3.1.1. Quá trình hình thành phát triển
Công ty Honda Việt Nam được chính thức thành lập năm 1996, là công ty liên doanh giữa Công ty Honda Motor Nhật Bản (42%), Công ty Asian Honda Motor Thái Lan (28%) và Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (30%). Công ty được thành lập theo giấy phép đầu tư số 1521/GP do Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp vào ngày 22 tháng 3 năm 1996.
Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất, lắp ráp xe gắn máy nhãn hiệu Honda, phụ tùng xe gắn máy và cung cấp các dịch vụ bảo hành sửa chữa xe gắn máy, thời hạn hoạt động 40 năm.
Trụ sở chính của Công ty đặt tại xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Vốn đầu tư 290,427,084 USD, lực lượng lao động 3.560 người, và công suất 1 triệu xe hàng năm. Nhà máy này được đánh giá là một trong những nhà máy chế tạo xe máy hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhà máy của HVN là minh chứng cho ý định đầu tư nghiêm túc và lâu dài của Honda tại thị trường Việt Nam. Công ty có một chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng Việt Nam, HVN quyết định đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng tại thị trường Việt Nam. Với vốn đầu tư 65 triệu USD, lao động 1.375 người. Tháng 8 năm 2008, nhà máy xe máy thứ hai chuyên sản xuất xe tay ga và xe số cao cấp với công suất 500,000 xe/năm đã được khánh thành. Điều đặc biệt của nhà máy xe máy thứ 2 chính là yếu tố “thân thiện với môi trường và con người”. Theo đó, nhà máy này được xây dựng dựa trên sự kết hợp hài hòa và hợp lý nhất các nguồn năng lượng tự nhiên là: gió, ánh sáng và nước.
Ngày 10/11/2014, Công ty HVN chính thức khánh thành nhà máy xe máy thứ ba tại khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ của thị trường xe máy Việt Nam. Nhà máy có diện tích hơn 270.000 m2, cách thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Nam, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 120 triệu USD. Công suất thiết kế của nhà máy xe máy thứ 3 đạt 500.000 xe/năm. Nhà máy được thiết kế hướng tới mục tiêu thân thiện với môi trường và con người, các công nghệ tiên tiến nhất của Honda trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo xe máy sẽ được áp dụng vào nhà máy. Nhà máy bao gồm 07 phân xưởng: phân xưởng lắp ráp cụm động cơ, phân xưởng lắp ráp xe hoàn thành, phân xưởng đúc phụ tùng động cơ, phân xưởng gia công phụ tùng động cơ, phân xưởng gia công ép nhựa, phân xưởng sơn và phân xưởng hàn. Nhà máy xe máy hoạt động theo hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001 và tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001.
3.1.2. Cơ cấu tổ chức, đặc điểm văn hoá kinh doanh công ty
Cơ cấu tổ chức: Công ty Honda Việt Nam được chia tách thành hai khối xe
máy và ôtô, trừ các phòng phục vụ chung như: kế toán, hành chính nhân sự, phòng lái xe an toàn, phòng đối ngoại, phòng cung ứng, v.v.... , những phòng ban chung này có người chuyên trách công việc phục vụ chung hoặc riêng cho từng khối. Hai khối xe máy, ôtô phụ trách riêng các bộ phận của mình, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Với mô hình hoạt động trên, làm cho công ty vừa có sự linh động vừa có sự chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý, và tổ chức. Điểm nổi bật ở đây là việc ra quyết định, ra chính sách cho hoạt động kinh doanh xe máy, hoặc ôtô hoàn toàn độc lập với nhau và hiệu quả với sự hỗ trợ của bộ phận kinh doanh xe máy, hoặc ôtô từ Honda Motor Nhật Bản, hoặc từ Honda Thái Lan.
