Hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch phát triển nông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ hợp tác việt nam lào trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (Trang 73 - 76)

2.3. Thực trạng hợp tác trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp giữa Việt

2.3.1. Hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch phát triển nông

Nam và Lào giai đoạn 2001-2011.

2.3.1. Hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp nông - lâm nghiệp

- Về xây dựng cơ sở hạ tầng nông lâm nghiệp:

Cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn là các hạng mục công trình như: Đường giao thông (trong bản, liên bản và liên huyện...), hệ thống thuỷ lợi (các công trình thuỷ nông tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp), hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện, công trình văn hoá thể thao, trạm y tế, trường học, hệ thống thông tin liên lạc, v.v... Có thể nói, cơ sở hạ tầng nông lâm nghiệp ở Lào trước đây rất yếu kém là nguyên nhân làm cho nông nghiệp Lào không thể phát triển, mãi ở trong tình trạng lạc hậu, yếu kém và manh mún.

Xuất phát từ tình hình này, trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực nông lâm nghiệp, Lào luôn đề nghị phía Việt Nam chú trọng giúp Lào nhằm xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông – lâm nghiệp. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với phía Việt Nam trong hợp tác giúp Lào về nông lâm nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ thường được cam kết trong các văn bản hợp tác về nông lâm nghiệp giữa Việt Nam và Lào. Các khoản viện trợ ODA hàng năm mà Việt Nam dành cho Lào đã chú trọng thích đáng các dự án có liên quan đến phát triển nông lâm nghiệp ở Lào. Trong đó, việc Việt Nam hợp tác để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng quy hoạch phát triển nông – lâm nghiệp ở Lào được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Có thể nói, bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam và Lào đã có những chuyển hướng cơ bản trong lĩnh vực hợp tác nông lâm nghiệp. Từ hình thức hợp tác chủ yếu là hỗ trợ Lào phát triển nông nghiệp và nông thôn ở một số vùng cụ thể, đã chuyển sang kết hợp giữa hoạch định chiến lược phát triển nông lâm nghiệp với

quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thủy nông và sản xuất lương thực trên các cánh đồng lớn của Lào nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời hỗ trợ trực tiếp để phát triển nông thôn và thủy lợi ở các vùng biên giới hai nước.

Trước những năm 2000, một số công trình thủy nông quan trọng ở Lào do Việt Nam giúp xây dựng đã mang lại hiệu quả tưới tiêu rất tốt, như hệ thống kênh tưới tiêu hồ Nậm Souang và đập tràn điều tiết nước Kơnơn tại Phôn Xủng; hệ thống kênh tưới nước Nậm Thi và 10 công trình thủy lợi nhỏ ở Lak Xao (tỉnh Bolikhamxay) đã tưới nước cho gần 200 ha lúa mùa và 1.000 ha vụ chiêm. Hệ thống thủy lợi Ka Túp, Pha Lin, Vat That ở tỉnh Chăm Pa xắc cũng giúp tăng diện tích đất canh tác cho nông dân địa phương từ 12 ha lên 1.000 ha và giúp tăng năng suất lúa từ 1,5 tấn/ha lên tới 4,5 tấn/ha vào năm 2000.

Từ sau năm 2000 đến nay, Việt Nam đã giúp Lào trong nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông - lâm nghiệp, đặc biệt là các công trình thủy nông phục vụ trực tiếp cho việc tưới tiêu. Đó là dự án phát triển thủy lợi tả ngạn sông Nậm Ngừm (tỉnh Viêng Chăn) nhằm tưới tiêu cho khoảng 20.000 ha đất canh tác. Về sau dự án này được hai phía mở rộng nhằm tăng diện tích đất canh tác được tưới tiêu lên tới 40.000 ha.

Tới năm 2003, hai bên Việt Nam và Lào đã ký kết triển khai dự án khảo sát, thiết kế công trình thủy lợi Nọng Lun và Kang Da (tỉnh Khăm Muộn). Tiếp đó, năm 2004, công trình thủy lợi Đông Phu Xỉ (ngoại ô Thủ đô Viêng Chăn) đã được khánh thành bao gồm hạng mục kênh chính và hàng chục ki-lô-mét kênh phụ phục vụ cho việc tưới tiêu 1.020 ha đất canh tác của cánh đồng Viêng Chăn.

