1.1.2 .Vai trò của hoạt động biên mậu Việt Nam Trung Quốc
1.1.2.2 .Vai trò của hoạt động biên mậu đối với Trung Quốc
1.2. Những nhân tố thúc đẩy hoạt động biên mậu
1.2.2.2. Chính sách phát triển biên mậu của Việt Nam
Tháng 1/1991, hai nước Việt Nam- Trung Quốc đã thống nhất “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”- bắt đầu thời kỳ bình thường hoá và mở cửa.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 7/11/1991, Chính phủ hai nước đã ký “Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc trên biên giới”. Sau Hiệp định, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã phê duyệt mở 21 cặp cửa khẩu với Trung Quốc.
Được sự uỷ nhiệm của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, chính quyền các tỉnh biên giới đã thành lập các đoàn đại biểu tổ chức hội đàm để cụ thể hoá những vấn đề qua lại biên giới, trao đổi hàng hoá, hợp tác đầu tư kinh tế kỹ thuật.
Thực hiện bình thường hoá quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, ngoài việc ký Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc trên biên giới hai nước, Chính phủ ta và Chính phủ nước CHND Trung Hoa đã ký tiếp một số Hiệp định khác liên quan đến thương mại nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác thân thiện và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi như:
- Hiệp định Thương mại Việt Nam- Trung Quốc ngày 7/11/1991.
Hiệp định quy định hình thức buôn bán chính ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc phải “được thực hiện thông qua các hợp đồng ký kết giữa các công ty ngoại thương và các thực thể kinh tế khác có quyền kinh doanh ngoại thương của Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc, theo luật pháp của mỗi nước và theo tập quán thương mại quốc tế”.
Đối tượng tham gia hình thức này về phía Việt Nam là “các Công ty và các thực thể kinh tế được Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu”, về phía Trung Quốc là các Công ty và các thực thể được Bộ Kinh tế và Mậu dịch Trung Quốc cấp giấy phép xuất nhập khẩu”. Hình thức và nội dung hợp đồng, phương thức giao nhận và vận chuyển, phương thức và đồng tiền thanh toán đều phải theo thông lệ và tập quán quốc tế. Cũng giống như mọi hợp đồng xuất nhập khẩu, nó chỉ có hiệu lực khi được Bộ Thương mại phê chuẩn và cấp giấy phép xuất nhập khẩu.
- Ngày 10/9/1994, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Điều lệ số 391/TTg về Quản lý mậu dịch tiểu ngạch khu vực biên giới Việt- Trung. Điều lệ quy định 28 cặp địa điểm làm thị trường buôn bán, trao đổi hàng hoá của cư dân khu vực biên giới thuộc 5 tỉnh biên giới phía Bắc là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Về hàng hoá, ngoài danh mục hàng cấm xuất, cấm nhập, đối với các hàng hoá khác, cư dân biên giới được phép xuất nhập khẩu và được miễn thuế. Chỉ có một loại hàng được phép xuất khẩu nhưng phải chịu thuế (động vật và sản phẩm động vật) và 3 loại hàng được
phép nhập khẩu có thuế (thức ăn, sách báo, đồ dùng cho sinh hoạt hàng ngày). Thuế suất chung là 20%. Hạn mức hàng hoá mỗi ngày xuất hay nhập ở biên giới trị giá không được quá một triệu Nhân dân tệ hay số tiền Việt Nam tương ứng. Về chủ thể kinh doanh, Điều lệ quy định: “đối tượng làm xuất nhập khẩu tiểu ngạch là người buôn bán có hộ khẩu thường trú tại các xã giáp biên giới” và “trị giá hàng hoá mỗi lần xuất hoặc nhập không vượt quá 500.000 VNĐ, tương đương trị giá của 200kg gạo tẻ theo thời giá”.
- Nghị định số 02/2000/CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Theo nghị định này, đối tượng tham gia xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới trên bộ với Trung Quốc được mở rộng tới tất cả thương nhân Việt Nam là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, kể cả các hộ kinh doanh cá thể.
Căn cứ các văn bản trên, các ngành chức năng hữu quan và UBND các tỉnh biên giới đã phối hợp với các tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc mở các đường mòn và tổ chức các chợ biên giới để cư dân hai bên khu vực biên giới qua lại thăm thân và trao đổi hàng hoá phục vụ cho nhu cầu sản xuất đời sống hàng ngày.
Để đưa các hoạt động mậu dịch biên giới đi vào nề nếp, tạo sức hấp dẫn các thương nhân Trung Quốc sang buôn bán tại Việt Nam, phát huy lợi thế so sánh và tạo động lực để phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh vùng biên, Chính phủ cho phép Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai được áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực kinh tế cửa khẩu (Quyết định số 675/QĐ- TTg ngày 18/6/1996; Quyết định số 748/QĐ- TTg ngày 11/9/1997; Quyết định số 100/QĐ- TTg ngày 26/5/1998; Quyết định số 771/QĐ- TTg ngày 9/9/1998), Bộ Thương mại đã ban hành qui chế tạm thời về việc tổ chức và quản lý chợ biên giới Việt- Trung, qui chế về cửa hàng kinh doanh miễn thuế.
