2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Ninh Bình giai đoạn
1.2. Quan điểm, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế
1.2.1. Quan điểm chuyển dịch
a. Phù hợp với đường lối chủ trương chính sách, chiến lược, kế hoạch chung cũng như của riêng vùng đồng bằng sông Hồng
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội chung của cả nước, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới, kế hoạch xây dựng cũng như phát triển các công trình trọng điểm của vùng trọng điểm kinh tế bắc bộ và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng trong đó có nam đồng bằng sông Hồng.
b. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và mở rộng hợp tác
Tiếp tục cần có tốc độ tăng trưởng nhanh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh phát triển, tạo bước đột phá trong các ngành, lĩnh vực chủ chốt như kết cấu hạ tầng, công nghiệp và du lịch để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn theo quy hoạch, kế hoạch cụ thể của tỉnh nhằm giảm mức chênh lệch so với cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng về GDP /người.
Trên cơ sở phát huy cả nội, ngoại lực từ các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, từng bước xây dựng doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch. Sử dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh
của tỉnh về tài nguyên, cơ chế ưu đãi v.v.. và nguồn nhân lực để phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô ngày một lớn. Đối với nông nghiệp, tạo ra giá trị ngày càng cao trên một đơn vị diện tích.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch và coi trọng phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực có lợi thế là xi măng, clanke, đá xây dựng, sắt thép cao cấp, đá mỹ nghệ và dứa các loại, dưa chuột, ngô đóng hộp, thuỷ sản, thịt lợn, chiếu, may mặc, thêu ren v.v, gắn liền xây dựng khu, cụm công nghiệp, làng nghề trọng điểm. Thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch và hệ thống cấp thoát nước, thủy lợi. Thúc đẩy dịch vụ tài chính, viễn thông và đặc biệt tạo bước đột phá trong phát triển du lịch bằng đổi mới cơ chế, chính sách.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững cần nâng độ che phủ của rừng lên cao. Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tốt hơn môi trường sinh thái, đặc biệt ở các dự án xi măng gần các khu du lịch trọng điểm và sản xuất ra nông sản thực phẩm sạch, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân. Đảm bảo môi trường xã hội ổn định để có tiền đề cho tăng trưởng trước mắt và lâu dài nhằm mục đích phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
c. Đảm bảo chất lượng tăng trưởng và gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội
Điều này đạt được thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, thu hút nhiều thành phần tham gia phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động và năng suất cây trồng vật nuôi cũng như đảm bảo sự công bằng, dân chủ, tiến bộ xã hội. Phấn đấu xây dựng xã hội mà mọi người dân đều được hưởng lợi ích từ thành quả phát triển kinh tế - xã hội mang lại, từ ăn, ở, đi lại đến giáo dục -đào tạo, văn hoá, y tế, thể dục thể thao.
Thể hiện ở sự chuyển dịch tích cực lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo sang lao động công nghiệp - xây dựng, du lịch thương mại đã được đào tạo, giảm tỷ lệ người thất nghiệp ở đô thị xuống thấp; Phấn đấu giảm chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bằng sông Hồng với Ninh Bình, giữa thành thị với nông thôn và giữa miền núi với đồng bằng, tạo ra sự phát triển hài hoà, vững chắc trong tỉnh.
Điều đó còn thể hiện ở sự đảm bảo có được tốc độ và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội nhanh trong một thời gian dài, là cơ sở cơ bản để nâng cao mức sống, tạo động lực mới phát triển các ngành mũi nhọn là công nghiệp và du lịch của tỉnh. Đây cũng là những bảo đảm cơ bản và chắc chắn nhất để phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
d. Gắn bó chặt chẽ giữa phát triển kinh tế -xã hội với giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội
Đảm bảo sự gắn bó chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tạo dựng tốt môi trường dân chủ cơ sở để nhân dân nói chung hay cụ thể ở vùng tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo và giải quyết tệ nạn xã hội nhằm phát triển bền vững không những trong tỉnh mà còn đối với cả vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc tổ quốc.
1.2.2. Mục tiêu chuyển dịch
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nhằm mục đích đưa kinh tế-xã hội phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn. Phát huy tối đa mọi tiềm năng của Ninh Bình để thực hiện vượt các chỉ tiêu chính đã được xác định trong nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và trong kế hoạch hành động thực
hiện nghị quyết 54 của Chính phủ đối với vùng đồng bằng sông Hồng. Cụ thể là đưa Ninh Bình trở thành tỉnh nằm trong nhóm đứng đầu vùng đồng bằng Sông Hồng. Trên cơ sở đó thu hẹp được khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, đặc biệt là cơ cấu kinh tế và kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực giữa Ninh Bình so với cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng. Chủ động hội nhập mạnh mẽ với khu vực nhằm nâng mức sống của nhân dân trong tỉnh lên một cách rõ rệt. Giải quyết tốt những vấn đề xã hội, trong đó ưu tiên chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cùng giải quyết việc làm ở đô thị.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho phát triển các lĩnh vực có sức cạnh tranh, các ngành sản xuất hướng xuất khẩu, phát huy hiệu quả tỉềm lực sẵn có và các lợi thế so sánh, tích cực hội nhập, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ từ bên ngoài, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển tiếp theo. Tiếp tục đổi mới và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định nguồn nguyên liệu có chất lượng cao cho công nghiệp chế biến.
Đầu tư phát triển và mở rộng các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế tác, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ, coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn để phục vụ sản xuất và đời sống.
Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, trao đổi và giao lưu với các tỉnh khác dưới nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Duy trì
và phát huy tiềm năng xuất khẩu nhằm tăng nhanh hiệu quả đầu tư và sản xuất hàng hóa.
Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, để đến năm 2020 có đội ngũ lao động tay nghề, trình độ tiếp cận với khoa học hiện đại.
Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cần củng cố quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo đảm tự do tôn giáo đúng pháp luật. Thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm để làm cơ sở phát triển kinh tế -xã hội bền vững.