1) Thuyết giao dịch tiền tệ của Fisher
Đầu thế kỷ 20, nhà kinh tế học Irving Fisher đưa ra phương trình trao đổi, góp phần quan trọng trong việc mở ra một thời kỳ mới cho các học thuyết tiền tệ hiện đại.
Nếu gọi M là số lượng tiền tệ, Vt là tốc độ lưu thông tiền tệ, tức là số lần tiền tệ được trao đổi cho mục đích giao dịch, Pt là giá cả trung bình của mỗi giao dịch, và T là tổng số lần giao dịch phát sinh trong kỳ, phương trình trao đổi của Fisher có dạng như sau:
MVt = PtT (1)
Chẳng hạn số lượng tiền tệ là 400 tỷ USD quay 6 vòng/năm thì tổng doanh số giao dịch (PtT) sẽ là 2.400 tỷ USD. Bằng cách giả định rằng, tốc độ vòng quay đồng tiền và số lần giao dịch tiền tệ được quyết định một cách độc lập với số lượng tiền tệ và giá cả thì phương trình trao đổi biến thành lý thuyết về sự biến động của giá cả:
Pt = (Vt /T)M (2)
Phương trình (2) cho thấy rằng mức giá cả chung tỷ lệ thuận với số lượng tiền tệ. Theo Fisher, trong thời gian ngắn, tốc độ vòng quay đồng tiền và số lần giao dịch xem như bất biến. Do đó, phương trình (2) được viết lại thành
Pt = (k)M, với k = Vt /T là hằng số
Trong trường hợp này, thuyết giao dịch tiền tệ trở thành thuyết số lượng tiền tệ, hay nói khác đi, thuyết giao dịch tiền tệ phản ánh cả nội dung của thuyết số lượng tiền tệ.
Trong phương trình (1), T là số lần các giao dịch tiền tệ được thực hiện trong kỳ và như vậy, nó bao gồm cả những giao dịch trung gian lẫn những giao dịch sản phẩm cuối cùng.
Để minh họa điều này, ta lấy ví dụ sau đây: Một người mua 1 tấm vải với giá 200.000 đồng về may thành chiếc áo với giá tiền công là 100.000 đồng và bán ra với giá 400.000 đồng. Tổng số lần giao dịch ở đây là 3 và tổng số giao dịch bằng tiền là 700.000 đồng. Tuy nhiên thu nhập tạo ra chỉ có 400.000 đồng (bao gồm 200.000 đồng của người thợ dệt, 100.000 đồng của người thợ may và 100.000 đồng của người bán quần áo). Nếu tính tổng thu nhập là 700.000 đồng tức là ta đã tính trùng lắp thu nhập của người thợ dệt và thợ may vào thu nhập của người bán quần áo.
Như vậy, trong T chỉ kể đến những giao dịch sản phẩm sau cùng chứ không kể các giao dịch sản phẩm trung gian.
Ngoài ra, do trên thực tế khó xác định được tổng số lần giao dịch tiền T trong nền kinh tế, trong khi có thể xác định tổng số chi tiêu để mua hàng hóa và dịch vụ là PY với P là mức giá cả trung bình của sản phẩm sản xuất ở giai đoạn sau cùng và Y là tổng sản phẩm thật sự sản xuất ra trong kỳ, nên vế phải của phương trình trao đổi của Fisher (PtT) được thay bằng PY và phương trình được viết lại thành:
MV = PY và P = MV/Y (3)
Trong đó, M là số lượng tiền tệ, V là tốc độ vòng quay của những đồng tiền trực tiếp sinh lợi tức, tức là số lần đồng tiền thực hiện trao đổi sản phẩm ở giai đoạn sản xuất sau cùng, P là mức giá trung bình, và Y là tổng sản phẩm sản xuất ở giai đoạn sau cùng. Phương trình (3) được gọi là phương trình trào lượng lợi tức.
