2.3. Thực trạng hợp tác trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp giữa Việt
2.3.2. Hợp tác về khoa học-kỹ thuật và chuyển giao công nghệ
Việc hợp tác về khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ là một bộ phận quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Lĩnh vực hợp tác này cũng liên quan nhiều đến ngành nông – lâm nghiệp. Việc hợp tác trong lĩnh vực này đã tập trung vào những nội dụng chính sau:
Đó là việc Việt Nam tăng cường giúp Lào đào tạo cán bộ khoa học – kỹ thuật nông nghiệp, trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp, trao đổi những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, những giống cây, giống con có năng suất cao, chất lượng tốt. Hợp tác nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo một số giống cây như lúa, ngô, đậu đỗ, mía…; một số giống con như bò, lợn, gà, v.v…
Trao đổi vật tư, thiết bị nông nghiệp: phân bón, hóa chất nông nghiệp, máy móc thiết bị vừa và nhỏ dùng để chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Hợp tác sản xuất một số loại công cụ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện mở rộng sản xuất phân bón, hóa chất và máy móc nông nghiệp trong các giai đoạn sau này.
Hợp tác giúp đỡ nhau chế biến, sản xuất và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, rau quả… sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, giúp nhau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất của mỗi nước. Trong lĩnh vực chế biến gỗ: xẻ gỗ, gỗ ván sàn, gỗ dán, các loại đồ dùng bằng gỗ cao cấp khác, nhằm tăng nhanh khối lượng sản phẩm lâm nghiệp xuất khẩu, nhất là những sản phẩm đã qua chế biến.
Hợp tác giúp đỡ nhau tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò xác định các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện cơ bản về kinh tế - xã hội của mỗi nước; quy hoạch vùng sản xuất nông-lâm nghiệp có tính đến sự phân công hợp tác giữa hai nước.
Hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Chú trọng công nghệ sinh học, công nghệ tin học và năng lượng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, sở hữu trí tuệ, kỹ thuật đo lường, kiểm tra chất lượng hàng hóa, xây dựng chiến lược và chính sách khoa học công nghệ. Mới đây nhất là đầu năm 2012, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đã chuyển giao giống ngô mới LVN 66 cho Lào. Đó là giống ngô được lai tạo có giá trị bổ dưỡng, dễ trồng và rất thích hợp với khí hậu, đất đai của Lào.
Mở rộng hợp tác giúp đỡ nhau đào tạo cán bộ khoa học – công nghệ, cán bộ quản lý kinh tế và công nhân kỹ thuật nhằm góp phần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của mỗi nước. Tăng cường trao đổi chuyên gia, trao
đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý kinh tế - xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh giữa hai nước ở cấp Bộ, ngành, tỉnh và một số cơ sở sản xuất kinh doanh lớn.
Đẩy mạnh sự hợp tác trên cơ sở phân công hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ hay giữa các cơ sở nghiên cứu và đơn vị sản xuất của hai nước, trong việc nghiên cứu ứng dụng những thành tựu khoa học và những tiến bộ khoa học và những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông-lâm- ngư nghiệp và một số ngành kinh tế khác.
Mở rộng quan hệ giữa hai nước với các nước trong khu vực nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo cán bộ, xây dựng trang bị cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ … Đồng thời hợp tác với các nước khác triển khai một số đề tài nghiên cứu có liên quan đến điều kiện địa lý tự nhiên của các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.