Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong công tác quản lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chiến lược nguồn nhân lực công ty điện lực hưng yên giai đoạn 2012 2016 (Trang 62 - 66)

nguồn nhân lực của Công ty Điện lực Hƣng Yên

2.4.1 Điểm mạnh

-Công ty có lực lượng lao động đông đảo, có sức trẻ, sức khoẻ. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra năng suất lao động và hiệu quả sản xuất cao.

-Đại đa số người lao động trong Công ty là những người lao động cần cù, chịu khó yêu nghề, có kinh nghiệm và giầu chất sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh điện.

-Người lao động có khả năng được thoả mãn về nhu cầu được làm việc, được cống hiến và thoả sức sáng tạo trong công việc được phân công theo năng lực trình độ, tay nghề.

-Thu nhập của người lao động trong Công ty tương đối ổn định và có phần cao so với các ngành nghề khác trong cùng địa bàn. Chế độ phúc lợi và đãi ngộ cho người lao động được thực hiện tốt thể hiện qua chế độ lương, thưởng, khám sức khoẻ định kỳ, chế độ điều dưỡng, thăm quan, nghỉ mát hàng năm...

2.4.2 Điểm yếu

-Trình độ người lao động trong toàn Công ty còn thấp. Lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao từ chuyên viên chính, kỹ sư chính trở lên rất ít, chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số lao động toàn Công ty (khoảng 0,5- 1,5 %).

-Ngành điện là một ngành kỹ thuật phức tạp, có nhiều công việc nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (trèo cao, kéo dây, dựng cột....) không thích hợp với lao động nữ nên khả năng thu hút lao động nữ vào những công việc đó khó khăn hơn.

-Một bộ phận không nhỏ người lao động có tư tưởng tự ti, sợ bị thay đổi vị trí công tác, thay đổi việc làm, và xu thế tự thoả mãn, bằng lòng với cái hiện có nên nhiều người lao động trong Công ty không muốn hoặc từ chối được cử đi học tập và đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, nhất là các khoá đào tạo dài hạn.

-Công tác tuyển dụng lao động vào Công ty chưa quan tâm nhiều và đúng mức đến chất lượng. Việc tuyển dụng lao động chủ yếu giải quyết tế nhị các mối quan hệ, đặc biệt là số con em cán bộ và người lao động của các đơn vị trong Công ty. Mặt khác, một “nguyên tắc bất thành văn” hầu như được áp

dụng, đó là trong đơn vị có bố hoặc mẹ đang công tác (hoặc chuẩn bị về hưu), thì “đương nhiên” được tiêu chuẩn để xét đưa con vào làm việc trong đơn vị, điều này đã tạo nên sự trông chờ, ỷ lại vào “tiêu chuẩn” của bố mẹ, hạn chế hoặc thậm chí còn thủ tiêu sự phấn đấu lao động được tuyển chọn.

-Bên cạnh đó, do là doanh nghiệp nhà nước nên Công ty không thể “phá rào” để có cơ chế ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút nhân tài như những doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài.

2.4.3 Những cơ hội

-Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, tình hình chính trị, xã hội ổn định. Nền kinh tế phát triển theo xu hướng mở cửa và hội nhập, tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tuyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng.

-Chính sách thu hút đầu tư, mở cửa của Nhà nước, của Tỉnh...đã tạo ra thị trường tiêu thụ điện năng lớn và ngày càng được phát triển. Mức sống xã hội ngày càng được nâng cao thì nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn tạo đà cho sự phát triển bền vững của Công.

-Công cuộc đổi mới với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn liền với những cơ chế quản lý mới của nền kinh tế, mà trong đó các doanh nghiệp được trao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, trong đó có Công ty Điện lực Hưng Yên đã được trao quyền tự chủ trong điều hành sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ trong đầu tư phát triển. Đây là cơ hội to lớn để Công ty Điện lực Hưng Yên tự khẳng định mình trong sự phát triển chung của ngành, của đất nước.

