2. Cơ sở lý luận về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
2.4. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
2.4.2. Nhóm các nhân tố đầu ra của sản xuất
Nếu như nhóm các yếu tố đầu vào phản ánh sự tác động của các nguồn lực có thể huy động cho sản xuất và sự phân bổ của chúng vào những lĩnh vực kinh doanh khác nhau, thì nhóm các yếu tố đầu ra của sản phẩm quyết định xu hướng vận động của thị trường, nơi phát ra tín hiệu quan trọng bậc nhất dẫn dắt các luồng vốn đầu tư cũng như các nguồn lực sản xuất khác được quyết định phân bổ vào những lĩnh vực sản xuất nào và với quy mô bao nhiêu. Những nhân tố này bao gồm: dung lượng thị trường, thói quen tiêu dùng, mức độ sẵn có và các khả năng thay thế của các loại sản phẩm, giá cả và chất lượng hàng hóa và dịch vụ, các chính sách của nhà nước…
Sau đây, Luận văn đi vào trình bày chi tiết tác động của 3 nhân tố chính là dung lượng thị trường, thói quen tiêu dùng của dân cư và chính sách của nhà nước.
- Dung lượng thị trường.
Độ lớn của dung lượng thị trường là một trong những nhân tố rất có ý nghĩa đối với sự di chuyển các nguồn lực được phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Các nhà kinh doanh là những người phân tích rất kỹ quy mô và xu hướng vận động của thị trường khi quyết định đầu tư kinh doanh một loại sản phẩm nào đó. Thông thường, dung lượng thị trường (lượng cầu) được quyết định bởi quy mô dân số và mức thu nhập. Khi mức thu nhập của dân cư còn thấp, hầu hết các nguồn thu nhập chỉ được chi dùng cho những mặt hàng thiết yếu, trước hết là lương thực - thực phẩm. Đây là những loại hàng hóa được coi là có hệ số co giãn thấp, nghĩa là nhu cầu tiêu dùng chúng ít thay đổi so với sự thay đổi của mức thu nhập. Nhưng khi thu nhập của dân cư tăng lên, cơ cấu tiêu dùng của dân cư cũng bắt đầu có sự thay đổi theo hướng tỷ lệ chi tiêu cho mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giảm đi tương đối, trong khi tỷ lệ chi tiêu cho những sản phẩm cao cấp hơn tăng lên. Những loại hàng hóa này được coi là có hệ số co giãn về cầu cao hơn. Chẳng hạn, theo quan sát của các nhà kinh tế, khi GDP/ người đạt mức trên 100 USD / năm, những nhu cầu mua sắm các phương tiện đắt tiền như xe hơi, phương tiện nghe nhìn, trang bị nội thất nhà ở, du lịch, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn... bắt đầu xuất hiện, làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng vốn trước đó tập trung cho những mặt hàng thiết yếu theo phương thức ăn no, mặc ấm. Rõ ràng, những dấu hiệu chuyển dịch cơ cấu cần có khả năng thanh toán có tác động dẫn dắt hướng đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư và vị thế, tác động không nhỏ đến sự hình thành cơ cấu kinh tế.
- Thói quen tiêu dùng.
Cùng với quy mô thị trường, thói quen tiêu dùng là một nhân tố “đầu ra” rất có ý nghĩa mà các nhà kinh doanh thường rất quan tâm khi quyết định bỏ vốn đầu tư và lựa chọn sản phẩm để đưa ra thị trường. Tuy đây là những
quyết định thuộc phạm vi quản lý vi mô, nhưng lại có ý nghĩa to lớn đối với sự hình thành cơ cấu sản phẩm (cơ cấu phân ngành) của nền kinh tế quốc dân. Tính ưa thích theo thói quen tiêu dùng một số loại sản phẩm nào đó đòi hỏi các nhà đầu tư phải nghiên cứu để tìm cách đáp ứng và vì thế, tình trạng thỏa dụng của người tiêu dùng đã được trở thành một trong những chỉ tiêu tác động vào sự hình thành cơ cấu của nền kinh tế.
- Các nhân tố về cơ chế chính sách.
Cơ cấu chính sách thực sự có tác động rất mạnh đến xu hướng vận động tổng quát của sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kể cả cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần và cơ cấu vùng lãnh thổ của nền kinh tế. Những ví dụ chứng minh cho vai trò tác động của cơ chế chính sách đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì rất nhiều. chẳng hạn, trong một thời gian dài trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, xu hướng hình thành cơ cấu kinh tế tổng quát của Việt Nam và nhiều nước XHCN thời kỳ đó là “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”. Ở dạng cực đoan hơn là những chiến dịch như kiểu “nhà nhà làm gang thép” của Trung Quốc hồi thập kỷ 60 - 70. Từ sự chỉ đạo này, phần lớn nhất nguồn lực quốc gia của Việt Nam trong một thời kỳ dài cũng đã được dành cho phát triển lĩnh vực công nghiệp nặng. Vì nhiều lý do, chương trình này đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. Một chủ trương khác được thay thế vào đầu những năm 1980 là “3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”. Cơ cấu kinh tế nhờ đó mà có sự điều chỉnh nhất định do các nguồn lực được phân bổ lại theo hướng ưu tiên hơn cho những chương trình kinh tế này. Tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy đối với các thành phần kinh tế, khi mà đường lối đổi mới với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế được khẳng định, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã có điều kiện phát triển cùng với hướng tập trung cho các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam hay chương trình phát triển kinh tế dải
ven biển trước đây và hiện nay là chương trình khai phát miền Tây ở Trung Quốc là những ví dụ rất rõ ràng về tác động của nhân tố cơ chế chính sách đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng - lãnh thổ của nền kinh tế.
Như vậy, trong điều kiện của kinh tế thị trường, việc nghiên cứu tác động của yếu tố thị trường (đầu ra của các sản phẩm) là nội dung không thể bỏ qua đối với các chính sách về cơ cấu kinh tế. Lý do đơn giản là vì, mức độ ảnh hưởng của chúng đối với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng mạnh mẽ không kém các nhân tố cung (đầu vào sản xuất). Tuy nhiên, đây lại đang là một điểm yếu trong tiếp cận nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam hiện nay, một phần có “tập quán” chỉ tập trung vào khía cạnh các nhân tố của sản xuất vật chất trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây vẫn còn chi phối mạnh trong tư duy chính sách kinh tế.
Tóm lại, quá trình chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế chịu tác động của nhiều nhân tố. Trong điều kiện hiện nay, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, thị trường hóa, và tiến bộ khoa học - công nghệ diễn ra nhanh chóng, bản thân những nhân tố tác động đến sự chuyển sịch cơ cấu kinh tế cũng không ngừng biến đổi và hàm chứa những nội dung kinh tế không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, khi đánh giá mức độ tác động của từng nhân tố cũng như tổng hợp các nhân tố đó, cần phải nhìn nhận chúng như những quá trình “động” để xem xét xu hướng tác động dài hạn lên quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế. nhưng dù có tiếp cận vấn đề như thế nào đi nữa thì trong một nền kinh tế thị trường, tập hợp các nhân tố đầu vào (nguồn lực sản xuất), đầu ra (điều kiện thị trường) và cơ chế chính sách chủ yếu là sự tác động của nhà nước vẫn là những tác nhân quan trọng nhất đối với xu hướng chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế.