+Kết cấu mặt hàng: Nếu kinh doanh một loại mặt hàng thì số lượng sản phẩm tiêu thụ và giá cả là hai nhân tố tác động chủ yếu đến doanh thu của doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy rất ít doanh nghiệp lại chỉ kinh doanh một mặt hàng vì tính rủi ro rất cao nên thường có sự đa dạng trong mặt hàng kinh doanh của mình. Khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng thì kết cấu mặt hàng cũng sẽ có ảnh hưởng tới doanh thu. Kết cấu mặt hàng là tỷ trọng theo doanh thu tiêu thụ của từng mặt hàng so với tổng doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Như vậy, ứng với mỗi kết cấu mặt hàng khác nhau thì doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau. Nếu mặt hàng có giá bán cao chiếm tỉ trọng lớn thì doanh thu cũng cao và ngược lại. Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu ảnh hưởng của kết cấu mặt hàng tới tình hình tiêu thụ, phân tích nghiên cứu thị trường đối với từng loại sản phẩm và năng lực sản xuất của mình để đưa ra một kết cấu mặt hàng tối ưu. Ở mỗi thời kỳ khác nhau thì thị hiếu tiêu dùng cũng thay đổi. Vì thế, việc xác định kết cấu mặt hàng cần phải được thường xuyên nghiên cứu, doanh nghiệp cần phải nắm bắt nhanh chóng nhu cầu thị trường để xác định được một cách hợp lý kết cấu mặt hàng.
+Chất lượng sản phẩm: Doanh thu còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của chất lượng sản phẩm sản xuất ra. Là một trong những nhân tố tạo nên uy tín cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng bao giờ cũng muốn sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Dù sản phẩm có kiểu dáng đẹp đến đâu nhưng chất lượng sản phẩm
không tốt thì sẽ mất uy tín với khách hàng, khó có thể giữ chân khách hàng quay lại với sản phẩm của doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm tốt còn tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, tăng khối lượng sản phẩm bán ra, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng doanh thu bán hàng. Ngoài ra, nó là một trong những nhân tố để giữ chân khách hàng mục tiêu và tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác được thị phần khách hàng tiềm năng, mở rộng thị phần tiêu thụ. Nâng cao chất lượng sản phẩm còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nhanh chóng thu được tiền bán hàng, giúp doanh nghiệp có thể nâng cao giá bán một cách hợp lý mà vẫn được thị trường chấp nhận. Ngược lại, những sản phẩm có chất lượng kém thì khách hàng có thể từ chối thanh toán, yêu cầu giảm giá hàng bán hoặc không mua hàng. Điều đó sẽ dẫn tới doanh nghiệp phải hạ giá bán sản phẩm, giảm doanh thu. Nếu không cải thiện được chất lượng sản phẩm thì dần dần khách hàng sẽ rời bỏ doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng mới. Mà việc lấy lại lòng tin của khách hàng là một vấn đề hết sức khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã…
+ Giá bán sản phẩm, hàng hóa: Giá cả sản phẩm cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ sản phẩm và doanh thu bán hàng nếu các nhân tố khác không thay đổi. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả là một yếu tố quan trọng liên quan đến quan điểm của cả người mua và người bán. Nó được hình thành trong sự tác động qua lại giữa cung và cầu. Giá cả là vũ khí cạnh tranh hữu hiệu trong quá trình chinh phục thị trường của doanh nghiệp. Mỗi sự thay đổi giá cả của các đối thủ cạnh tranh cũng đòi hỏi doanh nghiệp xác định lại giá cả của mình.Việc xây dựng chính sách giá hợp lý là một công việc quan trọng để doanh nghiệp tác động đến thị trường. Các chính sách sản phẩm, phân phối và xúc tiến yểm trợ có vai trò lôi kéo khách hàng, tạo ra thị trường để doanh nghiệp bán được hàng và tăng doanh thu. Nhưng bán được số lượng bao nhiêu để bù đắp chi phí và thu được lợi nhuận thỏa đáng thực hiện tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp lại là vấn đề giá cả. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý tốt các yếu tố sản xuất, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để sao cho hao phí lao động cá biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội trên mỗi đơn vị sản phẩm, từ đó làm cho giá thành sản xuất sản
phẩm hạ thấp hơn so với giá thành sản xuất bình quân. Đây là một lợi thế cạnh tranh thu hút khách hàng. Chính sách giá cả là chính sách duy nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Không có yếu tố phi giá nào có thể thay đổi dễ dàng và tác động đến khách hàng nhanh chóng như yếu tố giá cả. Khi doanh nghiệp có sự thay đổi trong chính sách giá sẽ gây ra những phản ứng từ phía các đối thủ cạnh tranh. Như vậy, giá cả không chỉ là công cụ của doanh nghiệp trong việc chinh phục khách hàng, tạo ra doanh thu, lợi nhuận mà nó còn là vũ khí cạnh tranh lợi hại, không những giúp doanh nghiệp giữ vững mà còn mở rộng thị phần của mình, tránh được sự xâm nhập của các đối thủ cạnh tranh khác. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng chính sách giá vì cạnh tranh về giá có thể gây ra các cuộc chiến tranh giá cả, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giá cả phải gắn với chất lượng và phải tính toán sao cho bù đắp được các loại chi phí. Có vậy, doanh nghiệp mới đẩy mạnh được công tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và đạt mục tiêu doanh thu bán hàng.
+ Thị trường tiêu thụ: Trước khi doanh nghiệp đưa ra những phương án sản xuất kinh doanh mang tính khả thi thì việc tìm hiểu thị trường là hết sức quan trọng. Thị trường tiêu thụ có ảnh hưởng lớn đến doanh thu bán hàng. Nó giúp cho quá trình trao đổi hàng hóa được diễn ra suôn sẻ. Thị trường quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Dung lượng thị trường càng lớn (khối lượng hàng hóa trao đổi, số lượng các chủ thể tham gia trên thị trường...) thì khả năng tăng sản phẩm tiêu thụ càng lớn, chất lượng thị trường càng cao (sức mua của thị trường lớn, khả năng thanh toán tốt, mức độ rủi ro ít...) thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ dễ dàng. Thị trường có thể làm thay đổi mặt hàng tiêu dùng cũng như cơ cấu tiêu dùng của khách hàng. Làm tốt việc nghiên cứu thị trường giúp cho doanh nghiệp xác định được thị trường nào là chủ yếu, thị trường nào là thứ yếu để phân phối sản phẩm sao cho hợp lý. Việc xác định thị trường tiềm năng trong tương lai sẽ là cơ sở cho doanh nghiệp có định hướng đúng trong kinh doanh, tạo đà cho việc tăng doanh thu bán hàng.
+ Uy tín và thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp: Uy tín của doanh nghiệp trên thị trường cũng như thương hiệu sản phẩm là một tài sản quý giá làm cho khách hàng tin tưởng và sẵn sàng sử dụng sản phẩm của mình. Uy tín và thương hiệu giúp cho doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường, tạo lợi thế trong cạnh tranh, từ đó đảm bảo cho doanh thu tăng lên.
1.2.2. Chi phí
1.2.2.1. Khái niệm
Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của những hao phí về vật chất, về sức lao động và các chi phí bằng tiền khác liên quan và phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định, đồng thời được bù đắp từ doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ đó. (GS.TS. Đinh Văn Sơn, Giáo trình Tài chính doanh nghiệp thương mại, NXB Giáo dục, 1999).