2.2. Khái quát thực trạng phát triển kinh tế nói chung, nông – lâm
2.2.2. Nông nghiệp và lâm nghiệp của Lào đạt được nhiều thành tựu
khả quan
Ngành nông nghiệp (gồm có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm sản) là một trong những lĩnh vực chính của nền kinh tế. Khoảng 71% lực lượng lao
động tham gia trồng trọt chăn nuôi, thủy sản hay lâm sản là lĩnh vực hoạt động kinh tế chính. Hầu hết các hộ ở khu vực nông thôn là nhóm nông dân gần như chỉ sản xuất tự cung tự cấp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, thu gom lâm sản và chăn nuôi. Ngành nông nghiệp chi phối bởi sản xuất lúa gạo có năng suất thấp và rất ít sử dụng các đầu vào mua ngoài như giống cây/con cải tiến và phân bón. Đa phần gạo do hộ nông dân sản xuất được tiêu dùng trong hộ, và chỉ có dưới 10% được bán ra ngoài. Các đặc điểm cơ cấu chính là sử dụng đầu vào ở mức thấp, hệ thống sản xuất truyền thống đặc biệt tại các khu vực miền núi, định hướng sản xuất phi thị trường, chủ yếu sử dụng lao động trong hộ, và sở hữu đất đai cá nhân.
Năm 2008, tổng diện tích đất trồng trọt chiếm khoảng 6,68% trong tổng diện tích đất của Lào. Có 6 loại hàng hóa nông sản chính, đó là lúa gạo, ngô, rau, các loại cây tinh bột, sắn, mía đường. Diện tích thu hoạch lúa, ngô, rau, các loại cây tinh bột, sắn và mía đường chiếm 54,42%; 15,11%; 5,36%; 1,76%; 1,21% và 1,12% trong tổng diện tích thu hoạch. Và sản lượng tương ứng đạt 39,53%; 14,97%; 7,05%; 5,28%; 4,26% và 10,12% trong tổng sản lượng trồng trọt.
Bảng 2.5: Thống kê diện tích thu hoạch và sản lượng các cây trồng chính của Lào
Loại nông sản Diện tích thu hoạch (ha) Tỷ lệ trong tổng sản lượng thu hoạch (%) Sản lượng (tấn) Tỷ lệ trong tổng sản lượng (%) Lúa gạo 825.545 54,42 2.925.510 39,53 Ngô 229.220 15,11 1.107.775 14,97 Rau 81.305 5,36 521.495 7,05
Các loại cây tinh bột 26.760 1,76 390.692 5,28
Sắn 18.335 1,21 315.215 4,26
Mía đường 17.055 1,12 749.295 10,12
Gần hai thập kỷ sau khi bắt đầu cải cách kinh tế, nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng nhất của nước CHDCND Lào, xét cả về giá trị gia tăng và nguồn thu nhập hộ. Nông nghiệp tăng trưởng mạnh với tỷ lệ trung bình hàng năm là 4,8 %, trong giai đoạn 2000-2005; trong khi các ngành chủ chốt khác hoặc là tăng trưởng, hoặc là giữ nguyên. Mặc dù tỷ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã giảm từ 61% xuống còn 48% trong giai đoạn này, song tổng sản lượng vẫn tiếp tục tăng trưởng và cung cấp đầu vào cho các chuỗi giá trị chế biến và tiêu thụ đuợc thể hiện một phần dưới con số thống kê tăng trưởng quốc gia trong các ngành khác.
Thành tựu tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp được xây dựng dựa trên sự kết hợp cân đối giữa việc tăng sử dụng đất đai và lao động, cũng như tăng cường sử dụng các đầu vào như phân hóa học, mặc dù mới ở mức rất thấp kể từ giữa năm 1990. Ngành nông nghiệp Lào được dự đoán sẽ đóng góp đáng kể hơn vào sự tăng tưởng của nền kinh tế quốc dân, thu nhập và việc làm cho đại bộ phận người dân. Thách thức đối với Lào hiện nay không phải là thúc đẩy tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, mà là làm thế nào để tăng trưởng bền vững và để có được nền kinh tế nông thôn vững mạnh. Xóa đói giảm nghèo không chỉ dựa vào tăng trưởng mà còn dựa vào nền kinh tế nông thôn, đặc biệt là nến kinh tế phi nông nghiệp. Đó chính là cách để xóa đói giảm nghèo bền vững cho khu vực nông thôn.
