1.3 .Các loại hình chiến lược sản phẩm
1.3.5 .Chiến lược bắt chước sản phẩm của đối thủ
Hướng bắt chước này thường được áp dụng phổ biến đối với các công ty nhỏ ở các nước đang phát triển do sự hạn chế về lực tài chính và công nghệ. Bắt chước thường đối với những sản phẩm mới của đối thủ đang được bán chạy trên thị trường với mức lợi nhuận hấp dẫn. Bắt chước sản phẩm của đối thủ có thể tiến hành theo hai cách sau:
Bắt chước nguyên mẫu sản phẩm của đối thủ
Theo cách này, doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng sản phẩm của đối thủ, không có sự sửa đổi nào. Cách này có cả ưu điểm và nhược điểm nhất định.
- Những ưu điểm:
Nhanh chóng có được sản phẩm mới để kịp thời cung cấp ra thị trường nhằm đảm bảo mục tiêu doanh số và lợi nhuận. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp nhỏ một khi chưa có sản phẩm mới để bổ sung cho sản phẩm lỗi thời đã bị loại bỏ.
Tiết kiệm được chi phí và thời gian nghiên cứu, triển khai sản phẩm mới. Để có sản phẩm mới, doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường, phải có khả năng công
nghệ, vốn đầu tư và tổ chức thực hiện. Đòi hỏi đó thực sự không dễ dàng ở các doanh nghiệp nhỏ.
Đảm bảo hiệu quả kinh doanh tương đối chắc chắn. Bởi lẽ, sản phẩm này đang được thị trường ưa chuộng và đang bán chạy.
- Những nhược điểm:
Thời gian tồn tại sản phẩm trên thị trường bị rút ngắn, vì chỉ khai thác hiệu quả trong thời gian còn lại của vòng đời sản phẩm.
Phải được phép của chủ sở hữu sản phẩm trên cơ sở hợp đồng thoả thuận, như hợp đồng cấp giấy phép (Licensing).
Doanh nghiệp phải trả cho chủ sở hữu một khoản tiền nhất định theo hợp đồng đã ký.
Bắt chước thường không đi được xa, như người ta thường kết luận như vậy. Thực tế cho thấy, bắt chước là cần thiết, đối với doanh nghiệp nhỏ, nhưng thường là giải pháp tình thế trước mắt, do khả năng có hạn của doanh nghiệp.
Bắt chước có đổi mới (sao chép thông minh)
Theo cách này, doanh nghiệp bắt chước ý tưởng, những chức năng chung về cấu trúc sản phẩm và đổi mới một số chi tiết cụ thể.
Để tiến hành cách này, doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, sau đó giải phẫu sản phẩm, phân tích đánh giá và từ đó sẽ xác định cụ thể những chi tiết đổi mới. Như vậy, định hướng bắt chước có đổi mới cũng có những ưu, nhược điểm sau:
- Những ưu điểm:
Bớt được sự ràng buộc của chủ sở hữu sản phẩm. Chất lượng được nâng cao theo hướng hoàn thiện hơn. Kéo dài được thời gian tồn tại của sản phẩm trên thị trường. Thâm nhập thị trường chắc chắn và mang lại hiệu quả cao hơn. - Những nhược điểm:
Doanh nghiệp phải có khả năng nhất định về (nghiên cứu, công nghệ, tài chính, tổ chức quản lý,...).
Không có ngay được sản phẩm để đưa ra thị trường nhằm duy trì mục tiêu doanh số và lợi nhuận, cho nên cần có chương trình Marketing chủ động.
Nhìn chung, mỗi định hướng, mỗi cách tiếp cận đề có cả hai mặt của vấn đề:
ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên hướng thứ hai là hướng tích cực hơn, ưu điểm
vẫn là cơ bản (Nguồn: Nguyễn Mạnh Tuân, 2010).