Xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực quản lý nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chiến lược nguồn nhân lực công ty điện lực hưng yên giai đoạn 2012 2016 (Trang 90 - 93)

Như đã phân tích tại Chương 2, công tác quản lý nguồn nhân lực của Công ty Điện lực Hưng Yên còn nhiều những tồn tại cần phải khắc phục do Công ty chưa xây dựng được hệ thống các chuẩn mực về công tác quản lý nguồn nhân lực. Hiện tại Công ty đã và đang áp dụng một số qui định của Nhà nước trong công tác quản lý nguồn nhân lực của mình, như:

-Văn bản qui định phân loại ngành nghề.

-Văn bản qui định tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức Nhà nước. -Văn bản qui định tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công việc. -Văn bản qui định tiêu chuẩn cấp bậc công nhân kỹ thuật.

Tuy nhiên đến nay, những văn bản này có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế thị trường và nó dần trở nên không kích thích người lao động làm việc có hiệu quả.

Mục đích:

Trên cơ sở những qui định hiện hành của Bộ Luật lao động, các Nghị định của Chính phủ, các qui định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hưng Yên cần chủ động nghiên cứu xây dựng và ban hành thành những qui định cụ thể phù hợp với thực tiễn

quản lý của Công ty, nhằm từng bước đưa hoạt động của các chức năng quản lý nguồn nhân lực như: tuyển dụng, đào tạo và phát triển, duy trì nguồn nhân lực trong Công ty đi vào nề nếp, có hiệu quả, bảo đảm sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn Công ty.

Chính sách cụ thể:

-Hoàn thiện và xây dựng các qui định có liên quan đến những chuẩn mực về công tác quản lý nguồn nhân lực:

+ Qui chế về công tác cán bộ.

+ Qui chế về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. + Qui chế thi đua khen thưởng.

+ Qui chế về tiền lương.

+ Qui chế về quản lý và sử dụng các quĩ…

-Xây dựng và ban hành Qui chế tuyển dụng.

Xây dựng các chính sách và Qui chế về tuyển dụng, trong đó cần cụ thể hoá các nội dung quan trọng bao gồm: các tiêu chuẩn cụ thể cho từng vị trí tuyển dụng, thủ tục tuyển dụng, quyền và nghĩa vụ của người tuyển dụng và đối tượng dự tuyển.

Các qui định cụ thể về thời gian tập sự, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ lễ, nghỉ ốm, nghỉ không hưởng lương, điều động, luân chuyển cán bộ...

-Thực hiện phân tích công việc và mô tả công việc:

Phân tích công việc là công tác mở đầu cho vấn đề tuyển dụng nhân sự, là cơ sở cho việc bố trí nhân sự phù hợp. Một nhà quản lý không thể tuyển chọn đúng nhân sự, đặt đúng người vào đúng công việc nếu không biết phân tích công việc. Do vậy có thể nói rằng phân tích công việc là một trong những công cụ quản lý nhân sự cơ bản nhất.

Khi phân tích công việc cần xây dựng hai tài liệu cơ bản là bản mô tả công việc và bản tiêu chuẩn công việc.

+Bản mô tả công việc: là văn bản liệt kê các chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ trong công việc, các điều kiện làm việc, yêu cầu kiểm tra, giám sát và các tiêu chuẩn cần đạt được khi thực hiện công việc. Bản mô tả công việc giúp cho chúng ta hiểu được nội dung, yêu cầu của công việc và hiểu được quyền hạn, trách nhiệm khi thực hiện công việc.

+Bản tiêu chuẩn công việc: là văn bản liệt kê những yêu cầu về năng

lực cá nhân như trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác, khả năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng khác và các đặc điểm cá nhân thích hợp nhất cho công việc. Bản tiêu chuẩn công việc giúp cho chúng ta hiểu được Công ty cần những người lao động như thế nào để thực hiện công việc một cách tốt nhất.

Trên cơ sở những qui định của pháp luật hiện hành, hệ thống các chuẩn mực sẽ xác định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động; những hành vi, những công việc, các mối quan hệ cụ thể đối với từng người lao động, từng vị trí công tác… đó là những cơ sở quan trọng và cơ bản để kiểm soát về số lượng và chất lượng lao động của từng người lao động ở những vị trí công tác cụ thể được giao, là căn cứ để xét thưởng phạt một cách công bằng, nghiêm minh. Đó cũng là cơ sở cho việc ký kết Hợp đồng lao động và cơ sở để người lao động khẳng định sự cam kết thực hiệt tốt công việc của mình được giao. Là căn cứ để đưa người lao động ở mọi vị trí làm việc vào kỷ luật, kỷ cương và nề nếp.

Việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực quản lý là việc cần thiết, các chuẩn mực phải được thể chế hoá thành các qui chế, qui định cụ thể, đây là cơ sở giúp cho các hoạt động chức năng của quản lý nguồn nhân lực đi vào nề nếp, vận hành hiệu quả, bảo đảm sử dụng đúng người, đúng việc, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, các chuẩn mực quản lý sẽ giúp cho các nhà quản lý trong Công ty thực hiện tốt việc đánh giá, phân loại cán bộ cũng như người lao động một cách tích cực, khách quan, tránh được tình trạng “cả nể”

hoặc do cảm tình cá nhân, làm mất đi tính trung thực và khách quan, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá nhận xét, trả lương, trả thưởng và các chế độ đãi ngộ khác cho người lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chiến lược nguồn nhân lực công ty điện lực hưng yên giai đoạn 2012 2016 (Trang 90 - 93)