Lào có được lợi thế về rừng với giá trị lớn, năng suất cao và độc đáo về mặt sinh thái không chỉ là nguồn kinh tế quan trọng mà còn đóng góp lớn cho dinh dưỡng và thu nhập của dân cư nông thôn, đặc biệt là người nghèo nông thôn. Rừng cũng là môi trường đảm bảo cho sự đa dạng sinh học tự nhiên phong phú của quốc gia và bảo vệ cho đất, lưu vực sông và các nguồn nước. Khoảng 80% dân số phụ thuộc nhiều vào rừng để lấy gỗ, thực phẩm, nhiên liệu, sợi, nơi ở tạm, thuốc men, gia vị và để bảo vệ tinh thần. Tại khu vực
nông thôn hiện nay, rừng tạo ra một số hoạt động kinh tế và lâm sản ngoài gỗ thường chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của hộ gia đình. Năm 2001, rừng đã đóng góp 3,2% trong tổng GDP thông qua hoạt động sản xuất gỗ xẻ và tỷ lệ này còn cao hơn nếu tính đến việc sử dụng tự cấp tự túc cũng như chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ (NTFP). Các sản phẩm gỗ cũng đóng góp khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2001. Về tiêu thụ năng lượng, năng lượng gỗ, bao gồm cả than và củi, là nguồn năng lượng chính để nấu ăn, thậm chí ngay cả ở thủ đô Viêng Chăn và ở các khu vực cao nguyên gỗ cũng là nguồn nhiên liệu làm nóng cần thiết.
Theo nghiên cứu về sử dụng đất và độ che phủ rừng, trong tổng diện tích đất đai 236.800 km2 của cả nước Lào, mật độ che phủ của rừng hiện nay chiếm tỷ lệ khoảng 41,5%. Nghiên cứu cũng cho thấy, rừng đã suy giảm ở mức báo động so với mức che phủ ước tính 70% trong thập niên 60. Sự thay đổi theo hướng giảm sút về độ che phủ của rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống hoang dã và các loài thực vật. Chính tình trạng tàn phá rừng lấy gỗ ở mức báo động và nạn đốt rừng để canh tác là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Hiện nay đang có mối quan ngại ngày càng cao ở Lào về nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội và môi trường bắt nguồn từ những xu hướng này. Ngoài ra, tàn phá rừng và thoái hóa rừng cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhóm người nghèo nhất trong xã hội Lào, đặc biệt là phụ nữ và nhóm dân tộc thiểu số - những người mà sinh kế của họ phụ thuộc chặt chẽ vào rừng.
Rừng rất quan trọng đối với Lào. Tuy nhiên, hiện nay rừng chưa được quan tâm đúng mức. Rừng không chỉ là sinh kế cho các hộ nông thôn mà còn giúp cân bằng sinh thái. Do đó, rừng phải được bảo vệ mọi giá. Đã có nhiều bài học kinh nghiệm đau đớn từ nhiều nước khác khi hy sinh rừng để phát triển kinh tế, nên Lào cần chú ý để không lặp lại sai lầm này.
Một số sản phẩm chủ yếu trong sản xuất nông lâm nghiệp ở Lào: Những kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp của Lào thể hiện ở một số sản phẩm sau:
+ Lúa gạo: Sản xuất lúa gạo của Lào tăng trưởng khá qua các năm: năm 1995 đạt 1,56 triệu tấn, năm 2000 đạt 2,5 triệu tấn, năm 2003 đạt 2,38 triệu tấn, năm 2005 đạt 2,7 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Lào còn ít mặc dù sản lượng gạo trên đầu người khá cao. Các thị trường chính của gạo Lào bao gồm chủ yếu là Thái Lan, Trung Quốc. Lào có thể sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới, do năng suất lúa của Lào cao hơn của Thái Lan (30-33 tạ/ha so với 22-23 tạ/ha). Xu hướng tăng năng suất của Lào cũng cao hơn Thái Lan gần 30%. Giá thành sản xuất 1 tấn lúa gạo của Lào thấp hơn Thái Lan: khoảng 6,74 bath/kg so với 7,05 bath/kg. Sản lượng thóc bình quân dầu người của Lào cao hơn Thái Lan (450kg/người so với 365 kg/ người). Giá gạo Lào trên thị trường thế giới thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng 30%. Tính bình quân trong 5 năm (2001-2005) gạo Lào có giá bán 265 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan bán 352 USD/tấn. [1; tr. 66-67] Nhìn chung, nhu cầu thị trường thế giới về gạo ngày càng tăng, giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng lên trong những năm gấn đây, là điều kiện thuận lợi để Lào gia tăng hợp tác với Việt Nam để sản xuất ngày càng nhiều lúa gạo.
+ Ngô: Ngô là loại hàng hóa có tiềm năng phát triển rất mạnh ở Lào và
có sức cạnh tranh khá cao do giá thành thấp, chất lượng cao. Năng suất ngô của Lào tương đối khá, đạt khoảng 27-30 tạ/ha. Giá thành sản xuất ngô của nhiều địa phương ở Lào tương đối thấp, vì vậy bán ngô trên thị trường nước hoặc xuất khẩu đều có lãi đáng kể. Theo một số nghiên cứu, giá thành sản xuất ngô của Lào chỉ khoảng 370-420 kíp/kg, trong khi của Trung Quốc là 800 kíp/kg. Riêng tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giá thành sản xuất ngô lên tới 1.260 kíp/kg, trong khi đó Lào có thể xuất khẩu trực tiếp ngô sang tỉnh này.
Các nước láng giềng của Lào như Trung Quốc, Thái Lan đều có nhu cầu nhập khẩu ngô của Lào với khối lượng rất lớn. Ngoài ra, ngô của Lào cũng có thể đem xuất khẩu ra các thị trường quốc tế vì ngô Lào đảm bảo tiêu chuẩn.
Thuận lợi lớn của Lào trong phát triển ngô thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng là mạng lưới giao thông nối các vùng sản xuất ngô với các cửa khẩu đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Dự án giao thông bắc nam nối tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc Thái Lan đi qua miền Bắc Lào sẽ tạo thuận lợi không chỉ cho phát triển ngô mà cả du lịch và nhiều ngành kinh tế khác.
Nhìn chung ngô của Lào có sức cạnh tranh khá có thể đưa vào danh mục khuyến khích phát triển mạnh để tạo nguồn thu thông qua xuất khẩu.
+ Cà phê: Cà phê của Lào có lịch sử khoảng 100 năm nay khi người
Pháp đưa vào trồng tại Lào vào những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay Lào có 3 loại cà phê chính là cà phê Arabica, Robusta, Libe rica. Trong đó có 2 loại có thể xuất khẩu là Arabica, Robusta. Cà phê Arabica chiếm khoảng 70% tổng khối lượng xuất khẩu của Lào. Đây là loại cà phê có giá trị cao, chất lượng tốt, song chi phí sản xuất cao. Cà phê Robusta có chất lượng kém hơn, thường được dùng để sản xuất cà phê hòa tan; tuy nhiên cũng có thể pha trộn với cà phê Arabica để tạo ra loại cà phê có chất lượng cao hơn.
Hiện nay, cà phê Robusta là loại được trồng nhiều nhất ở Lào (chiếm trên 90% sản lượng) nhất là trên cao nguyên Bôlôven ở Nam Lào. Trên cao nguyên này, cà phê được trồng nhiều nhất ở huyện Pakxong, tỉnh Champasak.