Đặc điểm văn hoá kinh doanh công ty: HVN có triết lý kinh doanh sâu
sắc, đó là triết lý của Honda toàn cầu. Điều đó được hiểu như sứ mệnh của công ty trong sự nghiệp kinh doanh. Là hình ảnh của công ty trong ngành và trong xã hội. Nó có ý nghĩa như mục tiêu phát biểu, xuyên suốt, có ý nghĩa định hướng cho công ty trong cả một thời kì phát triển rất dài. Thông qua triết lí kinh doanh công ty tôn vinh một hệ giá trị chủ đạo xác định nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến công ty. Hơn nữa triết lí kinh doanh còn có ý nghĩa như một thương hiệu, bản sắc của Honda.
Những mối quan hệ: công ty – xã hội; công ty – khách hàng; công ty – các công ty đối tác; cấp trên - cấp dưới thường nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối. Để giải quyết mâu thuẫn, Honda tìm cách mở rộng đường tham khảo giữa các bên, tránh gây ra những xung đột đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra các quyết định trên tinh thần giữ chữ Tình trên cơ sở hợp lí đa phương.
HVN chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng tốt con người. Có nhiều hình thức đào tạo: đào tạo nước ngoài, tổ chức đào tạo theo lớp, đào tạo từ trong hoạt động công việc hàng ngày. Việc sử dụng người luân chuyển và đề bạt từ dưới lên cũng là một hình thức giúp cho nhân viên hiểu rõ yêu cầu và đặc thù của từng vị trí để họ xác định cách hợp tác tốt với nhau, hiểu được qui trình chung và trách
nhiệm về kết quả cuối cùng, cũng như thuận lợi trong điều hành sau khi được đề bạt. Cách thức ấy cũng làm cho các tầng lớp, thế hệ hiểu nhau, giúp đỡ nhau và cho mọi người cơ hội gắn mình vào một lộ trình công danh rõ ràng trong doanh nghiệp. Cùng với sự lớn mạnh của công ty Honda đội ngũ nhân lực của công ty HVN cũng ngày càng gia tăng.
Công ty đề ra, tuân thủ, thực hiện các chính sách quản lý chất lượng ISO 9000, quản lý môi trường ISO 140000. Năm 2007, nhà máy ôtô đạt được chứng chỉ ISO 9000 và nhà máy xe máy đã đạt chứng chỉ này nhiều năm trước thông qua công ty đánh giá chất lượng BVQI. Năm 2008, Honda Việt Nam cũng triển khai hệ thành công và nhận chứng chỉ ISO 14000 cho nhà máy ôtô HVN thông qua BVQI. Sau đó một năm, các đại lý của HVN cũng triển khai và nhận chứng chỉ ISO 14000 này. Việc đưa ra thực hiện, tuân thủ các chính sách này chính là cam kết của HVN với toàn bộ khách hàng, các cơ quan nhà nước, các nhân viên về thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài, đưa ra những sản phẩm tốt nhất theo đúng quy trình chất lượng, và đáp ứng được cái tiêu chí về môi trường.
Trong công ty, môi trường làm việc công ty còn thực hiện chính sách 5S Chính sách 5S đảm bảo cho công ty, môi trường làm việc, nhà kho, tổ chức tài liệu gọn gàng, đạt hiệu quả sử dụng cao, bảo vệ môi trường. Công ty còn áp dụng công cụ cải tiến KAIZEN, KAIZEN là cách tiếp cận mang tính triết lý và có hệ thống, được Nhật Bản phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2. Trong tiếng Nhật, Kaizen được ghép từ “Kai” – ”thay đổi” hay “làm cho đúng” và “zen” - “tốt”, nghĩa là “cải tiến liên tục”. KAIZEN là sự tích lũy các cải tiến nhỏ thành kết quả lớn, tập trung vào xác định vấn đề, giải quyết vấn đề và thay đổi chuẩn để đảm bảo vấn đề được giải quyết tận gốc. Do đó, KAIZEN còn hơn một quá trình cải tiến liên tục, với niềm tin rằng sức sáng tạo của con người là vô hạn. Qua đó, tất cả mọi thành viên trong tổ chức từ lãnh đạo đến công nhân đều được khuyến khích đưa ra đề xuất cải tiến dù là nhỏ xuất phát từ những công việc thường ngày.