1.1. Một số khía cạnh lý luận về hợp tác và hợp tác nônglâm nghiệp
1.1.3. Vai trò của hợp tác nông-lâm nghiệp giữa các nước
Về vai trò của hợp tác nông- lâm nghiệp thì nó không thể tách rời các vai trò của hợp tác nói chung. Đó là:
+ Hợp tác xuất phát từ mục đích tồn tại của con người và quốc gia.
Cuộc sống có quá nhiều mối đe dọa mà con người không thể đơn độc chống lại được. Thế giới ngày càng đối mặt với nhiều nguy cơ chung đe doạ sự tồn tại của nhân loại mà quốc gia không thể giải quyết riêng lẻ được. Vì sự tồn tại của mình, con người và quốc gia buộc liên kết thành nhóm. Không có hợp tác,
nhóm không tồn tại được. Nhóm không tồn tại, con người và quốc gia khó duy trì an ninh và sự tồn tại của mình. Như vậy, hợp tác chính là cơ sở của sự liên kết vì mục đích tồn tại. Còn hội nhập là hình thức liên kết sâu hơn. Hợp tác vì sự tồn tại đã được lịch sử nhân loại chứng tỏ. Con người đã tiến hành hợp tác ngay từ buổi bình minh của loài người nhằm đối phó với các nguy cơ đe doạ, nhằm đảm bảo các nhu cầu cơ bản vì sự tồn tại của mình.
+ Hợp tác nhằm đáp ứng lợi ích phát triển. Hợp tác chính là cách thức
tương tác có lợi cho sự phát triển. Muốn phát triển, phải có hợp tác. Hợp tác giúp phối hợp nguồn lực, thống nhất nỗ lực, nâng cao khả năng giải quyết các vì mục đích phát triển. Hợp tác đem lại những sự bổ sung cần thiết cho nhau để thực hiện các mục tiêu phát triển. Hợp tác giúp kết hợp các nguồn lực để đối phó với những vấn đề chung đặt ra. Cuộc sống và nhu cầu phát triển ngày càng đặt ra các yêu cầu lớn hơn, lợi ích phát triển của quốc gia ngày càng mở rộng ra bên ngoài biên giới. Hợp tác và hội nhập nói chung, hợp tác và hội nhập quốc tế nói riêng trở thành cách thức cơ bản để đạt được lợi ích đó. Thực tế lịch sử cũng cho thấy, hợp tác gắn liền với phát triển. Hợp tác càng mở rộng, cơ hội và điều kiện phát triển càng nhiều hơn, khả năng thực hiện lợi ích phát triển càng lớn hơn.
+ Hợp tác giúp làm giảm xung đột và duy trì hoà bình. Chúng giúp làm
giảm các khía cạnh tiêu cực của các nguyên nhân xung đột. Hợp tác và hội nhập không chỉ có thể làm giảm mức độ mâu thuẫn mà còn là cách thức giải quyết mâu thuẫn bằng con đường hoà bình. Đó cũng là cố gắng khai thác sự đa dạng cho mục đích phát triển và giảm thiểu sự bất đồng. Hợp tác và hội nhập được thiết lập nhằm phối hợp nguồn lực, giải quyết mâu thuẫn trên con đường phát triển. Thông qua hợp tác và hội nhập, những nỗ lực quản lý chung được hình thành, giúp giảm bớt tình trạng vô chính phủ. Thực tế đã phản ánh điều này với cố gắng hình thành các thể chế hợp tác chính trị toàn cầu như Hội Quốc Liên và Liên Hợp Quốc cũng như hàng loạt các cơ chế hợp tác an
ninh-chính trị khu vực. Ngay sự nở rộ các thể chế hợp tác chức năng kinh tế, văn hoá, xã hội không chỉ nhằm hạn chế xung đột trong các lĩnh vực này mà còn giúp nâng cao khả năng quản lý tình trạng vô chính phủ của thế giới, góp phần giảm thiểu những xung đột quyền lực trong quan hệ quốc tế (QHQT).
Hiện nay, hợp tác và hội nhập quốc tế đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến QHQT thế giới. Chúng là phương thức tương tác chủ yếu trong quan hệ kinh tế quốc tế, đóng góp rất lớn sự phát triển kinh tế thế giới. Chúng là phương thức hoạt động bao trùm trong các thể chế quốc tế và trong quan hệ của các chủ thể phi quốc gia. Chúng đang góp phần ngăn chặn và giải quyết nhiều cuộc xung đột quốc tế, đem lại cho nhân loại hi vọng vào nhiều hơn vào một nền hoà bình lâu dài. Ngoài ra, hợp tác và hội nhập còn giúp tạo thêm khả năng chung sống hoà bình bên cạnh mâu thuẫn và xung đột. Hợp tác và hội nhập quốc tế là động lực thúc đẩy toàn cầu hoá và khu vực hoá đang diễn ra khắp thế giới hiện nay.
Và hợp tác quốc tế về nông – lâm nghiệp thì đây là xu hướng tất yếu trong hội nhập và hợp tác quốc tế. Cũng như các lĩnh vực khác hợp tác quốc tế trong nông – lâm nghiệp là hết sức cần thiết. Bởi lẽ vai trò của hợp tác trong lĩnh vực này thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, bổ sung những lợi thế về tự nhiên và xã hội thuận lợi cho
việc phát triển nông – lâm nghiệp cho nhau. Trong thực tế hiếm có quốc gia nào có đủ các điều kiện để phát triển nông - lâm nghiệp một cách vững chắc. Vì thế, hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện để các bên khai thác được các lợi thế so sánh của nhau.
Thứ hai, hỗ trợ về nguồn nhân lực: Phát triển nông - lâm nghiệp nói
chung, đầu tư vào nông – lâm nghiệp nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn. Bản thân mỗi một quốc gia, nhất là các nước nghèo thường không đủ các nguồn lực. Vì vậy hỗ trợ về vốn, nhân lực là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp.
Thứ ba, tiếp thu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông – lâm
nghiệp. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật (KHKT) trong nông – lâm nghiệp ngày càng tăng và đạt được hiệu quả cao về giống, vật nuôi cây trồng… Những thành tựu này nếu được chuyển giao và được tiếp thu sẽ giúp cho các nước tăng năng suất trong nông - lâm nghiệp, giải quyết việc làm, đảm bảo môi trường, sinh thái, v.v…
Cuối cùng, hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ (KHCN) về
nông – lâm nghiệp sẽ giúp các nước bắt kịp sự phát triển của KHCN nông – lâm nghiệp tiên tiến trên thế giới và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, mỗi quốc gia cần hành động thế nào để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước mình trong bối cảnh dân số tăng, đất canh tác giảm, khí hậu thay đổi, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, v.v… Đây chính là nhiệm vụ đòi hỏi các nước phải có sự hợp tác mạnh mẽ và thiết thực hơn nhằm đóng góp có hiệu quả mới có thể giúp ngành nông - lâm nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.
Tiến hành hợp tác quốc tế ở mọi kênh, mọi cấp độ, từ nghiên cứu cơ bản tới nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ cần được khai thác tối đa để đảm báo góp phần xây dựng một nền KHCN nông - lâm nghiệp có cơ sở hạ tầng vững chắc, đồng bộ, luôn đổi mới, có lực lượng cán bộ giỏi, đủ sức tiếp cận với KHCN hiện đại nhất để áp dụng giải quyết các vấn đề nông - lâm nghiệp của đất nước là yêu cầu hợp tác về nông - lâm nghiệp giữa Việt Nam và Lào.