Các yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Trang 36 - 39)

1.2. ĐẶC ĐIỂM HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH

1.2.2.1.Các yếu tố khách quan

Các yếu tố khách quan là các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp như khách hàng, các đối thủ cạnh tranh, luật pháp, chính trị... Và doanh nghiệp không thể điều khiển chúng theo ý muốn của mình. Doanh nghiệp chỉ có thể cố gắng thích ứng một cách tốt nhất với xu hướng vận động của chúng. Nếu không doanh nghiệp không những không phát triển được thị trường, nâng cao được vị thế của mình mà còn có thể bị mất thị phần hiện tại hoặc bị đào thải khỏi thị trường.

a. Khách hàng và các yếu tố thuộc về văn hoá xã hội.

Đây là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quyết định đến khả năng tiêu thụ hàng hoá nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Như ta đã biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là những sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng thông thường mà còn có tính nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng. Chính vì vậy đời sống được nâng cao đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm này. Ở những nước có nền kinh tế phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nhu cầu về hàng thủ công mỹ nghệ khá lớn.

Khả năng tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn rộng mở hơn nhất là khi người tiêu dùng đang có xu hướng bảo vệ thiên nhiên, trở về gần gũi với thiên nhiên thông qua việc sử dụng các sản phẩm được làm từ chất liệu tự nhiên như các đồ dùng mây, tre, cói, đay thay cho các sản phẩm từ plastic, thuỷ tinh, sợi nhân

tạo... Mặt khác, sự phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá cũng góp phần đẩy mạnh tiêu thụ, truyền bá, giới thiệu mặt hàng này tới những thị trường giàu tiềm năng.

Tóm lại, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi dự định đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nào, doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú ý đến các yếu tố văn hoá – xã hội của thị trường đó.

Trước hết, doanh nghiệp nên xem xét đến yếu tố truyền thống, tập quán sử dụng hàng hóa của mỗi thị trường. Ở châu Âu, nhiều gia đình thường sử dụng thảm để trải sàn, một số nước Đông Âu lại hay sử dụng các sản phẩm thêu ren, còn ở Nhật, Hàn Quốc, người dân rất ưa chuộng những vật phẩm bằng mây, tre, cói... Chính những tập quán sử dụng này sẽ là gợi ý cho doanh nghiệp nên kinh doanh mặt hàng gì ở thị trường nào.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến quy mô dân số của thị trường tiêu thụ vì nó sẽ ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm có thể tiêu thụ được... Thông thường quy mô dân số càng lớn thì khả năng tiêu thụ càng lớn và ngược lại. Doanh nghiệp cần phân ra khách hàng của mình thành các nhóm theo các tiêu thức khác nhau như độ tuổi, cơ cấu gia đình và nhóm các tổ chức, từ đó, xem xét quy mô của mỗi nhóm. Cũng như những mặt hàng khác, khả năng tiêu thụ của hàng thủ công mỹ nghệ cũng phụ thuộc vào thu nhập, mức sống và địa vị xã hội của người tiêu dùng. Tuỳ theo khả năng tài chính, vị trí xã hội của mình mà người tiêu dùng lựa chọn loại sản phẩm với chất lượng, cách thức phục vụ.

b. Môi trường cạnh tranh

Khi cung ứng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra thị trường thế giới, doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhiều đối thủ: các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở nước đó, các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia khác và các doanh nghiệp cùng nước với nhau.

Sự cạnh tranh ở cấp độ đầu tiên diễn ra với các sản phẩm công nghiệp có cùng công dụng: đó là sự cạnh tranh giữa các sản phẩm với nhau để cùng thoả mãn một mong muốn. Các sản phẩm công nghiệp do được sản xuất bằng máy móc thiết

bị, sản xuất hàng loạt nên có chất lượng đồng đều, tốt, giá thành lại rẻ, kiểu dáng cũng đa dạng. Do đó, cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm thủ công thường lấy cái truyền thống để cạnh tranh với cái hiện đại. Hầu hết các quốc gia đều có những ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó phổ biến là nghề gốm, đan lát, dệt, đúc tạc... Thế nhưng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các quốc gia có sự khác biệt dù chúng cùng thuộc một ngành. Sự khác biệt này thể hiện qua hình dáng, hoa văn sản phẩm và được xuất phát từ các quan niệm nhân sinh quan, các tư tưởng, phong tục tập quán khác nhau giữa các dân tộc. Vì vậy, trên thị trường quốc tế sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ các quốc gia khác nhau là sự cạnh tranh về sự độc đáo, về văn hoá biểu hiện qua sản phẩm.

Ngoài ra, khi xuất khẩu sang một thị trường, doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với những doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, có một số nước mà các sản phẩm của họ không khác biệt nhiều so với của Việt Nam. Lúc này, sự cạnh tranh diễn ra ở cấp độ gay gắt hơn và các doanh nghiệp thường phải sử dụng các biện pháp cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, dịch vụ.

Tuỳ theo số lượng đối thủ trên thị trường mà người ta xác định mức độ khốc liệt của cạnh tranh. Cạnh tranh ngày càng gay gắt, khả năng chiếm lĩnh phát triển thị trường của doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Cho nên doanh nghiệp cần xác định trạng thái cạnh tranh trên thị trường là cạnh tranh thuần tuý, hỗn tạp, hay cạnh tranh độc quyền để xác định vị thế của mình và của các đối thủ. Từ đó, tính chất, độ đa dạng, giá cả của sản phẩm cũng như quy mô khối lượng doanh nghiệp cung ứng ra thị trường sẽ được quyết định.

c. Môi trường chính trị, luật pháp.

Yếu tố chính trị có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Môi trường chính trị trong nước cũng như ở thị trường xuất khẩu ổn định là điều kiện thuận lợi để cho doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, yếu tố luật pháp cũng như các quy định của chính phủ là các yếu tố doanh nghiệp buộc phải tuân theo nên chúng chi phối nhiều tới khả năng mở rộng thị trường của doanh nghiệp.

d. Môi trường kinh tế.

Các yếu tố tốc độ phát triển kinh tế, tình hình lạm phát, sự ổn định tỷ giá, hệ thống thuế thuộc môi trường kinh tế là các yếu tố chủ yếu tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nền kinh tế của quốc gia đó tăng trưởng hay giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân qua thu nhập và cách phân bổ thu nhập, tác động tới khả năng mở rộng hay thu hẹp quy mô thị trường của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ta còn có thể kể đến một số yếu tố thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu, tăng thị phần của doanh nghiệp như yếu tố khoa học công nghệ, môi trường sinh thái, địa lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Trang 36 - 39)