Một công trình thủy lợi quan trọng khác là công trình Thà Phạ Nông Phông (tỉnh Viêng Chăn) được khởi công từ năm 2001, kết thúc và được đưa vào sử dụng từ năm 2005 đã phục vụ tưới tiêu cho 1.100 ha đất canh tác.

Ngoài ra, Việt Nam đã hợp tác giúp Lào điều tra quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở kết hợp quy hoạch nông – lâm – thủy lợi. Triển khai công tác khảo sát thiết kế và xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giếng bơm nước, trạm trại nông nghiệp, cụm cơ khí nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thị trên cả nước Lào.

- Về quy hoạch nông lâm nghiệp: Việt Nam và Lào đã hợp tác quy

hoạch sản xuất lương thực tại 7 cánh đồng lớn của Lào là: Cánh đồng Viêng Chăn, Chăm Pa Xắc, Khăm Muộn, Savanakhet, Xê Đôn, Attapư, Bolikhamxay. Công tác quy hoạch 7 cánh đồng đó đã hoàn thành vào đầu năm 2000 và công tác quy hoạch tiếp tục được hai bên đẩy mạnh hợp tác theo chiều sâu từ năm 2005 đến nay. Đó là việc hợp tác giúp nhau điều tra khảo sát tài nguyên rừng; lập quy hoạch các loại rừng phòng hộ, khai thác, tu bổ và tái sinh rừng; lập kế hoạch khai thác, chăm sóc, tu bổ và trồng mới rừng ở một số nơi trọng điểm; quy hoạch xây dựng một số vườn ươm cây con, xây dựng các lâm trường làm cơ sở cho việc chăm sóc, tu bổ rừng và trông rừng ở những nơi đã được chính phủ Lào quy hoạch; mở rộng hợp tác trong việc khai thác kinh doanh rừng hợp lý, bao gồm cả việc chăm sóc, tu bổ trồng rừng mới, bảo vệ và tái sinh nguồn tài nguyên rừng.

Dự kiến, trong thời gian tới, ngành nông lâm nghiệp hai nước sẽ tăng cường các hợp tác song phương và đa phương để thực hiện các cam kết công ước khu vực và quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chống suy thoái và mất rừng; đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, tăng cường quản trị, thực thi luật lâm nghiệp và thương mại lâm sản, tiếp tục thực hiện các dự án như: Xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Lào; dự án Phân vùng nông nghiệp toàn quốc ở Lào. Đồng thời thực hiện một số dự án mới trong năm 2011-2012 như: Quy hoạch phát triển thủy sản Lào giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh

nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai của Lào; nâng cấp Trạm Kiểm dịch động vật tại cửa khẩu Densavan, huyện Sepôn (tỉnh Savanakhet); dự án chuyển giao phần mềm quản lý lũ và hạn hán, v.v...

Những công trình tiêu biểu cả về quy mô lẫn chất lượng Việt Nam đã hợp tác với Lào trong giai đoạn 2000-1011:

1. Hai công trình thủy lợi Đông-phô-sỷ và Thà-phạ-nông-phông. Hoàn thành tháng 8/2008. Trị giá : 140 tỷ đồng.

2. Quy hoạch phân vùng cây công nghiệp Nam Lào. Kinh phí : 4,4 tỷ đồng 3. Dự án Hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn và sản xuất hàng hóa các bản vùng tưới Đông-phô-sỷ và Thà-phạ-nông-phông. Kinh phí: 38,5 tỷ đồng

4. Dự án phân vùng nông nghiệp toàn quốc Lào. Kinh phí: 10 tỷ đồng 5. Dự án Xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Kinh phí : gần 5,7 tỷ đồng

Tất cả các công trình, dự án này được xây dựng và hoàn thành với số vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ hợp tác việt nam lào trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)