3) Thuyết tiền tệ Cambridge
Trong lúc Fisher đang phát triển và bổ sung lý thuyết định lượng tiền tệ, các nhà nghiên cứu khác thuộc đại học Cambridge bao gồm Alfred Marshall và A.C. Pigou cũng tiến hành nghiên cứu và đưa ra lý thuyết được gọi là lý thuyết kết dư tiền mặt (Theory of cash balances). Về mặt số học, lý thuyết này cũng giống như lý thuyết giao dịch tiền tệ của Fisher nhưng về mặt ý nghĩa kinh tế nó có một số khác biệt đáng chú ý sau đây:
Lý thuyết kết dư số tiền mặt tập trung xem xét tiền tệ như một phương tiện cất trữ hay bảo tồn giá trị trong khi lý thuyết giao dịch tập trung xem xét chức năng trao đổi của tiền tệ;
Lý thuyết kết dư số tiền mặt xem tiền tệ như là một tài sản đồng thời còn chú ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến cung và cầu tiền tệ. Cầu tiền tệ của mỗi cá nhân tỷ lệ thuận với thu nhập của họ trong khi tổng cầu tiền tệ tỷ lệ thuận với tổng thu nhập. Tổng cầu tiền tệ được xác định bởi công thức:
MD = kPY
Trong đó: MD là cầu tiền tệ K là hệ số tỷ lệ
P là giá cả trung bình của một đơn vị sản phẩm sản xuất sau cùng Y là tổng sản phẩm thực trong một thời kỳ nào đó
Trong điều kiện cân bằng, tức cung và cầu tiền tệ bằng nhau thì : MD = M kPY = PY/V => V = 1/k
Như vậy, phương trình trao đổi trào lượng lợi tức và phương trình kết số tiền mặt giống nhau, nhưng phương trình kết số tiền mặt giúp chúng ta hiểu được tại sao sự thay đổi số lượng tiền tệ đưa đến thay đổi giá cả.
4) Thuyết tiền tệ của Keynes
Trong tác phẩm nối tiếng có tên là Lý thuyết chung về nhân dụng, tiền lời và tiền tệ (The general theory of Employment, Interest and Money), John Maynard Keynes từ bỏ quan niệm cổ điển cho rằng tốc độ lưu thông tiền tệ là một hằng số và phát triển lý thuyết cầu tiền tệ trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của lãi suất. Trong lý thuyết về sự ưa thích tiền mặt, Keynes nêu ra 3 lý do khiến người ta thích tiền mặt là: động cơ giao dịch, động cơ dự phòng và động cơ đầu cơ.
a) Cầu tiền tệ cho giao dịch
Cách tiếp cận cổ điển của Fisher và Cambridge cho rằng các cá nhân giữ tiền vì đó là phương tiện trao đổi có thể dùng để tiến hành các giao dịch hàng ngày. Theo truyền thống đó, Keynes nhấn mạnh bộ phận cầu tiền tệ cho giao dịch do mức giao dịch của dân chúng quyết định và Keynes tin rằng mức giao dịch đó tỷ lệ thuận với mức thu nhập, cho nên, cũng như các nhà kinh tế cổ điển, Keynes cho rằng cầu tiền tệ cho giao dịch tỷ lệ thuận với mức thu nhập
b) Cầu tiền tệ cho dự phòng
Đi xa hơn các lý thuyết cổ điển, Keynes thừa nhận rằng ngoài việc giữ tiền cho giao dịch hàng ngày người ta còn giữ tiền dùng cho những nhu cầu bất ngờ. Đây chính là cầu tiền tệ cho dự phòng. Keynes tin rằng số tiền dự phòng người ta cần nắm giữ được xác định bởi mức độ các giao dịch người ta sẽ thực hiện trong tương lai mà mức độ các giao dịch này lại tỷ lệ thuận với thu nhập cho nên suy cho cùng, cầu tiền tệ cho dự phòng cũng tỷ lệ thuận với mức thu nhập.
c) Cầu tiền tệ cho đầu cơ
Tuy đồng ý với các nhà kinh tế Cambridge rằng tiền tệ là phương tiện cất trữ của cải, nhưng Keynes gọi động cơ giữ tiền này là cầu tiền tệ cho đầu cơ. Cũng như các nhà kinh tế Cambridge, Keynes cũng cho rằng của cải gắn liền với thu nhập cho nên bộ phận cầu tiền tệ cho đầu cơ này cũng gắn liền với thu nhập. Tuy nhiên, Keynes quan tâm cẩn thận hơn đến những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định bao nhiêu tiền được cất trữ như của cải và khác với các nhà kinh tế Cambridge, Keynes cho rằng ngoài thu nhập, lãi suất đóng vai trò quan trọng quyết định cầu tiền tệ cho đầu cơ.
Tổng hợp các bộ phận cấu thành cầu tiền tệ và các yếu tố tác động đến cầu tiền tệ, Keynes đưa ra phương trình cầu tiền tệ như sau:
MD/P = f(i,Y)
- +
Dấu (-) có nghĩa là cầu tiền tệ (MD) có quan hệ nghịch biến với lãi suất (i) trong khi dấu (+) chỉ ra rằng cầu tiền tệ có quan hệ đồng biến với mức thu nhập (Y).