng tối thấy nguy cơ kháng aspirin tăng khi tuổi lớn hơn hoặc bằng 70 tuổi với OR = 1,600 (95%CI = 1,057-2,422) trên toàn bộ đối tượng nghiên cứu (bảng 3.26).
Năm 2004, Trương Quang Việt và cộng sự nghiên cứu NTTC ở người cao tuổi THA tại bệnh viện Hữu Nghị cho thấy độ NTTC ở nhóm lớn hơn hoặc bằng 75 tuổi cao hơn so với nhóm nhỏ hơn 75 tuổi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy rõ hơn ở tuổi 70 trở lên [28].
Nguy cơ phát triển bệnh mạch vành và bị nhồi máu cơ tim tăng lên theo độ tuổi cho cả hai giới. Tuy nhiên, vữa xơ động mạch không bắt đầu đột ngột, các dấu hiệu ban đầu của chứng vữa xơ động mạch vành có thể được phát hiện ở giai đoạn rất sớm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quá trình chuyển đổi vữa xơ động mạch ở động mạch chủ có thể thấy rõ ràng ngay cả ở trẻ em năm tuổi. Vì vậy, quá trình vữa xơ động mạch vành diễn ra từ khi bệnh nhân còn trẻ (20 hoặc 30 năm). Mặc dù tuổi là một yếu tố quan trọng, xác suất mắc bệnh mạch vành thay đổi tùy theo sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ bổ sung. Ước tính rủi ro tốt nhất của cá nhân là xem xét tuổi liên quan đến sự có mặt của các yếu tố nguy cơ khác. Các quan sát thấy rằng những thay đổi đáng kể trong vữa xơ động mạch vành có thể bắt đầu rất sớm trong cuộc sống nhấn mạnh sự cần thiết phòng ngừa ở giai đoạn đầu.
Nguyễn Thị Nữ năm 2005 nghiên cứu ngưng tập tiểu cầu và một số yếu tố đông máu trên 118 bệnh nhân tăng huyết áp có rối loạn lipid máu. Kết quả ngưng tập tiểu cầu với ADP ở các nhóm tuổi có khác nhau, ở nhóm 45-59 tuổi là 73,88 ± 7,17 tuổi ở nhóm bệnh và 64,40 ± 7,50 tuổi ở nhóm chứng, ở nhóm 60-74 tuổi là 74,42 ± 8,22 tuổi ở nhóm bệnh và 64,10 ± 6,80 tuổi ở nhóm chứng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, ngưng tập tiểu cầu với ADP và cả AA tăng theo tuổi giống với nghiên cứu của Nguyễn Thị Nữ [17].
Năm 2006, Lê Văn Thạch tìm hiểu NTTC ở người cao tuổi thấy độ NTTC có mối liên quan tỷ lệ thuận với độ tuổi, cao nhất ở độ tuổi lớn hơn hoặc bằng 75 tuổi (66,1 ± 2,3%), giảm hơn ở độ tuổi 60-74 tuổi (64,0 ± 4,2%), thấp nhất ở độ tuổi 45-59 tuổi (62,3 ± 2,9%), p <0,05. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng thấy NTTC tăng theo tuổi [20].
Năm 2005, Hobikoglu nghiên cứu trên 104 bệnh nhân hội chứng vành cấp (75 nam và 29 nữ, tuổi trung bình là 60,4 ± 10,8 tuổi) và 100 bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định (73 nam và 27 nữ, tuổi trung bình là 57,6 ± 10,6 tuổi) thấy tuổi trung bình của nhóm kháng aspirin trên đối tượng bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định là 63,6 ± 11,0 tuổi, cao hơn tuổi trung bình của nhóm không kháng aspirin là 58,2 ± 10,0 tuổi, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p =0,01. Phương pháp đánh giá kháng aspirin sử dụng thiết bị PFA-100 [73].
Lee và cộng sự năm 2005 nghiên cứu trên 468 bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định đang điều trị aspirin với liều 80-325mg/ngày, thời gian dùng aspirin tối thiểu 1 tháng. Kháng aspirin liên quan đến tuổi, tuổi trung bình của nhóm kháng aspirin là 66,70 ± 10,20 tuổi, cao hơn tuổi trung bình ở nhóm không kháng aspirin là 63,20 ± 11,70 tuổi, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p =0,002 [86].
Shen nghiên cứu trên 745 bệnh nhân (400 nam và 345 nữ) năm 2009 thấy tuổi trung bình của nhóm kháng aspirin là 47,9, cao hơn tuổi trung bình ở nhóm không kháng aspirin là 41,9, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,0001 [119].
Nghiên cứu của Vaturi và cộng sự năm 2013 trên 583 bệnh nhân bệnh mạch vành chia thành hai nhóm (438 bệnh nhân nhỏ hơn 75 tuổi, 145 bệnh nhân lớn hơn hoặc bằng 75 tuổi). Kết quả phân tích hồi quy đa biến đã hiệu chỉnh cho giới, BMI và đái tháo đường cho thấy đáp ứng với aspirin khác biệt có ý nghĩa theo tuổi [133].