Ngoài ra, Lào còn trồng cà phê ở các tỉnh phía Bắc như Luổng Pha Băng và Phông Sa Lỳ. Sản lượng chủ yếu là để tiêu dùng ở địa phương, ngoài ra có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới sang Trung Quốc. Riêng tại Phông Sa Lỳ, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tập trung sản xuất cà phê để xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng cà phê xuất khẩu của Lào tăng mạnh trong thập kỷ 90 và những năm gần đây năm cao nhất khoảng 20 nghìn tấn
(2002). Cà phê là mặt hàng có khả năng cạnh tranh. Khả năng này là do Lào có những ưu thế sau:
+ Điều kiện tự nhiên phù hợp vì Lào có địa hình cao, khí hậu ôn hòa, đất có độ ẩm phù hợp, hương vị tự nhiên của cà phê Lào ngon.
+ Năng suất khá cao. Năng suất cà phê bình quân của thế giới là 0,55 tạ/ha, châu Á là 0,77 tạ/ha, của Lào là 7,7 - 8,2 tạ/ha.
Chi phí sản xuất thấp hơn các nước trồng cà phê khác, chi phí bình quân vào khoảng 650-700 USD/tấn cà phê nhân. Nếu tính cả chi phí để chế biến thì giá thành cho 1 tấn cà phê nhân xuất khẩu là 750-800 USD/tấn. Trong khi chi phí sản xuất (gồm cả khấu hao cơ bản) của Ấn Độ là 1.412 USD/tấn cà phê chè; 926,9 USD/tấn cà phê vối.
Về chất lượng: Tuy cà phê Lào chưa thực sự thích ứng với “gu” của một số thị trường, song đến nay thế giới đã đánh giá cà phê Lào có chất lượng tương đương với Ấn Độ và Indonesia, gần bằng chất lượng cà phê Brazil, Achentina. Hiện nay, tỷ lệ cà phê chè (Arabica) trong cơ cấu xuất khẩu cà phê của Lào còn thấp, nếu nâng tỷ lệ cà phê dòng này trong xuất khẩu thì cà phê Lào sẽ tăng thêm nhiều về chất lượng.
Theo một số nghiên cứu, chỉ số DRC của cà phê tương đương với sản xuất lúa, do đó cà phê cũng là sản phẩm có lợi thế so sánh về chi phí tài nguyên trong nước. Lào có rất nhiều vùng đất thích hợp với cây cà phê (do có đất đỏ Bazan). Khả năng mở rộng diện tích trồng cà phê vẫn còn lớn, nếu Lào mở rộng thị trường tiêu thụ lâu dài và giá cả cà phê biến động theo chiều hướng có lợi thì đây là một thuận lợi lớn để Lào mở rộng sản xuất.
+ Rau quả:
Theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập rau quả trên thế giới sẽ tăng. Ở Lào, chuối cũng là một thế mạnh. Các nước ưa chuộng mặt hàng chuối là Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, một số sản phẩm quả nhiệt đới mà Lào có thế
mạnh như dứa, xoài, đu đủ, bơ… Điều đặc biệt là phần lớn rau quả của Lào không chứa các hóa chất độc hại, do đó rất được người nước ngoài ưa chuộng. Nhưng hạn chế của Lào là ngành công nghiệp chế biến rau quả của Lào cũng còn rất yếu. Công nghệ chế biến còn lạc hậu, cũ kỹ không đáp ứng được nhu
cầu của thị trường, khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cả nước chỉ có 3
nhà máy và xưởng chế biến với công suất 5.000 tấn/năm, chỉ chiếm 5-7% sản
lượng rau quả.
Theo các chuyên gia, tiềm năng của ngành sản xuất rau quả ở Lào là quá lớn và quá rõ ràng nhờ lợi thế về đất đai, khí hậu, thời tiết và lao động nông thôn cần cù, chịu khó. Mặt hàng trái cây của Lào có tiềm năng rất lớn, chủng loại quả rất đa dạng nhưng năng suất còn thấp, mẫu mã và hình thức chưa đẹp. Vì vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu chỉ có thể thực hiện được khi ngành cây ăn quả Lào tăng chất lượng giống, tăng độ đồng đều của sản phẩm, giảm được giá thành, cải tiến bao bì và phát triển công nghệ chế biến, nghĩa là phải có sự quy hoạch và đầu tư đồng bộ từ đầu. Với sự hợp tác với các nước có nền sản xuất tiên tiến hơn sẽ giải quyết được vấn đề này.