2.4. Đánh giá về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Công ty
2.4.5. Những hạn chế trong công tác đào tạo và bồi dưỡng
Tuy công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển người lao động trong Công ty đã có nhiều tiến bộ, được quan tâm nhiều hơn, nhưng nó vẫn còn bộc lộ nhiều những hạn chế:
a) Thái độ làm việc, tính kỷ luật trong lao động nhìn chung chưa cao, làm việc còn mang tính thụ động, năng suất lao động còn hạn chế.
b) Chi phí lương trong tổng chi phí của công ty chiếm tỷ trọng cao cần thiết phải có chiến lược tăng năng suất lao động, trong đó coi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một biện pháp quan trọng hàng đầu.
c) Việc xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự gắn kết với chiến lược của EVN.
d) Công tác kế hoạch còn mang tính định tính dẫn đến lập kế hoạch đào tạo thiếu chính xác, không phù hợp với yêu cầu thực tế.
e) Việc đánh giá hiệu quả đào tạo chưa được coi là hoạt động bắt buộc trong quy chế đào tạo, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ chậm được đổi mới dẫn đến chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chưa cao.
f) Việc chuẩn bị nội dung khóa học chưa được kỹ càng và đầy đủ, học viên không biết nội dung cụ thể của khóa học, tài liệu học chỉ phát theo từng đơn vị không theo số lượng học viên theo học.
g) Hiện tại công ty chưa có một chiến lược đào tạo cụ thể hàng năm. Tuy có chiến lược kinh doanh và có kế hoạch kinh doanh, nhưng thông tin về chiến lược chưa được phổ biến và áp dụng thường xuyên cho việc xây dựng chiến lược nhân sự, đào tạo hàng năm. Cán bộ đào tạo của công ty chưa phải là người kết nối giữa chiến lược kinh doanh – nhân sự - đào tạo của công ty. Công tác đào tạo được thực hiện tự phát hoặc theo yêu cầu nhỏ lẻ của các phòng ban chức năng, các đơn vị gửi qua đề nghị tổ chức, hoặc trực tiếp từ Giám đốc công ty chỉ đạo xuống.