-Thông qua các cơ chế tài chính, thông qua hệ thống giá bán điện, nguồn nội lực của Công ty Điện lực Hưng Yên được tăng cường, khả năng tự đầu tư đã được tăng lên. Nguồn ngoại lực (chủ yếu là nguồn vốn) cũng đã và sẽ được tận dụng, thông qua việc vay vốn của các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới như WB, ADB, .. để tăng cường đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

-Khoa học công nghệ thế giới đã có những bước tiến nhảy vọt, nhiều thiết bị truyền tải và phân phối điện được chế tạo với công nghệ càng ngày càng cao, đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho ngành điện nói chung và đối với Công ty Điện lực Hưng Yên nói riêng có cơ hội tận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại vào trong hoạt động sản xuất- kinh doanh bán điện. Mặt khác, do là nước đi sau nên sẽ tránh được những sai lầm về công nghệ, sai lầm trong quản lý mà các nước tiên tiến đi trước đã mắc phải như vụ nổ nhà máy điện nguyên tử của Nga, Nhật Bản...Mặt khác, đây cũng sẽ là điều kiện tốt cho phép chúng ta lựa chọn những công nghệ vừa hiện đại, vừa thân thiện với môi trường, an toàn trong quá trình khai thác, vận hành.

2.4.4 Những thách thức

-Công tác kinh doanh điện năng vẫn còn là một trong những ngành kinh doanh độc quyền, không có đối thủ cạnh tranh, do đó đã tạo nên sự trì trệ, kém năng động… đã tạo nên rào cản, kìm hãm sự phát triển ngành điện theo hướng tiến bộ.

-Thiếu sự hoàn thiện của hệ thống pháp lý và tính không đồng bộ, không nhất quán trong ban hành các văn bản pháp luật về lao động: Các qui định về bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, trả lương, xử lý lao động dôi dư, trong điều kiện ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...

-Hệ thống tiền lương kém linh hoạt trong doanh nghiệp nhà nước nói chung và ngành điện nói riêng đã hạn chế trong việc kích thích người lao động và chưa phản ánh chính xác hiệu quả sử dụng lao động trong Công ty.

-Do chế độ tuyển dụng suốt đời (hợp đồng lao động không xác định thời hạn) đối với người lao động vẫn đang tồn tại đã tạo ra sự yên tâm, ỷ lại và dựa dẫm vào Công ty, không phát huy được tính năng động sáng tạo của người lao động trong sản xuất kinh doanh.

-Về thị trường và cạnh tranh: Hiện nay trong “thị trường điện” đang có sự cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất điện năng, nhất là khi Đảng và Chính phủ có chủ trương đa dạng hoá về đầu tư sản xuất và phân phối điện. Mặc dù hiện nay Công ty Điện lực Hưng Yên đang chiếm toàn bộ thị phần về phân phối điện năng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhưng xu thế những năm gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư xây dựng các nhà máy điện để tự cấp điện trực tiếp cho các khu vực họ tham gia đầu tư, với tốc độ phát triển khá nhanh và chiếm thị phần có giá điện cao. Do đó bắt buộc Công ty Điện lực Hưng Yên phải có định hướng mới trong thị trường cạnh tranh về lĩnh vực sản xuất và phân phối điện.

-Nguy cơ tụt hậu về trang thiết bị và trình độ quản lý. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể sau hơn một thập kỷ đổi mới, nhưng ngành công nghiệp điện nước ta vẫn ở mức phát triển thấp, nằm ở mức thấp nhất trong các nước đang phát triển. Sự lạc hậu của công nghiệp điện nước ta thể hiện rõ qua các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng, công nghệ và cả cơ chế quản lý.

Do đó buộc phải có sự thay đổi lại cơ cấu tổ chức quản lý của ngành điện nói chung và Công ty Điện lực Hưng Yên nói riêng cho phù hợp với xu thế hội nhập trong khu vực và hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chiến lược nguồn nhân lực công ty điện lực hưng yên giai đoạn 2012 2016 (Trang 62 - 66)