Việc ký kết Hiệp định về mua bán hàng hoá ở vùng biên giới ngày 19/10/1998 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa, cùng với Nghị định số 57/1998/NĐ- CP ngày 31/7/1998 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại và Quyết định số 46/QĐ- TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2001- 2005; Nghị định số 02/2000/NĐ- CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc, Quyết định số 140/2000/QĐ- TTg ngày 8/12/2000 về việc ban hành qui chế quản lý tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam… khối lượng và chủng loại hàng hoá không còn bị hạn chế (trừ những mặt hàng cấm xuất khẩu và cấm nhập khẩu), đối tượng tham gia xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới trên bộ được mở rộng đến tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật, kể cả các hộ kinh doanh cá thể, phương thức thanh toán cũng linh hoạt hơn nhưng phải phù hợp với các quy định của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
- Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền qui định:
Cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi chung là cửa khẩu biên giới) bao gồm: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ, được mở trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa trong khu vực biên giới theo Hiệp định về Quy chế biên giới đã được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước láng giềng để thực hiện việc xuất, nhập và qua lại biên giới quốc gia.
Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam, nước láng giềng và nước thứ ba xuất, nhập qua biên giới quốc gia.
Cửa khẩu chính được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam và nước láng giềng xuất, nhập qua biên giới quốc gia.
Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam và nước láng giềng ở khu vực biên giới, vùng biên giới qua lại biên giới quốc gia.
- Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT- BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31-1-2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg có những nội dung chính như sau:
+ Thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới, thanh toán trong mua bán hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện bằng đồng Việt Nam (VNĐ), đồng tiền của nước có chung biên giới. Trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, chỉ được thực hiện với những đối tượng thu ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Đối với hàng hoá buôn qua biên giới: phải nộp thuế và lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật. Định mức hàng hoá miễn thuế nhập khẩu không quá 2.000.000VNĐ/1 người/1ngày được áp dụng cho các đối tượng nếu hội đủ các tiêu chí : (1) Là cư dân biên giới Việt Nam hoặc cư dân biên giới của 3 nước có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia) qua lại biên giới xuất trình chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp. (2) Hàng hoá được sản xuất tại nước có chung biên giới. Hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba không được hưởng định mức miễn thuế này.
+ Chủ thể được mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới: Công dân có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới của Việt Nam và của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được mua bán, trao đổi các mặt hàng phù hợp với quy định về hàng hoá buôn bán qua biên giới.
+ Chủ thể Việt Nam được xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới bao gồm: (1) Thương nhân Việt Nam; (2) Hộ kinh doanh thuộc các tỉnh biên giới
được thành lập đăng ký theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
+ Chủ hàng, người điều khiển phương tiện hàng hoá, nhân viên phục vụ trên xe, tàu, thuyền phải có một trong các giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Hộ chiếu, Chứng minh thư biên giới, Giấy thông hành biên giới, hoặc các giấy tờ qua lại biên giới khác theo quy định của pháp luật.
+ Bộ Công thương chỉ đạo việc quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới. Các Bộ, ngành liên quan cử đại diện tham gia Ban chỉ đạo thương mại biên giới thuộc Bộ Công thương. Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới chịu trách nhiệm tổ chức quản lý điều hành mọi hoạt động thương mại biên giới trên khu vực biên giới thuộc địa phương mình quản lý; thực hiện nghiêm minh cơ chế phối hợp liên ngành về quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới; Giao sở quản lý chuyên ngành về hoạt động thương mại tại tỉnh là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý thương mại biên giới; Chịu sự chỉ đạo về quản lý thương mại biên giới của Ban chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới và các Bộ, ngành liên quan.
Từ trước tới nay, trong nhận thức và quan điểm của rất nhiều người bao gồm cả lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương chưa coi trọng biên mậu, thậm chí một số người còn nhận thức sai lầm coi biên mậu đồng nghĩa với buôn lậu. Chúng ta vẫn gọi “chính ngạch, tiểu ngạch”; “trao đổi của cư dân biên giới”; có khi quy định đối tượng, cửa khẩu, mặt hàng, khối lượng, giá trị… song vẫn không rõ ràng, chưa có cách hiểu thống nhất giữa các ngành, dẫn đến những khó khăn trong quản lý, trong đó có việc xác định tính thuế, hoàn thuế, xác định mặt hàng lậu thuế… Vì vậy, các chính sách này đã hướng đến việc quy hoạch một khu vực riêng tại khu vực biên giới giành cho việc buôn bán, trao đổi và các cơ chế, chính sách đi kèm hỗ trợ cho quá trình này. Các chính sách thúc đẩy biên mậu đã có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế của các tỉnh biên giới; trong đó các khu kinh tế cửa khẩu có vai
trò nổi bật đối với việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch; do đó đã có những đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của các khu vực này.