Một số định hướng hợp tác cụ thể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ hợp tác việt nam lào trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (Trang 93 - 96)

3.1. Định hướng hợp tác phát triển nông – lâm nghiệp giữa Việt Nam

3.1.2. Một số định hướng hợp tác cụ thể

3.1.2.1. Hai nước cần xác định phát triển nông- lâm nghiệp là hướng hợp tác chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội hai nước trong giai đoạn tới

Mặc dù trong những năm qua, nền kinh tế Lào đã có những bước phát triển đáng kể, đạt tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn 2001-2010 là 7%/một năm, nhưng để có thể phát triển bền vững thì mô hình tăng trưởng kinh tế của Lào cần dựa vào năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời phải giảm thiểu những tình trạng mất cân đối vĩ mô. Hiện tại Lào đang gặp phải một số vấn đề có thể làm suy giảm chất lượng tăng trưởng bao gồm các khía cạnh thể chế cho kinh doanh và đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thị trường tài chính.

Thứ nhất, thể chế cho kinh doanh và đầu tư của Lào chưa hoàn chỉnh, gây cản trở và tạo ra những rủi ro cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi tham gia thị trường và thực hiện sản xuất kinh doanh tại Lào.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là một nút thắt cho phát triển bền vững của Lào. FDI đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Lào. Nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ công nghệ từ các công ty FDI, thế nhưng chất lượng nguồn nhân lực Lào vừa thấp cộng với dòng FDI vào Lào chủ yếu là khai thác tài nguyên, do đó sẽ không làm cho dòng vốn FDI trở thành xung lực thúc đẩy hiệu quả, năng suất và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng của Lào chưa phát triển cũng cản trở nhiều đến quá trình phát triển của đất nước này. Để có thể thúc đẩy tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng của Lào cần đi trước một

bước, tránh tình huống khi nền kinh tế đã bắt đầu “cất cánh” thì yếu tố cơ sở hạ tầng lại trở thành nút thắt, rào cản đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ tư, thị trường tài chính của Lào hiện đang phát triển ở trình độ thấp và do đó chưa tạo thành một kênh truyền dẫn vốn từ nơi hiệu quả thấp đến nơi có hiệu quả cao và cũng chưa tạo thành một nơi thu hút vốn cho quá trình phát triển nền kinh tế.

Mặc dù, có nhiều rào cản và nút thắt cho chất lượng tăng trưởng, tuy nhiên một trong những cơ hội rõ ràng nhất của Lào trong quá trình tăng năng suất là dịch chuyển nhanh nền kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp. Thông qua quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, lao động và nguồn lực từ lĩnh vực hiệu quả kinh tế thấp sang lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao và làm tăng năng suất của nền kinh tế. Đây cũng là một kênh tăng năng suất mà các nền kinh tế đang phát triển có được trong quá trình phát triển của mình. Ngoài ra, Lào có nguồn tài nguyên dồi dào cũng sẽ là nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy tăng xuất khẩu và tăng trưởng trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Nhưng nếu muốn tăng trưởng bền vững thì Lào cần hướng tới chất lượng tăng trưởng bao gồm việc nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và giảm thiểu những mất cân đối vĩ mô mà cụ thể là thâm hụt cán cân thương mại. Hiện nay, Lào cũng đang chịu thâm hụt cán cân thương mại ở mức cao và đồng thời với đó là thâm hụt ngân sách.

Có thể nói sản xuất nông – lâm nghiệp là ngành kinh tế có thế mạnh bền vững lâu dài của Lào. Lào là đất nước nông – lâm nghiệp, có thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản do diện tích đất và diện tích rừng khá lớn trên bình quân đầu người.

Phát triển tốt lĩnh vực nông – lâm nghiệp cũng là điều kiện để các ngành dịch vụ phát triển. Một số ngành dịch vụ có tiềm năng và khả năng cạnh tranh như du lịch, vận tải, tài chính, ngân hàng ...cũng phát triển.

