* Mục đích:
- Cung cấp các chất dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ để bù đắp sự tiêu hao năng lượng do hoạt động, đồng thời đảm bảo năng lượng cho trẻ hoạt động tiếp trong ngày.
- Góp phần giáo dục vệ sinh, dinh dưỡng, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng thực hành, tự phục vụ.
- Giúp các bậc phụ huynh yên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động.
* Ý nghĩa:
- Trẻ được ăn uống đầy đủ, vui chơi phù hợp với lứa tuổi, được chăm sóc giấc ngủ, kích thích phát triển thông qua giáo dục, trên cơ sở đó trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao sức khoẻ.
Giáo viên sử dụng các biện pháp như: tuyên truyền, động viên, khuyến khích một cách tích cực đến các bậc phụ huynh tác dụng của việc cho trẻ ăn trưa tại lớp học.
* Cách tiến hành:
- Tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ đầy đủ về chất lượng và đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh thực phẩm.
- Vận động 100% phụ huynh cho con ăn bán trú tại trường mầm non.
- Thực đơn bữa ăn của trẻ phải đa dạng, các món ăn được chế biến hợp vệ sinh và hấp dẫn trẻ.
* Điều kiện vận dụng:
- Giáo viên phải chuẩn bị về cơ sở vật chất như phòng ăn, sắp xếp bàn ghế… Trẻ chỉ cảm thấy ngon miệng khi được ngồi ăn uống đàng hoàng trên bàn ghế phù hợp với tầm vóc, phòng ăn rộng rãi, thoáng mát, dụng cụ ăn uống sạch sẽ… chính điều đó tạo cho trẻ cảm giác yên tâm ăn uống.
- Trạng thái tâm lý của trẻ có ảnh hưởng lớn đến bữa ăn. Tâm trạng vui vẻ, thoải mái là yếu tố quan trọng giúp trẻ ăn ngon miệng. Nếu như trước bữa ăn trẻ lo ắng một điều gì đó thì tâm trạng đó sẽ kéo dài trong suốt bữa ăn làm cho hiệu quả bữa ăn sẽ không tốt. Trong bữa ăn nếu trẻ được cô giáo dịu dàng động viên, khuyến khích thì hiệu quả bữa ăn của trẻ sẽ được nâng lên.
- Thức ăn có ảnh hưởng lớn đến bữa ăn của trẻ. Cách chế biến món ăn, mùi vị, màu sắc… của thức ăn là những yếu tố kích thích trẻ ăn. Việc chế biến thức ăn như thế nào, có phù hợp với cơ thể trẻ không… phần nào đã ảnh hưởng đến sự muốn ăn của trẻ.