Kinh nghiệm của một số nước trong quản lý đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao tại học viện nông nghiệp việt nam (Trang 36 - 41)

Những thập kỷ qua, các nước đã tập trung cải cách giáo dục đào tạo, đổi mới công tác quản lý đào tạo đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Điều đó đã trở thành một trong các yếu tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh và phát triển ở các nước.

1.4.1. Kinh nghiệm quản lý đào tạo đại học ở Singapore

Quản lý nhà nước đối với đào tạo đại học ở Singapore tiếp cận theo hướng gắn chất lượng cơ sở giáo dục đại học với cơ chế phân bổ tài chính và trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Với việc thực hiện mô hình “phát triển kinh tế - xã hội định hướng nhà nước”, chất lượng giáo dục đại học của Singapore được quan niệm là phát triển nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và thị trường lao động toàn cầu. Để quản lý chất lượng giáo dục đại học, Quốc hội Singapore đã ban hành luật riêng để các trường chủ động hoạt động theo pháp luật đồng thời quy định cam kết về chất lượng giáo dục đại học của hệ thống giáo dục đại học. Bộ Giáo dục giữ vai trò xây dựng chính sách và đảm trách hướng dẫn tiêu chuẩn điều hành, trình độ tuyển sinh, sự chi trả của sinh viên...

Nhà nước trao quyền tự chủ cho trường đại học ở mức độ khác nhau. Các trường tự chủ hoạt động, tự quản, và trao văn bằng. Các trường công được tự chủ quản lý công việc nội bộ nhưng tư cách pháp lý bị giới hạn.

Nhà nước giữ vai trò tài trợ chính, chiếm tỷ lệ 75% trong tổng nguồn thu của các trường. Hội đồng trợ cấp đại học có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng về việc phân bổ ngân sách và nguồn lực. Để tăng tính tự chủ và hiệu quả sử dụng tài chính, nhà nước áp dụng nguyên tắc phân bổ theo định hướng dựa trên thực tiễn. Việc tài trợ nghiên cứu theo định hướng thành tích, chất lượng giáo dục và kinh phí hoạt động thì được cấp theo hình thức “cả gói”.

Đặc biệt, nhà nước cho phép các trường đại học thuê các nhà quản lý (giám đốc, hiệu trưởng) nhưng kèm theo đó là các yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế và chuyển giao công nghệ quản lý. Đồng thời, cho phép và khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp trong trường trường đại học, xây dựng bản sắc riêng của các trường để cạnh tranh, nhất là trao quyền mạnh cho một số trường

để có thể hoạt động như các tập đoàn hay như các công ty phi lợi nhuận hữu hạn được đảm bảo thông qua các luật riêng từ năm 2005.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Singapore thực hiện giám sát và khuyến khích trách nhiệm xã hội thông qua nhiều hình thức như quản lý chương trình; áp dụng “khung trách nhiệm”. Khung trách nhiệm được xem như bản cam kết trách nhiệm mang tính pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục đại học của trường đại học.

Việc bảo đảm trách nhiệm xã hội được thực hiện không chỉ dựa vào ý thức trách nhiệm hay cam kết tự nguyện mà cần dựa trên cả một hệ thống pháp lý để duy trì và thúc đẩy. Việc xây dựng cơ chế và quy định buộc các trường công khai kết quả kiểm định tài chính, chất lượng hay kết quả xếp hạng trường cho các bên có liên quan là một phương thức đảm bảo trách nhiệm giải trình phổ biến. Việc quy định các trường tự đánh giá và công khai sự phù hợp của các chương trình đào tạo với thị trường lao động và mục tiêu quốc gia cũng là cách bảo đảm trách nhiệm được thực hiện.

1.4.2. Kinh nghiệm quản lý và phát triển giáo dục của Hàn Quốc

Để chuẩn bị cho thế kỷ XXI, Hàn Quốc đã xác lập các mục tiêu cho giáo dục là: nhân đạo, sự trong sạch, công nghệ thông tin, phúc lợi con người và tinh thần cởi mở. Giáo dục giúp cho mỗi trẻ em trở thành một con người tự lập với tinh thần độc lập, một con người sáng tạo độc đáo và một con người đạo đức và tinh thần dân chủ. Những mục tiêu và định hướng ấy được thể hiện thông qua các đặc trưng sau của giáo dục Hàn Quốc:

Thứ nhất, Hàn Quốc thực sự coi giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phồn vinh của quốc gia. Nhà nước nêu khẩu hiệu “sự phồn vinh của quốc gia dựa trên giáo dục” và có kế hoạch cụ thể để đưa khẩu hiệu này vào thực tế.

Thứ hai, Hàn Quốc có hệ thống luật chi tiết để quản lý, điều hành hệ thống giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Luật nguyên tắc giáo dục, luật giáo dục sơ học và trung học, luật giáo dục đại học, luật giáo dục không chính quy, luật trợ giúp mẫu giáo, luật giáo dục học sinh năng khiếu, luật tự học...

Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở Hàn Quốc. Chính phủ thành lập Bộ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, Hàn Quốc cử một Phó Thủ tướng trực tiếp làm Bộ trưởng (Ở Hàn Quốc có hai loại Bộ, loại một do các Phó thủ tướng trực tiếp làm Bộ trưởng là Bộ Tài chính và Bộ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực).

Thứ tư, xu hướng đổi mới trong quản lý giáo dục là tăng cường phân cấp, chuyển nhiều quyền hạn cho các cơ quan quản lý địa phương và trường học.

1.4.3. Kinh nghiệm quản lý tự chủ đại học của Thái Lan

Ngay từ những năm 1990, kế hoạch tầm xa đầu tiên cho giáo dục đại học (1990-2004) quy định các trường đại học, cao đẳng công lập trong tương lai sẽ được thiết lập phải là những trường đại học, cao đẳng tự chủ ngay từ đầu trong khi các trường đại học công lập hiện tại cần phải được hợp nhất trong vòng 10 năm nữa. Hiện nay, ngoài những trường đại học, cao đẳng đã tự chủ, pháp luật đang xem xét chuyển tiếp các trường còn lại thành trường tự chủ.

Để quản lý chất lượng giáo dục đại học, Thái Lan áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục tương đối sớm từ năm 90 của thế kỷ XX. Việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Thái Lan được thực hiện thông qua hệ thống kiểm tra của nhà nước, kiểm toán chất lượng bên ngoài và kiểm định công nhận. Chú trọng các mục tiêu giáo dục đại học, sự thực hiện các kết quả hay chỉ số học tập và cải tiến chất lượng. Cơ cấu đảm bảo chất lượng gồm hai mảng độc lập nhưng gắn kết chặt chẽ với nhau: Đảm bảo chất lượng bên trong do Bộ Công tác Đại học (Ministry of University Affairs) quản lý, còn đảm bảo

chất lượng bên ngoài do Cục Tiêu chuẩn giáo dục và Đánh giá chất lượng quốc gia (Office for educational standards and Quality Assessment) quản lý.

Chức năng của Bộ Công tác đại học là đẩy mạng phong trào chất lượng trong toàn quốc như xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng hoạt động thường xuyên, hỗ trợ các trường nghiên cứu về bảo đảm chất lượng quốc tế, xã hội hóa công tác bảo đảm chất lượng, liên kết các trường, các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế. Bộ Công tác đại học yêu cầu các trường phải có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong gồm: sứ mệnh, mục tiêu, kế hoạch; giảng dạy và học tập; các hoạt động động vui chơi giải trí của sinh viên; nghiên cứu; dịch vụ giáo dục phục vụ xã hội; giữ gìn văn hóa; quản lý hành chính; ngân sách; đảm bảo và nâng cao chất lượng.

1.4.4. Kinh nghiệm quản lý tự chủ đại học ở Nhật Bản

Luật giáo dục nhà trường sửa đổi đã được ban hành cho phép các nhà trường linh hoạt hơn trong việc cải tổ cơ cấu tổ chức và quản lý các khoa và đơn vị nghiệp vụ cùng với hệ thống đánh giá ba bên được triển khai (Nhà trường - Nhà nước và các Tổ chức xã hội - nghề nghiệp). Theo Luật này, nhà trường đại học được tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo luật định việc cấp các văn bằng, chứng chỉ các chương trình đào tạo của nhà trường nhằm giảm bớt việc quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT). Năm 2004, toàn bộ 86 trường Quốc lập của Nhật Bản chuyển sang mô hình tự chủ, từ mô hình National University chuyển sang mô hình National University Corporation.

Thực hiện Tự chủ đại học ở Nhật Bản, Đại học, trường đại học được tự chủ sử dụng kinh phí chi hoạt động thường xuyên, được tự quyết định mức học phí, được tự quyết định biên chế (số giảng viên và cán bộ hành chính), thành lập Khoa mới và mở chương trình đào tạo mới, thành lập hoặc xóa bỏ Trường và Viện thành viên (với mô hình đại học 2 cấp như Đại học Tokyo).

Tuy nhiên, các trường Đại học Nhật Bản không được làm khi tự chủ là: chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo các trường không được tự quyết định. Trước tự chủ, các trường đại học xin cấp ngân sách cho biên chế giảng viên và cán bộ hành chính; xin chỉ tiêu tuyển sinh. Sau tự chủ, Bộ Giáo dục Nhật Bản tiếp tục quản lý chặt số sinh viên, học viên thạc sỹ, nghiên cứu sinh. Trong trường hợp thành lập khoa mà cần tăng tổng số sinh viên của trường thì nhất thiết phải xin Bộ Giáo dục như trước khi tự chủ hóa. Nếu trường hợp thành lập khoa mà không cần xin thêm chỉ tiêu tuyển tăng sinh viên của trường thì có thể tự quyết định việc thành lập khoa mới. Với mô hình đại học 2 cấp như Đại học Tokyo, việc thành lập các khoa mới của các trường thành viên do Đại học Tokyo phê duyệt. Như vậy mặc dù tự chủ, nhưng quy mô sinh viên là tham số được Nhà nước quản lý chặt chẽ và điều tiết.

Trong quá trình tự chủ đại học ở Nhật Bản, Nhà nước vẫn cấp kinh phí chi thường xuyên cho các trường, nhưng hàng năm, ngân sách hỗ trợ hoạt động thường xuyên bị cắt giảm 1%, và tinh giản biên chế khoảng 1% mỗi năm. Nhờ có chính sách tự chủ đại học, các trường đại học quốc lập đã phát huy cao nhất sự năng động, sáng tạo và tính linh hoạt trong các hoạt động, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy khoa học công nghệ và kinh tế phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao tại học viện nông nghiệp việt nam (Trang 36 - 41)