Phân tích tổng hợp từ 53 nghiên cứu với 6450 đối tượng từ dữ liệu
PUBMED cho đến 15/10/2007 của Crescente và cộng sự cho thấy kháng
aspirin có tỷ lệ cao hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm đối tượng lớn tuổi với tỷ lệ 29% (27% đến 33,1%) so với đối tượng nhỏ tuổi hơn với tỷ lệ là 24% (22% đến 26%) [49].
4.3.3. Kháng aspirin liên quan đến các đặc điểm lâm sàng và các yếu tốnguy cơ nguy cơ
Khác biệt có ý nghĩa thống kê p <0,05 khi so sánh nhóm kháng aspirin và nhóm không kháng aspirin về tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ, tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ 10 năm bị BMV >20%. Khác biệt không có ý nghĩa thống kê khi so sánh tỷ lệ kháng aspirin và không kháng aspirin trên các nhóm bệnh nhân ĐQNMN, bệnh nhân BĐMNB, bệnh nhân BMV.
Năm 2013, Li và cộng sự nghiên cứu trên 86 bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp người Trung Quốc thấy tỷ lệ ĐTĐ ở nhóm kháng aspirin là 47,1%, ở nhóm không kháng aspirin là 15,9%, p<0,05 [88].
Phân tích tổng hợp về kháng aspirin trên bệnh nhân ĐTĐ của Simpson
năm 2013 cho thấy tỷ lệ kháng aspirin dao động từ 3% đến 59%. Bệnh nhân
đái tháo đường có tỷ lệ kháng aspirin cao hơn 36% so với bệnh nhân không đái tháo đường. Tỷ lệ kháng aspirin thay đổi theo liều aspirin sử dụng, bệnh nhân đái tháo đường sử dụng aspirin với liều nhỏ hơn 100 mg/ngày có tỷ lệ kháng aspirin cao hơn 70% so với bệnh nhân đái tháo đường điều trị aspirin với liều 101-325 mg/ngày [115].
Tỷ lệ bệnh nhân có THA trong nghiên cứu chiếm hơn 3 phần 4 (bảng 3.4), tất cả bệnh nhân có nguy cơ BMV 10 năm lớn hơn 20% tính theo thang điểm nguy cơ Framingham đều có THA (bảng 3.6) và tỷ lệ kháng aspirin trên bệnh nhân THA là 39,3% (bảng 3.17).
Năm 2004, Trương Quang Việt và cộng sự nghiên cứu NTTC ở người cao tuổi THA tại bệnh viện Hữu Nghị cho thấy độ NTTC ở bệnh nhân THA tăng cao hơn so với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê, tăng theo thời gian bị THA và tỷ lệ thuận với số cơ quan đích bị tổn thương (p <0,001). Tương tự với Nguyễn Thị Nữ và cộng sự nghiên cứu NTTC với ADP trên bệnh nhân THA có rối loạn lipid máu cho thấy NTTC ở bệnh nhân THA có rối loạn lipid máu tăng có ý nghĩa so với nhóm chứng (74,16 ± 7,45% so với 64,65 ± 8,22%). Trên 33 bệnh nhân THA giai đoạn 2 và 3 và 48 bệnh nhân THA giai đoạn 1 thấy mức độ NTTC có liên quan chặt chẽ với mức độ nặng của tổn thương cơ quan đích ở bệnh nhân THA [28].
THA đơn độc, không điều trị có thể dẫn đến suy tim. Tần suất suy tim do THA đứng hàng thứ 2 sau bệnh động mạch vành. THA cũng là yếu tố nguy cơ đưa đến BMV, loạn nhịp tim từ đó dẫn đến suy tim. THA dẫn đến rối loạn chức năng tim, sau đó suy tim có thể qua các giai đoạn như: rối loạn chức năng tâm trương thất trái, rối loạn chức năng tâm thu thất trái không triệu chứng cơ năng kèm phì đại thất trái đồng tâm, giãn thất trái không triệu chứng cơ năng kèm phì đại lệch tâm thất trái, rối loạn chức năng tâm thu thất trái có triệu chứng cơ năng kèm phì đại lệch tâm thất trái và giãn lớn thất trái. THA là một trong các yếu tố nguy cơ chính của bệnh động mạch vành. THA lâu ngày làm tổn thương lớp nội mạc (lớp áo trong cùng) của động mạch vành, làm các phân tử cholesterol tỉ trọng thấp (LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng vữa xơ động mạch và làm hẹp động mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, nghẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ). Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng. Nếu mảng vữa xơ động mạch bị nứt, vỡ thì trong động mạch vành hình thành huyết khối, làm tắc động mạch vành và làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Khi bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân thấy đau dữ dội trước ngực, khó thở, toát mồ hôi, có thể đau lan lên cổ, lan ra sau tay trái, ra sau lưng... Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim.