1.2. Kinh nghiệm hợp tác nông-lâm nghiệp giữa một số nước trên thế
1.2.1. Kinh nghiệm hợp tác giữa Việt Nam và Senegal
Cộng hòa Senegal nằm ở phía tây châu Phi, có đường biên giới là biển Đại Tây Dương ở phía tây, Mauritania ở phía Bắc, Mali ở phía đông, Guinée và Guine-Bissau ở phía nam. Dân số khoảng 13,8 triệu người, có 70% dân số sống ở nông thôn. Diện tích đất nước là 196.723 km2, trong đó diện tích đất có thể trồng trọt chiếm 27% và không có diện tích trồng trọt cố định; diện tích đồng cỏ chiếm 30%; diện tích rừng chiếm 31%; các loại đất khác chiếm 12%. Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, Senegal có điều kiện phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lạc, lúa, hoa màu, tiểu gia súc…Vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên người dân Senegal thường sống tập trung ở lưu vực sông Senegal, nơi đây có thể canh tác, trồng trọt và có
nước sinh hoạt hàng ngày. Cơ cấu GDP hiện nay của Senegal cao nhất là ngành dịch vụ chiếm 64%, công nghiệp chiếm 21%, nông nghiệp chỉ chiếm 15%. Cũng như các nước châu Phi khác, nông nghiệp kém phát triển là một trong những nguyên nhân làm cho Senegal không thể phát huy hết những tiềm năng sẵn có trong nền kinh tế thế giới. Nông nghiệp Senegal hiện nay chưa đáp ứng đươc nhu cầu trong nước, vẫn phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm, từ các nước Mali, Ấn Độ, Việt Nam,… trong đó các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu là cá, đậu tương, và bông. Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp nhất trong nền kinh tế, nông nghiệp Senegal đang trên đà phát triển. Nhu cầu hợp tác để phát triển nền nông nghiệp lạc hậu của Senegal là rất lớn, bởi tự thân quốc gia này không thể đứng ra phát triển mọt nền nông nghiệp tiên tiến nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
“Hợp tác trong nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng giữa Việt Nam – Senegal. Quan hệ hợp tác này được coi là điển hình cho quan hệ hợp tác ba bên, hay còn gọi là hình thức hợp tác “2+1” được đưa ra vào năm 1996 theo sáng kiến của FAO theo hình thức là chuyên gia về nông nghiệp Việt Nam sang làm việc tại Senegal. Từ năm 1997-2005, mỗi năm Việt Nam đã đưa khoảng 100 chuyên gia nông nghiệp sang làm việc tại Senegal và được đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của chuyên gia. Hiệu quả của hợp tác nông nghiệp theo mô hình hợp tác ba bên tại Senegal đã xứng đáng trở thành hình mẫu của hợp tác Nam – Nam.” [17; tr. 42]
Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu giữa Việt Nam và Senegal vẫn là trồng lúa và hoa màu, chăn nuôi tiểu gia súc, nuôi ong và nuôi trồng thủy sản, thủy lợi... Trong mô hình sản xuất lúa gạo được thí điểm ở Senegal với sự hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, dưới sự trợ giúp của chính phủ Senegal và tổ chức FAO. Các chuyên gia Việt Nam đã sang làm việc, chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức sản xuất nông nghiệp cho
Senegal. Nông dân Senegal áp dụng công nghệ chi phí thấp đã được thử nghiệm tại Việt Nam. Các công đoạn như thâm canh cây lúa, mở rộng nuôi tôm, nuôi lợn cũng như áp dụng công nghệ chế biến thủ công, nông dân Senegal áp dụng nhằm bảo quản và tăng giá trị các loại rau quả. Việt Nam đã làm giàu kinh nghiệm và học hỏi kỹ thuật mới từ các đối tác Senegal và ngược lại Senegal cũng học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu từ Việt nam.
Song song với các dự án trồng lúa, các dự án về rau màu luôn được ưu tiên cả về số điểm thực hiện lẫn kinh phí, được triển khai hầu khắp các vùng của Senegal do nhu cầu về rau tươi của người dân ngày càng cao. Các sản phẩm chính được Việt Nam hướng dẫn Senegal trồng gồm: bắp cải, khoai tây, cà chua, sắn khoai lang, dưa chuột, dưa hấu, lạc, đỗ, chè, cà phê… Các dự án thủy lợi cũng được các chuyên gia, kỹ thuật viên Việt Nam thực hiện tại Senegal. Tại đây, các mô hình thủy lợi đã giúp canh tác lúa đạt năng suất cao, bền vững mà chi phí chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với chi phí mà nước sở tại bỏ ra lúc ban đầu khi chưa có hợp tác. Thêm vào đó, người dân Senegal cũng được chuyển giao phương pháp cải tạo đất, áp dụng các kỹ thuật chế biến thủ công nhằm bảo quản và tăng giá trị cho các loại rau quả, hạ giá thành các công trình thủy nông nội điền, tăng thu nhập cho người nông dân, nâng cao chất lượng dinh dưỡng, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ thanh niên. Một số thế mạnh của hai bên như trồng bông, hạt điều vốn là thế mạnh của Senegal; còn trồng và chế biến cao su, cà phê, chế biến gỗ, chế biến nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam đang được hai bên trao đổi hợp tác để có lợi cho cả đôi bên.
Cùng với các dự án trồng lúa và hoa màu, các chuyên gia Việt Nam cũng đã chuyển giao kỹ thuật và giống mới trong chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi tiểu gia súc cho bà con nông dân Senegal bởi trồng trọt và chăn nuôi là hai lĩnh vực thường xuyên đi với nhau để tạo nên một nền nông nghiệp phát triển. Mô hình chăn nuôi mà người Việt Nam chuyển giao cho Senegal thì
chăn nuôi gà được sử dụng nhiều nhất. Theo mô hình này, Senegal nhập các giống gà cải tiến cho lai với các giống gà nội địa mang lại nhiều ưu thế do giống gà lai chống đỡ được nhiều bệnh tật mà cho năng suất cao. Theo thử nghiệm, mỗi hộ gia định được cấp 10 gà mái, 1 gà trống, thức ăn và thuốc thú y trong 6 tháng, sau một thời gian đã duy trì được đàn gà từ 60 - 80 con. Nhiều hộ gia đình bán trứng, bán gà để mua dê, mua bò nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi lợn cũng mang lại giá trị kinh tế cao nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật dễ dàng.
Các chuyên gia Việt Nam còn giúp Senegal cách chế biến thực phẩm từ cá thành mắm, chế tạo một số thuyền nhỏ bằng tôn, giá thành hạ, phục vụ nhu cầu đánh bắt cá cung cấp cho bữa ăn hàng ngày trong gia đình. Ngoài các dự án chăn nuôi tiểu gia súc, dự án nuôi ong cũng là điều đặc biệt trong hợp tác phát triển chăn nuôi giữa Việt Nam và Senegal. Lĩnh vực này cũng được thực hiện với 1 số nước châu Phi khác như Công gô, Benin… và cũng thu được hiệu quả tốt. Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích rừng, đất đai rộng lớn nên có nhiều loài ong hoang dã, cần phải tận dụng nguồn ong này để nuôi lấy mật. Các chuyên gia Việt Nam đã xác định phải bắt đầu từ khâu nghiên cứu cách nuôi đến cách lấy mật và khâu tiêu thụ. Mật ong là nguồn dinh dưỡng quý giá đối với con người và là nguyên liệu dùng làm thuốc nên người Việt Nam còn dạy cho người Senegal cách sử dụng mật ong như thế nào cho có hiệu quả.
Về lĩnh vực thủy sản, quan hệ hợp tác Việt Nam – Senegal có dự án về nuôi cá nước ngọt, nuôi thả một số giống cá mới tại vùng Kolda của nước này. Các chuyên gia Việt Nam đã tư vấn cho người dân nơi đây tận dụng các ao hồ tự nhiên kết hợp với các mô hình thủy lợi nhỏ để nuôi cá nước ngọt, sử dụng các phương pháp đơn giản trong việc nuôi và đánh bắt cá với mục đích cải thiện bữa ăn hàng ngày và tăng thêm một phần thu nhập cho người dân.
Tại đây, các chuyên gia đã sử dụng các kỹ thuật đơn giản, hướng dẫn nông dân Senegal nuôi cá và cách bảo quản cá khô, chế biến nước mắm. Việt Nam đã nghiên cứu được biện pháp tối ưu để thực hiện trong thời gian sắp tới, đó là Việt Nam hợp tác với Senegal nuôi trồng và chế biến thủy sản tại châu Phi, sau đó xuất khẩu sang một nước thứ ba.
Như vậy, hợp tác Việt Nam – Senegal về nông nghiệp đã có những thành tựu nhất định, hai bên đã tìm hiểu và tin tưởng lẫn nhau. Trong thời gian tới, sự hợp tác giữa hai nước sẽ nâng lên một tầm cao mới đáp ứng hơn nữa về nhu cầu đời sống xã hội và lợi ích kinh tế của hai bên.