Trong phần trước, chúng ta thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau của các nhà kinh tế và các học giả tiền tệ về bản chất của lạm phát. Từ đó, người ta cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Nhưng nhìn chung, có thể phân ra thành 2 loại nguyên nhân:
1) Những nguyên nhân liên quan đến số cầu
Có thể nói đây là tập hợp của một nhóm các nguyên nhân khiến cho số cầu tăng quá mức cần thiết làm số cung không kịp đáng ứng. Số cầu ở đây là nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ thể hiện ở trào lượng tiền tệ (MV), và gia tăng chủ yếu do 2 yếu tố:
Số lượng tiền tệ M gia tăng
Tốc độ lưu thông tiền tệ V gia tăng Hoặc cả 2 yếu tố M và V cùng gia tăng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho số lượng tiền tệ M gia tăng, nhưng quan trọng và thường thấy nhất là do thâm hụt ngân sách. Sai biệt giữa số chi và số thu ngân sách trong trường hợp có thiếu hụt sẽ được tài trợ bằng cách: vay mượn trong nước, vay mượn nước ngoài và vay mượn NHTW. Ở trường hợp sau cùng, vay mượn NHTW, đưa đến sự gia tăng khối lượng tiền tệ M. Ngoài ra, tâm lý thích tiêu dùng hay tiết kiệm của dân chúng đưa đến sự gia tăng tốc độ lưu thông tiền tệ V cũng là nguyên nhân
gia tăng số cầu. Dân chúng có khuynh hướng tiết kiệm, tốc độ lưu thông tiền tệ V giảm. Ngược lại, dân chúng có khuynh hướng thích tiêu dùng, tốc độ gia tăng tiền tệ V tăng.
2) Những nguyên nhân liên quan đến số cung
Đây là hệ thống các nguyên nhân khiến cho số cung giảm hay không tăng kịp số cầu. Số cung ở đây là cung về hàng hóa, dịch vụ thể hiện ở số lượng hàng hóa dịch vụ T có thể trao đổi với trào lượng tiền tệ MV. Các nguyên nhân khiến cho T giảm hay không thể tăng lên được nữa bao gồm:
Nền kinh tế đi gần đến mức toàn dụng, nghĩa là các yếu tố sản xuất như nhân công, nguyên liệu, công suất máy móc, thiết bị gần như đã tận dụng hết.
Có yếu tố mắc nghẽn (bottle neck)
Tình trạng mắc nghẽn là tình trạng nền kinh tế gặp trở ngại khiến cho sản xuất không thể gia tăng, chẳng hạn như:
Tình trạng các yếu tố sản xuất bị mất cân đối, thặng dư ở nơi này nhưng lại thiếu hụt ở nơi khác, ví dụ tình trạng “ngăn sông cấm chợ” trước đây khiến cho tình hình lưu thông hàng hóa bị tắt nghẽn;
Tình hình thuế khóa nặng nề, chồng chéo khiến cho sản xuất gặp nhiều khó khăn; Chính sách xuất khẩu vướng mắc khiến nguyên, nhiên liệu, vật tư,… nhập khẩu phục vụ sản xuất khó khăn;
Thủ tục hành chính phiến toái làm cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Mặc dù về lý luận, lạm phát chính yếu do 2 nguyên nhân liên quan đến số cầu và liên quan đến số cung nhưng thực tế cho thấy lạm phát do tác động của cả 2 nguyên nhân vừa cầu tăng, vừa cung thiếu.