Ta hãy xem xét sự hoạt động của ngành công nghiệp là ngành có tỷ trọng lấn át dần trong nền kinh tế Lào trong hai thập niên vừa qua. Lào có điều kiện phát triển công nghiệp khai khoáng và thủy điện. Những năm qua, do sự thúc đẩy của mô hình phát triển hiện đại rút ngắn, tăng trưởng nóng, công nghiệp phát triển theo hướng tài nguyên đã bị khai thác mạnh, triệt để và với tốc độ khai thác như hiện nay tài nguyên sẽ nhanh chóng đi đến chỗ cạn kiệt. (Hiện nay đang có 109 công ty đang khai thác mỏ trên đất Lào. Trong đó có 45 công ty của Lào và 64 công ty nước ngoài). Nếu tiếp tục công nghiệp khai khoáng thì tài nguyên khoáng sản của Lào sẽ bị cày xới, tiêu tan rất nhanh. Về sản xuất năng lượng điện: Việc khai thác thủy điện quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến tài nguyên nước. Lào ở vùng đất cao nên việc phát triển thủy điện sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ở khu vực hạ lưu các con sông gây ảnh hưởng xấu cho môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp ở Lào và toàn khu vực. Đất nước, rừng bị khai thác cạn kiệt thì nguồn lực kinh tế bị suy kiệt, cân bằng của môi trường bị phá hủy. Sự phá hủy dẫn tới sự sụp đổ của cả một nền văn minh và nó là cách phát triển kém hiệu quả nhất, không phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới.

Rõ ràng, hai nước Việt Nam và Lào đang có rất nhiều tiềm năng về hợp tác phát triển nông lâm nghiệp vì cả hai đều có truyền thống lâu đời. Lào là một nước có nguồn tài nguyên đất đai sản xuất nông nghiệp khá lớn, dân số Lào rất thấp lại khá trẻ. Những điều kiện khuyết thiếu của Lào trong phát triển nông nghiệp thì lại sẵn có ở Việt Nam. Việt Nam lại là nước có diện tích canh tác nông nghiệp trên đầu người thấp, lại đang bị mất với tốc độ nhanh, phần lớn dân cư sống bằng nghề nông nghiệp. Tình trạng nhiều người mất việc làm và không có điều kiện để chuyển đổi sang hoạt động kinh tế khác diễn ra phổ biến. “Kinh tế nông nghiệp Việt Nam lại có trình độ phát triển cao hơn Lào (theo đánh giá khoảng 10-15 năm). Người Việt Nam lại rất chăm chỉ, chịu

khó, yêu đất đai, có kinh nghiệm, có kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, quen chịu đựng vượt khó (nhất là những lao động nông nghiệp ở tuổi 40), họ có thể là “những chuyên gia nông nghiệp” đáng tin cậy.” [36; tr.420]. Vì vậy, nếu được đi làm lao động nông nghiệp, nhất là một nước có nhiều tiềm năng như Lào họ sẽ phát huy tốt khả năng của mình để hướng dẫn nông dân Lào cách thức kỹ thuật sản xuất theo hướng sản xuất tiên tiến. Ngoài ra, Việt Nam còn có một đội ngũ cán bộ khoa học có bề dày kinh nghiệm KHKT, nhiều doanh nghiệp hùng hậu sẵn sàng đầu tư sang Lào khi có điều kiện thuận lợi.

Mặt khác, các sản phẩm nông lâm nghiệp là những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày mà người dân nước nào cũng cần đến nên sản xuất ra dễ tiêu thụ. Bất cứ ở đâu, thời gian nào, nền kinh tế có phát triển hay suy thoái, người ta vẫn cần đến đồ ăn, thức uống, đồ dùng sinh hoạt, v.v… Vì vậy, định hướng ưu tiên phát triển nông-lâm nghiệp ở Việt Nam và Lào cũng là để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Ta nhận thấy, các nước phát triển trên thế giới đều giàu mạnh nhờ vào các thành tựu công nghiệp vượt bậc. Nông nghiệp của họ bị thu hẹp lại hoặc không có điều kiện phát triển, nhất là việc sản xuất các sản phẩm gắn liền với tự nhiên, các sản phẩm từ thiên nhiên… Trong khi đó, với điều kiện của Việt Nam và Lào, sản phẩm hợp tác của chúng ta sản xuất ra có chất lượng tốt sẽ rất dễ tiêu thụ. Vậy chúng ta hãy hợp tác đầu tư để đi lên, chúng ta cũng có thể làm giàu từ nông lâm nghiệp. Làm được điều này, cả hai bên đều sử dụng được nguồn lực dư thừa rất cao ở cả hai nước, vừa tạo ra được nguồn của cải vật chất khá dồi dào, bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực lâu dài. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho các ngành khác phát triển, duy trì được sự tăng trưởng bền vững kinh tế-chính trị - xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ hợp tác việt nam lào trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)